Theo đó, năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Đảng, Nhà nước, đặt trọng tâm truyền thông, tuyên truyền để bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững. Đây là bước tiến quan trọng nhằm tăng cường ý thức cộng đồng, khuyến khích các hành động bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và nâng cao chất lượng đời sống người dân, đồng thời khẳng định vai trò của nông nghiệp trong nền kinh tế quốc dân.
6 nội dung tuyên truyền trọng tâm
Theo đó, Bộ đặt trọng tâm vào 6 nội dung tuyên truyền, cụ thể: Tuyên truyền, phổ biến, thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Bộ Nông nghiệp và Môi trường; Thông tin, tuyên truyền về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; Đẩy mạnh truyền thông chính sách, tạo đồng thuận xã hội về định hướng phát triển ngành nông nghiệp và môi trường, tăng cường kiểm tra việc thực thi chính sách, pháp luật để phát hiện các vấn đề còn chưa phù hợp, từ đó giúp các địa phương kịp thời chấn chỉnh, hạn chế được các sai phạm, đồng thời, đề xuất sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng tập trung tuyên truyền việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng Ngành nông nghiệp và môi trường và tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2025. Trong đó, nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn ngành; Chuyển đổi mạnh sang tư duy kinh tế nông nghiệp, cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững, minh bạch, trách nhiệm, tích hợp đa giá trị, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn; chú trọng phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cạo; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản.
Hoàn thiện thể chế phục vụ tăng trưởng ngành nông nghiệp và môi trường; đột phá, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ số trong sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản; phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu; thúc đẩy mạnh mẽ các ngành hỗ trợ sản xuất nông nghiệp.
Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đẩy mạnh tuyên truyền về tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đối khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước, giảm thiểu tác động tiêu cực của hạn hán, xâm nhập mặn; Phân bổ hợp lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, nguồn lực từ đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước và địa phương; Phát huy giá trị địa chất, nguồn lực khoáng sản cho phát triển; Triển khai chiến lược phát triển kinh tế biển, tăng cường nghiên cứu khoa học và điều tra cơ bản về biển để từng bước làm chủ biển khơi.
Tiếp tục hiện đại hóa mạng lưới khí tượng thủy văn, nâng cao chất lượng công tác dự báo, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai; Tăng cường quản lý, tổ chức thực hiện các giải pháp về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; Nâng cao nhận thức về giảm phát thải khí nhà kính, phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp; thực hiện kiêm kê khí nhà kính các cấp và Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC); triển khai Đề án Thành lập và phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam; tạo cơ chế tài chính, đầu tư, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đẩy mạnh tuyên truyền nội dung chuyển đổi số, đột phá ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; nhân rộng các mô hình tốt, hiệu quả; đẩy mạnh quảng bá thương hiệu các sản phẩm ngành nông nghiệp và môi trường ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới và chuyên đổi số; xây dựng các cơ sở dữ liệu đất đai, cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, các cơ sở dữ liệu tài nguyên số về nông nghiệp và môi trường; ứng dụng công nghệ viễn thám... phục vụ điều tra cơ bản, quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.
Mặt khác, Bộ tiếp tục tuyên truyền thông tin đối ngoại và hội nhập quốc tế về nông nghiệp và môi trường, phát huy lợi thế, thu hút các nguồn lực phục vụ mục tiêu xây dựng và phát triển bền vững nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nông nghiệp thông minh, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phối hợp chặt chẽ, nâng cao hiệu quả tuyên truyền
Để đạt được hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền, việc phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị là vô cùng quan trọng. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị, đơn vị trực thuộc Bộ, Sở Nông nghiệp và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phổ biến, thông tin các định hướng tuyên truyền, truyền thông về nông nghiệp và môi trường năm 2025 tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị; tuyên truyền, truyền thông các hoạt động, nhiệm vụ, kết quả nổi bật thuộc phạm vi quản lý đảm bảo kịp thời, hiệu quả, đúng quy định.
Các đơn vị quản lý nhà nước trực thuộc Bộ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các lĩnh vực đơn vị được giao phụ trách theo hướng chủ động, tích cực, công khai, minh bạch, kịp thời, hiệu quả; chủ động có kịch bản truyền thông chính sách lĩnh vực đơn vị được giao phụ trách, từ sớm, từ xa, nhất là các nội dung, vấn đề cộng đồng xã hội quan tâm; phối hợp với Văn phòng Bộ tổ chức họp báo, cung cấp thông tin định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu thực tế.
Các đơn vị báo chí, truyền thông trực thuộc Bộ Phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản truyền thông theo chuyên mục, chuyên đề; đổi mới, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, truyền thông trên nền tảng truyền thông số, truyền thông đa phương tiện; tổ chức các diễn đàn, giải thưởng, cuộc thi, sự kiện chủ đề trọng tâm về nông nghiệp và môi trường đảm bảo hiệu quả và phù hợp điêu kiện thực tế
Văn phòng Bộ phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, các đơn vị báo chí, truyền thông trực thuộc Bộ xây dựng chuyên mục, chương trình truyền hình, phát thanh về nông nghiệp và môi trường; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát thường xuyên công tác tuyên truyền, truyền thông và tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.