Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tóm tắt thiên tai VN từ đầu năm 2020 (tính đến ngày 29/6/2020)



BÁO CÁO

Tình hình thiên tai 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020

 

I. TÌNH HÌNH THIÊN TAI VÀ THIỆT HẠI TỪ ĐẦU NĂM 2020

Từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 186 trận dông, lốc, mưa lớn trên 40 tỉnh/TP, trong đó 09 đợt trên diện rộng tại 21 tỉnh, TP Bắc Bộ và Trung Bộ; 02 trận lũ quét, sạt lở đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại đồng bằng sông Cửu Long,… Đặc biệt, mưa lớn kèm theo lốc xoáy vào chiều tối 10/6 tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc đã gây sập 01 nhà xưởng, làm 03 người chết và 18 người bị thương.

Tính đến ngày 29/6/2020, thiên tai đã làm:

- 47 người chết, 01 người mất tích, 130 người bị thương;

- 1.765 nhà sập, 59.961 nhà bị hư hại, tốc mái;

- 108.458 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại (trong đó: 54.793 ha thiệt hại do hạn mặn ĐBSCL; 16.956 ha bị thiệt hại do hạn hán tại Nam Trung Bộ; 36.643 ha bị thiệt hại do mưa lớn, dông lốc); 7.955 con gia súc, gia cầm chết.

- Ước tính thiệt hại về kinh tế là 3.380 tỷ đồng, trong đó do dông lốc, mưa đá khoảng 879 tỷ đồng; do hạn hán, xâm nhập mặn khoảng 2.500 tỷ đồng; thiên tai khác 01 tỷ đồng.

Trong các loại hình thiên tai, dông, lốc, mưa đá xảy ra liên tiếp, trên diện rộng tập trung tại khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và một số nơi chưa từng xảy ra như thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể như sau:

  • Đợt 1 từ ngày 24-25/01/2020 (đêm 30, sáng mùng 1 Tết Nguyên đán): Xảy ra tại 09 tỉnh, thành phố phía Bắc đến Thanh Hóa, làm 13.833 nhà bị hư hại, tốc mái; tổng thiệt hại khoảng 133 tỷ đồng.
  • Đợt 2 từ ngày 02-04/3/2020: Xảy ra tại 08 tỉnh miền núi phía Bắc, làm 02 người chết, 16 người bị thương, 7.317 nhà bị hư hại, tốc mái; tổng thiệt hại ước tính 56,5 tỷ đồng.
  • Đợt 3 từ ngày 17-18/3/2020: Xảy ra tại 08 tỉnh miền núi phía Bắc, làm 3.192 nhà hư hại, tốc mái; tổng thiệt hại ước tính 14,06 tỷ đồng.
  • Đợt 4 từ ngày 21-25/3/2020: Xảy ra tại 11 tỉnh miền núi phía Bắc đến Nghệ An, làm 02 người chết; 5.757 nhà bị hư hại, tốc mái; tổng thiệt hại ước tính 107,5 tỷ đồng.
  • Đợt 5 từ ngày 10-12/4/2020: Xảy ra tại 03 tỉnh miền núi phía Bắc (Lai Châu, Sơn La, Lào Cai), làm 02 người bị thương; 812 nhà hư hại, tốc mái; tổng thiệt hại ước tính 35 tỷ đồng.
  • Đợt 6 từ ngày 12-14/4/2020: Xảy ra tại 04 tỉnh Trung Bộ (Quảng Bình, Quảng Trị, TT.Huế, Phú Yên), làm 37 nhà bị hư hại, tốc mái, 19.810 ha lúa bị gãy đổ, trong đó riêng Thừa Thiên Huế: 10.769ha; tổng thiệt hại ước tính 185 tỷ đồng.
  • Đợt 7 ngày 22-24/4/2020: Xảy ra tại 17 tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ, làm 06 người chết, 37 người bị thương; 13.006 nhà hư hại, tốc mái; tổng thiệt hại ước tính 147,7 tỷ đồng.
  • Đợt 8 từ ngày 05-09/5/2020: Xảy ra tại 11 tỉnh miền núi phía Bắc đến Nghệ An, làm 01 người chết, 17 người bị thương ; 9.890 nhà bị hư hại, tốc mái ; tổng thiệt hại ước tính 109,5 tỷ đồng.
  • Đợt 9 từ ngày 15-18/5/2020: Xảy ra tại 11 tỉnh miền núi phía Bắc đến Hà Tĩnh, làm 02 người chết, 04 người bị thương; 2.774 nhà bị hư hại, tốc mái ; tổng thiệt hại ước tính 20,5 tỷ đồng.

II. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ

  • Ngày 24/3/2020, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; Bộ Nông nghiệp đã trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch thực hiện Chỉ thị và đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện Chỉ thị.
  • Ngày 15/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống thiên tai năm 2020 và đã có kết luận chỉ đạo công tác 6 tháng cuối năm.
  • Đã hoàn thành dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều và dự kiến trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp tháng 6/2020; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 50/2020/NĐ-CP quy định về tiếp nhận và sử dụng viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai.
  • Tham mưu trình Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo, quyết định phân công nhiệm vụ và đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại các địa phương.
  • Thủ tướng Chính phủ đã bao hành 01 chỉ thị, 03 công điện chỉ đạo ứng phó thiên tai; Ban Chỉ đạo đã ban hành 07 văn bản chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai.
  • Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ 530 tỷ đồng cho 08 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.
  • Chính quyền các cấp ở địa phương triển khai quyết liệt công tác ứng phó, khắc phục hậu quả dông lốc, mưa lớn, mưa đá tại miền núi phía Bắc, hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây nguyên.

III. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM 06 THÁNG CUỐI NĂM

  1. Nhận định tình hình thiên tai:
  • Mùa bão muộn hơn so với TBNN, khoảng 11-13 cơn bão, ATNĐ hoạt động trên biển Đông và khoảng 05-06 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng cuối năm.
  • Về mưa lũ: ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ ở mức BĐ1-2, trên các sông suối nhỏ có thể ở mức BĐ3; các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận và Tây Nguyên ở mức BĐ2-BĐ3, một số sông trên BĐ3; lũ sông Cửu Long muộn và ở mức BĐ1-BĐ2, thấp hơn đỉnh lũ TBNN từ 0,2-0,4m.
  • Ngoài ra, một ATNĐ đang hoạt động ở ngoài khơi Phillipines, dự báo đi vào biển Đông và có khả năng mạnh lên thành bão trong 2-3 ngày tới nhưng không ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Từ tối 13-15/6, mưa to đến rất to ở vùng núi Bắc Bộ, nguy cơ cao xảy ra lốc, sét, mưa đá, lũ quét, sạt lở đất.
  1. Nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm:

Để giảm thiệu thiệt hại do thiên tai gây ra, 6 tháng cuối năm cần tập trung thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống thiên tai và TKCN năm 2020, trong đó tập trung:

- Chỉ đạo kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai; đầu tư cơ sở vật chất, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị, nâng cao năng lực tham mưu; đào tạo, tập huấn, diễn tập cho đội ngũ cán bộ phòng, chống thiên tai và cộng đồng.

 - Rà soát, cập nhật phương án ứng phó với thiên tai; sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, nhân lực để ứng phó kịp thời, đặc biệt ứng phó lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi, mưa, lũ lớn, bão mạnh, bảo vệ công trình đê điều, hồ đập xung yếu.

- Đẩy nhanh tiến độ khắc phục khẩn cấp các công trình phòng, chống thiên tai đã được bố trí kinh phí.

- Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, tham mưu chỉ đạo ứng phó kịp thời với các tình huống xảy ra.

- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là trong quan trắc, giám sát phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó thiên tai.

- Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng ứng phó với các loại hình thiên tai cho người dân./. 
Tải file đính kèm