BÁO CÁO NHANH
Công tác phòng, chống thiên tai ngày 21/3/2022
I. TÌNH HÌNH THỜI TIẾT (Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia)
Tin gió mùa Đông Bắc, mưa lớn và gió mạnh trên biển
Khoảng tối và đêm 22/3, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến khu vực vùng núi Bắc Bộ, từ gần sáng và ngày 23/3 ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến phía Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ chiều tối 22/3 đến ngày 23/3, vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa phổ biến 50-150mm/đợt, có nơi trên 150mm/đợt; đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa 30-70mm/đợt, có nơi trên 70mm/đợt; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các tỉnh vùng núi Bắc Bộ.
Từ ngày 23/3, ở Bắc Bộ trời chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 16-190C độ, vùng núi có nơi 13-150C.
Từ đêm 22/3, ở vịnh Bắc Bộ gió chuyển hướng Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động, sóng biển cao từ 1,5-2,5m. Từ ngày 23/3, khu vực Bắc biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8, biển động, sóng biển cao từ 2,0-3,0m.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá: cấp 1.
II. TÌNH HÌNH MƯA
- Mưa ngày (từ 19h/20/3-19h/21/3): Khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ rải rác có mưa phổ biến dưới 40mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Quế Phước (Quảng Nam) 56mm; Hồ Hoa Sơn (Khánh Hòa) 56mm; An Khê (Gia Lai) 52mm; Sa Thầy (Kon Tum) 48mm; Mỏ Cày (Kiên Giang) 123mm; Phú Tân (Cà Mau) 64mm.
- Mưa đêm (từ 19h/21/3-07h/22/3): Trên cả nước hầu như không mưa hoặc mưa nhỏ dưới 20mm, riêng tại Hồ Hoa Sơn (Khánh Hòa) 51mm.
- Mưa 03 ngày (từ 19h/18/3-19h/21/3): Khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa với tổng lượng mưa phổ biến 30-70mm, một số trạm có tổng lượng mưa lớn hơn như: TĐ Sông Tranh 2 (Quảng Nam) 73mm; Phước Thắng (Ninh Thuận) 71mm; Sa Thầy (Kon Tum) 100mm; Biển Hồ (Gia Lai) 73mm; Mỹ Lâm (Lâm Đồng) 107mm; Bù Đốp (Bình Phước) 89mm; Bình Long (An Giang) 100mm; Mỏ Cày (Kiên Giang) 123mm.
III. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ
1. Trung ương:
- Ngày 21/03/2022, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo QG về PCTT đã có văn bản số 154/VPTT gửi Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh/thành phố Bắc Bộ và ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, lũ quét, sạt lở đất và gió mạnh trên biển.
- Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo QG về PCTT thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chuyển các bản tin cảnh báo, dự báo đến các địa phương để chủ động triển khai ứng phó.
2. Địa phương:
- 10/15 tỉnh miền núi phía Bắc đã ban hành văn bản chỉ đạo ứng phó với không khí lạnh, mưa lớn, lốc, sét, mưa đá và lũ quét, sạt lở đất.
- 08/17 tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên đã ban hành văn bản ứng phó với gió mạnh trên biển.
IV. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI DO THIÊN TAI
- Tỉnh An Giang: Theo báo cáo số 22/BC-VPTT ngày 21/3/2022 của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, ngày 20/3, trên địa bàn ấp Vạt Lài, xã Khánh Bình, huyện An Phú đã xảy ra sụp lún, rạn nứt bờ sông Bình Di - Vạt Lài với chiều dài khoảng 15m, gây ảnh hưởng 02 nhà. Chính quyền địa phương đã tổ chức di dời các nhà khu vực nguy cơ sạt lở và cắm biển cảnh báo tại khu vực nguy hiểm.
- Tỉnh Gia Lai: Theo báo cáo số 87/BC-VPTT ngày 21/3/2022 của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, từ ngày 18-20/3, mưa kèm dông, lốc đã làm 54 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 3,5 ha cây cao su, 400 trụ tiêu bị gãy đổ.
- Tỉnh Kon Tum: Theo thông tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Kon Tum, mưa dông trong ngày 20/3 đã làm 02 người chết do sét đánh tại xã Đăk Sao, huyện Tu Mơ Rông (vợ chồng anh A Lốt (37 tuổi) và chị Y Then (42 tuổi) bị sét đánh khi đang trú mưa tại căn chòi trên rẫy).
V. CÁC CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO
1. Các tỉnh, thành phố Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lốc, sét, mưa đá; nguy cơ lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi; chủ động ứng phó khi có tình huống, huy động lực lượng tại chỗ triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân và tổ chức khắc phục hậu quả nhanh chóng, kịp thời; Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến gió mạnh trên biển để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp.
2. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT và Văn phòng UBQG ƯPSC,TT&TKCN./.
Tải file đính kèm