Báo chí - cánh tay nối dài trong công tác PCTT
Không thể phủ nhận vai trò ngày càng lớn của báo chí và truyền thông trong công tác PCTT những năm gần đây. Hàng nghìn tin, bài, bản tin thời tiết, cảnh báo sớm được phát mỗi năm đã góp phần không nhỏ vào việc giảm thiểu rủi ro và nâng cao năng lực thích ứng của người dân.
Theo số liệu từ Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong 6 tháng đầu năm 2025, đã có tới 46.318 tin, bài liên quan đến PCTT được đăng tải từ 392 cơ quan báo chí, với hơn 311 triệu lượt tiếp cận. Đáng chú ý, trên 71% nội dung mang tính tích cực, cho thấy sự vào cuộc mạnh mẽ, có trách nhiệm và đồng hành của báo chí trong công tác PCTT.
Nhiều cơ quan báo chí như baotintuc.vn, laodong.vn, baonongnghiepmoitruong.vn không chỉ dẫn đầu về số lượng bài viết, mà còn có các bài viết chuyên sâu, bám sát thực tiễn, phối hợp hiệu quả với cơ quan chức năng để đưa tin nhanh chóng, chính xác từ hiện trường. Các bài viết phỏng vấn chuyên gia, cập nhật bản tin cảnh báo sớm, các phóng sự phản ánh khó khăn của người dân vùng thiên tai... đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy hành động chủ động ứng phó trong cộng đồng.
Chuyển đổi số cơ hội đột phá trong truyền thông phòng, chống thiên tai
Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nơi chuyển đổi số không chỉ là làn sóng công nghệ mà còn là động lực trung tâm thúc đẩy sự đổi mới trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt, việc thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã đặt ra yêu cầu cấp thiết: đổi mới và nâng cao chất lượng truyền thông, đặc biệt trong các lĩnh vực có ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh xã hội như phòng, chống thiên tai.
Chuyển đổi số mang đến nhiều cơ hội đột phá trong hoạt động truyền thông như:
Tiếp cận đúng người, đúng nơi, đúng lúc: Ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data), AI để xác định nhóm dễ bị tổn thương và điều chỉnh nội dung phù hợp với từng đối tượng.
Đa dạng hóa hình thức truyền tải: từ video ngắn, infographic,… giúp thông tin trở nên dễ tiếp cận, dễ nhớ, dễ hành động.
Tăng tính tương tác, hai chiều: Livestream trực tiếp từ hiện trường, phản hồi người dân qua mạng xã hội, diễn đàn cộng đồng giúp truyền thông không còn là độc thoại.
Các nền tảng như YouTube, TikTok, Zalo, fanpage địa phương... nếu được tận dụng hiệu quả, có thể trở thành mạng lưới cảnh báo sớm kịp thời, giúp lan tỏa thông tin tới từng hộ gia đình, từng bản làng.
Bên cạnh những cơ hội lớn mà chuyển đổi số mang lại, truyền thông trong thời đại số cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức đáng kể. Đáng lo ngại nhất là tin giả, video bịa đặt, thông tin sai lệch có thể lan truyền nhanh chóng qua mạng xã hội, gây ra sự hiểu nhầm, hoang mang, hoặc khiến người dân bỏ qua những cảnh báo chính thống quan trọng khi có thiên tai xảy ra.
Hoạt động tuyên truyền về phòng, chống thiên tai thông tại nhiều cơ quan báo chí vẫn còn gặp không ít khó khăn: nhân lực còn mỏng và thiếu chuyên nghiệp; nội dung tuyên truyền chưa hấp dẫn, thiếu tính tương tác; việc ứng dụng công nghệ và nền tảng số còn hạn chế; sự phối hợp giữa các bên liên quan đôi khi chưa hiệu quả…
Do đó, việc nâng cao năng lực kiểm chứng thông tin, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan báo chí và các nền tảng công nghệ trở nên đặc biệt quan trọng, nhằm bảo vệ người dân khỏi những nguy cơ thông tin sai lệch trong bối cảnh thiên tai ngày càng cực đoan, khó lường.
Truyền thông là “lá chắn mềm” nhưng bền vững
Trong mọi chiến lược quản lý rủi ro thiên tai, con người luôn là yếu tố trung tâm. Và truyền thông, nếu được triển khai đúng cách, chính là kênh nhanh nhất, tiết kiệm nhất và hiệu quả nhất để nâng cao năng lực ứng phó của người dân, từ nhận thức, kỹ năng đến hành động cụ thể.
Đã đến lúc chúng ta cần đầu tư nghiêm túc và bài bản cho công tác truyền thông phòng, chống thiên tai, không chỉ vì đó là một nhiệm vụ thường xuyên, truyền thống, mà vì đó là đòn bẩy để xây dựng một xã hội an toàn, chủ động thích ứng, kiên cường trước thiên tai và phát triển bền vững trong kỷ nguyên số. Bời khi truyền thông đủ nhanh, đủ đúng, đủ sâu người dân sẽ đủ hiểu, đủ tin và đủ hành động.