Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tóm tắt thiên tai Việt Nam từ đầu năm 2020 (tính đến ngày 23/7/2020)



TÓM TẮT THIÊN TAI TỪ ĐẦU NĂM 2020 ĐẾN NAY

(Tính đến ngày 23/7/2020)

 

 I. TÌNH HÌNH THIÊN TAI TỪ ĐẦU NĂM 2020

Từ đầu năm đến nay, thiên tai diễn biến phức tạp, bất thường trên nhiều vùng miền cả nước, đã xảy ra 16 loại hình thiên tai: 202 trận dông, lốc, mưa lớn trên 43 tỉnh/TP, trong đó 09 đợt trên diện rộng tại 21 tỉnh, TP Bắc Bộ và Trung Bộ; 01 cơn bão trên biển Đông; 09 trận lũ quét, sạt lở đất; 23 trận động đất; 12 trận mưa lớn, ngập úng, lũ cục bộ; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại đồng bằng sông Cửu Long…

Tính đến ngày 23/7/2020, thiên tai đã làm:

- 53 người chết, 01 người mất tích, 137 người bị thương;

- 1.815 nhà sập, 60.588 nhà bị hư hại, tốc mái;

- 110.222 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 10.734 con gia súc, gia cầm chết.

Ước tính thiệt hại về kinh tế là 3.930 tỷ đồng.

II. TÌNH HÌNH THIÊN TAI THÁNG 7/2020

  1. Diễn biến thiên tai tháng 7/2020:

Trong tháng 7, cả nước đã xảy ra 07 trận mưa lớn, ngập úng, lũ cục bộ; 10 trận dông lốc, sét; 09 vụ sạt lở bờ sông khu vực ĐBSCL; 05 trận mưa lớn, lũ quét, sạt lở khu vực miền núi phía Bắc,

đặc biệt từ ngày 20-21/7, tỉnh Hà Giang đã xuất hiện mưa to đến rất to tới 350mm trong 10 giờ (từ 0h-10h/21/7) gây lũ, lũ quét, sạt lở đất làm 05 người chết, 02 người bị thương; 66 nhà bị hư hỏng, sạt lở, 2.800 nhà bị ngập lụt; nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở với tổng khối lượng đất đá khoảng 33.000m3; 02 nhà máy thủy điện (Thái An, huyện Quản Bạ và Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên) bị dừng hoạt động do đất đá sạt lở, vùi lấp hệ thống máy móc. Ước tính thiệt hại do thiên tai khoảng 495 tỷ đồng, trong đó riêng thiệt hại của 02 nhà máy thủy điện khoảng 370 tỷ đồng.

Thiên tai tháng 7/2020 làm 05 người chết (do lũ, lũ quét, sạt lở đất tại Hà Giang từ 20-21/7), 06 người bị thương; 269 nhà bị sập, đổ, hư hỏng, tốc mái; 2.837 nhà bị ngập nước; 1.694 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; 646 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 540 tỷ đồng (thiệt hại do mưa lũ tại Hà Giang ước tính 495 tỷ đồng).

  1. Công tác chỉ đạo, điều hành

- Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 955/CĐ-TTg ngày 21/7/2020 về việc khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ tại Hà Giang.

- Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT ban hành các Công điện số 03/CĐ-TW ngày 05/7/2020 và Công điện số 04/CĐ-TW ngày 21/7/2020 chỉ đạo các địa phương khu vực miền núi phía Bắc và các Bộ, ngành về việc chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất.

- Ngày 22/7/2020, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã cử đoàn công tác do Phó Trưởng ban Trần Quang Hoài làm trưởng đoàn đến Hà Giang chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả do mưa, lũ (trước đó Văn phòng TT Ban Chỉ đạo đã cử đoàn công tác tới Hà Giang ngày 21/7/2020).

- Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT có các văn bản số 264/VPTT ngày 12/7/2020 và 272/VPTT ngày 19/7/2020 gửi Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh miền núi phía Bắc về việc chủ động ứng phó mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất.

- Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, thường xuyên liên lạc với các tỉnh có cảnh báo về nắng nóng, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất để nắm bắt tình hình; chuyển các bản tin tới BCH PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố để chủ động các biện pháp ứng phó; tổng hợp, cập nhật tình hình thiệt hại do thiên tai tại các địa phương.

- Cập nhật hàng ngày tình hình thời tiết, thiệt hại do thiên tai, chỉ đạo các địa phương chủ động phương án ứng phó trên hệ thống Viber của Ban Chỉ đạo tới lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ban, ngành và địa phương.

III. CHI TIẾT MỘT SỐ THIÊN TAI TỪ ĐẦU NĂM 2020

  1. Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt, kéo dài từ cuối năm 2019 tại đồng bằng sông Cửu Long vượt lịch sử 2016, 06/13 tỉnh[3] đã công bố tình huống khẩn cấp do hạn hán, xâm nhập mặn. Các trị số về hạn hán, xâm nhập mặn:

+ Lưu lượng về ĐBSCL bị thiếu hụt nghiêm trọng so với trung bình nhiều năm (TBNN), thậm chí thấp hơn cả năm 2015-2016 (năm xuất hiện xâm nhập mặn kỷ lục) (Trung bình từ ngày 01/11 đến ngày 3/4 tại trạm Kratie (Campuchia) – trước phân nhánh vào sông Tiền, sông Hậu: năm 2019-2020 là 3.075 m3/s; năm 2015-2016 là 3.787m3/s; TBNN 4.737 m3/s).

+ Xâm nhập mặn vào sâu hơn TBNN và sâu hơn năm 2016 từ 3-7km so với cùng kỳ 2016 (sông Vàm Cỏ xâm nhập mặn tới 102km).

+ Hạn hán, xâm nhập mặn đã làm 54.700 ha lúa bị thiệt hại (38.200 ha lúa Đông Xuân và 16.500ha lúa mùa).

+ 96.000 hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt.

+ Gây lún sụt nghiêm trọng nhiều tuyến đê, đường giao thông (1.121 điểm đường giao thông với tổng chiều dài 23.905km; 240m đê biển Tây đã sụt lún và 4.215m nguy cơ sụt lún trên địa bàn tỉnh Cà Mau).

Hiện nay tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL đã giảm.

  1. Hạn hán tại các khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ làm 16.956 ha lúa, hoa màu, cây trồng bị ảnh hưởng, thiệt hại. Trong đó, 02 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận đã công bố tình trạng thiên tai do hạn hán trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, do nguồn nước không đảm bảo, một số địa phương đã chủ động điều chỉnh giảm diện tích sản xuất vụ Đông Xuân cho khoảng 500 ha cây trồng, trong đó: Khánh Hòa 500 ha lúa, Ninh Thuận 7.500 ha, Bình Thuận 15.500 ha lúa.
  2. Đã xảy ra 202 trận dông, lốc, mưa lớn trên 43 tỉnh/TP, trong đó 09 đợt trên diện rộng tại 21 tỉnh, TP Bắc Bộ và Trung Bộ (tháng một 01 đợt tháng ba 03 đợt, tháng tư 03 đợt, tháng năm 02 đợt), khiến 43 người chết, 127 người bị thương, 62.022 nhà bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái; 36.952ha lúa, hoa màu bị ngã đổ, thiệt hại. Ước giá trị thiệt hại về kinh tế 881 tỷ đồng.
  3. Từ ngày 15-19/6/2020, tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đã liên tiếp xảy ra 04 trận động đất với độ lớn từ 2.5 - 4.9, trong đó trận động đất vào 13h12’ ngày 16/6/2020 tâm chấn tại xã Mường Tè, huyện Mường Tè đã làm 02 người bị thương (02 cháu bé tại Trường Mầm non, do tấm trần thạch cao rơi vào người), một số nhà dân bị nứt.
  4. Các thiên tai khác:

Từ đầu năm đến nay tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên cả nước vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là tại khu vực đồng bằng sông Cửu long (Cà Mau, An Giang, Bạc Liêu,…) và ven biển miền Trung, nhiều đợt động đất ở khu vực miền núi phía Bắc.

Tải file