Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Vĩnh Long hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại do thiên tai

Trong những ngày qua, tình hình thiên tai đã gây ra nhiều thiệt hại cho bà con nông dân và ảnh hưởng đời sống sinh hoạt của người dân. Nhiều cơn mưa lớn kéo dài đã gây đổ ngã hàng nghìn ha lúa hè thu của bà con nông dân; liên tục xảy ra nhiều điểm sạt lở làm mất đi đường sá và ảnh hưởng đến nhà cửa và tài sản của người dân.


Nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo các cấp, các ngành và chính quyền địa phương khẩn trương hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả. Nhiều lực lượng chức năng trực tiếp đến hiện trường giúp đỡ bà con nông dân bó lúa ngã đổ tránh thiệt hại cũng như di dời tài sản người dân ra khỏi nơi sạt lở an toàn.

Bộ đội giúp dân bó lúa

Vụ hè thu 2024, toàn tỉnh Vĩnh Long đã xuống giống được 36.561ha, đạt 104,5% so kế hoạch, tương đương 35.000ha. Các trà lúa đang phát triển khá tốt. Giai đoạn chắc xanh chín: 19.095ha. Trong tuần qua thu hoạch 7.905ha. Lũy kế đến nay: 13.224ha, năng suất bình quân 6,18 tấn/ha, sản lượng 81.715 tấn. Tuy nhiên, mấy ngày gần đây, do ảnh hưởng mưa nhiều nên lúa giai đoạn chín bị đổ ngã phân bố rải rác các xã huyện Long Hồ, Tam Bình, Vũng Liêm và Trà Ôn với diện tích 1.763ha, tỷ lệ thiệt hại 5-10%.

Trong đó, thiệt hại nhiều nhất là ở huyện Long Hồ với diện tích bị ảnh hưởng 1504,8ha, chủ yếu là lúa đỗ ngã trong giai đoạn trổ chín gây thất thoát sau thu hoạch. Trong đó tỷ lệ thiệt hại bình quân 15%, giá lúa 7.000 đồng/kg, bình quân 5.470.000 đồng/ha, ước thiệt hại khoảng 8,2 tỷ đồng.

Xã Phú Đức là địa phương có diện tích lúa bị đổ ngã nhiều nhất huyện Long Hồ với hơn 360ha, nhằm giúp bà con tránh thiệt hại, Đảng ủy Ban Chỉ huy quân sự huyện Long Hồ đã phân công 100 chiến sĩ Ban Chỉ huy quân sự, lực lượng dân quân đến hỗ trợ người dân khó khăn bó buộc lại lúa bị đổ ngã.

Lực lượng bộ đội giúp dân bó lúa bị đổ ngã để tránh thiệt hại

Bà Trương Thị Thanh Hương, xã Phú Đức, huyện Long Hồ, chia sẻ: “Mưa dầm kèm theo gió lớn đã làm ruộng lúa gia đình đổ ngã rất nhiều. Gia đình đơn chiết và thuê người bó lúa cũng khó khăn. May nhờ mấy chú bộ đội đến hỗ trợ bó lúa, chúng tôi rất mừng, Mấy chú làm rất vui vẻ và nhiệt tình. Xin cảm ơn Chính quyền địa phương cũng như các chú bộ đội đã hỗ trợ bà giảm bớt thiệt hại do thiên tai gây ra”.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Đức Trần Hoàng Nam, được sự quan tâm của Đảng ủy Ban Chỉ huy quân sự huyện đã hỗ trợ cho địa phương lực lượng bộ đội để giúp cho người dân bó buộc lúa bị đổ ngã để giảm bớt thiệt hại trong thu hoạch. Thay mặt Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã cảm ơn Đảng ủy Ban Chỉ huy quân sự huyện quan tâm hỗ trợ cho người dân.

Trung tá Trương Thanh Toàn, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự huyện Long Hồ: “Ban Chỉ huy quân sự huyện đã tổ chức cho bộ đội thường trực và lực lượng dân quân tự vệ giúp bà con dân nhân bó lúa tránh ngập úng nhằm giảm chi phí cũng như thiệt hại của người dân. Với tinh thần là ở đâu khó ở đó có bộ đội. Cho nên đây là trách nhiệm của chúng tôi và làm với tinh thần nhiệt tình, đoàn kết”.

Khắc phục sạt lở

Liên tục những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long xảy ra nhiều điểm sạt lở, ảnh hưởng đến nhà cửa và tài sản của người dân.

Chỉ trong vòng khoảng 2 tuần, 2 điểm sạt lở xảy ra tại bờ sông Măng Thít thuộc khu vực cầu Gò Ân, xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Quy mô sạt lở có tổng chiều dài khoảng 75m, sạt lở sâu vào đất liền khoảng 6-8m. Sạt lở làm ảnh hưởng 6 hộ dân, thiệt hại trên 70% với 22 nhân khẩu. Ngay sau khi sạt lở, lực lượng xung kích xã đến hiện trường hỗ trợ các hộ dân thực hiện tháo dỡ nhà ở, di dời tài sản đến nơi an toàn. Sạt lở không gây thiệt hại về người. Ước tổng thiệt hại khoảng 2,3 tỷ đồng.

Chị Lê Hồng Phượng, xã Tân An Luông, chia sẻ: “Đang ngủ, tôi nghe có tiếng rầm rầm. Tôi bật dậy chạy ra trước nhà xem có chuyện gì xảy ra nhưng không có. Sau đó tôi chạy ra phía sau thì thấy căn nhà kế bên sạt lún từ từ xuống kèm tiếng kêu ầm ầm. Tôi liền tri hô cùng những người chung quanh và người dân đến hỗ trợ di dời đồ đạc”.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân An Luông Nguyễn Văn Sang, cho biết: “Đây là tuyến đê bao sông Măng Thít, nhưng không có nằm trong dự án để thi công có chiều dài khoảng 1.300m. Về phía địa phương, trước mắt sẽ hỗ trợ bà con, cũng như là vận động bà con di dời ra khỏi chỗ ở nguy cơ sạt lở khoảng 100m cũng như di dời những tài sản để ra khỏi khu vực. Mặt khác, xã báo cáo về Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp để có hướng xử lý cụ thể, giúp người dân có nơi ở an toàn”.

Điểm sạt lở xảy ra ngày 23/6 tại bờ sông Măng Thít thuộc khu vực cầu Gò Ân, xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long

Theo dự báo, khu vực sạt lở nêu trên nằm ngay đoạn sông cong, lòng sông sâu, dưới tác động của sóng do dòng chảy làm cho mái bờ bị xói lở nghiêm trọng. Do đó, trong thời gian tới, khi gặp các điều kiện bất lợi như mực nước sông xuống thấp, mưa lớn kéo dài sẽ làm khu vực nêu trên có thể tiếp tục xảy ra sạt lở.

Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, chỉ trong 5 tháng đầu nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 36 điểm sạt lở, tổng chiều dài các điểm sạt lở là 890m. Sạt lở đã làm ảnh hưởng trực tiếp 125 hộ dân.

Sau khi thiên tai xảy ra Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn cấp huyện đã kết hợp cùng chính quyền địa phương nơi xảy ra thiên tai đã có mặt kịp thời hỗ trợ người dân và báo cáo lên cơ quan chức năng liên quan.

Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Vĩnh Long Lưu Nhuận, cho biết: “Đối với lúa đổ ngã, sau khi mưa dông xảy ra, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn các huyện kết hợp Ủy ban nhân dân các xã bị thiệt hại khảo sát thực tế và triển khai thực hiện một số công việc cần thiết.

Chỉ đạo các xã khẩn trương, hỗ trợ người dân thu hoạch lúa hè thu đến thời kỳ thu hoạch bị đổ ngã, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. Khảo sát, thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại của các hộ dân bị ảnh hưởng, thực hiện các quy trình, thủ tục để hỗ trợ cho các hộ dân trong diện được hỗ trợ theo quy định.

Trên cơ sở thống kê, tổng hợp thiệt hại, Ủy ban nhân dân xã đã phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện và các đơn vị liên quan khẩn trương lập hồ sơ hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại theo quy định”.