Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Trữ lượng cát ở ĐBSCL sẽ cạn kiệt trong 10 năm nữa

Trữ lượng cát của Đồng bằng sông Cửu Long chỉ tồn tại tối đa một thập kỷ nữa, nếu duy trì tốc độ khai thác như hiện nay, theo TS Sepehr Eslami.


Dự báo trên được TS Sepehr Eslami (Trưởng nhóm tư vấn Liên doanh Deltares) công bố tại Hội thảo về xây dựng ngân hàng cát cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chiều 29/9, do Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cùng Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) đồng tổ chức.

Kết quả nghiên cứu cho năm 2022, lượng cát đổ về từ thượng nguồn Mekong vào Việt Nam qua sông Tiền (Tân Châu, An Giang và Hồng Ngự, Đồng Tháp) và sông Hậu (Châu Đốc, Đồng Tháp) ước tính 2-4 triệu m3. Con số này thấp hơn nhiều so với ước tính trước đây là 6,8-7 triệu tấn. Trong khi đó, lượng cát đổ ra cửa Biển Đông là 0-0,6 triệu m3, và lượng cát khai thác hàng năm trong giai đoạn 2017-2022 từ 35-55 triệu m3.

Số liệu này được tính dựa trên dữ liệu vận chuyển tải lượng đáy, lưu lượng nước, tốc độ dòng chảy, hàm lượng trầm tích lơ lửng, mực nước, từ đó lập mô hình phân tích mô tả sông Mekong từ hồ Tonle Sap ở Campuchia đến ĐBSCL, và thêm 70 km thềm lục địa ngoài khơi.

Như vậy, trữ lượng ngân hàng cát ở miền Tây hiện âm 42,3 triệu m3 - bằng trung bình của trữ lượng cát đầu vào (3) trừ đi đầu ra (0,3) và lượng cát bị khai thác (45). Trong khi đó, để dòng sông duy trì được trạng thái cân bằng (không gây sạt lở), trữ lượng cho ngân hàng cát phải dương hoặc bằng 0.

Cát ở đáy sông hiện chính là nguồn bù đắp cho 42,3 triệu m3 bị thiếu hụt trong ngân hàng cát. "Nếu tiếp diễn tình trạng khai thác như hiện tại, trữ lượng cát đáy sông sẽ chỉ đủ dùng đến khoảng năm 2035. Nếu giảm lượng khai thác thêm 5% mỗi năm, trữ lượng này có thể duy trì đến 2040, ngược lại, sẽ cạn kiệt vào 2030", TS Sepehr Eslami đưa ra ba kịch bản dự báo.

Ngân hàng cát là ẩn dụ cho trữ lượng cát có thể khai thác tại một lưu vực, dựa trên 4 yếu tố: lượng cát đổ vào, đổ ra, bị khai thác, và hiện có ở đáy sông. Đây là nghiên cứu đầu tiên trên thế giới đo đạc trữ lượng cát ở quy mô toàn đồng bằng. Trước đây, các dự án tương tự chỉ đo trầm tích sông (trong đó có cát).

Khái niệm này được xây dựng nhằm cung cấp một công cụ để quản lý cát bền vững, tạo sự cân bằng trầm tích tại ĐBSCL trong bối cảnh cần cát cho phát triển kinh tế, nhưng lại phải đối mặt với sạt lở và xâm nhập mặn. Đến cuối năm 2022, ĐBSCL có 596 vị trí sạt lở bờ sông (582,7km) và 48 sạt lở bờ biển (221,7km), trong đó 99 điểm đặc biệt nguy hiểm, đe doạ hệ sinh thái và đời sống hàng triệu người.

Còn bao nhiêu cát dưới đáy sông?

Theo chuyên gia, tổng trữ lượng cát đáy sông hiện tại ở ĐBSCL là 367-550 triệu m3. Lượng cát này được tích luỹ qua hàng trăm năm, giúp duy trì tính ổn định cho hình thái sông - giống như móng của ngôi nhà. Nếu trữ lượng bị "vay mượn" quá khả năng bồi hoàn của dòng sông, sẽ để lại các hố sâu khiến con sông "rỗng bụng" và tự bù đắp bằng cách "ngoạm" đất từ hai bên bờ, gây nên hiện tượng sạt lở.

Phân bố cát dọc sông Mekong thông qua ước tính trữ lượng cát cao và thấp cho thấy, thượng nguồn sông Tiền và sông Cổ Chiên (Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long) có trữ lượng cát cao nhất, sau đó là sông Hậu. Cụ thể, trữ lượng ở Đồng Tháp là 75-93 triệu m3, hay Cần Thơ là 32-48 triệu m3.

Trữ lượng cát thấp hơn đáng kể ở hạ lưu sông Mekong và sông Hàm Luông. Càng về cửa biển, lượng cát càng giảm. Tuy nhiên, một số vùng ở giữa sông Tiền và sông Hậu không còn cát do bị khai thác quá mức (vùng không màu trên bản đồ).

Lượng cát ở đáy sông được tính bằng kỹ thuật đo đạc địa chấn tầng nông. Nhóm cũng đối chiếu với dữ liệu địa hình đáy sông từ phương pháp đo sâu hồi âm đa tia, và dữ liệu lỗ khoan địa chất do các tỉnh cung cấp để kiểm tra độ tin cậy.

Bản đồ phân bố trữ lượng cát hiện có ở đáy sông tại ĐBSCL năm 2022 theo ước tính thấp và cao

Về chất lượng, cát ở thượng lưu mịn hơn, và càng về hạ lưu - hướng ra Biển Đông - thì chuyển dần sang cát bùn với thành phần chính là sét. Cát thô và trung bình phù hợp cho xây dựng (đổ bêtông), cát mịn đến rất mịn thường dùng để san lấp nền.

Bản đồ phân bố thành phần trầm tích đáy sông của ĐBSCL

Cát đang được khai thác ra sao?

Theo nghiên cứu này, tốc độ khai thác cát tại miền Tây có xu hướng tăng từ năm 2017 đến 2020 cả về số điểm và tốc độ. Từ 2021, xu hướng này đảo chiều theo đà giảm. Năm 2022, tốc độ khai thác là 35-55 triệu m3. Số liệu này cao hơn các nghiên cứu tương tự từng thực hiện từ năm 2013 đến 2022.

Tuy nhiên, hạn chế là dữ liệu này không tính được lượng cát bị khai thác trái phép vào ban đêm. Cụ thể, nhóm nghiên cứu sử dụng ảnh vệ tinh để ghi nhận hoạt động của tàu khai thác cát (sà lan có cần cẩu) từ 7h đến 17h, nhân với công suất. Do không có ảnh vệ tinh ban đêm, các chuyên gia không thể giám sát hoạt động của tàu cát "chui". Đến nay, Việt Nam cũng chưa có nghiên cứu nào giám sát được số liệu này.

Từ năm 2017 đến 2022, số lượng tàu khai thác cát ở ĐBSCL càng tăng, tương ứng trữ lượng cát bị khai thác càng nhiều

Nhóm nghiên cứu dự báo nếu trữ lượng cát bị khai thác hết (500 triệu m3), đáy sông sẽ sâu thêm 0,5-1 m. Hệ quả là thêm 180-200 nghìn ha sẽ bị ảnh hưởng mặn (tăng 10 %) và biên độ thuỷ triều sẽ tăng thêm 6-8 cm. Tình trạng sạt lở và sụt lún cũng sẽ nghiêm trọng hơn.

Để khai thác cát bền vững, duy trì sự ổn định của ĐBSCL, ông Hà Huy Anh, Quản lý Quốc gia Dự án Quản lý Cát Bền vững ở ĐBSCL (WWF) khuyến nghị chính quyền sử dụng ngân hàng cát như công cụ để lập kế hoạch khai thác và quy hoạch quản lý cát sông toàn châu thổ.

Kế hoạch này cần xem xét cả trữ lượng hiện có dưới đáy sông và lượng cát đổ về từ thượng nguồn. Việc quản lý cát sông nên được điều phối bởi một cơ quan cấp vùng thay vì các tỉnh riêng lẻ theo ranh giới hành chính như hiện nay. Về lâu dài, Việt Nam nên hạn chế khai thác cát sông và hướng tới sử dụng vật liệu thay thế.

Ông dẫn chứng, Hà Lan và các quốc gia ở thượng lưu đồng bằng sông RhineMeuse đã cấm khai thác cát sông từ đầu thế kỷ 20 khi nhận ra cát không thể được bồi hoàn bởi các con sông đã bồi đắp nên đồng bằng. Hầu hết quốc gia phương Tây (Pháp, Anh, Mỹ, Canada...) cũng cấm khai thác cát sông từ lâu. Thay vào đó, họ sản xuất cát nghiền từ mỏ đá, tái chế phế thải xây dựng, thiết kế công trình tiết kiệm vật liệu.

Nhiều đại biểu tại hội thảo đánh giá nghiên cứu này mở ra hướng mới trong quản lý tài nguyên cát trên toàn lưu vực sông ĐBSCL, đồng thời đặt câu hỏi về khuyến cáo của WWF liên quan đến mức độ khai thác cát từng khu vực.

Giám đốc Đài khí tượng Thuỷ văn khu vực Nam bộ Lê Ngọc Quyền, nói quan trắc lượng cát di chuyển toàn đồng bằng là bài toán khó và chưa từng được thực hiện. Nghiên cứu này có ý nghĩa trong quản lý cát tổng thể và dài hạn, dự báo được nguồn cát di chuyển hàng năm để đánh giá trữ lượng, cân bằng trong khai thác tài nguyên và phát triển kinh tế.

"Thực tế lượng cát bù vào không thể thay thế lượng khai thác hàng năm. Nếu như thế này thì tốc độ sạt lở sẽ rất lớn", ông Quyền nói.

Đại diện WWF, ông Hà Huy Anh cho biết dự án đang xây dựng nghiên cứu về duy trì tính ổn định hình thái sông, dự kiến công bố vào tháng 10. Trong đó, nhóm sẽ tính toán mối liên hệ giữa ảnh hưởng của việc thiếu cát đáy sông đến sạt lở hai bên bờ tại 5 điểm trên sông Tiền và sông Hậu. Nghiên cứu cũng xây dựng bản đồ rủi ro cho toàn đồng bằng, khuyến nghị vị trí nên tiếp tục khai thác cát hoặc dừng, tuỳ độ nhạy cảm của lòng sông.

Kết luận, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết kết quả là cơ sở để chính quyền nghiên cứu phương án phát triển kinh tế xã hội bền vững và bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai.