BÁO CÁO NHANH
Công tác phòng chống thiên tai ngày 19/9/2020
I. Tình hình thiên tai
1. Tin mưa lớn diện rộng ở Bắc Trung Bộ; đồng bằng và ven biển Bắc Bộ.
Sáng ngày 20/9, ở khu vực khu vực Bắc Trung Bộ và các tỉnh đồng bằng, ven biển Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 30-50mm; có nơi trên 50mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.
2. Tin cảnh báo mưa giông, gió mạnh, sóng lớn trên biển
Ngày 20/9, ở Vịnh Bắc Bộ, vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa); Vịnh Thái Lan có mưa rào và dông mạnh. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh. Rủi ro thiên tai cấp 1. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.
3. Tình hình mưa:
- Mưa ngày (19h/18/9 đến 19h/19/9): Các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Nam Bộ có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 80-120mm; một số trạm có lượng mưa lớn như: Bát Xát (Lào Cai) 111mm; Tà Xi Láng (Yên Bái) 141mm, Tiên Lãng (Hải Phòng) 117mm; Ngô Đồng (Nam Định) 117mm; Tân Trường (Thanh Hóa) 214mm; Tĩnh Gia (Thanh Hóa) 141mm, Cửa Hội (Nghệ An) 178mm; Quỳnh Lưu (Nghệ An) 144mm; Kỳ Sơn (Nghệ An) 123mm; Vũ Quang (Hà Tĩnh) 113mm; Sơn Kim 1 (Hà Tĩnh) 95mm, Rạch Giá (Kiên Giang) 129mm.
- Mưa đêm (19h/19/9 đến 07h/20/9): Khu vực các tỉnh Đồng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Bộ rải rác có mưa, lượng mưa phổ biển từ 30-50mm. Một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Phong Cốc (Quảng Ninh) 57mm; Tiền Hải (Thái Bình) 76mm; Liễu Đề (Nam Định) 55mm; Lệ Ninh (Quảng Bình) 97mm; Trưởng Thủy (Quảng Bình) 73mm; Hướng Linh (Quảng Trị) 39mm.
- Mưa 3 ngày (19h/16/9 đến 19h/19/9): Các khu vực trên cả nước có mưa, mưa vừa; riêng khu vực Trung Bộ có mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 100 -200mm. Một số trạm có lượng mưa lớn như: Vinh (Nghệ An) 459mm; Cửa Hội (Nghệ An) 363mm; Vũ Quang (Hà Tĩnh) 564mm; Hương Điền (Hà Tĩnh) 431mm, Hương Khê (Hà Tĩnh) 361mm; Tân Hóa (Quảng Bình) 256mm; Đăkrông (Quảng Trị) 253mm; Nam Đông (Thừa Thiên Huế) 266mm; Đà Nẵng (Đã Nẵng): 310mm; Vĩnh Diện (Quảng Nam) 281mm;
II. THỦY VĂN
1. Các sông khu vực Bắc Bộ: Mực nước sông Thao và hạ lưu sông Lô và sông Hồng tiếp tục biến đổi chậm. Đến 7h/21/9 mực nước hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội có khả năng ở mức 2,95m. Mực nước hạ lưu sông Thái Bình tiếp tục dao động do ảnh hưởng của thủy triều. Đến 19h/20/9, mực nước hạ lưu sông Thái Bình tại Phả Lại có khả năng ở mức 1,20m.
2. Các sông khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên: Mực nước một số sông có khả năng lên nhưng ở dưới báo động 1, dao động theo điều tiết hồ chứa.
3. Mực nước sông Cửu Long: Mực nước sông Cửu Long biến đổi theo triều. Đến ngày 23/9, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 2,00m; tại Châu Đốc ở mức 1,95m.
III. TÌNH HÌNH HỒ CHỨA THỦY LỢI, THỦY ĐIỆN
1. Tình hình hồ chứa thủy điện:
Lưu lượng về hồ thủy điện các khu vực dao động nhẹ, mực nước các hồ thấp, các hồ vận hành bình thường.
2. Tình hình hồ chứa thủy lợi:
- Có 166 hồ chứa đang thi công, hạn chế tích nước, đảm bảo tiến độ thi công vượt lũ an toàn.
- Vận hành xả tràn: Hồ Tả Trạch xả 40 m3/s, Cửa Đạt xả 14m3/s, Ngàn Trươi xả 8 m3/s (đều xả qua phát điện).
IV. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI: (Tính đến 17 giờ 00 ngày 19/9)
Theo báo cáo của BCH PCTT&TKCN các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng thiệt hại do bão số 5 gây ra như sau:
1. Về người:
- Người chết: 03 người (Thừa Thiên Huế: 01; Quảng Trị: 01; Hà Tĩnh: 01).
- Người bị thương: 112 người (Thừa Thiên Huế: 95 người; Quảng Bình: 09 người; Quảng Trị: 07 người; Đà Nẵng: 01 người).
2. Về nhà ở:
- Nhà bị sập đổ hoàn toàn: 10 nhà (Thừa Thiên Huế)
- Nhà bị tốc mái, hư hỏng: 22.566 (Thừa Thiên Huế: 21.283 nhà, trong đó 14.380 nhà hư hại nhẹ, đã khắc phục xong, 6.903 nhà đang khắc phục; Quảng Trị: 893 nhà; Hà Tĩnh: 334 nhà; Nghệ An: 09 nhà; Quảng Bình: 47 nhà).
3. Về giáo dục: 25 điểm trường bị ảnh hưởng (Thừa Thiên Huế: 20, Quảng Trị: 03, Hà Tĩnh: 01, Đà Nẵng: 01).
4. Về nông nghiệp:
- 1.715 ha lúa bị thiệt hại (Nghệ An: 1.570ha; Quảng Nam: 106 ha; Quảng Trị: 36,7 ha; Quảng Bình: 02 ha).
- 1.561 ha hoa màu bị thiệt hại (Nghệ An: 1.209ha; Hà Tĩnh: 155,8ha; Quảng Bình: 02ha; Quảng Trị: 29 ha; Huế: 95 ha; Đà Nẵng: 30 ha); 1.149 ha cây lâm nghiệp; 309 ha cây ăn quả bị thiệt hại (T.T.Huế, Quảng Nam, Q.Trị);
- 147 ha nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, thiệt hại (Nghệ An: 107; Thừa Thiên Huế: 30 ha; Quảng Trị: 10 ha);
5. Về điện lực và viễn thông:
- 217 cột điện bị gãy đổ; 03 trạm biến áp bị hư hỏng; 03 trụ thông tin bị gãy; 43 tuyến cáp quang bị đứt do cây gãy đổ (Thừa Thiên Huế).
- Nhiều địa phương thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế bị sự cố và mất điện (đến 19h/19/9: Thừa Thiên Huế đã khắc phục được 75%).
6. Về thủy lợi, sạt lở bờ biển
6,2km bờ biển bị sạt lở ăn sâu từ 5 - 10m, một số nhà quản lý vận hành hồ chứa, trạm bơm bị tốc mái tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
7. Về giao thông:
- Nghệ An: Hơn 100 vị trí sạt lở ở Quốc lộ 16.
- Hà Tĩnh: 04 cầu dân sinh bị cuốn trôi.
- Quảng Bình: Xói lở, sạt lở một số tuyến đường liên xã ở Tuyên Hóa, ngầm tràn, công tại đường tỉnh 569 bị hư hỏng.
- Quảng Trị: Sạt lở một số điểm ở quốc lộ 9, 15D, Hồ Chí Minh.
- Huế: Hư hỏng một số biển báo, biển chỉ dẫn, vùi lấp mương tiêu trên Quốc lộ 1A, 49B.
- Đà Nẵng: 02 vị trí sạt lở ở đường tỉnh 601.
Ngành Giao thông phối hợp với địa phương tổ chức khắc phục, đến sáng 20/9 cơ bản đã thông xe.
V. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ
1. Trung ương:
- Ngày 19/9, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có Công điện gửi lời thăm hỏi, chia sẻ đến chính quyền địa phương và các hộ dân bị ảnh hưởng và chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai công tác khắc phục hậu quả và ứng phó với mưa lũ.
- Sáng 19/9, Phó Trưởng ban Trần Quang Hoài chủ trì họp Thường trực Ban Chỉ đạo để đánh giá, rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo điều hành và triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả bão số 5.
- Các Bộ, ngành chỉ đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc tập trung xử lý, khắc phục các sự cố, thiệt hại thuộc lĩnh vực quản lý và tham gia hỗ trợ các địa phương trong công tác khắc phục hậu quả.
- Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình mưa lũ sau bão, đôn đốc công tác thống kê, đánh giá thiệt hại và khắc phục hậu quả sau bão của các địa phương.
2. Địa phương:
- Các địa phương bị ảnh hưởng của bão đã tập trung triển khai công tác tìm kiếm người bị mất tích, cứu chữa người bị thương, động viên, thăm hỏi gia đình có người bị chết, thiệt hại nhà cửa; huy động lực lượng, phương tiện cùng với nhân dân trên địa bàn tập trung khắc phục hậu quả để sớm ổn định đời sống.
- Tiếp tục theo dõi diễn biến thiên tai và triển khai các biện pháp ứng phó với tình hình mưa lũ sau bão.
VI. NHỮNG CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO
Các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm nội dung Công điện số 12/CĐ-TWPCTT của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, trong đó:
- Tập trung chỉ đạo, huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả của bão, tổ chức vệ sinh môi trường, xử lý, khôi phục các công trình bị hư hại, sự cố (viễn thông, điện lực, giao thông, thủy lợi, công trình công cộng), các hoạt động sản xuất, sinh hoạt.
- Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ, kịp thời thông tin, cảnh báo và chủ động triển khai các biện pháp ứng phó khi có tình huống.
- Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp báo cáo tình hình diễn biến thiên tai, thiệt hại về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo TW về PCTT và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ƯPSCTT&TKCN./.
Tài liệu đính kèm