Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Các tỉnh miền núi phía Bắc khẩn trương phòng, chống thiên tai

Trước mùa mưa bão 2019, các tỉnh miền núi phía Bắc đã khẩn trương chuẩn bị các phương án phòng, chống thiên tai (PCTT), trong đó phương châm “4 tại chỗ” được cho là hiệu quả và giảm thiểu rủi ro thiệt hại.


Lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm

Phát biểu tại hội nghị PCTT khu vực miền núi phía Bắc mới đây, ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho rằng, với đặc thù các tỉnh miền núi phía Bắc, thiên tai mưa lũ kèm theo sạt lở, lũ quét đã gây thiệt hại lớn cả về người và tài sản.

Theo ông Khánh, mô hình các đội xung kích tại các làng, bản cần được duy trì thường xuyên để giảm thiểu rủi ro và thiệt hại. Ông Khánh nói: “Trực tiếp là người dân địa phương, tổ đội xung kích không chỉ cảnh báo mà còn trực tiếp di dời, tham gia cứu nạn khi xảy ra thiên tai đã cho thấy hiệu quả của mô hình này, đồng thời phương châm “4 tại chỗ” cũng được phát huy tối đa”.

Đồng tình với ý kiến này, ông Lò Minh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cũng cho rằng, không chỉ Lai Châu, Yên Bái mà hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc như Sơn La, Bắc Kạn, Lào Cai... khi xảy ra thiên tai đều rất nặng nề vì địa hình chia cắt lớn, lại hiểm trở. Tuy nhiên, ông Hùng băn khoăn về kinh phí để duy trì và có cơ chế cho lực lượng này.

Trước băn khoăn của các địa phương, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Ban chỉ đạo (BCĐ) Trung ương (TƯ) về PCTT cho biết, kinh phí PCTT hiện giao trực tiếp cho các địa phương để chủ động (cấp tạm khoảng 1000 tỷ đồng - PV).

“Nếu Nghị định 94 của Chính phủ còn bất cập, chúng tôi sẽ đề xuất sửa đổi cho phù hợp. Hơn nữa, BCĐ TƯ về PCTT đã đề xuất, kinh phí PCTT UBND tỉnh chỉ giữ 60%, UBND huyện là 20% và cấp xã là 20%. Số tiền có thể không lớn nhưng sẽ dùng để chi trả cho lực lượng xung kích làm nhiệm vụ và duy trì lực lượng này. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc rồi”- Thứ trưởng Hiệp cho hay.

Liên quan đến chế độ, cơ chế cho lực lượng xung kích, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp giao Tổng cục PCTT, Bộ NN&PTNT làm việc với Bộ Lao động  - Thương binh và Xã hội để tìm giải pháp cụ thể.  Hiện Hà Giang là địa phương có 100% các xã, thôn có đội xung kích, Thứ trưởng Hiệp cho biết, đến năm 2020, phấn đấu 100% xã, thôn có đội xung kích…

Tăng cường thông tin tới người dân 

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng lưu ý: “Để làm tốt công tác tuyên truyền, cảnh báo tới người dân thì một việc rất nhỏ thôi mà địa phương nào cũng phải làm được. Đó là cắm biển cảnh báo các khu vực sạt lở, nguy hiểm để người dân biết được.

Ngoài ra, chúng ta phải thông tin kịp thời, chính xác đến các trưởng thôn, trưởng bản trong trường hợp cần thiết, người dân biết nơi trú ẩn an toàn, nơi di dân tránh lũ... Nếu địa phương nào để xảy ra thiệt hại do thiên tai mà do chủ quan, lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ”.

Nhằm tăng cường hiệu quả trong việc sử dụng công nghệ và mạng xã hội để phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, giúp người dân nhanh chóng cập nhật thông tin về cảnh báo, dự báo, chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra… BCĐ TƯ về PCTT phối hợp với đại diện Facebook tại Việt Nam tổ chức tập huấn kỹ thuật hướng dẫn kỹ năng về công nghệ ứng dụng mạng xã hội Facebook trong truyền thông về PCTT cho các cán bộ Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn  thuộc 18 tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. 

Sau đợt tập huấn này, Facebook sẽ tiếp tục hỗ trợ BCĐ TW về PCTT có các lớp đào tạo, tập tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho cán bộ của Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn khu vực vùng miền trong cả nước.

Đại diện Facebook khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ: “Việc duy trì mạng xã hội khi tham gia PCTT, Facebook cho rằng, trước hết nhằm tránh hoảng loạn trong cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại đến mức tối thiểu. Tại Việt Nam, Facebook hy vọng sẽ kết nối, chia sẻ thông tin tốt về PCTT khi mà mạng internet tại Việt Nam rất phát triển, điện thoại thông minh cũng được phổ biến”. 

Trước mùa mưa bão năm 2019, ông Phạm Văn Vương (Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình) thông tin về công tác phát điện, điều tiết nước cho hạ du của Thủy điện Hòa Bình.

Thưa ông, Thủy điện Hòa Bình đã có chuẩn bị như thế nào trước mùa mưa bão năm nay?

- Công ty Thủy điện Hòa Bình đã chuẩn bị tốt mọi công tác phòng lũ. Thứ nhất, về phần thiết bị công trình, đặc biệt là công trình xả lũ chúng tôi đã sửa chữa, kiểm tra an toàn để đảm bảo cho việc xả lũ không có bất kỳ vấn đề gì; Thứ hai, về khai thác mực nước hồ, hiện chúng tôi đang duy trì ở mức 91m, so với thời điểm mọi năm là thấp hơn 12m để sẵn sàng đón lũ về.

Về hệ thống cảnh báo tại hạ du được tiến hành ra sao, thưa ông?

-Về công tác điều hành xả lũ, chúng tôi thực hiện đầy đủ theo quy trình. Đối với hệ thống cảnh báo lũ, phía công ty đã kiểm tra toàn bộ 7 điểm cảnh báo phía hạ du đều không có vấn đề gì.

Bên cạnh đó, quá trình phối hợp với các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh Hòa Bình được công ty thực hiện tốt, đều đặn, có quy chế phối hợp để đảm bảo an toàn. Trong quá trình xả lũ, Công ty thực hiện nghiêm việc đóng mở cửa xả theo quy trình đã được thông báo trước đó, không để nước lên quá nhanh, ảnh hưởng tới hạ du mà trực tiếp là ngay dưới thủy điện Hòa Bình.

Các công trình ở hạ du có thể ảnh hưởng sạt lở, Công ty cùng với BCĐ PCTT tỉnh Hòa Bình đi kiểm tra, rà soát các vị trí trọng yếu, đặc biệt là khu dân cư. Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.

Ông có thể cho biết việc áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm chủ động ứng phó với mưa lũ?

-Nhằm rút kinh nghiệm so với các năm trước đó để vừa thực hiện việc phát điện, vừa điều tiết nước cho hạ du, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã cho phép chúng tôi áp dụng hệ thống đo mưa tự động trên lưu vực lòng hồ để chủ động trong việc đo mực nước, lượng nước. Đối với hệ thống camera giám sát, Công ty đã lắp đặt, việc truyền hình ảnh, thông tin về trung tâm đã được kiểm định chức năng, chất lượng tốt.   

Khánh Linh