Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Công văn số 97/TWPCTT ngày 10/8/2020 của Ban Chỉ đạo TWPCTT v/v thực hiện một số quy định về Quỹ Phòng chống thiên tai


     Để tháo gỡ vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Quỹ phòng chống thiên tai tại các địa phương theo Nghị định số 83/2019/NĐ-CP ngày 12/11/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 quy định về thành lập và quản lý Quỹ phòng chống thiên tai, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai lưu ý một số nội dung cụ thể như sau:

  1. Về việc ban hành quy chế về tổ chức và hoạt động của Quỹ

- Quy chế về tổ chức và hoạt động của quỹ là văn bản quy định về tổ chức, hoạt động của bộ máy quản lý Quỹ cấp tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh có thẩm quyền quy định về nội dung này theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 94/2014/NĐ-CP.

- Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm ban hành Quy chế hoạt động (về thu chi của Quỹ), hướng dẫn nội dung chi, mức chi và việc quản lý, sử dụng tài chính của Quỹ có tính bắt buộc áp dụng đối với nhiều đối tượng khác nhau theo quy định tại khoản 2 Điều 9a được bổ sung tại khoản 5 Điều 1 của Nghị định số 83/2019/NĐ-CP.

  1. Về việc miễn, giảm, tạm hoãn đóng góp

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định việc miễn, giảm, tạm hoãn đóng góp quỹ của địa phương. Vì vậy, việc quyết định đối tượng miễn giảm, xác định thế nào là “thiệt hại nặng nề” thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, có thể tham khảo cách phân định mức thiệt hại quy định tại Thông tư số 43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT và Nghị định số 02/2017/NĐ-CP để đảm bảo phù hợp với thực tiễn (quy định tại Điều 7 Nghị định số 94/2014/NĐ-CP).

- Về kiến nghị miễn, giảm, tạm hoãn đóng góp Quỹ Phòng chống thiên tai (đối với đối tượng người dân và doanh nghiệp) năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19: các đối tượng trên không thuộc đối tượng được miễn, giảm, tạm hoãn đóng góp (quy định tại điều 6 Nghị định số 94/2014/NĐ-CP).

  1. Về nội dung chi Quỹ

- Về nội dung “tu sửa nhà sơ tán phòng tránh thiên tai”: các công trình nhà sơ tán phòng tránh thiên tai hoặc sử dụng kết hợp làm địa điểm sơ tán dân khi có thiên tai được sử dụng Quỹ phòng chống thiên tai để tu sửa (quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Phòng chống thiên tai; khoản 4 Điều 1 Nghị định số 83/2019/NĐ-CP);

- Về nội dung “hỗ trợ kinh phí tối đa không quá 3 tỷ đồng/1 công trình”: công trình tu sửa, xử lý khẩn cấp đê, kè, cống và công trình phòng chống thiên tai được hỗ trợ từ nguồn của Quỹ tối đa không quá 03 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư 01 công trình (quy định tại điểm a khoản 1 Điều 9 Nghị định số 94/2014/NĐ-CP được sửa đổi tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 83/2019/NĐ-CP).

- Về nội dung hỗ trợ chi thù lao cho lực lượng trực tiếp thu và các chi phí hành chính phát sinh liên quan đến công tác thu Quỹ: việc xác định cụ thể lực lượng trực tiếp thu, các chi phí hành chính phát sinh liên quan đến công tác thu Quỹ; nội dung, định mức chi (không vượt quá 3% tổng số thu) của Quỹ thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh và được quy định cụ thể trong Quy chế do UBND tỉnh ban hành (quy định tại khoản 2 Điều 9a được bổ sung tại khoản 5 Điều 1 của Nghị định số 83/2019/NĐ-CP).

  1. Về việc phân bổ Quỹ

- Mỗi cấp huyện, xã được phân bổ tối đa không quá 20% số thu trên địa bàn của mình, việc phân bổ trước khi nộp hay sau khi nộp Quỹ thuộc quyền quyết định của UBND cấp tỉnh (quy định tại khoản 1 Điều 9a Nghị định số 83/2019/NĐ-CP).

- Số thu trên địa bàn cấp huyện được quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 8 Nghị định số 94/2014/NĐ-CP. Khi nguồn kinh phí được phân bổ đã sử dụng hết, UBND cấp huyện, xã tổng hợp thiệt hại và nhu cầu hỗ trợ báo cáo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để tổng hợp, trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh (quy định tại Điều 10 Nghị định số 94/2014/NĐ-CP).

  1. Một số nội dung kiến nghị khác:

Về nội dung mua sắm trang thiết bị để phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai: quy định tại Điều 24 Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21/3/2017 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Tải file đính kèm

Ban Chỉ đạo TWPCTT