Chủ trì Hội thảo có Ông Phạm Văn Sinh – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng chủ trì có PGS.TS Nguyễn Văn Hiền – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội – Bí thư đảng ủy, bà Nguyễn Thị Thúy Ái – Phó Trưởng phòng – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án UNICEF - Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai – Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Chủ trì Hội thảo
Hội thảo có sự tham dự của ông Nguyễn Hoàng Tùng đại diện tổ chức UNICEF Việt Nam cùng với hơn 30 đại biểu đại diện Cục Quản lý đê điều và PCTT, Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Giảng viên, cán bộ quản lý, chuyên gia giáo dục, nhà khoa học của các Trường Đại học, Viện Nghiên cứu liên quan.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc, ông Phạm Văn Sinh cho biết thiên tai tại Việt Nam đã và đang gây thiệt hại lớn về người và tài sản, đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến ngành giáo dục, trường học với khoảng 24 triệu học sinh, sinh viên và hơn 2 triệu giáo viên, giảng viên, chiếm ¼ dân số Việt Nam. Trước bối cảnh đó, nhằm tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó giảm thiểu rủi ro do thiên tai, trong thời gian qua Bộ Nông nghiệp và PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có ký kết chương trình phối hợp về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai trong ngành giáo dục giai đoạn 2024-2029. Ngay sau khi chương trình ký kết, trong năm 2024, 2 Bộ đã cùng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động, chương trình lồng ghép tích hợp đưa kiến thức về phòng, chống thiên tai vào trong trường học. Trong đó có nghiên cứu, xây dựng các tài liệu lồng ghép, tích hợp kiến thức phòng, chống thiên tai vào chương trình giáo dục cho các cấp học, trong đó hoàn thiện 2 bộ tài liệu lồng ghép tích hợp cho cấp THCS và THPT. Hiện đang tiếp tục phối hợp biên soạn bộ tài liệu tích hợp kiến thức phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu trong trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Ông Phạm Văn Sinh - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu khai mạc
Ông Sinh nhấn mạnh, đây là hoạt động rất cần thiết, ý nghĩa, có tính lan tỏa lớn và bền vững bởi vì trường Đại học Sư phạm Hà Nội là một trong những trường đào tạo ngành sư phạm lớn của cả nước, do đó việc tích hợp để các sinh viên ngành sư phạm được cung cấp kiến thức cơ bản về phòng chống thiên tai và BĐKH để chủ động phòng tránh và hướng dẫn cách lồng ghép tích hợp để sau này chính các sinh viên ngành sư phạm là những giáo viên trong tương lai sẽ tiếp tục giảng dạy, lồng ghép trong các môn học cho các học sinh các cấp phổ thông.

PGS.TS Nguyễn Văn Hiền – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Hiền – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh việc tích hợp, lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu trong trường là cách tiếp cận bền vững, đúng và trúng trong bối cảnh hiện nay và rất phù hợp với mục tiêu về giáo dục phát triển bền vững và đặc biệt là tiếp cận trên phương diện tích hợp, không làm quá tải nội dung mà vẫn đáp ứng mục tiêu, tăng hiệu quả về nguồn lực và thời gian. Để thực hiện hoạt động, trường ĐHSP Hà Nội có sự tham gia phát triển nội dung Bộ tài liệu của đội ngũ chuyên gia, các giảng viên, thầy cô giáo có nhiều kinh nghiệm, trực tiếp đào tạo và bồi dưỡng. PGS.TS Nguyễn Văn Hiền cho biết Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trân trọng các ý kiến góp ý trách nhiệm, thiết thực, hiệu quả của các đại biểu cho Bộ tài liệu này và hi vọng tài liệu sẽ có nhiều tác động tích cực, trước mắt là chương trình đào tạo của nhà trường. Trường kì vọng tài liệu này sau khi được tích hợp hiệu quả thì Trường ĐHSP HN là một trong những trường trọng điểm sẵn sàng là đơn vị chuyển giao công nghệ từ việc xây dựng nội dung tài liệu và phương pháp, cách thức tích hợp, cách tổ chức thực hiện cho các trường đào tạo sư phạm khác trên toàn quốc.

Ông Nguyễn Hoàng Tùng – đại diện tổ chức UNICEF tại Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Ông Nguyễn Hoàng Tùng – đại diện tổ chức UNICEF tại Việt Nam chia sẻ những năm qua tổ chức UNICEF đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Sở Giáo dục và Đào tạo, cũng như bộ Nông nghiệp và Môi trường trong việc tăng cường hiểu biết về BĐKH và phòng chống và giảm thiểu rủi ro thiên tai trong hệ thống giáo dục như việc xây dựng các sổ tay, tài liệu hướng dẫn, tổ chức hoạt động ngoại khóa, truyền thông nhằm tăng cường sự tham gia của trẻ em và thanh thiếu niên vào việc xây dựng các kỹ năng xanh, hành vi xanh và các chủ đề liên quan đến thiên tai và BĐKH. Ông Tùng nhấn mạnh Việc trang bị kiến thức và kỹ năng phòng chống thiên tai trong nhà trường không chỉ giúp hạn chế thiệt hại mà còn xây dựng ý thức chủ động ứng phó với rủi ro trong cộng đồng. Tổ chức UNICEF đánh giá cao việc Cục Quản lý đê điều và PCTT, Vụ Kế hoạch Tài chính – Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - một trong những cơ sở đào tạo giáo viên hàng đầu tại Việt Nam, có vai trò quan trọng trong việc đào tạo và nâng cao chất lượng giáo dục để triển khai việc lồng ghép nội dung giáo dục Phòng, chống thiên tai và BĐKH vào chương trình đào tạo.
Trong buổi sáng, các đại biểu đã nghe các chuyên gia, tác giả biên soạn tài liệu trình bày các chuyên đề, cụ thể:
(1) PGS.TS. Đào Ngọc Hùng trình bày chuyên đề Giới thiệu chung tài liệu lồng ghép kiến thức về PCTT và thích ứng với BĐKH cho sinh viên sư phạm;
(2) PGS.TS. Ngô Thị Hải Yến giới thiệu tài liệu về tích hợp giáo dục phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu trong đào tạo sinh viên dạy môn Địa lí và cách khai thác tài liệu theo chương trình đào tạo;
(3) TS. Nguyễn Thị Mai Lan giới thiệu tài liệu về tích hợp giáo dục phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu trong đào tạo sinh viên dạy môn Công nghệ và cách khai thác tài liệu theo chương trình đào tạo;
(4) ThS. Dương Thị Thúy Nga giới thiệu tài liệu về tích hợp giáo dục phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu trong đào tạo sinh viên dạy môn Giáo dục công dân và cách khai thác tài liệu theo chương trình đào tạo;
(5) PGS.TS. Tưởng Duy Hải giới thiệu tài liệu về tích hợp giáo dục phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu trong đào tạo sinh viên dạy hoạt động trải nghiệm, trải nghiệm hướng nghiệp và cách khai thác tài liệu theo chương trình đào tạo.

Các đại biểu thảo luận theo nhóm từng dự thảo tài liệu
Tại phần thảo luận chung, các đại biểu tham dự hội thảo phát biểu đều ghi nhận và đánh giá Bộ tài liệu là cần thiết và nhóm soạn thảo đã xây dựng dự thảo chi tiết, hướng dẫn cụ thể và nhất trí với cấu trúc của Dự thảo tài liệu. Trong phiên làm việc buổi chiều, Hội thảo chia làm 4 nhóm để góp ý chi tiết vào từng dự thảo của 4 tài liệu dành cho sinh viên ngành Sư phạm Địa lí, Sư phạm Công nghệ, Giáo dục công dân và thông qua hoạt động trải nghiệm ở trường phổ thông; trình bày kết quả thảo luận của từng nhóm và trao đổi thống nhất với nhóm tác giả.
Kết thúc hội thảo, bà Nguyễn Thị Thúy Ái – Phó Trưởng phòng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án UNICEF – Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai ghi nhận và đánh giá các ý kiến đóng góp của các đại biểu là chất lượng, tâm huyết và thiết thực làm cơ sở để nhóm tác giả tài liệu tiếp thu và điều chỉnh phù hợp trước khi tiến hành các bước tiếp theo để hoàn thiện và đưa bộ tài liệu vào sử dụng chính thức.