Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Báo cáo nhanh công tác trực ban phòng, chống thiên tai ngày 05/9/2024



BÁO CÁO NHANH

Công tác phòng, chống thiên tai ngày 05/9/2024

                                            

 

I. TÌNH HÌNH THỜI TIẾT, THIÊN TAI

1. Tin bão khẩn cấp (cơn bão số 3)

Hồi 04h ngày 06/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 112,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 200km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây, khoảng 20 km/h.

Dự báo, đến 04h/07/9: vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,6 độ Vĩ Bắc, 108,7 độ Kinh Đông; trên vùng biển phía Đông Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách Quảng Ninh khoảng 160km về phía Đông Đông Nam; di chuyển hướng Tây Tây Bắc, khoảng 15-20km/h, sức gió cấp 13-14, giật trên cấp 17. Vùng nguy hiểm phía Bắc vĩ tuyến 16,0; kinh tuyến 106,0-116,0; RRTT cấp 4: phía Tây Bắc của khu vực Bắc Biển Đông và phía Đông của khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ, RRTT cấp 3: phía Tây của khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ và Nam vịnh Bắc Bộ.

Từ khoảng trưa ngày 06/9, vùng biển phía Đông của vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6-7; từ đêm 06/9 và gần sáng ngày 07/9, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14.

Khu vực Bắc Bộ và Thanh Hoá từ đêm 06/9 đến sáng 09/9 có khả năng xuất hiện một đợt mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-350mm, có nơi trên 500mm, trong đó:

- Đêm 06/9 và đêm 07/9 , ở khu vực phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-300mm, có nơi trên 400mm.

- Ngày và đêm 07/9, khu vực phía Tây Bắc Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 70-150mm, cục bộ có nơi trên 200mm

Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

2. Tình hình mưa

- Mưa ngày (19h/04/9-19h/05/9): Các khu vực trên cả nước rải rác có mưa, lượng mưa phổ biến từ 20-40mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Mường Đun (Điện Biên) 60mm; Lao Bảo (Quảng Trị) 62mm; Ia Nan 1 (Gia Lai) 78mm; Đạ Tông 2 (Lâm Đồng) 75mm; Bãi Thơm (Kiên Giang) 60mm.

 - Mưa đêm (19h/05/9-07h/06/9): Các tỉnh ven biển Nam Định,Thái Bình sáng 06/9 bắt đầu có mưa, một số trạm có lượng mưa lớn như: Tiền Hải (Thái Bình) 60mm; Quất Lâm (Nam Định) 54mm; Hải Đường (Nam Định) 53mm.

- Mưa 03 ngày (19h/02/9-19h/05/9): Các khu vực trên cả nước có mưa, tổng lượng mưa phổ biến từ 70-120mm; một số trạm có tổng lượng mưa lớn hơn như: Ba Điền (Quảng Ngãi) 252mm; Hồ Cẩn Hậu (Bình Định) 158mm; Ia Me (Gia Lai) 157mm; Ba Vinh (Quảng Ngãi) 154mm.

3. Tin động đất

Theo tin từ Viện Vật lý địa cầu, ngày 05/9/2024 tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã xảy ra 06 trận động đất có độ lớn 2,6-3,6; độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km.

II. TÌNH HÌNH THỦY VĂN

1. Tin cảnh báo lũ trên một số sông khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa: Từ ngày 07-10/9, trên các sông Bắc Bộ và Thanh Hóa có khả năng xuất hiện 01 đợt lũ, với biên độ lũ lên trên các sông từ 2-6m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông nhỏ tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn và Hòa Bình có khả năng lên mức BĐ2-BĐ3; đỉnh lũ trên sông Thao, thượng lưu sông Lô, sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Hoàng Long lên mức BĐ1-BĐ2; sông Bưởi, thượng nguồn sông Mã (Thanh Hóa) lên trên mức BĐ1; mực nước hạ lưu sông Hồng-Thái Bình ở dưới mức BĐ1.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ: Cấp 1.

2. Mực nước các sông khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên: Mực nước các sông biến đổi chậm, dao động theo điều tiết hồ chứa và thủy triều.

3. Mực nước các sông Nam Bộ: Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên theo triều. Đến ngày 09/9, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 2,40m, tại Châu Đốc ở mức 2,38m.

III. TÀU THUYỀN, NUÔI TRỒNG THUỶ SẢN, KHÁCH DU LỊCH TRÊN ĐẢO

1. Về tàu thuyền:

- Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tính đến 6h30 ngày 06/9, đã kiểm đếm, hướng dẫn: 51.319 tàu/219.913 người, trong đó có 458 tàu/2.341 người đang hoạt động trên khu vực vịnh Bắc Bộ (giảm 826 tàu/5.273 người), cụ thể: Thái Bình 02 tàu/19 người; Nam Định 42 tàu/128 người; Thanh Hoá 268 tàu/1.236 người; Nghệ An 27 tàu/127 người; Quảng Bình 09 tàu/56 người; Quảng Ngãi 107 tàu/758 người; Bình Định 03 tàu/17 người. Các phương tiện đã nhận được thông tin và đang di chuyển tránh trú.

- Các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh - Nghệ An đã ban hành lệnh cấm biển: Quảng Ninh, Hải Phòng từ 11h00/06/9; Thái Bình, Nghệ An từ 05h00/06/9; Nam Định từ 06h00/06/9; Ninh Bình từ 15h00/05/9; Thanh Hoá từ 12h00/06/9.

2. Tình hình nuôi trồng thủy sản từ Quảng Ninh đến Nghệ An (theo báo cáo của Cục Thủy sản): Khu vực ven biển, trên biển các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh hiện có 52.176 ha, 19.343 lồng, bè và 3.906 chòi canh nuôi thuỷ sản. Nguy cơ rất cao bị thiệt hại khi bão vào vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 13-14, giật cấp 17. Các địa phương đã triển khai gia cố lồng bè, khu nuôi thuỷ sản.

3. Khách du lịch trên các đảo: Hiện còn 879 du khách trên các đảo (Quảng Ninh 13 người, Hải Phòng 866 người) đã nhận được thông tin về bão và chủ động phương án ứng phó.

IV. TÌNH HÌNH HỒ CHỨA, ĐÊ ĐIỀU

1. Hồ chứa trên hệ thống sông Hồng

Tên hồ

Thời gian

Htl
(m)

Hhl
(m)

Qvào
(m3/s)

Qra (m3/s)

H3 (m)[1]

(từ 22/8 ÷ 15/9)

Sơn La

7h

05/9

208,37

117,24

2.702

2.563

209

06/9

208,36

116,69

2.391

2.234

Hòa Bình

7h

05/9

111,54

13,28

3.370

3.915

110

06/9

111,33

13,20

3.885

3.885

Tuyên Quang

7h

05/9

116,36

54,05

764

1.832

115

06/9

115,01

53,98

754

1.823

Thác Bà

7h

05/9

57,98

24,40

320

539

58

06/9

57,89

24,38

320

538

* Hồ Hoà Bình mở 01 cửa xả đáy; hồ Tuyên Quang mở 02 cửa xả đáy; hồ Thác Bà mở 02 cửa xả mặt.

2. Hồ chứa thủy lợi:

Theo báo cáo của Cục Thuỷ lợi (tính đến 17h00 ngày 05/9/2024):

- Bắc Bộ: Tổng số 2.543 hồ, dung tích đạt 80-96% dung tích thiết kế[2]; hiện có 129 hồ hư hỏng, xuống cấp và 26 hồ đang thi công[3].

- Bắc Trung Bộ: Tổng số 2.323 hồ, dung tích đang ở mức thấp đạt 43-65% dung tích thiết kế; hiện có 145 hồ hư hỏng, xuống cấp và 52 hồ đang thi công[4].

3. Tình hình đê điều

Trên các tuyến đê biển, đê cửa sông các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có 37 trọng điểm đê điều xung yếu cần đặc biệt lưu ý (Quảng Ninh: 02, Hải Phòng: 10, Thái Bình: 08, Nam Định: 08, Ninh Bình: 03, Thanh Hóa: 01, Hà Tĩnh: 05); 03 công trình đang thi công (02 cống trên tuyến đê Hà Nam, tỉnh Quảng Ninh; tu bổ, nâng cấp đê biển I, TP Hải Phòng); một số vị trí đê, kè đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục (kè Thịnh Long trên tuyến đê biển Hải Hậu, Nam Định); tuyến đê Bình Minh 4, tỉnh Ninh Bình mới hoàn thành nhưng chưa được gia cố mặt, mái phía đồng. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản số 6505/BNN-ĐĐ ngày 04/9/2024 chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn đê điều, các địa phương đã chủ động phương án ứng phó với bão.

Các tuyến đê biển hiện được thiết kế chống chịu với bão cấp 9-10, triều trung bình 5%; nguy cơ cao bị thiệt hại khi bão vào vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 12-13, giật cấp 16.

V. TÌNH HÌNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, sản xuất lúa tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ như sau: Lúa Hè Thu: Đã thu hoạch 155.000ha/170.000ha, hiện còn 15.000ha (chủ yếu tại Nghệ An) các địa phương đang tập trung thu hoạch. Lúa Mùa: Khoảng 998.000 ha; trong đó: 25.000 ha đã thu hoạch; 15.000 ha đã đến kỳ thu hoạch; 260.000 ha đang trỗ - chín sữa và 698.000 ha đang phân hóa đòng, chuẩn bị trỗ, nguy cơ bị ảnh hưởng nếu bị ngập úng kéo dài (Cục Trồng trọt đã có văn bản số 1221/TT-CLT ngày 04/9/2024 hướng dẫn, chỉ đạo sản xuất ứng phó với bão số 3).

VI. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ

1. Trung ương

- Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 03/9/2024 và số 87/CĐ-TTg ngày 05/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 3 và mưa lũ sau bão.

- Chiều 05/9/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì họp với các Bộ ngành và 28 tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh trở ra để ứng phó với bão.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

+ Ban hành 02 công điện, văn bản chỉ đạo ứng phó với bão (Công điện số 6475/CĐ-BNN-ĐĐ ngày 02/9/2024 triển khai ứng phó ngay khi bão gần biển Đông; văn bản số 6505/BNN-ĐĐ ngày 04/9/2024 chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn đê điều ứng phó với bão).

+ Ngày 04/9/2024, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã chủ trì họp trực tuyến với các Bộ ngành, 11 tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh - Nghệ An và một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ chỉ đạo công tác ứng phó bão số 3.

- Ngày 06/9/2024, đoàn công tác của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT kiểm tra, chỉ đạo ứng phó với bão:

+ Đoàn công tác của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đi kiểm tra, chỉ đạo tại Quảng Ninh, Hải Phòng.

+ Đoàn công tác của Bộ trưởng Lê Minh Hoan đi kiểm tra, chỉ đạo tại Nam Định, Thái Bình.

- Các Bộ, ngành[5] đã có công điện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động ứng phó với bão; Bộ Ngoại giao đã có công hàm gửi các quốc gia, vùng lãnh thổ đề nghị tạo điều kiện, hỗ trợ ngư dân tránh trú.

- Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cung cấp sớm các bản tin dự báo bão phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó.

- Các cơ quan thông tấn, báo chí thường xuyên đưa tin về diễn biến bão và công tác chỉ đạo, ứng phó.

- Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tăng cường công tác trực ban 24/7; tham mưu chỉ đạo, triển khai ứng phó với bão; các Cục Thủy lợi, Trồng trọt đã có văn bản chỉ đạo và đi kiểm tra công tác ứng phó với bão tại địa phương.

2. Địa phương

- Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định và Bắc Bộ chủ động triển khai ứng phó với bão theo các Công điện của Thủ tướng Chính phủ, trong đó 22 tỉnh, tp[6] đã ban hành Công điện triển khai.

- Các địa phương tổ chức trực ban, theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo và triển khai ứng phó với bão; cử đoàn công tác trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra, rà soát công tác ứng phó; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, an toàn hạ du khi vận hành các hồ thủy điện.

- Chỉ đạo ngành thuỷ sản, chính quyền địa phương phối hợp với bộ đội biên phòng tổ chức thông tin, kiểm đếm, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến của bão để chủ động di chuyển phòng tránh.

- Rà soát phương án ứng phó với tình huống bão mạnh đổ bộ vào đất liền trong đó tập trung sơ tán dân, đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, nuôi trồng thuỷ sản và bảo vệ sản xuất, trong đó:

+ Tỉnh Quảng Ninh dự kiến hoàn thành sơ tán người trên các khu nuôi thuỷ sản đến nơi an toàn, chằng chống nhà cửa, nhà xưởng, thiết bị, cây xanh xong trước 16h00 ngày 06/9;

+ Thành phố Hải Phòng dự kiến di dân tại các khu chung cư, nhà cửa xuống cấp, các vùng trũng thấp, trên các phương tiện giao thông thủy đã về nơi neo đậu, lồng bè thủy, hải sản xong trước 20h ngày 06/9; chỉ đạo các trường học làm địa điểm sơ tán dân cho học sinh nghỉ học từ 12h ngày 06/9, các trường học còn lại cho học sinh nghỉ học từ ngày 07/9/2024;

+ Tỉnh Thái Bình dự kiến di dời 2.871 lao động nuôi trồng thủy sản ven biển ở các huyện Thái Thụy, Tiền Hải đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ;

+ Tỉnh Nam Định dự kiến sơ tán 734 lao động ở các chòi canh nuôi thuỷ sản đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ;

+ Tỉnh Ninh Bình đã sơ tán 374 lao động/218 lều chòi ngoài đê Bình Minh III đến nơi an toàn; đã thông báo cho 2.311 người/1.401 hộ đang nuôi trồng thủy sản trong phạm vi đê Bình Minh II - Bình Minh III sẵn sàng di dời, tránh trú bão.

VII. CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO

Các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm túc Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 03/9/2024 và số 87/CĐ-TTg ngày 05/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ, theo dõi sát diễn biến của bão trong đó tập trung vào các công việc sau đây:

1. Đối với tuyến biển, đảo:

- Kiên quyết kêu gọi, thông báo, hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện (bao gồm cả tàu du lịch, tàu vận tải) còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú, trong đó nắm vững thông tin chi tiết từng tàu trong khu vực nguy cơ ảnh hưởng của bão.

- Duy trì nghiêm lệnh cấm biển, trong đó lưu ý tàu vận tải lớn, tàu du lịch.

- Kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu cá, các lồng, bè, chòi canh khi bão đổ bộ (trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân).

- Tổ chức sắp xếp tàu thuyền, có biện pháp tránh va đập, hư hỏng, đứt dây neo, chìm tại nơi neo đậu, nhất là trên các đảo.

- Sơ tán người dân và khách du lịch trên các đảo đến nơi an toàn và đảm bảo các điều kiện sinh hoạt trong quá trình lưu trú.

2. Đối với vùng đồng bằng, ven biển:

- Di dời, sơ tán người dân ở nhà bán kiên cố, có thể bị sập đổ khi bão đổ bộ, khu vực trũng thấp cửa sông, ven biển; tuỳ theo tình hình thực tế có phương án cho học sinh nghỉ học trong thời gian bão đổ bộ.

- Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn trọng điểm đê biển, đê cửa sông xung yếu hoặc đang thi công trên đê biển Hà Nam, tỉnh Quảng Ninh, tuyến đê biển I, TP Hải Phòng, trong đó phải khẩn trương hoàn thành gia cố các vị trí có nguy cơ mất an toàn trước khi bão đổ bộ và sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng phó với cường độ mạnh hơn thiết kế.

- Tổ chức chặt tỉa cành cây, gia cố, chằng chống nhà ở, công trình, biển hiệu quảng cáo, hệ thống lưới điện, cột tháp truyền hình, phát thanh, cẩu tháp,...

- Tập trung lực lượng thu hoạch diện tích lúa, thuỷ hải sản đã đến kỳ thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; khơi thông dòng chảy, sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất diện tích nông nghiệp, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp.

- Triển khai biện pháp đảm bảo an toàn giao thông khi bão đổ bộ (bao gồm việc dừng một số chuyến bay trong thời gian bão đổ bộ); khuyến cáo người dân không tham gia giao thông khi bão đổ bộ.

3. Đối với miền núi phía Bắc:

- Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn; tổ chức khơi thông dòng chảy, các vị trí nguy cơ bị tắc nghẽn.

- Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố thông tuyến giao thông.

- Kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ chứa đã đầy nước, hồ thủy lợi xung yếu khu vực miền núi phía Bắc; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống; sẵn sàng vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng.

- Kiểm tra, rà soát, triển khai công tác đảm bảo an toàn đối với các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản, nhất là tại tỉnh Quảng Ninh.

4. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông để các cấp chính quyền cơ sở và người dân để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

5. Rà soát, bổ sung lực lượng trực ban, duy trì hệ thống kết nối, truyền tải thông tin trong Phòng, chống thiên tai đảm bảo kịp thời, không gián đoạn trước, trong và sau bão đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương./.

 

[1] Mực nước quy định tại bảng 3, Quyết định số 740/QĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ

[2] Dung tích trữ các hồ chứa Bắc Bộ: Điện Biên 93%, Sơn La 81%, Hòa Bình 85%, Yên Bái 96%, Tuyên Quang 90%, Hà Giang 92%, Lạng Sơn 80%, Vĩnh Phúc 90%, Phú Thọ 90%, Thái Nguyên 89%, Cao Bằng 90%, Bắc Kạn 95%, Bắc Giang 85%, Quảng Ninh 89%, Hà Nội 90%, Ninh Bình 92%.

[3] Các hồ chứa Bắc Bộ đang thi công: Tuyên Quang 2, Thái Nguyên 11, Lạng Sơn 01, Sơn La 01, Phú Thọ 01, Vĩnh Phúc 04, Hoà Bình 06.

[4] Các hồ chứa Bắc Trung Bộ đang thi công: Thanh Hoá 26, Nghệ An 09, Quảng Bình 15, TT. Huế 2.

[5] Quốc phòng, Công an, Công Thương, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng, Y tế.

[6] Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Lâm Đồng.

Tải file đính kèm