BÁO CÁO NHANH
Công tác phòng, chống thiên tai ngày 17/11/2023
I. TÌNH HÌNH THỜI TIẾT, THIÊN TAI
1. Tin lũ trên sông Kôn và cảnh báo lũ trên các sông ở Thừa Thiên Huế
Hiện nay, lũ trên các sông ở Thừa Thiên Huế đang xuống chậm, lũ hạ lưu sông Kôn (Bình Định) đã đạt đỉnh và đang xuống.
Mực nước lúc 06h00 ngày 18/11 trên các sông như sau:
- Sông Bồ (Thừa Thiên Huế) tại Phú Ốc 2,76m, dưới BĐ2 0,24m;
- Sông Hương (Thừa Thiên Huế) tại Kim Long 1,53m, dưới BĐ2 0,47m;
- Sông Kôn (Bình Định) tại Thạnh Hòa 7,16m, trên BĐ2 0,16m.
* Dự báo: trong 36 giờ tới, lũ hạ lưu sông Kôn, các sông ở Thừa Thiên Huế tiếp tục xuống; mực nước hạ lưu sông Kôn ở mức BĐ2, các sông ở Thừa Thiên Huế xuống dưới mức BĐ1.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ: cấp 2.
2. Tin dự báo gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên biển
Ngày 18-19/11, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 3,0-5,5m, biển động mạnh; vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, khu vực giữa biển Đông và vùng biển phía Tây khu vực Nam biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Đông Bắc cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 3,0-5,5m, biển động mạnh. Ngoài ra, khu vực Nam biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2.
3. Tình hình mưa
- Mưa ngày (19h/16/11-19h/17/11): Khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 60-90mm (tập trung vào đêm 16/11 và rạng sáng ngày 17/11); một số trạm mưa lớn hơn như: Suối Đá (Đà Nẵng): 113mm; Ba Điền (Quảng Ngãi): 138mm; Hồ Núi Một (Bình Định): 165mm; Bình Định (Bình Định): 151mm; Ea M'Đoal (Đắk Lắk): 111mm.
- Mưa đêm (19h/17/11-07h/18/11): Các khu vực trên cả nước rải rác có mưa nhỏ hoặc không mưa, lượng mưa phổ biến dưới 20mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Đảo Hòn Dốc (Kiên Giang) 46mm; Hương Khê (Hà Tĩnh) 29mm.
- Mưa đợt (19h/12/11-19h/17/11): Từ ngày 13/11 đến nay, do ảnh hưởng của không khí lạnh, các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Phú Yên đã có mưa to đến rất to, trong đó Thừa Thiên Huế có mưa từ 600-1.100mm, có nơi trên 1.300mm (đặc biệt mưa cường suất rất lớn 957mm/ngày (Thượng Quảng)); Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi có mưa từ 300-500mm, có nơi trên 600mm; Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên mưa 200-300mm. Một số trạm có mưa rất lớn như: Thượng Lộ (TT.Huế): 1.321mm, Rào Trăng 4 (TT.Huế): 1.230mm, Khe Tre (TT.Huế): 1.175mm, Trung tâm GD-DN 05-06 (Đà Nẵng): 851mm, Phước Hiệp (Quảng Nam): 998mm, Trà My (Quảng Nam): 895mm, Ba Điền (Quảng Ngãi): 1.160mm.
II. TÌNH HÌNH THUỶ VĂN
1. Các sông khu vực Bắc Bộ
Lúc 07h/18/11 mực nước trên sông Hồng tại trạm Hà Nội là 1,06m; trên sông Thái Bình tại Phả Lại là 0,67m.
2. Các sông khu vực Nam Bộ
- Mực nước sông Cửu Long biến đổi chậm theo triều. Mực nước cao nhất ngày 17/11 trên sông Tiền tại Tân Châu là 2,36m; trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,41m.
- Dự báo: Mực nước sông Cửu Long sẽ xuống theo triều. Đến ngày 21/11, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 2,20m và tại Châu Đốc ở mức 2,22m.
III. TÌNH HÌNH HỒ CHỨA, ĐÊ ĐIỀU
1. Hồ chứa tỉnh Thừa Thiên Huế (Lúc 06h00 ngày 18/11):
- Hồ Tả Trạch: Htl: 45,81m (MNDBT: 45m); Qvề = 328m3/s. Qxả = 455m3/s.
2. Hồ chứa thuỷ điện
- Khu vực Bắc Trung Bộ: Có 04 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn.
- Khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ: Có 16 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn.
- Khu vực Tây Nguyên: Có 21 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn.
3. Hồ chứa thuỷ lợi
- Khu vực Bắc Trung Bộ: Lượng nước trữ trong hồ chứa hiện tại đạt trung bình khoảng 85% - 100% DTTK, trong đó: Hà Tĩnh 100%, Quảng Trị 98%, TT. Huế 94%.
- Khu vực Nam Trung Bộ: Lượng nước trữ trong hồ chứa hiện tại đạt khoảng từ 65% đến 100% DTTK, trong đó: Quảng Nam 100%.
- Khu vực Tây Nguyên: Lượng nước trữ trung bình các hồ đạt khoảng 84% - 98% dung tích thiết kế, trong đó: Đăk Nông 95%, Lâm Đồng 98%.
4. Tình hình đê điều
Trong ngày trực ban không nhận được thông tin về sự cố đê điều.
IV. TÌNH HÌNH NGẬP LỤT, THIỆT HẠI
Theo Báo cáo nhanh của Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố[1], từ ngày 13-17/11 mưa lớn, dông lốc, lũ, ngập lụt đã gây thiệt hại như sau:
- Về người: 07 người chết, 02 người mất tích (Quảng Trị: 03 người chết; T.T.Huế 03 người chết; Quảng Nam: 01 người mất tích; Bình Định: 01 người chết; Phú Yên 01 người mất tích; tăng 03 người chết, mất tích so với ngày 16/11).
- Về nhà: Tại T.T.Huế còn 1.000 nhà ngập ngoài sân, vườn ở mức khoảng 0,2m. Thời điểm lớn nhất 20.761 nhà ngập, nơi sâu nhất đến 1,0m (Quảng Trị: 3.064 nhà, T.T.Huế: 17.453 nhà; Đà Nẵng: 83 nhà, Quảng Ngãi: 140 nhà).
- Về nông nghiệp: 492 ha lúa, cây ăn quả, hoa màu (Quảng Trị: 123ha; Đà Nẵng: 04ha, Khánh Hoà: 365ha) và 50.000 cây giống lâm nghiệp, 5.000 cây hoa cúc giống (Quảng Trị).
- Về chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản: 1.602 con gia súc, gia cầm (Quảng Trị: 1.014, Đà Nẵng: 56, Quảng Nam: 09, Quảng Ngãi: 01, Phú Yên: 522); 3,65 ha nuôi trồng thuỷ sản (Quảng Trị: 2,35; Quảng Nam: 1,3).
- Về giao thông: Thời điểm lớn nhất 85% các tuyến đường tại Tp.Huế bị ngập; ngập lụt gây ách tắc tại các tuyến đường Quốc lộ 1A, 49B, 49C (T.T.Huế, Quảng Trị), tỉnh lộ 582, 582B, 584, 4, 6, 6B, 8C, 9, 11A, 11B, 11C, 17, 17B, nhiều tuyến đường liên thôn, xã (Quảng Trị, T.T.Huế). Hiện nước đang rút, quốc lộ 1A đã thông tuyến. Sạt lở tuyến giao thông Quốc lộ 27C qua địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hoà) đã thông tuyến.
V. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ỨNG PHÓ
1. Trung ương
- Vào 18h ngày 16/11/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo QG về PCTT Trần Lưu Quang đã chủ trì họp với các Bộ, ngành và tỉnh Thừa Thiên Huế để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ.
- Ngày 15/11/2023, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1095/CĐ-TTg về việc tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại khu vực Trung Bộ.
- Ban Chỉ đạo QG về PCTT - Uỷ ban Quốc gia ƯPSC,TT và TKCN có Công điện số 17/CĐ-QG ngày 12/11/2023 ứng phó mưa, lũ từ Thanh Hoá đến Phú Yên.
- Các Bộ: Công An, Quốc phòng, Công Thương, Y tế có Công điện chủ động ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất.
- Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo QG về PCTT đã có 04 Công văn (416/VPTT, 421/VPTT, 424/VPTT và 429/VPTT )[2] về chủ động ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất gió mùa Đông Bắc, gió mạnh trên biển và mưa lớn và vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn hạ du lưu vực sông Hương; đã phối hợp gửi tin nhắn trên ứng dụng Zalo cảnh báo và khuyến cáo kỹ năng ứng phó với mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất cho hơn 04 triệu tài khoản cá nhân trên địa bàn các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên.
- Ngày 15-16/11, Đoàn công tác của Văn phòng BCĐ QGPCTT đã đi kiểm tra, chỉ đạo ứng phó mưa lớn, lũ, ngập lụt tại tỉnh Thừa Thiên Huế và phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và UBND tỉnh tổ chức hỗ trợ bằng tiền mặt (1,8 triệu đồng/hộ) cho 731 hộ bị ảnh hưởng thiên tai.
2. Địa phương
- Các tỉnh, thành phố tiếp tục tổ chức triển khai Công điện số 1095/CĐ-TTg, Công điện số 17/CĐ-QG và 04 Công văn (416/VPTT, 421/VPTT, 424/VPTT và 429/VPTT)[3], đặc biệt chỉ đạo, huy động lực lượng hỗ trợ di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn; khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó kiểm soát, khắc phục và phân luồng giao thông kịp thời,…
- Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh/thành phố tiếp tục chỉ đạo vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông tham gia giảm lũ cho hạ du, đến nay các công trình đảm bảo an toàn.
VI. CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO
1. Các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố liên quan tiếp tục tổ chức triển khai Công điện số 1095/CĐ-TTg, Công điện số 17/CĐ-QG và 03 Công văn (416/VPTT, 424/VPTT và 429/VPTT) về chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lớn, ngập lụt, nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất khu vực Trung Bộ và vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn hạ du lưu vực sông Hương; ứng phó với gió mùa Đông Bắc, gió mạnh trên biển.
2. Các địa phương tiếp tục huy động lực lượng tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ người dân ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ, xử lý môi trường ngay sau khi lũ rút, thống kê, đánh giá thiệt hại; tổ chức thực hiện vận hành đơn hồ, liên hồ chứa thủy lợi, thủy điện theo đúng quy trình đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và triển khai lực lượng rà soát, kiểm tra các công trình đê điều, hồ đập xung yếu; các công trình đang thi công, khu vực dân cư có nguy cơ cao bị sạt lở.
3. Tổ chức trực ban, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.
Tải file đính kèm!