Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hà Giang: Mưa lớn kéo dài gây nhiều thiệt hại

Từ đêm mùng 2 đến trưa 4/7, trên địa bàn tỉnh Hà Giang xảy ra mưa lớn, gây thiệt hại về nhà ở, sản xuất nông nghiệp, tài sản của nhân dân và các công trình công cộng. Ước tổng thiệt hại lên đến hơn 8,5 tỷ đồng. Trong đó, những địa phương chịu ảnh hưởng nhiều nhất là Bắc Quang, Vị Xuyên, Bắc Mê, Hoàng Su Phì và Mèo Vạc.


Tại huyện Mèo Vạc, sáng 4-7, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện cho biết: Do mưa to xảy ra trong những ngày qua nên gây sạt lở đất, làm sập nhà lưu trú của Trạm Y tế xã Nậm Ban. Rất may không có thương vong về người.
Cụ thể, mưa to kéo dài khiến đất, đá taluy dương sạt xuống làm đổ sập 4 phòng lưu trú công vụ của Trạm Y tế xã Nậm Ban (huyện Mèo Vạc), làm hư hại nhiều đồ đạc bên trong. Mức độ thiệt hại ước tính lên đến 90%, tương đương khoảng 850 triệu đồng.
Ngay sau khi xảy ra lở đất, UBND xã Nậm Ban đã ngay lập tức cử lực lượng hỗ trợ sơ tán người và tài sản ra khỏi khu vực sạt lở; lãnh đạo UBND huyện Mèo Vạc và các ngành chức năng đã đến hiện trường chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả. Đồng thời, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mèo Vạc cũng đã tổng hợp tình hình và báo cáo lên huyện và tỉnh để có biện pháp xử lý kịp thời.
Còn tại huyện Vị Xuyên, sáng 4-7, do mưa lớn kéo dài trong những ngày qua tại các xã biên giới như Thanh Thủy, Thanh Đức, Phương Tiến… đã làm sạt lở một số điểm taluy dương trên trục đường chính liên xã và một số đường liên thôn. Riêng xã Phương Tiến hiện đường đi 4 thôn vùng cao gồm Xà Phìn, Mào Phìn, Nặm Tẹ, Nà Màu vẫn bị cô lập, chia cắt, giao thông không thể đi lại được do lượng đất đá sạt lở quá lớn (có tới 28 điểm sạt lở với 25 điểm sạt lở taluy dương, 3 taluy âm), vẫn có hiện tượng sắp sạt lở nên chưa thể khắc phục, xử lý.

Hiện trường vụ sạt lở đất gây sập 4 phòng của cán bộ Trạm Y tế xã Nậm Ban

Lãnh đạo UBND huyện Mèo Vạc và các ngành chức năng đã đến hiện trường chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả. Đồng thời, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Mèo Vạc đã tổng hợp tình hình, báo cáo huyện và tỉnh để có biện pháp xử lý kịp thời.

Đồng chí Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Vị Xuyên Lý Xuân Lù đã có mặt tại hiện trường, chỉ đạo các xã phân công cán bộ túc trực, thường xuyên nắm bắt thông tin về tình hình mưa lũ tại cơ sở kịp thời; tuyên truyền nhân dân nâng cao cảnh giác, theo dõi tình hình thời tiết để chủ động có phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản trong thời điểm mưa lũ xảy ra; tập trung huy động lực lượng 4 tại chỗ chủ động khắc phục ngay các điểm sạt lở trong khả năng để lưu thông đi lại cho nhân dân, cũng như cần báo cáo tình hình mưa lũ sạt lở về huyện kịp thời có phương án xử lý.

 Các lực lượng tham gia khắc phục hậu quả vụ sạt lở Trạm Y tế xã Nậm Ban, huyện Mèo Vạc (Hà Giang)

Trước tình hình diễn biến phức tạp về mưa lũ, Thường trực UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan chỉ đạo vận hành an toàn các công trình, hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn để bảo đảm an toàn cho công trình, an toàn cho vùng hạ du. Đồng thời yêu cầu các nhà máy thủy điện theo dõi sát lưu lượng lũ về hồ chứa, thực hiện đúng quy trình vận hành nhà máy, quy chế phối hợp cung cấp thông tin và vận hành đóng, xả lũ trên lưu vực sông Lô, sông Miện… đảm bảo người dân vùng hạ lưu kịp thời ứng phó với diễn biến thời tiết và mưa lũ, hạn chế thấp nhất thiệt hại gây ra.

Để đảm bảo an toàn cho người dân lãnh đạo huyện Vị Xuyên (Hà Giang) đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường, yêu cầu các xã cử lực lượng túc trực nắm bắt thông tin về tình hình mưa lũ; đồng thời cắm biển báo tại các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao

Sở Giao thông vận tải Hà Giang chủ động phối hợp với các đơn vị quản lý đường bộ khu vực, lực lượng chức năng của các huyện, thành phố khắc phục sự cố do mưa lớn gây ra; tiến hành phân luồng, đảm bảo giao thông thông suốt. Sở tập trung kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở, sụt lún, đảm bảo an toàn các công trình, an toàn dân cư trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; đồng thời có phương án bố trí phương tiện, thiết bị để kịp thời hỗ trợ người dân đi qua các khu vực ngập lụt.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; thông tin kịp thời đến người dân khu vực có nguy cơ ngập lụt để chủ động phòng, tránh; sẵn sàng tổ chức di dời, sơ tán khẩn cấp người dân ở hạ lưu hồ, đập, khu vực thấp trũng, ven sông có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét đến nơi an toàn. Các địa phương bố trí lực lượng kiểm tra, rà soát, khơi thông dòng chảy; tổ chức canh gác, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các cầu, ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn 24/24 giờ để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.