Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đề nghị khẩn trương phê duyệt bản đồ ngập lụt

Đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị khẩn trương xây dựng, phê duyệt bản đồ ngập lụt vùng hạ du đập theo phân cấp và chuyển giao cho các chủ sở hữu, tổ chức, cá nhân liên quan để xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp.


Vào kỳ họp thứ 10 tới đây, trước khi bước vào phiên thảo luận, đoàn giám sát sẽ trình chiếu tại Quốc hội một clip về những bất cập và nguy cơ tiềm ẩn, hiện hữu sau khi Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội tiến hành giám sát về an ninh nguồn nước và quản lý an toàn hồ đập. Tính đến hết năm 2018, cả nước đã có hơn 800 dự án thủy điện được phê duyệt tại Việt Nam với gần 400 dự án được đưa vào khai thác, sử dụng. 
Kết quả giám sát cho thấy hiện cả nước còn khoảng 1.200 hồ chứa bị hư hỏng xuống cấp, không đảm bảo khả năng thoát lũ. Trong đó có 200 hồ chứa hư hỏng nghiêm trọng cần đặc biệt quan tâm và phải xử lý cấp bách.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN&MT Nguyễn Vinh Hà, một trong 8 thách thức lớn đối với an ninh nguồn nước của Việt Nam hiện nay là phụ thuộc lớn vào nguồn nước sông quốc tế. Tuy Việt Nam có tới 3.500 sông suối có chiều dài từ 10 km trở lên, nhưng có 7 lưu vực sông liên quốc gia, phần lưu vực ở nước ngoài chiếm tới 71%, lại ở khu vực đầu nguồn. “Chúng ta chịu rủi ro về lượng nước, chất lượng nước rất lớn do các quốc gia thượng nguồn gia tăng các hoạt động thủy điện trên dòng chính sông Hồng, sông MeKong làm thay đổi lớn chế độ dòng chảy, lượng nước phù sa”, ông Hà cho hay.
Khảo sát thực tế tại 14 tỉnh, thành phố cho thấy, tình trạng công trình bị hư hỏng xuống cấp ngày càng nghiêm trọng, nhiều công trình đầu mối không đủ khả năng chống lũ, nhất là các hồ chứa nhỏ xây dựng cách đây 30 - 50 năm. Theo báo cáo của UBND các tỉnh, Hà Tĩnh có 31 công trình hư hỏng, hạn chế tích nước, 2 công trình không có tích nước do nguy cơ mất an toàn; Thanh Hóa có 78 hồ chứa mất an toàn, hư hỏng; Hòa Bình có 48 hồ chứa xung yếu… Việc tích nước các hồ là hạn chế, không theo thiết kế và luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Kết quả giám sát cũng chỉ ra nhiều thách thức lớn đang phải đối mặt, điển hình là tình trạng phân bố không đều nguồn nước. Vào mùa mưa lũ, nước nhiều gây lũ, lụt, còn mùa khô lại hạn hán, xâm nhập mặn. Trong khi đó, hệ thống trữ nước, điều tiết, phân phối nước phát huy hiệu quả chưa cao và nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng.
Cơ quan giám sát cũng cho rằng, do địa hình nhiều đồi núi, độ dốc cao nên vào mùa mưa lượng nước đổ về nhanh và nhiều. Trong khi đó việc quy hoạch các hồ chứa chưa thực sự thích hợp để có thể đủ đáp ứng việc tích nước để thoát lũ và dự trữ nước. Chính vì thế, khi lượng nước đổ về nhiều đã gây ra lũ cục bộ trên các sông. Mặt khác, do phần lớn nguồn nước chảy vào nội địa là từ nước ngoài, trong khi thông tin dự báo, điều tiết xả nước liên quốc gia chưa có sự phối hợp chặt chẽ nên chưa chủ động trong xây dựng các phương án thoát lũ.
Đặc biệt theo đoàn giám sát, hệ sinh thái rừng đầu nguồn đóng vai trò vô cùng quan trọng để hạn chế lũ ống, lũ quét nhưng lại đang bị suy giảm nghiêm trọng về chất lượng. Cùng với đó, hệ thống cây bản địa bị thu hẹp để thay thế các loài cây kinh tế, ít có giá trị về sinh thái nên khả năng giữ nước của rừng đầu nguồn ngày càng giảm.

Chỉ quy hoạch dự án hạn chế ngập lụt
 Từ thực tế trên, đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, điều chỉnh các quy định về điều tiết nước các hồ chứa thủy điện, thủy lợi để bảo đảm cấp nước cho hạ du trong mùa kiệt; đồng thời rà soát, phê duyệt điều chỉnh các quy trình vận hành hồ chứa công trình thủy điện đảm bảo phù hợp với quy trình vận hành liên hồ chứa được Thủ tướng phê duyệt, ban hành.
Đoàn giám sát cũng đề nghị khẩn trương xây dựng, phê duyệt bản đồ ngập lụt vùng hạ du đập theo phân cấp và chuyển giao cho các chủ sở hữu, tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa nước có liên quan để xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp. Đối với UBND cấp tỉnh, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn hồ, đập trên địa bàn; kiên quyết dừng hoạt động tích nước đối với các hồ chứa không bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ.
Còn theo Bộ Công Thương, trong năm 2020 đã kiểm tra 7 công trình thủy điện thuộc trách nhiệm quản lý gồm: Thác Bà, Tuyên Quang, Nậm Chiến, Bảo Lâm 3, Bắc Mê, Bản Vẽ, Hố Hô. Một trong những khó khăn, vướng mắc được chỉ ra là việc điều tiết nước các hồ chứa trong mùa kiệt còn chồng chéo giữa Bộ NN&PTNT với Bộ TN&MT.
Bộ Công Thương cũng cho rằng, việc lập kế hoạch vận hành của các nhà máy thủy điện vừa đáp ứng nhu cầu phụ tải điện vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng nước còn có nhiều khó khăn. Vào mùa lũ, quy định thời gian tích nước cuối mùa lũ khá ngắn và việc vận hành tích nước phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của các bản tin dự báo thời tiết làm cho việc tích nước các hồ chứa thủy điện gặp rất nhiều khó khăn.
 
Thời gian qua, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm báo cáo với Thủ tướng Chính phủ xây dựng quy hoạch các dự án thủy điện. Tại phiên giải trình về an ninh nguồn nước vừa qua, lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định, chỉ quy hoạch những dự án thủy điện có hiệu quả kinh tế, hạn chế ngập lụt, hạn chế ảnh hưởng môi trường.

Khánh Chi