Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Báo cáo nhanh công tác trực ban PCTT ngày 20/10/2020



BÁO CÁO NHANH

Công tác trực ban phòng chống thiên tai ngày 20/10/2020

 

I. DIỄN BIẾN THIÊN TAI

  1. Tin bão số 8 (cơn bão Saudel)

Sáng 20/10, ATNĐ phía đông Philippin đã mạnh lên thành bão (bão Saudel); đêm 20/10 bão đã đi vào biển Đông trở thành cơn bão số 8. Hồi 04h/21/10, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa 770km về phía Đông Đông Nam; gió cấp 8, giật cấp 10.

Dự báo, bão di chuyển theo hướng Tây, 10-15km/h và có khả năng mạnh thêm.

  1. Tình hình mưa

- Mưa từ 19h/19/10 đến 06h/21/10: Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa lớn, tập trung chủ yếu trong đêm 19/10, ngày 20/10 mưa đã giảm. Một số trạm có lượng mưa lớn trên 200mm như: Kỳ Thịnh (Hà Tĩnh) 250mm, Kỳ Anh (Hà Tĩnh) 214mm; Hồ Kim Sơn (Hà Tĩnh) 217mm; Lệ Thủy (Q.Bình) 210mm; Kiến Giang (Q.Bình) 234mm; Vĩnh Tú (Q.Trị) 237mm, Vĩnh Khê (Q.Trị) 207mm.

- Mưa 3 ngày (19h/16/10 - 19h/19/10): Khu vực các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa to đến rất to, phổ biến từ 300-500mm, một số trạm có lượng mưa đặc biệt lớn như: Kỳ Thượng (Hà Tĩnh) 1.691mm, Hồ Kim Sơn (Hà Tĩnh) 1.334mm, Vạn Trạch (Quảng Bình) 1.063mm, Hướng Linh (Quảng Trị) 1.068mm.

  1. Tình hình lũ

Lũ lớn xuất hiện trên toàn 16 tuyến sông chính tại khu vực Trung Bộ, trong đó có 05 tuyến sông lũ đã vượt mức lịch sử (sông Kiến Giang, Quảng Bình; sông Hiếu, sông Thạch Hãn, sông Ô Lâu, Quảng Trị; sông Bồ, Thừa Thiên Huế).

Hiện nay, mực nước sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh) đã xuống mức xấp xỉ BĐ 1; sông Kiến Giang (Quảng Bình) xuống chậm và ở mức cao, lúc 04h/21/10 tại Lệ Thủy còn trên BĐ 3 là 1,2m; sông Gianh (Quảng Bình) xuống mức xấp xỉ BĐ 1; sông Bồ (T.T. Huế) xuống dưới mức BĐ 2.

II. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ VỚI BÃO

  1. Trung ương: Ngày 19/10, ngay khi hình thành ATNĐ phía đông Philippin và dự báo sẽ vào biển Đông, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai đã có Công điện số 29/CĐ-TWPCTT chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam; các Bộ, ngành để ứng phó với ATNĐ gần biển Đông và mưa lũ.

Ngày 20/10, khi ATNĐ mạnh lên thành bão, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo tiếp tục có Công điện số 30/CĐ-TW đề nghị các Bộ, ngành, địa phương ứng phó.

  1. Các Bộ, ngành, địa phương: Đã tổ chức triển khai thực hiện Công điện của Ban Chỉ đạo trung ương về PCTT và Văn phòng thường trực, cụ thể:
  2. a) Tàu thuyền:

 Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng, tính đến 06h00 ngày 21/10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 52.598 p.tiện/263.044 LĐ biết để di chuyển, thoát khỏi vùng nguy hiểm, trong đó:

Đang hoạt động trên biển: 10.547 tàu/76.449 LĐ, bao gồm: 32 tàu/288 LĐ hoạt động ở khu vực Hoàng Sa của Bình Định, còn lại hoạt động vùng biển khác và ven bờ.

(Hiện Bộ đội Biên phòng đang tiếp tục cập nhật chi tiết tầu thuyền các khu vực)

  1. b) Nuôi trồng thủy sản:

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Tổng cục Thủy sản rà soát diện tích nuôi trồng thủy sản từ Thanh Hóa đến Quảng Nam, cụ thể:

- Tổng diện tích NTTS: 63.977 ha (T.Hóa: 8.081ha, N.An: 20.867ha, H.Tĩnh: 6.288ha, Q.Bình: 6.840ha, Q.Trị: 6.657ha, Huế: 6.826ha, Đ.Nẵng: 418, Q.Nam: 8.000ha).

- Số lồng bè: 10.284 lồng, bè (T.Hóa: 3.919, N.An: 989, H.Tĩnh: 173, Q.Bình: 510, Q.Trị: 58, Huế: 2.630, Đ.Nẵng: 5, Q.Nam: 2.000).

  1. c) Hồ chứa:

-  Hồ thủy điện:

Bộ Công thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các địa phương vận hành hồ chứa thủy điện.

Hiện, khu vực Trung Bộ có 28 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn, trong đó: khu vực Bắc Trung Bộ: 13 hồ; duyên hải Nam Trung Bộ: 15 hồ.

- Hồ thủy lợi:

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo, phối hợp các địa phương vận hành các hồ chứa cắt giảm lũ, đảm bảo an toàn hồ và giảm ngập lụt cho hạ du; cử các Đoàn đi kiểm tra cụ thể để phối hợp cùng các địa phương.

Hiện khu vực Trung Bộ có tổng số 2.840 hồ; trong đó ở Bắc Trung Bộ có 2.323 hồ, dung tích 65-90% dung tích thiết kế, 1.249 hồ đầy nước, 55 hồ hư hỏng nặng, 41 hồ đang thi công; Nam Trung Bộ có 517 hồ, dung tích 30%÷90% dung tích thiết kế, 203 hồ đầy nước; 24 hồ hư hỏng nặng, 31 hồ đang thi công.

* Đến thời điểm này, các hồ chứa thủy điện, thủy lợi vẫn đảm bảo an toàn.

  1. d) Thông tin, truyền thông:

Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các nhà mạng gửi tin nhắn đến 25,8 triệu thuê bao để ứng phó với bão và mưa lũ trong 03 đợt (ngày 09/10, 17/10 và 19/10); tăng cường tuyên truyền qua mạng xã hội (trang Fanpage Thông tin phòng chống thiên tai với hơn 57.000 người theo dõi; trang Zalo Phòng chống thiên tai với hơn 730.000 lượt xem).

Các cơ quan thông tấn báo chí đã thường xuyên cập nhật đưa tin diễn biến tình hình bão, mưa lũ, công tác ứng phó và hướng dẫn kỹ năng phòng, tránh.

III. TÌNH HÌNH NGẬP LỤT, SƠ TÁN DÂN

  1. Tình hình ngập lụt

Tính đến 19h/20/10, còn 124.569 hộ dân tại 02 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình còn ngập, cụ thể:

  • Hà Tĩnh: 26.171 hộ tại 9 huyện, thị, TP: Hương Khê, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, TP Hà Tĩnh, Lộc Hà, Thạch Hà, Kỳ Anh, Tx. Kỳ Anh và Vũ Quang; trọng điểm là ở các huyện Cẩm Xuyên: 13.393 hộ, Lộc Hà: 1.600 hộ, TX. Kỳ Anh: 1.383 hộ và TP Hà Tĩnh: 2.300 hộ, nước đang tiếp tục rút.
  • Quảng Bình: 398 hộ tại 07 huyện, thị, TP: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Minh Hóa, TX Ba Đồn, TP Đồng Hới và Quảng Trạch; tập trung chủ yếu ở các huyện Lệ Thủy: 32.000 hộ, Quảng Ninh: 13.067 hộ, Bố Trạch: 13.924 hộ, TX Ba Đồn: 22.032 hộ, nước đang rút chậm.
  • Quảng Trị: Cơ bản nước đã rút khỏi nhà dân, chỉ còn một số tuyến đường ở các vùng thấp trũng, gần sông còn ngập nhẹ.
  1. Tình hình sơ tán dân

Tính đến 17h/20/10, các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đã sơ tán tổng số 59.296 hộ/206.755 người (Hà Tĩnh: 14.492/43.283; Quảng Bình: 29.793/114.974, Quảng Trị: 15.011/48.498).

  1. Tình hình giao thông:

Theo báo cáo của Bộ GTVT, đến 17h/20/10, Quốc lộ 1 cũ qua tỉnh Quảng Bình còn 01 đoạn bị sâu 60cm; đường Hồ Chí Minh nhánh Tây còn 01 điểm bị ngập sâu 1m và nhiều điểm sạt lở gây ách tắc; Quốc lộ 49 còn 06 điểm bị sạt lở gây ách tắc. Tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua khu gian Phú Hòa - Mỹ Trạch, tỉnh Quảng Bình còn phải phong tỏa do ngập sâu. Hiện ngành giao thông đang tập trung khắc phục.

IV. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI VÀ CÔNG TÁC HỖ TRỢ

  1. Tình hình thiệt hại

a) Về người: Tổng số thiệt hại về người từ 06/10-20/10 là 133 người, trong đó:

- Người chết: 111 người (Nghệ An 02; Hà Tĩnh 03; Quảng Bình 09; Quảng Trị 49; T.T Huế 28, Đà Nẵng 03, Quảng Nam 11, Quảng Ngãi 01, Kon Tum 02, Gia Lai 01, Đắk Lắk 01, Lâm Đồng 01).

- Người mất tích: 22 người, gồm: Hà Tĩnh 01; Quảng Trị 4, giảm 4 người đã về nhà; Thừa Thiên Huế: 15 người (tại Rào Trăng 3), Đà Nẵng 01, Gia Lai 01.

* Trong đó: sạt lở đất: 60 người; lũ: 60 người; tai nạn trên biển: 8 người; nguyên nhân khác: 5 người.

b) Về nông nghiệp: 371ha lúa bị ngập; 7.126ha hoa màu bị ngập, hư hại; 5.876 con gia súc, 685.225 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.

    2. Công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả

- Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý xuất gạo dự trữ quốc gia và tạm cấp từ dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 hỗ trợ 5 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Hà Tĩnh mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo và 100 tỷ đồng để cứu trợ khẩn cấp cho người dân vùng lũ, thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn, an sinh xã hội.

- Quân khu 4 đã cử các đoàn công tác đến thăm và trao 1.200 thùng mì tôm, 2 tấn gạo, 8,5 tấn lương khô hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt của tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo các huyện, thị xã và thành phố Huế huy động lực lượng hỗ trợ người dân tập trung khắc phục nhà cửa bị  hư hỏng, tổ chức dọn dẹp vệ sinh để đảm bảo sinh hoạt trở lại của người dân; tập trung chỉ đạo khôi phục đường giao thông, hệ thống điện, viễn thông sau khi lũ rút; cấp phát và phân phối 78 tấn gạo, 450 thùng bánh gạo và 38.700 mì tôm, 150 suất hàng hỗ trợ khẩn cấp.

- Các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh và quân khu 4 huy động nhiều phương tiện, vật tư, máy móc, nhân lực để tổ chức di dời dân và khắc phục hậu quả do mưa lũ, ngập sâu diện rộng, sạt lở đất.

V. ĐỀ XUẤT CÁC CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO

  1. Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư; Thủ tướng Chính phủ; Phó Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, tập trung một số nhiệm vụ sau:
  2. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; quản lý, hướng dẫn tầu thuyền di chuyển phòng tránh và neo đậu, quản lý việc ra khơi, bao gồm cả các tàu vận tải, tàu vãng lai; đảm bảo an toàn hoạt động kinh tế biển; sạt lở bờ biển.
  3. Tổ chức vận hành các hồ đập thủy lợi, thủy điện bảo đảm an toàn, đúng quy trình, chủ động hạ thấp mực nước để đón lũ. Phân công cụ thể, bố trí lực lượng thường trực tại các hồ chứa đã đầy nước, hồ chứa có nguy cơ mất an toàn để kịp thời xử lý khi có tình huống.
  4. Huy động các lực lượng, tổ chức đoàn thể để nhanh chóng khôi phục đời sống của người dân sau khi lũ rút, tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường, chú ý đảm bảo an toàn tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Cử các đoàn công tác xuống các địa phương để kiểm tra, hỗ trợ người dân; hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh, phục hồi sản xuất.

  1. Tổ chức tiếp nhận, phân bổ nguồn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng.
  2. Tăng cường dự báo, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là truyền thông cơ sở, thường xuyên liên tục cung cấp diễn biến của bão, các phương án ứng phó để người dân biết và phối hợp với chính quyền địa phương chủ động phòng tránh./.

Tải file đính kèm