Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Báo cáo nhanh công tác trực ban PCTT ngày 31/8/2019



 

 I. TÌNH HÌNH THỜI TIẾT

1. ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI GẦN BIỂN ĐÔNG:

Hồi 01 giờ ngày 01/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 119,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 740km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.

Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ  áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 01 giờ ngày 02/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 113,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 280km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. 

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8): Phía Đông kinh tuyến 111,0 độ Kinh Đông; phía Bắc vĩ tuyến 17,0 độ Vĩ Bắc.

Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

2. Tình hình mưa:

2.1Mưa ngày:

Từ 19h ngày 30/8 đến 19h ngày 31/8các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ rải rác có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 40- 80mm, một số trạm mưa lớn như: Sapa (Lào Cai) 151mm; Ngòi Thia (Yên Bái) 204mm; Tiên Yên (Quảng Ninh) 208mm; Sơn Tây (Hà Nội) 118mm; Quảng Châu (Thanh Hóa) 150mm.

2.2. Mưa đêm:

Từ 19h ngày 31/8 đến 07h ngày 01/9, các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa trung bình từ 10 – 40mm, một số trạm mưa lớn hơn: Lương Thiện (Cao Bằng) 86mm, TĐ Hòa Thuận (Cao Bằng) 105mm, TĐ Séo Chông Hồ (Lào Cai) 51mm, Thanh Lương (Hòa Bình) 60mm, Tĩnh Gia (Thanh Hóa) 79mm, Mai Lâm (Thanh Hóa) 48mm, Sơn Tây (Hà Nội) 61mm.

2.3. Mưa 3 ngày:

Từ 19h ngày 28/8 đến 19h ngày 31/8, các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung bộ có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 100 đến 200mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Sapa (Lào Cai) 275mm; Ngòi Thia (Yên Bái) 257mm, Tiên Yên (Quảng Ninh) 278mm, Lý Nhân (Thanh Hóa) 362mm, Bất Mọt (Thanh Hóa) 324mm, Đầu Mẫu (Quảng Trị) 263mm.

2.4. Dự báo:

Ngày và đêm nay (01/9), ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to (lượng mưa phổ biến 40-70mm/24 giờ), riêng các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa rất to (lượng mưa 70-150mm/24 giờ). Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Cảnh báo: Từ ngày 02-06/9, ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to (tổng lượng mưa phổ biến 300-500mm/đợt).

Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

II. TÌNH HÌNH ĐÊ ĐIỀU

Trên hệ thống đê điều có 237 vị trí trọng điểm xung yếu; 86 công trình đang thi công dở dang khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Trong đó quan tâm đến 03 công trình đang thi công dở dang trên tuyến biển là công trình nâng cấp đê Bình Minh III tỉnh Ninh Bình và đê tả Nghèn, đê biển Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh.

Về sự cố đê điều: Tại Thanh Hóa đã xảy ra 03 sự cố sạt lở mái đê và bãi sông. Cụ thể:

- 01 sự cố xảy ra ngày 30/8/2019 tại thượng lưu đoạn từ K1+050 - K1+100 đê hữu Mã,chiều dài sạt lở 50m, chiều sâu cung sạt 7,5m.

- 01 sự cố xảy ra ngày 31/8/2019 tại K10+600÷K10+650, đê Hữu sông Chu, sạt từ mép đỉnh đê với chiều dài cung sạt 50m, chiều sâu cung sạt vào mái đê từ 1÷2m..

- 01 sự cố xảy ra ngày 31/8/2019 tại bãi sông tương ứng K10+750÷K10+780, đê Hữu sông Chu, sạt lở bãi sông với chiều dài cung sạt khoảng 30m, vị trí sạt cách chân đê khoảng 1000m.

Hiện địa phương đã tổ chức triển khai xử lý giờ đầu 03 sự cố trên và đang tiếp tục theo dõi diễn biến các sự cố.

III. TÌNH HÌNH HỒ CHỨA

1. Hồ chứa thủy điện:

- Khu vực Bắc Bộ 19/82 hồ đang vận hành xả qua tràn; khu vực Bắc Trung Bộ 07/22 hồ đang vận hành xả qua tràn; khu vực Tây Nguyên 09/67 hồ đang vận hành xả qua tràn; khu vực Duyên Hải Nam Trung Bộ 01/28 hồ đang vận hành xả qua tràn, các hồ vận hành bình thường.

  • Các hồ chứa thủy điện cắt lũ trên lưu vực sông Hồng ở mức thấp và đang tích nước trong thời kỳ tích lũ cuối vụ, lúc 07h00 ngày 01/9: Hòa Bình: Htl 98,86m/110 còn lại 11,14m; Sơn La: Htl 191,87m/209 còn lại 17,13m; Tuyên Quang: Htl 107,13 m/115 còn lại 7,87m; Bản Vẽ: Htl 184,8 m/200 còn lại 15,2m (so với mức cho phép).

2. Hồ chứa thủy lợi (Theo báo cáo nhanh ngày 31/8/2019 của Tổng cục Thủy lợi):

2.1. Về tích nước hồ chứa: Các hồ khu vực Bắc Bộ ở mức 65-75% dung tích; khu vực Bắc Trung Bộ ở mức 40-60% dung tích (tăng 10%); khu vực Tây Nguyên ở mức 65-80% dung tích. Hiện có 06 hồ đang vận hành xả tràn là Yên Lập (Quảng Ninh): 73m3/s; Đầm Hà Động (Quảng Ninh): 920 m3/s; Khe Táu (tràn tự do); Vực Mấu (Nghệ An): 4 m3/s, Ia Mơr (Gia Lai): 13 m3/s; Ea Soup thượng (Đắk Lắk): 41 m3/s.

2.2. Tình hình an toàn công trình do ảnh hưởng của bão số 4:

- Tại tỉnh Thanh Hóa:

+ Hồ Làng Pheo, huyện Ngọc Lặc có dung tích khoảng 100.000m3 đang thi công từ nguồn vốn đất lúa (đã đạt 80% khối lượng), khoảng 6h sáng mưa lớn nước đã tràn qua mặt đập 0,6m, đến 7h30 đã bị vỡ vai trái tràn với chiều dài khoảng 5,0m. Hiện đã tháo cạn nước trong hồ, địa phương đang chuẩn bị phương tiện để đắp lại.

+ Hồ Nhiêu Mua, huyện Vĩnh Lộc có dung tích khoảng 140.000m3 đang thi công từ nguồn vốn đất lúa (đã đạt 85% khối lượng), mưa lớn đã làm xói mang tràn xả lũ khoảng 3,0m. Hiện đang tháo cạn nước trong hồ, nhà thầu thi công đang xử lý sự cố.

+ Đập Khe Chon (huyện Như Xuân): Bị sạt mái cuối bể tiêu năng (phần đá lát khan) không ảnh hưởng đến công trình.

+ Đập Bai Uốn (huyện Ngọc Lặc): Mưa lớn gây sạt phần đất phía bờ tả đập dâng, gây hư hỏng khoảng 2ha lúa.

+ Kênh chính Cửa Đạt bị tràn bờ kênh một số vị trí, hiện nước đã rút, phát hiện 1 số hư hỏng công trình: 30m bê tông đáy kênh bị đẩy trồi, 43 tấm bê tông đáy và mái bị nứt 3-5mm và 1 số hư hỏng nhỏ khác.

+ Kênh nhánh B12 thuộc kênh Bắc Cửa Đạt bị vỡ, nghiêng dài 40m, hiện đã được đắp bao tải đất khắc phục tạm.

- Tại Tỉnh Đăk Nông: Hồ Thôn 2 (hồ có dung tích 550.000 m3, đập cao 9m), bị xói ngầm mang cống, từ 16h ngày 30/8 địa phương đã mở tối đa cống để hạ thấp mực nước, hiện mực nước đã dưới mực nước dâng bình thường 50 cm (giảm 60 cm so với mực nước cao nhất), đã phát hiện miệng lỗ rò và đang tổ chức đắp bịt, lượng nước rõ giảm 50%, đã chuẩn bị phương án bảo đảm an toàn cho hạ du.

IV. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI DO BÃO SỐ 4

  1. Người chết: 03 người (Hà Nội: 01, ông Nguyễn Hữu Tuấn, sinh năm 1993, do cây đổ vào người; Quảng Bình: 01, ông Nguyễn Ngọc Việt, sinh năm 1965, ngã trên mái nhà khi đang chằng, chống nhà cửa; Hòa Bình: 01, ông Bùi Văn Sáu, sinh năm 1969, đi qua ngầm bị lũ cuốn trôi).
  2. Người bị thương: 04 người (Hà Nội 01, Hà Tĩnh 02, Quảng Bình 01).
  3. Nhà bị thiệt hại hoàn toàn: 6 nhà (Thanh Hóa 5, Nghệ An 1)
  4. Nhà ở bị hư hại, tốc mái: 1.228 nhà (Lào Cai 97 nhà, Yên Bái 712 nhà, Hòa Bình 26 nhà, Phú Thọ 115 nhà, Thanh Hóa 146, Nghệ An 70, Hà Tĩnh 41, Quảng Bình 20, Quảng Trị 01).
  5. Nhà bị ngập: 405 nhà (Thanh Hóa 335, Nghệ An 73).
  6. Về tầu thuyền:

- Tàu chìm: 02 tàu, QB 98799TS/2LĐ và BĐ 30538 TS/02LĐ, các thuyền viên được đưa vào bờ an toàn.

- Tàu hỏng máy: 02 tàu, BĐ 94204 TS/02LĐ được một tàu lai dắt về bờ lúc 9h00/30/8/2019 và QB 91124 TS/15LĐ đã lai dắt về phao số 0 cảng Cửa Việt lúc 8h30/30/8/2019, Biên phòng Quảng Trị đã tiếp nhận thuyền viên.

- Tàu vận tải Thái Thụy 88/10 thuyền viên chở than hỏng máy ở khu vực giữa Quảng Trị, TT-Huế, hồi 17h/30/8/2019 đã được tàu vận tải Đức Nam 01 cứu vớt 10 thuyền viên và bàn giao cho tàu KN 365 đưa vào bờ.

   7. Về nông nghiệp:

- Lúa bị đổ: 6.769ha (Yên Bái 135ha, Hòa Bình 35ha, Phú Thọ 24ha, Thanh Hóa 6.769ha, Nghệ An 363ha, Hà Tĩnh 515ha, Quảng Bình 600ha, Quảng Trị 50ha).

- Hoa màu bị hư hại: 403ha (Lào Cai 50ha, Thanh Hóa 347ha, Nghệ An 2ha, Quảng Bình 4ha).

- Gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi: 6.370 con (Thanh Hóa).

- Thủy sản bị thiệt hại: 2.941ha (Thanh Hóa).

   8. Về Giao thông:

- Tại Thanh Hóa hiện còn 01 điểm trên QL217B và 02 điểm (ĐT.519B và ĐT518) bị ngập.

- Tại Nghệ An, đường giao thông đi Mường Ải, Mường Típ thuộc huyện Kỳ Sơn đã tạm khắc phục chỉ cho xe máy lưu thông được.

V. THIỆT HẠI KHÁC

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Cạn, Hòa Bình, Sơn La, Quảng Ninh, tình hình thiệt hại do mưa, dông lốc và sét cụ thể như sau:

- Về người: 3 người do sét đánh (Hòa Bình 1, Thái Nguyên 2)

- Về nhà: 71 nhà (Thái Nguyên 13, Quảng Ninh 22, Sơn La 22, Bắc Cạn 14)

- Về nông nghiệp: 343ha lúa và hoa màu bị thiệt hại (Quảng Ninh 341, Bắc Cạn 02)

VI. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH, ỨNG PHÓ THIÊN TAI

  1. Trung ương:

- Tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện Công điện số 13/CĐ-TWPCTT ngày 28/8/2019 của Ban Chỉ đạo TWPCTT;

- Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản gửi Tổng cục Thủy lợi đề nghị tăng cường công tác đảm bảo an toàn hồ chứa;

- Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo TWPCTT đã có văn bản số 423/TWPCTT-VP ngày 31/8/2019 gửi Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Công thương đề nghị tăng cường công tác đảm bảo an toàn hồ chứa.

- Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo TWPCTT thường xuyên cung cấp thông tin về dự báo, cảnh báo mưa, lũ trên đất liền và diễn biến ATNĐ gần biển Đông đến các địa phương để theo dõi và chủ động các phương án phòng tránh.

- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương tiếp tục thông tin, truyền thông về mưa, lũ và diễn biến áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông phục vụ việc chỉ đạo phòng chống.

  1. Địa phương:

- Các tỉnh/thành phố từ Quảng Ninh đến Phú Yên, Hòa Bình và Sơn La tiếp tục thực hiện Công điện của Ban Chỉ đạo TWPCTT đối với việc cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với mưa lũ, khắc phục sự cố công trình giao thông, hồ đập, đê điều;

- Huy động lực lượng giúp dân sửa chữa nhà ở, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống;

- Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố tổ chức trực ban, theo dõi diễn biến mưa lũ sau bão và diễn biến áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông.

VII. CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO

  1. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ và áp thấp nhiệt đới gần biển đông để chủ động triển khai các phương án phòng, chống.
  2. Huy động lực lượng, phương tiện, vật tư hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa, khôi phục sản xuất, sớm ổn định đời sống của nhân dân.
  3. Tập trung xử lý những hư hỏng các đập (Thanh Hóa). Tiếp tục kiểm tra hệ thống đê điều, hồ đập, công trình phòng chống thiên tai, vận hành các hồ thủy điện nhỏ để chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn.
  4. Huy động lực lượng kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng thấp trũng, đặc biệt là những khu vực đã xảy ra mưa lớn thời gian qua để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn.
  5. Kiểm tra, hướng dẫn giao thông, đặc biệt là tại các ngầm, tràn, khu vực thường xuyên bị ngập; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện để sẵn sàng xử lý các sự cố về giao thông.
  6. Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi, đôn đốc các địa phương, Bộ ngành thực hiện nghiêm Công điện số 14/CĐ-TWPCTT ngày 01/9/2019 của Ban chỉ đạo TWPCTT và có báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo TWPCTT để tổng hợp./.

file đính kèm