Hội nghị nhằm nâng cao năng lực tác nghiệp cho các phóng viên, nhà báo trong việc thu thập, cập nhật và truyền tải thông tin dự báo – cảnh báo thiên tai, đồng thời quán triệt định hướng tuyên truyền trên báo chí theo cả ba giai đoạn: phòng ngừa – ứng phó – khắc phục hậu quả.
Qua đó nâng cao kỹ năng tác nghiệp của đội ngũ phóng viên theo từng loại hình thiên tai. Cụ thể, khi ứng phó với bão: cần theo dõi diễn biến, công tác dự trữ vật tư, xác định vị trí trú ẩn an toàn, sơ tán; gia cố công trình; bảo vệ tàu thuyền và chuồng trại. Với lũ quét, sạt lở đất: cần nhận biết dấu hiệu nguy hiểm (vết nứt, tiếng động lạ, nước đổi màu…), tổ chức di dời, hạn chế di chuyển khi mưa lũ.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai, Bộ NN&MT
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng , Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai, Bộ NN&MT nhấn mạnh: “Khi triển khai chính quyền 2 cấp, vai trò của cấp xã trong phòng chống thiên tai là vô cùng nặng nề khi phải tiếp nhận 12 nhiệm vụ quản lý đê điều và PCTT trước đây do cấp huyện đảm nhiệm. Việc chuyển giao nhiệm vụ về cho cấp xã sẽ đặt ra yêu cầu cao về năng lực tổ chức, chỉ huy và thông tin kịp thời. Báo chí cần bám sát thực tiễn, đồng hành với chính quyền cơ sở, truyền tải đúng, đủ, để người dân có thể chủ động phòng ngừa, ứng phó thiên tai một cách an toàn và hiệu quả nhất”.
Theo ông Nguyễn Khắc Lợi, phó Cục trưởng Cục báo chí: “Các phóng viên báo chí là lực lượng tiên phong, cầu nối giữa cơ quan quản lý và người dân. Việc trang bị kỹ năng tác nghiệp và quán triệt định hướng tuyên truyền đúng đắn sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro, bảo vệ tính mạng và tài sản của cộng đồng.”

Ông Đặng Khắc Lợi, phó Cục trưởng Cục Báo Chí
Bà Nguyễn Thị Thúy Ái, phó trưởng phòng Quản lý rủi ro thiên tai cộng đồng và truyền thông, Cục Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai cho rằng với những diễn biến khó lường của thiên tai hiện nay, công tác truyền thông về thiên tai cần thay đổi theo hướng ưu tiên góc nhìn rủi ro và phòng ngừa thay vì tập trung vào thiệt hại sau thiên tai; dựa trên cảnh báo sớm và hướng dẫn hành động cụ thể cho người dân. Đồng thời, phổ biến mô hình “4 tại chỗ” và các bài học kinh nghiệm, điển hình; ngăn chặn tin giả, bảo vệ thông tin chính thống.
Chia sẻ tại hội nghị, một số phóng viên trực tiếp tác nghiệp trong những đợt thiên tai lớn vừa qua cho rằng: ngoài cập nhật thông tin về các đợt thiên tai đến với công chúng, đội ngũ phóng viên cũng cần trang bị những kiến thức sinh tồn khi tác nghiệp trong thiên tai. Hiểm họa của thiên tai có thể đến từ mưa lớn, gió giật, sạt lở đất…Đó đều là những loại thiên tai vô cùng khó dự báo, đòi hỏi phóng viên phải có kỹ năng nhận biết các loại hình thiên tai này cũng như trang bị các dụng cụ cứu hộ để đảm bảo an toàn trong khi tác nghiệp.