Khái niệm về nuôi bãi gián tiếp quy mô lớn dự kiến sẽ mang lại hiệu quả, tiết kiệm và thân thiện với môi trường hơn về lâu dài so với các bãi biển truyền thống và các hình thức nuôi bãi tạo bờ hiện đang áp dụng để giảm thiểu tình trạng suy thoái bờ biển. Kết quả sơ bộ của mô hình số chỉ ra rằng việc nuôi bãi cục bộ góp phần mở rộng bãi biển thêm 10 - 20 km đường bờ biển và tăng thêm diện tích bãi biển lên 200 ha trong khoảng thời gian 20 năm. Các quan sát ban đầu cho thấy có sự phân bố lại lượng cát bồi cho các bãi biển liền kề, khoảng 40% về phía nam và 60% về phía bắc. Mặc dù vẫn chưa có kết luận chính thức về hiệu quả của giải pháp lần đầu tiên được áp dụng trên thế giới này, nhưng nếu chứng được tính hiệu quả, giải pháp này sẽ là một giải pháp chung cho toàn cầu nhằm đối phó tình trạng xói lở bờ biển do nước biển dâng dọc theo các bờ biển mở.
GIỚI THIỆU
Những thay đổi do biến đổi khí hậu gây nên và do con người đến các động lực môi trường sẽ dẫn đến mối đe dọa lũ lụt nghiêm trọng, trên phạm vi rộng lớn và thường xuyên ở khu vực đồng bằng, cửa sông và các vùng đất thấp ven biển khác trong thế kỷ 21 và về sau (Gratiot et al., 2008 ; Houghton và cộng sự, 2010; Nicholls và cộng sự, 2007; Nicholls và cộng sự, 2011; Ranasinghe et al., 2012). Vì đây là các trung tâm đô thị, nông nghiệp, công nghiệp lớn nhất của thế giới, một sự chuyển đổi trong tư duy và các hành động ứng phó cụ thể sẽ là cần thiết để giảm thiểu rủi ro lũ lụt một cách hiệu quả. Chúng tôi hy vọng mọi người sẽ cùng thảo luận và nhìn nhận đúng đắn về lợi ích của sự chuyển dịch này như được trình bày ở đây.
Một Ủy ban Nhà nước Hà Lan được thành lập gần đây (còn gọi là Ủy ban đồng bằng mới hoặc Thứ 2, sau Ủy ban đồng bằng 1 được thành lập sau trận lũ năm 1953) đã đưa ra các khuyến nghị chung và lâu dài về các giải pháp chống lũ cho Hà Lan trong thế kỷ tới và thậm chí dài hạn hơn có tính đến bối cảnh biến đổi khí hậu và nhưng thay đổi do con người gây nên dẫn đến gia tăng mực nước biển tương đối (SLR) và tăng lưu lượng dòng chảy sông.
Theo các khuyến nghị này, gần đây Hà Lan đã áp dụng một giải pháp can thiệp đổi mới táo bạo có tên ‘The Sand Engine” Động lực cát (Zand Motor, www.zandmotor.nl). Sand Engine là một bãi nuôi cát tập trung cục bộ rất lớn, ước chừng 21,5 triệu m3, nhằm bảo vệ và phòng lũ kết hợp với các giá trị không gian mới. Cách tiếp cận như vậy có thể là giải pháp tốt cho các vùng đất thấp trên thế giới. việc nuôi bãi Sand Engine ban đầu sẽ mở rộng hệ thống ven biển thêm 2,4 km chiều dài và 1 km chiều rộng về phía biển theo một hình dạng cụ thể như trong Hình 1. Kỳ vọng chính là Sand Engine sẽ giúp ổn định đường bờ biển ở vị trí hiện tại và bổ sung cát nuôi các bãi liền kề trong một khoảng thời gian dài (20 năm) và mở rộng bãi biển (trong khoảng cách 10 km). Trong báo cáo này, chúng tôi lần đầu tiên mô tả ý tưởng đằng sau chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu đầu tiên trên thế giới này và đưa ra các dự đoán mô hình số về diễn biến dài hạn của bờ biển song hành với các diễn tiến tự nhiên của Sand Engine trong năm đầu tiên. Tuy nhiên, việc thực hiện các giải pháp can thiệp sâu rộng như Sand Engine trong một xã hội hiện đại sẽ đòi hỏi một sự chuyển dịch mô hình cần thiết để thực hiện các can thiệp như vậy trong bối cảnh biến đổi khí hậu có thể tiếp tục gia tăng.
CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH
Sự chuyển đổi mô hình trong cách tiếp cận quản lý nước và bờ biển có thể quan sát được trong những thập kỷ qua chính là một thách thức lớn cho thế kỷ tiếp theo. Nếu như trong quá khứ, thách thức được đặt ra là chiến đấu chống các các thế lực tự nhiên, thì cách tiếp cận ngày hôm nay không chỉ giới hạn trong các vấn đề phòng chống lũ, đặc biệt khi có nhiều các lực lượng sinh thái cần được hỗ trợ và có thể hỗ trợ quá trình bảo vệ. Mặc dù thế giới đã quan tâm đến vấn đề này trong hơn 2 thập kỷ vừa qua, các nước không phải là phương tây, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển đang ngày càng nhìn nhận vấn đề này, Điều này cho thấy quản lý nước và bờ biển đã và đang trở thành các nhiệm vụ liên ngành và xuyên ngành (Waterman, 2008). Các vấn đề cũng như khó khăn gặp phải trong quá trình thực hiện được mô tả trong các ví dụ sau đây.
Trong một đánh giá quan trọng về các tác động hình thái, sinh thái và kinh tế xã hội của khá nhiều các giải pháp can thiệp của con người trong dự án đồng bằng Hà Lan (sau trận lũ 1953), Saeijs et al. (2004) đã ủng hộ các làm phối hợp với thiên nhiên trong bất kỳ dự án phòng lũ nào trong tương lai ở khu vực cửa sông và ven biển. Một số khuyến nghị của đã minh họa điều này: ‘(1) Nếu vẫn còn có sự lựa chọn khác, hãy giữ nguyên các cửa sông và vùng đồng bằng. (2) Nếu trong quá khứ đã có sự can thiệp của con người đến các khu vực này, hãy thử áp dụng các phương pháp linh hoạt nhất để bảo đảm sự an toàn và phát triển. (3) Ưu tiên các giải pháp có thể đảo ngược lại và các giải pháp cục bộ trong giới hạn chấp nhận được của các diễn biến tự nhiên (tr.7).
Các khuyến nghị của Saeijs et al. (2004) liên quan đến ứng xử với thiên nhiêu sao cho phù hợp với các chính sách hiện tại (xem chính sách ven biển để duy trì đường bờ biển bằng các giải pháp mềm hơn là các giải pháp cứng [cụ thể]). Tuy nhiên, việc đề xuất các kiến nghị dường như rất phức tạp. Ví dụ, các kè biển có thể cản trở các quá trình tự nhiên, nhưng trên quan điểm kinh tế, nói chung là không nên xóa bỏ các kè, chứ chưa nói đến quan điểm xã hội. Sự phức tạp ở đây còn còn được thể hiện ở chỗ Jonkman, Stive và Vrijling (2005) kết luận dựa trên bài học cho người Hà Lan từ thảm họa lũ lụt New Orleans năm 2005. Các tác giả này đã quan sát xu hướng chính sách của Hà Lan hướng tới mô hình giảm nhẹ hậu quả của Mỹ thay vì củng cố các công trình phòng lũ, trong tình hình công tác phòng lũ ngày càng ít được quan tâm hơn. Người ta lập luận rằng (1) các tiêu chuẩn bảo vệ đã được xây dựng từ 40 năm trước và không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế của khu vực cần bảo vệ theo thời gian và (2) các rủi ro xã hội liên quan đến phòng lũ lụt ở cấp quốc gia lớn hơn trong 1 số lĩnh vực trong xã hội Hà Lan (Ten Brinke và Bannink, 2004), các tác giả này kết luận rằng cần có một cuộc tranh luận căn bản về mức phòng lũ an toàn cần thiết ở Hà Lan. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến việc nâng cao yêu cầu chống lũ và sẽ thách thức những người ủng hộ các giải pháp mềm để đáp ứng các yêu cầu an toàn cũng như lồng ghép các nội dung sinh thái và xã hội trong đánh giá thiết kế.
Đối phó với những tình huống khó khăn này là một ví dụ về thách thức to lớn trong tương lai gần. Điều này chứng minh quan điểm ‘‘sống chung với thiên nhiên” (De Vriend và Van Koningsveld, 2012) không chỉ đơn giản là sử dụng các giải pháp khoa học tự nhiên mà sự phù hợp giữa các các ngành khác nhau và đỏi hỏi một cách tiếp cận liên ngành. Sự chuyển đổi mô hình này có thể thấy rất rõ trong công tác quản lý ven biển Hà Lan, và cũng phù hợp với bối cảnh của khái niệm Động lực cát - Sand Engine.
THỰC TRẠNG CỦA ĐẤT NƯỚC HÀ LAN
Hà Lan, nơi có một phần ba đất liền nằm dưới mực nước biển trung bình (MSL) và là vùng đồng bằng đối mặt với những hậu quả kinh tế xã hội to lớn do gia tăng mực nước biển tương đối (nghĩa là mực nước biển dâng và các tác động tại chỗ và vùng khác). Hà lan là quốc gia đông dân (mật độ dân số 494 người / km2) với đường bờ biển dài 350 km. Hiện tại có 9 triệu cư dân (trong tổng số 16,7 triệu người) đang sinh sống ở các khu vực ven biển và tại các khu vực rộng lớn thấp hơn mực nước biển trung bình. Khoảng 65% tổng GDP tức là khoảng 400 tỷ euro đang được được tạo ra từ các khu vực ven biển này.
Ven biển Hà Lan, tương tự như nhiều vùng đất trũng ven biển khác, rất dễ bị tổn thương. Các vùng ven biển này đã bị xâm thực về mặt cấu trúc trong những thế kỷ qua do ảnh hưởng kết hợp của nước biển dâng tương đối cả trên vùng bờ biển không bị gián đoạn (Bruun, 1996) và bờ biển bị gián đoạn (Van Goor et al., 2003) và do tổn thất ở vùng bờ sâu hơn. Để giảm thiểu các tác động và giảm thiểu rủi ro lũ lụt, các công trình ven biển đã được xây dựng từ những năm 1700, đường bờ biển được xây dựng các tường chắn cục bộ, các công trình chắn song, và các hốc núi bằng gỗ hoặc đá dăm. Tuy nhiên, đây thực tế không phải là những giải pháp bền vững và tình trạng xói mòn bờ biển vẫn tiếp diễn. Một giải pháp mới và hiệu quả hơn để giảm thiểu xói mòn bờ biển đã được phát triển trong vài năm gần đây (thập kỷ 1950) bằng cách áp dụng giải pháp nuôi bãi nhân tạo. Sau khi một số dự án ban đầu thành công, chính phủ Hà Lan ban hành chính sách phải bảo tồn vị trí ven biển năm 1990 bằng mọi giá, và quy định nuôi bãi sẽ là giải pháp giảm thiểu chính. Kể từ đó, giải pháp nuôi bãi đã được áp dụng hiệu quả ở Hà Lan để giảm thiểu tình trạng suy thoái ven biển (Hình 2; Hanson et al., 2002; Rijkswaterstaat, 1990). Ban đầu, bãi được nuôi như các bãi biển truyền thống và các đụn cát, tức là cát đổ trực tiếp lên bãi biển hoặc và đắp thành cồn cát (Hình 3a). Dựa trên những phát hiện lý thuyết và kết quả thực địa (Bruun, 1996; Grunnet và Ruessink, 2005; Stive, Nicholls và de Vriend, 1991; Van Koningsveld et al., 2008), việc chất cát lên bãi biển ngay bên ngoài hoặc ngay bên trong tường/đê chắn sóng ngoài không chỉ hiệu quả như các phương pháp nuôi bãi/nuôi cồn truyền thống mà còn rẻ hơn, ít xâm hại các công trình ven biển, và và dễ được công chúng chấp nhận hơn; các biện pháp nuôi bãi này đã được áp dụng rộng rãi dọc theo bờ biển Hà Lan kể từ cuối những năm 1990 (Hình 3b). Thông thường, một bãi tạo bờ gồm 1 - 2 triệu m3 cát và có tuổi thọ khoảng 3 – 5 năm (Hamm et al., 2002). Tác động chính của việc nuôi bãi là bổ sung phù sa và cát cho bờ biển, nhờ đó làm thay đổi các diễn biến của vùng song vỡ để cuối cùng là bảo vệ ven biển không bị xói mòn hoặc bồi đắp thêm bờ biển (Grunnet và Ruessink, 2005; van Duin et al., 2004). Hiện nay, phần lớn các hoạt động nuôi bãi đang được thực hiện là nuôi bãi tạo bờ hơn là bãi biển hoặc cồn cát (Hình 2).
Thiệt hại do trận bão Katrina gây ra năm 2005 là một hồi chuông cảnh tỉnh nhiều quốc gia trên thế giới về hậu quả tiềm tàng của ngập lụt ven biển. Sự kiện thiên tai này đã thúc đẩy chính phủ Hà Lan thành lập một Ủy ban Đồng bằng mới năm 2007 (sau Ủy ban đồng bằng 1 được thành lập sau trận lũ năm 1953), chủ yếu là để cố vấn về công tác phòng chống và giảm nhẹ ro lũ lụt của đất nước trong tương lai gần và xa (tầm nhìn 2200). Năm 2008, Ủy ban Đồng bằng mới đã đưa ra 12 khuyến nghị để ứng phó với khí hậu và các thay đổi môi trường khác (Kabat et al., 2009). Ủy ban đã ra một khuyến nghị chắc chắn về các giải pháp phòng thủ bờ biển liên quan đến chiến lược kỹ thuật mềm (tức là nuôi bãi dọc ven biển) để giảm nhẹ tình trạng xói mòn bờ biển về lâu dài. Báo cáo của Ủy ban đồng bằng mới cũng chỉ ra rằng để giảm nhẹ tình trạng xói mòn bờ biển do nước biển dâng gia tăng trong thế kỷ 21, khối lượng các bãi cát hàng năm trên bờ biển Hà Lan cần được tăng từ 12 triệu 3 / năm (số liệu hiện đã cũ - xem Hình 2) lên 80 triệu m3 / năm trong Kịch bản biến đổi khí hậu cao (Kabat et al., 2009).
Nếu tăng được lượng cát nhờ nuôi bãi tạo bờ truyền thống để ngăn chặn tình trạng xói mòn bờ biển do nước biển dâng, các bãi này sẽ được này sẽ cần được tạo ra dọc theo toàn bộ bờ biển Hà lan. Nhờ đó sẽ mở rộng đáng kể bãi biển dọc theo toàn bộ bờ biển Hà Lan. Tuy nhiên, bãi biển quá rộng lại không hấp dẫn đối với những người tắm biển bình thường, là vì phải đi bộ xa mới tới được mép biển. Chính là bối cảnh này đã ra đời khái niệm táo bạo lần đầu tiên được xây dựng trên thế giới nhằm nuôi bãi siêu lớn cục bộ, hay Động cơ cát (Hình 3c).
Những ưu điểm chính của khái niệm nuôi bãi tạo bờ lớn bao gồm (1) Một bãi nuôi bờ sẽ tồn tại được từ 10 -20 năm trong khi chu kỳ nuôi bãi hiện tại chỉ kéo dài được 2 – 5 năm; (2) Bãi biển sẽ vươn xa một cách từ từ và sẽ mở rộng bờ biển ra thêm khoảng 10 km về phía biển một cách tự nhiên hơn.
(3) Sự xáo trộn ban đầu sẽ dẫn đến sự gia tăng ngắn hạn đến trung hạn không gian giải trí và môi trường. (4) Ứng suất sinh thái vốn khá nhiều tại vị trí nuôi bãi ban đầu, sẽ không tác động đến các khu vực lân cận, do đó ứng suất sinh thái sẽ được giới hạn trong một khu vực nhỏ (~ 2,5 km2).
ĐỘNG LỰC CÁT
Các thảo luận và bối cảnh trước đây đã dẫn đến ra đời các chiến lược thích ứng chưa từng được thực hiện trước đó, cả về hình thức và cường độ. Nhận thấy nhu cầu này, gần đây các nhà hoạch định chính sách Hà Lan đã phối hợp chặt chẽ với cộng đồng khoa học và áp dụng giải pháp can thiệp sáng tạo có tên Sand Engine (Zand Motor, www.zandmotor.nl) để bảo vệ vùng đất thấp ven biển của Hà Lan khỏi lũ lụt do nước biển dâng đã được dự đoán. Sand Engine là mô hình bãi nuôi dưỡng rất lớn với thể thích 21,5 triệu m3: và quy mô của bãi nuôi nhằm phòng chống lũ lụt cũng lớn chưa từng thấy ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới.
Bãi nuôi tạo bờ ban đầu trải dài trên đoạn bờ biển dài 2,4 km và vươn xa 1 km ngoài khơi theo một hình dạng cụ thể (Hình 1). Hình dạng của bãi nuôi tạo bờ chủ yếu dựa trên ý tưởng tạo bờ biển để phục vụ mục đích cảnh quan thiên nhiên và giải trí. Bãi bao gồm một bán đảo hình móc lớn được gắn vào bờ bằng 1 bãi nền rộng ~ 1 km và có một hồ nhỏ (7,5 ha) (xem Hình 1). Mũi cong của bán đảo là chỗ trú ẩn khỏi sóng và có 1 đầm nông nhân tạo được hình thành phía sau mũi doi cát được dự kiến là môi trường sống của cá dẹt và các loài sinh vật khác.
Những người ra quyết định đã nhận thấy giải pháp này khá hấp dẫn và đã chấp thuận việc nuôi bãi khổng lồ thể tích 21,5 triệu m3 trên bờ biển Ter Heijde thuộc tỉnh Nam Hà Lan (Hình 4). Sand Engine được xây dựng chủ yếu trong thời gian tháng 3 - 7 năm 2011 bằng cách sử dụng cát được khai thác ở khoảng cách 10 km ngoài khơi, và một số hoạt động bổ sung vào đầu năm 2012. Đây là khu vực nghiên cứu đầu tiên trên thế giới cũng như mô hình trình diễn thực tế của toàn bộ hệ thống quản lý ven biển, lồng ghép các cân nhắc về môi trường, sinh thái và xã hội vào các công trình xây dựng ven biển. Đến nay, dự án đã nhận được phản hồi tích cực từ công chúng, đặc biệt là từ những người sử dụng bãi biển giải trí, trong đó có những người lướt sóng, lưới gió và thả diều.
Người ta kỳ vọng Sand Engine sẽ làm xáo trộn hệ thống ven biển khiến cho đường bờ biển được ổn định ở mức tối thiểu tại vị trí hiện tại trong một khoảng thời gian dài (20 năm) và ổn định về mặt không gian (10 km). Lợi ích thứ cấp được dự đoán là sẽ tạo ra một không gian môi trường và giải trí hấp dẫn tại dải ven biển đang diễn ra quá trình đô thị hóa mạnh mẽ này.
CÁC DỰ ĐOÁN VÀ KẾT QUẢ QUAN TRẮC ĐẦU TIÊN
Mô hình số hình thái động lực ven biển hiện tại Mod-el Delft3D (Lesser et al., 2004) được sử dụng để tính toán các dự đoán sơ bộ về diễn tiến theo thời gian và không gian của Sand Engine trong khoảng thời gian quy hoạch 20 năm. Ứng dụng sơ bộ của mô hình đã áp dụng một phép đo độ sâu được hệ thống hóa ban đầu và theo sát nguyên mẫu:
Hình thái ban đầu và hình thức dự đoán dựa trên mô hình sau các thời gian 3, 5, 10, 15 và 20 năm được thể hiện trong Hình 5. Kết quả cho thấy bãi nuôi sẽ giảm dần chiều rộng (theo hướng vuông góc với bờ) và kéo bờ biển dài thêm 8 km trong khoảng thời gian 20 năm như mong muốn (Hình 5a- f). Diện tích bãi biển trên chiều dài 8 km bờ biển sẽ lên đến 200 ha. Trong mô hình này, Sand Engine có phạm vi chiều rộng bờ tối đa ban đầu là 0,95 km và chiều dài bờ là 2,4 km. Trong vòng 3 năm, chiều dài bãi nuôi sẽ tăng thêm 1,1 km (lần lượt 0,7 km về phía nam và 0,4 km về phía bắc), trong khi chiều rộng tối đa của bờ biển sẽ giảm 0,2 km (Hình 5b). Mũi của bãi giống như mũi đất song song với bờ vòng lại về hướng bờ và hình thành một bãi ngang tách hẳn khỏi bờ và ngăn cách bằng một kênh hẹp (chiều rộng khoảng 50 m), tạo thành một đầm phá nhân tạo có diện tích bề mặt là 17 ha (Hình 5b). Sau 3 đến 10 năm, Sand Engine từ từ khuếch tán và chiều rộng tối đa của bãi sẽ giảm từ 0,8 km xuống còn 0,6 km trong khi chiều dài sẽ tăng từ 3,5 km lên 5,3 km (kéo dài thêm 1,6 km [về phía nam] và 1,2 km [về phía bắc]), tương đồng với cấu hình ban đầu (Hình 5c, d). Diện tích vùng đầm phá giảm xuống còn 14 ha, trong khi kênh nước song song bờ biển nối biển tiếp tục rộng thêm trong thời gian này. Sau 15 năm (Hình 5e), Sand Engine sẽ đạt chiều dài 7 km (mở rộng thêm 2,5 km [về phía nam] và 2,1 km [về phía bắc]) với chiều rộng tối đa là 0,5 km, trong khi kênh nước song song với bờ sẽ biến mất. Dự báo sau khoảng 15 - 20, một kênh mới hiệu quả hơn về mặt thủy lực sẽ phát triển ở phía bắc của bãi nuôi trung tâm còn lại để duy trì sự kết nối với đại dương. Các dự báo cho thấy sau thời gian quy hoạch 20 năm (Hình 5f), chiều rộng tối đa của bãi nuôi sẽ là 0,45 km và chiều dài sẽ là 8 km (mở rộng thêm 3 km về phía nam và 2,5 km về phía bắc), trong khi diện tích đầm phá nhân tạo sẽ giảm xuống còn 8 ha nhưng vẫn mở ra về phía biển thông qua kênh nước phía bắc.
Sau khi dự án hoàn thành vào mùa hè năm 2011, diễn biến địa hình và độ sâu của Sand Engine đã được quan trắc hàng tháng thông qua một Jetski – Mô tô nước thiết kế riêng có gắn RTK-GPS và máy đo hồi âm (độ chính xác ~ 10 cm; van Son et al ., 2010). Thiết bị này bổ sung các tính toán độ sâu và mặt cắt dọc bờ biển thường xuyên hàng năm, và số lượng được lên bốn thiết bị hàng năm. Ngoài ra, hai trạm ARGUS đã được cài đặt để quan trắc Sand Engine và các bãi biển lân cận, và các bức ảnh không gian được chụp thường xuyên hình dung diễn biến của bãi. Trong năm đầu tiên, gồm mùa bão 2011 – 2012, hình dạng của bán đảo Sand Engine đã thay đổi đáng kể (Hình 6). Chiều rộng tối đa giảm từ 0,96 km xuống 0,84 km, trong khi chiều dài tăng từ 2,4 km lên 3,6 km (tăng thêm khoảng 0,6 km về phía nam và phía bắc). Lượng phù sa tại vị trí của bán đảo ban đầu đã giảm khoảng 1,4 triệu m3 trong năm đầu trong khi phần bãi liền kề lại tăng lượng phù sa lên 0,9 triệu m3, chứng minh tác dụng nuôi bãi. Thể tích còn lại 0,5 triệu m3 dự kiến sẽ ổn định ở khu vực ngoài khơi xung quanh Sand engine và sẽ được đo đạc khảo sát hàng tháng (xem Hình 6). Diễn biến này sát với những số liệu về tuổi thọ ước tính ban đầu của Sand Engine. Trên cơ sở thứ tự quy mô tổng vận chuyển bùn cát dọc bờ là 0,8 – 1.0 triệu m3 (van Rijn et al., 1995), tổn thất trung bình hàng năm được ước tính là 1 triệu m3; do đó, khối lượng thiết kế sẽ là 20 triệu m3 được khuếch tán trong vòng 20 năm.
Hơn nữa, năm quan trắc đầu tiên cho thấy có những thay đổi lớn về hình thái học ở phía bắc của Sand Engine, nơi mũi đất quay hướng về bờ và hình thành một doi cát ngang. Mũi đất này tách ra khỏi bờ bởi một kênh nước song song và gần bờ rộng 100 m, hình thành một đầm phá nhân tạo với diện tích mặt khoảng 20 ha.
Các quan trắc về diễn biến quy mô lớn của bãi nuôi hoàn toàn phù hợp với các diễn biến đã được dự liệu của quá trình đảo cung cấp cát cho các bãi biển xung quanh, qua đó cho ta thấy mức độ tin cậy phù hợp của các dự báo mô hình dài hạn hơn trong Hình 5
AN TOÀN CHO NGƯỜI DÂN
Mặc dù nhìn chung, nhận thức chính trị và công cộng về Sand Engine trong 18 tháng qua là tích cực, mặc dù có một số sự cố liên quan đến an toàn của người dân. Vì du khách thường xuyên của bờ biển Hà Lan và các đơn vị Nhân viên cứu hộ bãi biển đã quen thuộc với một bãi biển thẳng, gần như đồng nhất, giờ đây họ phải đối mặt với một hệ thống bãi biển và đầm phá rất năng động và hình thành chóng vánh. Cụ thể, sự khác biệt lớn trong hình thái bãi biển lúc triều cao và triều thấp (xem Hình 7) dẫn đến hai vấn đề an toàn. Trước hết khi đầm bắt đầu đầy nước và mực nước dâng cao, vận tốc dòng nước lũ chảy vào các kênh khá lớn, có thể tương đương với một dòng nước xoáy mạnh. Điều này đã gây ngạc nhiên cho một số người đi dạo ven biển và nhân viên cứu hộ. Thứ hai, ở một số chỗ có thể đi bộ khi nước rút thì lại bị cô lập khi triều lên (xem Hình 7). Điều này cũng gây ngạc nhiên cho một số du khách trên bãi biển. Nhờ nỗ lực của cả nhân viên cứu hộ và cảnh sát biển, hầu hết các sự cố liên quan đến các vấn đề này đều đã tránh được. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải thông báo cho cả nhân viên cứu hộ và công chúng về các vấn đề bảo đảm an toàn này.
KẾT LUẬN
Một giải pháp kỹ thuật mềm cải tiến táo bạo, bao gồm việc nuôi bãi với thể tích lên đến 21,5 Mm3 và chưa từng được thực hiện trước đó, được gọi là Sand Engine – Động lực cát, gần đây đã được triển khai ở Hà Lan. Nuôi bãi - Sand Engine là một dự án thí điểm để kiểm nghiệm tính hiệu quả của các biện pháp nuôi bãi vĩ mô tại chỗ như một giải pháp nhằm đối phó tình trạng xói lở bờ biển gia tăng được dự báo trong thế kỷ 21. Khái niệm về nuôi bãi gián tiếp quy mô lớn dự kiến sẽ mang lại hiệu quả, tiết kiệm và thân thiện với môi trường hơn về lâu dài so với các bãi biển truyền thống và các hình thức nuôi bãi tạo bờ hiện đang áp dụng để giảm thiểu tình trạng suy thoái bờ biển. Kết quả sơ bộ của mô hình số chỉ ra rằng việc nuôi bãi cục bộ góp phần mở rộng bãi biển thêm 10 - 20 km đường bờ biển và tăng thêm diện tích bãi biển lên 200 ha trong khoảng thời gian 20 năm. Các quan sát ban đầu cho thấy có sự phân bố lại lượng cát bồi cho các bãi biển liền kề, khoảng 40% về phía nam và 60% về phía bắc. Mặc dù vẫn chưa có kết luận chính thức về hiệu quả của giải pháp lần đầu tiên được áp dụng trên thế giới này, nhưng nếu chứng được tính hiệu quả, giải pháp này sẽ là một giải pháp chung cho toàn cầu nhằm đối phó tình trạng xói lở bờ biển do nước biển dâng dọc theo các bờ biển mở.
Theo bioone.org