Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Báo cáo nhanh công tác trực ban PCTT ngày 17/12/2021



 

BÁO CÁO NHANH

Công tác phòng, chống thiên tai ngày 17/12/2021

 

I. TÌNH HÌNH THIÊN TAI

1. Tin bão số 9:

Hồi 07h/18/12, tâm bão ở 11,2 độ Vĩ Bắc, 116,0 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây 200km, sức gió cấp 14, giật cấp 17.

Dự báo:

- Đến 07h/19/12, tâm bão tại vị trí 12,9 độ Vỹ Bắc, 111,2 độ Kinh Đông cách Phú Yên – Khánh Hòa 220km về phía Đông; sức gió cấp 13-14, giật cấp 16.

Cấp độ RRTT phía Đông khu vực giữa biển Đông: Cấp 4.

- Trong 24-48 giờ tiếp theo (07h/20/12), tâm bão cách Đà Nẵng – Quảng Nam khoảng 220km về phía Đông; sức gió cấp 11, giật cấp 13.

- Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão đổi hướng di chuyển theo hướng Bắc. Đến 04h/21/12, tâm bão trên khu vực phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc); Sức gió cấp 7, giật cấp 9.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên) từ vĩ tuyến 9,0 đến 16,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 118,0 độ Kinh Đông; trong 24 đến 48 giờ tiếp theo từ vĩ tuyến 10,0 đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 114,0 độ Kinh Đông.

Từ đêm 18/12, vùng biển ngoài khơi Thừa Thiên Huế - Khánh Hòa (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh dần lên cấp 7-8, từ ngày mai tăng lên cấp 9-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 14; sóng biển cao từ 6,0-8,0m; biển động dữ dội. Ở vùng biển ven bờ có gió mạnh dần lên cấp 6-7, từ ngày mai tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 13; sóng biển cao từ 4,0-7,0m; biển động dữ dội. 

- Sóng biển: Ngoài khơi cao từ 8-10m, ven bờ 5-7m (từ Quảng Trị đến Ninh Thuận).

- Thủy triều: Vào thời điểm bão ảnh hưởng đến gần đất liền (18-21/12), thủy triều lớn nhất trong nửa cuối tháng 12/2021 tại Quy Nhơn (đạt 2,4m lúc 20h ngày 18 và 19/12) cùng với sóng biển tác động mạnh vào công trình ven biển.

Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4 trên khu vực giữa biển Đông.

Bão số 9 đổ bộ vào Philippin đã làm 12 người chết; 62 thị trấn, TP bị mất điện; 18.000 người còn phải sơ tán. Philipine đã bố trí tổng số kinh phí dự phòng và hàng hóa dự trữ để ứng phó khoảng 19 triệu USD. Trong đó: Quỹ dự phòng: 1,57 triệu USD; Thực phẩm gia đình: 400.000 gói trị giá 4.93 triệu USD; Các mặt hàng thực phẩm và hàng hóa khác: 12,5 triệu USD.

2. Tin không khí lạnh:

Ngày 18/12, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết các nơi ở Đông Bắc Bộ, sau đó tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Ở vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7.

II. ĐỐI TƯỢNG NGUY CƠ BỊ ẢNH HƯỞNG

1. Về tàu thuyền:

a) Tàu cá:

- Tính đến 07h/18/12 đã thông báo, hướng dẫn cho 44.915 tàu/242.484 lao động của các địa phương từ Quảng Bình đến Bình Thuận biết diễn biến của bão để di chuyển tránh trú hoặc neo đậu, hiện không còn tàu thuyền hoạt động trong khu vực nguy hiểm trong 24 giờ tới.

Trong đó:

+ 54 tàu/632 người neo đậu tại quần đảo Trường Sa (Quảng Nam: 03 tàu/106 người; Quảng Ngãi: 41 tàu/456 người; Bình Định: 10 tàu/70 người) cần quan tâm neo đậu an toàn theo hướng dẫn của cơ quan chức năng.

+ 60 tàu/498 người hoạt động ở Bắc biển Đông và quần đảo Hoàng Sa.

+ Hoạt động khu vực khác hoặc neo đậu tại bến: 44.801 tàu/241.354 lao động

- Trong khu vực có 28 khu neo đậu với sức chứa 20.919 phương tiên (cả nước có 71 khu neo đậu với tổng sức chứa là 46.212 tàu).

- 11 tỉnh, TP ven biển từ Quảng Bình đến Bình Thuận đã có lệnh cấm biển.

b) Tàu vận tải, phương tiện thủy nội địa:

Hiện có 439 tàu, phương tiện thủy nội địa từ Quảng Bình đến Bình Thuận[1], đã được cung cấp các thông tin về bão.

2. Tình hình nuôi trồng thủy sản:

Các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận có tổng 18.599 ha nuôi trồng thủy sản và 177.592 lồng bè[2] (một số tỉnh có số lượng lớn Phú Yên: 3.390 ha và 81.177 lồng bè; Khánh Hòa: 2.014 ha và 87.409 lồng bè; Thừa Thiên Huế: 3.089ha và 2.000 lồng bè).

Các địa phương đã chỉ đạo việc gia cố, chằng néo, di dời, sẵn sàng phương án đưa dân dân lên bờ để đảm bảo an toàn.

3. Tình hình an toàn cho người và tàu thuyền tại một số đảo:

          Tổng số dân trong khu vực nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của bão: 51.990 người trên 04 đảo lớn gần bờ (Cồn Cỏ: 500; Cù Lao Chàm: 2.091; Lý Sơn: 22.174;  Phú Quý: 27.225).

Hiện nay các địa phương đã sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho tàu thuyền cũng như người dân trên các đảo; dự trữ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm; cấm đi lại giữa đất liền và các đảo từ chiều 17/12.

4. Các dàn khoan, công trình dầu khí:

          Trong khu vực có 15 dàn khoan trên biển, có quy mô lớn với hàng nghìn lao động, các nhà giàn đã có phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản.

5. Tình hình đê điều:

Trong khu vực Từ Quảng Bình đến Bình Thuận: Tổng có 707,8km đê biển, đê cửa sông (453km đê biển; 255km đê cửa sông); còn tồn tại 44 trọng điểm, vị trí đê điều xung yếu; có 15 công trình đê, kè đang thi công dở dang đã được lên phương án và các biện pháp đảm bảo an toàn.

6. Tình hình sạt lở ven biển:

Khu vực ven biển miền Trung có 129 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm/171,7km (một số tỉnh có khối lượng lớn: Q.Bình 41,47 km; Q.Trị 16,85km; T.T.Huế 11,7km) đã có phương án di dời dân gần khu vực sạt lở để đảm bảo an toàn.

7. Hồ chứa:

Hầu hết các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trong khu vực đã đầy nước sau các đợt mưa lũ tháng 10, tháng 11 vừa qua, hiện các hồ đang trong thời kỳ tích nước. Sẵn sàng phương án điều tiết tình huống xảy ra mưa lớn trong khu vực.

8. Tình hình dịch bệnh covid 19:

Tình hình dịch bệnh tại các địa phương trong khu vực diễn biến phức tạp; Từ Đã Nẵng đến Bình Thuận có 21.355 F0 (Đà Nẵng 1.860, Quảng Nam 1.170, Bình Định 4.331, Phú Yên 358, Khánh Hòa 6.123, Ninh Thuận 739, Bình Thuận 5.937) và 51.748 F1.

III. PHƯƠNG ÁN SƠ TÁN DÂN

         Để ứng phó bão, các địa phương trong khu vực dự kiến kế hoạch sơ tán đảm bảo an toàn cho 51.032 hộ/238.345 người tại các lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản, khu vực ven biển và đã có phương án đảm bảo an toàn. Hiện các địa phương tiếp tục rà soát cập nhật và sẽ sơ tán theo diễn biến thực tế của bão.

IV. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ

1. Trung ương

- Ngày 17/12/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp với 28 tỉnh, thành phố ven biển và các Bộ, ngành để chỉ đạo ứng phó với bão.

- Thủ tướng chính phủ đã ban hành công điện số 1737/CĐ-TTg ngày 16/12/2021 về ứng phó khẩn cấp với siêu bão.

- Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai:

+ Đã sớm xây dựng các kịch bản ứng phó cụ thể và điều chỉnh phù hợp với diễn biến thực tế;

+ Ban hành 02 công điện chỉ đạo (ngày 14 và 16/12);

+ Đã cử đoàn công tác đến các tỉnh Quảng Ngãi, Bình định để sẵn sàng chỉ đạo ứng phó trực tiếp tại hiện trường.

- Uỷ ban Quốc gia ƯPSC & TKCN đã có các văn bản chỉ đạo 252.261 CBCS, 2.904 phương tiện các loại để sẵn sàng ứng phó bão.

- Bộ Ngoại giao đã có công hàm gửi các quốc gia trong khu vực đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngư dân Việt Nam vào tránh trú.

- Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Công thương, Thông tin và Truyền thông đã có công điện chỉ đạo ứng phó với bão.

- Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thời lượng đưa tin về diễn biến bão, mưa lũ và công tác chỉ đạo ứng phó.

2. Địa phương

Các tỉnh, thành phố triển khai Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia PCTT:

- Ban hành các văn bản chỉ đạo, ứng phó với bão; tăng cường thông tin truyền thông về cơn bão đến các chủ tàu, chính quyền, người dân khu vực ven biển, các đảo có nguy cơ cao chịu tác động của bão để chủ động phòng tránh.

-  Tổ chức trực ban theo dõi chặt chẽ diễn biến bão; rà soát phương án ứng phó với bão.

- Rà soát triển khai đảm bảo an toàn lao động trên lồng bè để có kế hoạch sơ tán đảm bảo an toàn dân cư ven biển, các khu nuôi trồng thủy sản và đặc biệt là trên các đảo nơi có nguy cơ cao chịu tác động của bão, cũng như ảnh hưởng bởi gián đoạn giao thương với đất liền.

V. CÁC CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO

1. Các tỉnh, thành phố ven biển: Tiếp tục triển khai Công điện và kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ (tại cuộc họp ngày 17/12), Ban Chỉ đạo QGPCTT, trong đó tập trung vào các nội dung:

a) Tuyến biển:

- Thông báo, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền (bao gồm tàu cá, tàu vận tải, tàu công trình) để di chuyển phòng tránh hoặc về nơi tránh trú an toàn; tạo điều kiện cho tàu cá và ngư dân các địa phương khác vào tránh trú, đồng thời với các biện pháp đảm bảo an toàn dịch Covid -19. Không để người trên tàu thuyền, chòi canh, lồng bè nuôi trồng thủy sản khi bão ảnh hưởng và đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự.

- Kiểm tra, hướng dẫn đảm bảo an toàn tàu thuyền tại khu neo đậu.

- Tổ chức bắn pháo hiệu cảnh báo bão cho tàu thuyền và ngư dân ven biển.

- Sẵn sàng phương án ứng phó với tình huống bão đổ bộ vào đất liền.

b) Khu vực đất liền, hải đảo:

- Rà soát, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với bão, mưa lũ, sạt lở phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương, chú ý phương án sơ tán xen ghép tại chỗ để đảm bảo an toàn chống dịch Covid-19;

- Đảm bảo an toàn cho người dân trên các đảo, khu neo đậu, nuôi trồng thủy sản.

- Triển khai các biện pháp bảo vệ diện tích lúa vừa xuống giống; bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu; vận hành điều tiết bảo đảm an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, hồ thủy điện nhỏ.

- Triển khai các hoạt động của lực lượng xung kích tại cơ sở; rà soát nhà ở không an toàn; kiểm soát hướng dẫn giao thông.

- Sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn và khắc phục sự cố lưới điện.

2. Các Bộ ngành:

-  Bộ Tài nguyên và Môi trường: Tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về diễn biến bão, xác định vùng nguy hiểm do bão, gió mùa Đông Bắc; dự báo mưa và nguy cơ mưa lũ, lũ quét phục vụ chỉ đạo ứng phó.

- Bộ Ngoại giao: Liên hệ với các quốc gia, vùng lãnh thổ tạo điều kiện cho tàu thuyền vào tránh trú bão khi có yêu cầu.

- Bộ Y tế: Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

- Bộ Công Thương chỉ đạo an toàn các giàn khoan, an toàn hệ thống thủy điện, lưới điện.

- Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo đảm bảo an toàn các tàu vận tải.

- Bộ Công an chỉ đạo đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ tại các khu neo đậu, khu dự kiến sơ tán dân.

-  Uỷ ban Quốc gia ƯPSC & TKCN, Bộ Quốc phòng: Chỉ đạo rà soát phương án ứng phó, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện ứng cứu khi có yêu cầu, đặc biệt là trên tuyến biển; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp với địa phương cương quyết kêu gọi tàu thuyền, không để người lại trên tàu thuyền, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ.

- Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT: Tổ chức trực ban 24/24, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, chỉ đạo đôn đốc, kiểm tra triển khai các phương án phù hợp với diễn biến của bão đảm bảo an toàn cho tàu thuyền và tính mạng người dân trong khu vực chụi ảnh hưởng;

- Các Bộ, ngành khác theo chức năng nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc triển khai các biện pháp ứng phó với bão./.

Văn phòng thường trực BCĐ QGPCTT

 

Tải file đính kèm tại đây