Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Báo cáo nhanh công tác trực ban PCTT ngày 31.7.2020



BÁO CÁO NHANH

Công tác phòng chống thiên tai ngày 31/7/2020

 

 I. TÌNH HÌNH THIÊN TAI

1. Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

ATNĐ hình thành tại vùng biển phía Đông Philipin vào ngày 28/7/2020, di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc vào Biển Đông và sáng 31/7/2020 đã mạnh lên thành ATNĐ với sức gió cấp 6-7, giật cấp 9.

 Dự báo

ATND sẽ mạnh lên thành bão (cấp 8, giật cấp 10); đi vào khu vực ven biển các tỉnh từ Hải Phòng đến Nghệ An (chiều ngày 02/08/2020)

Lúc 01h00 sáng sớm nay, ATNĐ ở vị trí cách Quảng Bình 450km về phía Đông.

Hiện nay vùng gió mạnh có phạm vi bao trùm toàn bộ khu vực Biển Đông.

Thời gian đổ bộ trùng vào thời điểm triều cường lớn nhất trong tháng 8 tại Hòn Dấu, đỉnh triều 3,2-3,6m trong khoảng 15-18h ngày 2/8.

Gió mạnh ghi nhận tại:

Khu vực giữa và Nam biển Đông đã có gió giật ở một số điểm ngày 31/7 (7h00):

- Song Tử Tây, Trường Sa: gió giật cấp 7

- Phú Quý, Bình Thuận: gió giật cấp 6

- Huyền Trân, Bà Rịa Vũng Tàu: gió giật cuối cấp 8

Khu vực vịnh Bắc Bộ đã có gió mạnh sáng ngày 01/8 (7h00):

- Đảo Bạch Long Vỹ: gió cấp 6, giật cấp 8.

Tình hình tàu thuyền và lồng bè nuôi trồng thủy sản:

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đến 6h00 sáng 01/8:

- Tổng số tàu thuyền hoạt động trong khu vực: 55.837 tàu/232.164 LĐ

- Số tàu thuyền còn trong khu vực nguy hiểm: 1.642 tàu/8.968LĐ (trong đó nhiều nhất tại: Quảng Ninh: 376tàu/1.085LĐ; Nam Định: 246 tàu/1.087LĐ, Hải Phòng: 227 tàu/1.350LĐ, Thanh Hóa 210 tàu/1.664LĐ, Quảng Bình: 186 tàu/982LĐ)

  2Mưa lớn diện rộng

Trong những ngày qua đã có mưa vừa, mưa to các tỉnh miền núi phía Bắc, khu vực Tây Nguyên với lượng mưa trong 5 ngày từ 150-350mm. 

Riêng Hà Giang có mưa lớn (lớn nhất là 401mm/12tiếng) tại thành phố Hà Giang, các huyện Đạo Đức, Vị Xuyên gây ngập lụt, sạt lở đất nghiêm trọng làm 05 người chết, 2900 nhà hư hỏng, ngập, 2 nhà máy thủy điện bị dừng hoạt động.

Tại Đắk Lắk đã có mưa rất to (tại Ea Kiết 271mm/8 tiếng sáng sớm ngày 31/7) trên địa bàn 5 xã thuộc các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Cư Mgar, Krông Buk; một số khu vực bị ngập, giao thông bị chia cắt.

Dự báo:

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia (lúc 3h ngày 01/8), từ ngày 01-05/08/2020, mưa lớn diện rộng:

- Bắc Bộ mưa lớn đến 350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt

- Thanh Hóa đến Quảng Trị mưa lớn đến 400mm/đợt, có nơi trên 500mm/đợt.

- Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam mưa lớn đến 150mm/đợt.

- Khu vực Bắc Tây Nguyên mưa lớn đến 300mm/đợt, có nơi trên 350mm/đợt.

3. Tình hình hồ chứa:

- Hồ Thủy điện:

+ Các hồ thủy điện lớn ở Bắc Bộ: Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà dưới mực nước cho phép từ 0,8m – 18,07m (Sơn La: 18,07m, Hòa Bình: 0,81m, Tuyên Quang: 8,14m, Thác Bà; 7,09m); tổng dung tích còn lại đến mực nước đón lũ là 4,1 tỷ m3, đến mực nước dâng bình thường là 12,55 tỷ m3.

+ Các hồ thủy điện khu vực miền Trung mực nước còn thấp. Riêng thủy điện Khe Bố trên sông Cả dung tích đạt 90%.

- Hồ chứa Thủy lợi:

Có 204 hồ chứa hư hỏng cần lưu ý và 115 hồ chứa đang thi công cần lưu ý gồm:

+ Bắc Bộ: 81 hồ chứa hư hỏng cần lưu ý; 41 hồ đang thi công

+ Bắc Trung Bộ: 53 hồ chứa hư hỏng cần lưu ý

+ Nam Trung Bộ: 24 hồ chứa hư hỏng cần lưu ý; 31 hồ đang thi công

+ Tây Nguyên: 41 hồ chứa hư hỏng cần lưu ý; 43 hồ đang thi công

+ Đông Nam Bộ: 05 hồ chứa hư hỏng cần lưu ý.

4. Tình hình đê điều

- Có 221 vị trí trọng điểm xung yếu đê cấp III đến cấp đặc biệt cần sẵn sàng phương án bảo vệ trong mùa mưa lũ:

            + Khu vực đồng bằng Bắc Bộ: 200 vị trí

            + Khu vực Bắc Trung Bộ: 21 vị trí

- Công trình đang thi công:

+ Đê sông 72 công trình;

+ Đê biển và đê cửa sông 16 công trình (Thái Bình: 8; Ninh Bình: 1; Thanh Hóa: 1; Nghệ An: 3; Hà Tĩnh: 1; Thừa Thiên Huế: 2)

5. Sản xuất lúa hè thu, lúa mùa

Tổng diện tích lúa hè thu, lúa mùa các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ đã gieo cấy 1.122.200ha. Một số diện tích gieo cấy sớm tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị lúa đang giai đoạn chín sắp chuẩn bị thu hoạch có thể bị ảnh hưởng.

6. Ngoài ra, sáng ngày 27/7 đã xảy ra trận động đất với cường độ 5,3 độ Richter (rủi ro thiên tai cập độ 4 tại Sơn La) và tiếp sau đó đến 5h31p ngày 01/8 tiếp tục xảy ra 19 dư trấn với cường độ từ 2,5-4,0 độ Richter. Nếu có mưa lũ lớn, hồ chứa đầy nước sẽ dẫn đến tình huống nguy hiểm;

 II. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ

1. Trung ương

- Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT đã chủ động chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của vùng thấp, sau mạnh lên thành ATNĐ, diễn biến mưa và chủ động biện pháp ứng phó. Ban chỉ đạo đã ban hành các công điện số 05/CĐ-TW, số 06/CĐ-TW, số 07/CĐ-TW.

- Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo TW về PCTT tổ chức trực ban, phối hợp với các cơ quan liên quan, điện thoại trực tiếp với lãnh đạo các tỉnh trong vùng giám sát, hướng dẫn các tàu cá hoạt động trong khu vực nguy hiểm.

2. Địa phương

Các địa phương đã chủ động triển khai công điện chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT:        

- 16/21 tỉnh, thành phố đã ban hành công điện, văn bản chỉ đạo triển khai ứng phó ATNĐ và mưa lũ. Tỉnh Thái Bình đã tổ chức đi kiểm tra các vị trí đê điều xung yếu.

- Các tỉnh tổ chức trực ban, giao ban nghiêm túc; dự kiến sẽ họp Ban chỉ huy để triển khai ngay sau hội nghị trực tuyến.

III. CÁC CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO

  1. Triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban tại cuộc họp Ban chỉ đạo ngày 01/08/2020 và Công điện số 07/CĐ-TW của Ban chỉ đạo TW về PCTT;
  2. Theo dõi, khẩn trương kiểm soát đảm bảo an toàn cho 1.642 tàu thuyền/8.968 LĐ; rà soát khu vực nuôi trồng thủy sản ven biển;
  3. Kiểm tra rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập, khu vực trũng thấp có nguy cơ xảy ra ngập lụt khi mưa lớn, khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; phát hiện, xử lý vật cản gây tắc nghẽn dòng chảy;
  4. Kiểm tra các trọng điểm đê điều xung yếu, các hồ đập bị hư hỏng, xuống cấp, đang thi công; bố trí lực lượng sẵn sàng xử lý sự cố ngay từ giờ đầu; (không để xảy ra sự cố bất ngờ hoặc vỡ đập như tại hồ Đầm Thìn, Phú Thọ; công Para Đô Lương, Nghệ An, Hồ Đăk Ka, Đắc Nông); Rà soát, kiểm tra phương án vận hành đảm bảo an toàn công trình, hạ du, tránh để lặp lại tình huống xả lũ bất ngờ gây thiệt hại cho hạ du (như tại Sử Pán, Lào Cai năm 2019);
  5. Kiểm tra hệ thống kênh mương, cống, trạm bơm sẵn sàng tiêu nước chống úng, tiêu thoát nước khu vực đô thị;
  6. Kiểm tra công tác đảm bảo an toàn đối với các khu vực hầm lò, khu vực khai thác, bãi xả thải đặc biệt là các khu vực có dân cư, đề phòng mưa lũ gây sập hầm hoặc sạt lở đất (như đã xảy ra tại Hạ Long - Quảng Ninh năm 2015, Văn Bàn - Lào Cai năm 2016);
  7. Tổ chức cảnh báo, canh gác thông tin, sơ tán kịp thời các hộ dân bị nguy hiểm, kiểm soát giao thông qua ngầm tràn, nhất là vận tải hành khách, nghiêm cấm vớt củi, gỗ;
  8. Kiểm tra phương án sơ tán dân khỏi các khu vực nguy hiểm, trong đó ưu tiên sơ tán tại chỗ, đồng thời rà soát các điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh.
  9. Tăng cường thông tin tới chính quyền địa phương và người dân về diễn biến ATNĐ, mưa, lũ để chủ động phòng tránh, ứng phó.

Trên đây là Báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai. Kính báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ./.

Tải file đính kèm