Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Báo cáo nhanh công tác trực ban PCTT ngày 21/4/2024



BÁO CÁO NHANH

Công tác phòng, chống thiên tai ngày 21/4/2024

                                            

I. TÌNH HÌNH THỜI TIẾT, THIÊN TAI

1. Tin dự báo nắng nóng ở khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ

Ngày 22/4, khu vực Tây Bắc Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36-39 độ, có nơi trên 39 độ.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: Cấp 1.

2. Tin dự báo mưa dông, mưa lớn cục bộ, cảnh báo lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh ở khu vực Bắc Bộ

Chiều tối và đêm 22/4, ở khu vực Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 15-30mm, có nơi trên 50mm; ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa rào và dông cục bộ.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá: Cấp 1.

3. Tình hình xâm nhập mặn khu vực đồng bằng sông Cửu Long

Xu thế xâm nhập mặn từ ngày 22-30/4/2024 với chiều sâu ranh mặn 4‰ tại các cửa sông chính như sau: sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây: 90-120km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại: 40-50km; sông Hàm Luông: 50-55km; sông Cổ Chiên: 40-45km; sông Hậu: 40-50km; sông Cái Lớn: 45-55km. Độ mặn cao nhất tại các trạm ở mức cao hơn độ mặn cao nhất tháng 4/2023.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở ĐBSCL: Cấp 2.

4. Tình hình mưa

- Mưa ngày (19h/20/4-19h/21/4): Khu vực Bắc Bộ rải rác có mưa, lượng mưa phổ biến từ 20-40mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Thất Khê (Lạng Sơn) 42mm, Phổ Yên (Thái Nguyên) 50mm, Bắc Giang (Bắc Giang) 49mm, Cô Tô (Quảng Ninh) 49mm, Trâu Quỳ (Hà Nội) 53mm, Vân Đình (Hà Nội) 45mm.

- Mưa đêm (19h/21/4-07h/22/4): Khu vực Bắc Bộ rải rác có mưa, lượng mưa phổ biến dưới 30mm; riêng trạm Định Hóa (Thái Nguyên) 37mm.

- Mưa 3 ngày (19h/18/4-19h/21/4): Khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên có mưa, tổng lượng mưa phổ biến từ 30-50mm; một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Than Uyên (Lai Châu) 51mm, Mù Cang Chải (Yên Bái) 88mm, Trâu Quỳ (Hà Nội) 53mm, Quất Đông (Quảng Ninh) 59mm, Bảo Lộc (Lâm Đồng) 69mm.

II. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI

Theo Báo cáo nhanh của VPTT Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Sơn La, Phú Thọ và Quảng Ninh, tính đến 18h00 ngày 21/4/2024, thiệt hại do mưa kèm theo dông, lốc xảy ra từ đêm 19/4 đến ngày 21/4 như sau:

- Về người:

+ 01 người chết (cháu Giàng Thị Mỷ, 05 tuổi, thôn Phúng Tủng, xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, bị chết do sập nhà).

+ 08 người bị thương (tăng 05 người so với báo cáo nhanh ngày 20/4): Yên Bái 02; Sơn La 03; Phú Thọ 01; Hà Giang 02.

- Về nhà ở: 6.891 nhà bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái (tăng 5.084 nhà so với báo cáo nhanh ngày 20/4): Lào Cai 31; Tuyên Quang 117; Yên Bái 150; Cao Bằng 903; Sơn La 3.477; Bắc Kạn 829; Phú Thọ 891; Hà Giang 378; Lạng Sơn 08; Quảng Ninh 04; Thái Nguyên 103.

- Về giáo dục: 53 điểm trường bị tốc mái, thiệt hại (Lào Cai: 01; Bắc Kạn: 04; Cao Bằng 03; Phú Thọ: 19; Hà Giang: 04; Thái Nguyên: 01).

- Về nông nghiệp: 1.556,6 ha lúa, hoa màu bị ảnh hưởng, thiệt hại (tăng 1.040,7 ha so với báo cáo nhanh ngày 20/4); 79,81 ha chuối bị gãy, đổ.

- Về cây lâm nghiệp, công nghiệp: 202,9 ha bị gãy, đổ thiệt hại.

- Về chăn nuôi, thuỷ sản: 18 gia súc, 2.500 con gia cầm bị chết; 0,4 tấn cá bị thiệt hại; 109 chuồng trại bị tốc mái, hư hỏng.

- Về công trình khác: 26 trụ sở cơ quan, 11 nhà xưởng; 07 nhà văn hoá bị tốc mái, hư hỏng; 17 cột viễn thông, 29 cột đèn chiếu sáng, trang trí, 199 cột điện bị gãy, đổ, thiệt hại; 809 công trình dân sinh bị thiệt hại và một số cây xanh bị gãy đổ. Riêng tại huyện Phù Yên (Sơn La) bị mất điện toàn huyện do hư hỏng hệ thống đường điện 110 (dự kiến ngày 22/4 mới khắc phục xong).

Sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có người bị nạn; huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống.

III. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ

1. Trung ương

- Ngày 01/4/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg yêu cầu tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

- Ngày 08/4/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 34/CĐ-TTg về việc tập trung bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân trong các đợt xâm nhập mặn cao điểm tại đồng bằng sông Cửu Long.

- Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai; chuyển bản tin cảnh báo thiên tai đến các địa phương.

2. Địa phương

Các địa phương tổ chức trực ban, theo dõi diễn biến thời tiết, thông tin dự báo để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

IV. CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO

1. Theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp; các tỉnh khu vực Bắc Bộ huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa dông, lốc.

2. Các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 01/4/2024 và Công điện số 34/CĐ-TTg ngày 08/4/2024 về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân.

3. Tổ chức trực ban, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.

Tải file tại đây.