BÁO CÁO NHANH
Công tác phòng, chống thiên tai ngày 18/12/2021
I. TÌNH HÌNH THIÊN TAI
- Tin bão số 9:
Hồi 04h/19/12, tâm bão ở 12,8 độ Vĩ Bắc, 111,8 độ Kinh Đông, cách Bình Định - Phú Yên khoảng 270km về phía Đông, sức gió cấp 15 giật cấp 17.
Gió thực đo lúc 04h00 ngày 19/12: tại đảo Lý Sơn đã quan trắc được gió mạnh cấp 7, giật cấp 8.
Dự báo:
- Đến 04h/20/12, tâm bão tại vị trí 16,0 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, cách Quảng Nam - Bình Định khoảng 230km; sức gió cấp 13-14, giật cấp 16.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới: từ vĩ tuyến 10 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 114,5 độ Kinh Đông; trong 24-48 giờ tiếp theo: phía Bắc vĩ tuyến 13,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 108,0 đến 115,5 độ Kinh Đông.
- Sóng biển: Ngày 19 và 20/12, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa có sóng biển cao từ 4÷6m, biển động dữ dội
- Thủy triều: Vào thời điểm bão ảnh hưởng đến gần đất liền (19-21/12), thủy triều ở mức cao, tại Quy Nhơn đạt 2,4m lúc 20h ngày 19/12.
Cấp độ RRTT: Cấp 4: vùng biển Tây khu vực Giữa Biển Đông; cấp 3: vùng biển ven bờ từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên.
- Về mưa
a) Mưa ngày (từ 19h/17/12 đến 19h/18/12): Tỉnh Thừa Thiên Huế, phía Nam tỉnh Quảng Nam rải rác có mưa đến mưa vừa (tập trung chủ yếu vào sáng ngày 18/12), lượng mưa phổ biến từ 20-40mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Thừa Thiên Huế (T.T.Huế) 40mm; HCN Khe Ngang (T.T.Huế) 49mm; Nam Trà My (Quảng Nam) 43 mm.
b) Mưa đêm (từ 19h/18/12 đến 07h/19/12): Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Đình rải rác có mưa, lượng mưa phổ biến từ 10-30mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn: TĐ Sông Tranh 2 (Quảng Nam) 53mm, hồ Diên Trường (Quảng Ngãi) 75mm, hồ Cẩn Hậu (Bình Định) 69mm.
Dự báo: ngày 19/12, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên sẽ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến từ 50-100mm, có nơi trên 150mm..
- Về lũ: trên các sông từ Quảng Nam đến Khánh Hòa có khả năng xuất hiện một đợt lũ, đỉnh lũ ở mức BĐ1 – BĐ2, có nơi trên BĐ2.
II. TÌNH HÌNH TÀU THUYỀN VÀ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN
1. Về tàu cá:
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh bộ đội Biên phòng, tính đến 06h00 ngày 19/12/2021 đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 58.720 tàu/298.360 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão, chủ động tránh, trú. Cụ thể:
- Hoạt động trên biển: 1.570 tàu/10.745 người, trong đó có 11 tàu/93 lao động ở Bắc Biển Đông. Các phương tiện đã nhận được thông tin về bão, đang di chuyển vòng tránh, không đi vào vùng nguy hiểm.
- Neo đậu tại các bến: 57.150 tàu/287.615 người.
- Về tàu vận tải: Hiện có 1.387 tàu, trong đó có 749 tàu biển và 638 phương tiện thủy nội địa trong khu vực quản lý của cảng vụ hàng hải từ Quảng Ninh đến Tp.Hồ Chí Minh.
- Tình hình cấm biển: Đến 06h00 ngày 18/12, toàn bộ các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Bình Thuận đã tổ chức cấm biển.
- Tình hình nuôi trồng thủy sản từ Quảng Bình đến Bình Thuận:
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản:
- Diện tích nuôi trồng thủy sản trên biển và ven biển: 11.493 ha (các tỉnh có diện tích lớn: Quảng Nam: 2.425 ha; Bình Định: 2.490 ha; Khánh Hòa: 1.515 ha).
- Số lồng bè: 201.150 lồng, bè (các tỉnh có số lượng lớn: T.T.Huế: 2.000 lồng, bè; Phú Yên: 101.914 lồng, bè; Khánh Hòa: 90.230 lồng, bè).
- Tình hình dịch Covid-19:
Tình hình dịch bệnh tại các địa phương trong khu vực diễn biến phức tạp; từ Đà Nẵng đến Bình Thuận hiện có 21.355 F0 (Đà Nẵng 2.054, Quảng Nam 1.276, Bình Định 4.716, Phú Yên 433, Khánh Hòa 6.720, Ninh Thuận 788, Bình Thuận 6.07837) và 51.748 F1.
III. SƠ TÁN DÂN
- Kế hoạch sơ tán dân:
Các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận đã rà soát kế hoạch sơ tán với tổng số 69.876 hộ/305.232 dân, trong đó: trên các đảo 662 hộ/2.356 người (Lý Sơn: 88 hộ/205 người; Cù Lao Chàm: 336 hộ/1.090 người; Cồn Cỏ: 19 hộ/70 người; Phú Quý: 219 hộ/991 người).
- Thực hiện sơ tán:
Đến 18h00 ngày 18/12, tỉnh Quảng Ngãi đã sơ tán 54 hộ/213 người ở Tp.Quảng Ngãi đến nơi an toàn (Nghĩa An: 37 hộ/148 nmgười; Nghĩa Phú: 17 hộ/65 người).
IV. TÌNH HÌNH HỒ CHỨA VÀ CÔNG TRÌNH DẦU KHÍ
- Hồ thủy điện:
Các tỉnh thuộc khu vực Trung Bộ đều làm việc bình thường theo quy trình vận hành liên hồ và đơn hồ, trong đó: có 11 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn, lưu lượng xả/lưu lượng về hồ: A Lưới: 28/71 m3/s; Bình Điền: 88/142 m3/s; Hủa Na: 8/55 m3/s; Hương điền: 24/227 m3/s; Đăk Mi 3: 43/43 m3/s; Đăk Mi 4A: 140/188 m3/s; Sông Hinh: 100/158 m3/s; Trà Xom: 9/7 m3/s; Vĩnh Sơn A: 10/24 m3/s; Vĩnh Sơn B: 14/10 m3/s; Vĩnh Sơn C: 10/10 m3/s.
- Hồ thủy lợi:
Các tỉnh ven biển từ Quảng Bình đến Bình Thuận có 847 hồ, trong đó: 119 hồ chứa có tràn cửa van; có 728 hồ có tràn tự do. Dung tích chứa các hồ đều đạt 80-100% dung tích thiết kết, các hồ đã đầy gồm: Cẩm Ly, Trung Thuần 100% (Quảng Bình); Phú Bài 2: 102%, Châu Sơn: 106% (Thừa Thiên Huế).
- Công trình dầu khí:
Trong khu vực có 15 dàn khoan trên biển, có quy mô lớn với hàng nghìn lao động, các nhà giàn đã có phương án, kế hoạch đảm bảo an toàn về người và tài sản.
V. TÌNH HÌNH ĐÊ ĐIỀU VÀ SẠT LỞ BỜ BIỂN
- Về đê điều:
Các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận: Tổng có 713 km đê biển, đê cửa sông (299 km đê biển; 414 km đê cửa sông); còn tồn tại 44 trọng điểm, vị trí đê điều xung yếu; có 15 công trình đê, kè đang thi công dở dang.
- Về sạt lở:
Khu vực ven biển miền Trung có 129 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm/171,7km, trong đó:
- Khu vực Bắc Trung Bộ có 52 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm/70km (Quảng Bình 41,47 km; Quảng Trị 16,85km; T.T.Huế 11,7km);
- Khu vực Nam Trung Bộ có 77 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm/101,7 km.
VI. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI BAN ĐẦU
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo KTTV Quốc giá, do ảnh hưởng của bão số 9 đã làm gẫy 02 cột gió tại đảo Song Tử Tây.
VII. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ
- Trung ương
a)Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo QG về PCTT
- Có Công văn số 603/VPTT ngày 18/12/2021 đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh/TP ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tàu thuyền, nhất là đang tránh trú ở khu vực Bắc Biển Đông, quần đảo Hoàng Sa; chủ động sơ tán dân và đảm bảo an toàn hồ chứa;
- Cử đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định triển khai các biện pháp ứng phó với bão, mưa lũ.
- Tổ chức gửi 2.775.406 tin nhắn Zalo tới tài khoản thuộc các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên hướng dẫn kỹ năng phòng tránh bão số 9.
b) Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị tuyến biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận khẩn trương phối hợp với các địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, hướng dẫn các phương tiện, tàu thuyền di chuyển đến nơi an toàn; chỉ đạo việc bắn pháo hiệucảnh báo bão cho tàu thuyền và ngư dân ven biển theo quy định.
c) Các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc triển khai phương án ứng phó với bão, diễn biến mưa lũ.
d) Đài Truyền hình, Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường thời lượng đưa tin về diễn biến của bão, mưa lũ và công tác chỉ đạo ứng phó.
2. Địa phương
- Các tỉnh, thành phố ven biển tiếp tục triển khai thực hiện các Công điện, Văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT và Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo QG về PCTT.
- Tổ chức theo dõi diễn biến của bão, mưa lũ; kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền di chuyển đến nơi an toàn hoặc vào nơi tránh trú, tổ chức sắp xếp tàu thuyền tại nơi neo đậu nhất là tại các đảo; không để dân trên tàu thuyền khi bão đổ bộ.
- Rà soát, sẵn sàng triển khai phương án di dời, sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, các chòi canh, lồng bè nuôi trồng thủy sản.
- Kiểm tra, rà soát sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hồ chứa, nhất là các hồ chứa đã đầy nước hoặc đang thi công, đồng thời chủ động vận hành đón lũ bảo đảm an toàn công trình và hạ du.
VIII. NHỮNG CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO
Tiếp tục tổ chức thực hiện Công điện số Công điện số 1737/CĐ-TTg ngày 16/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 26/CĐ-QG ngày 16/12/2021 của Ban Chỉ đạo QG về PCTT - Ủy ban Quốc gia ƯPSCTT&TKCN, trong đó tập trung một số nội dung:
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 9, gió mùa Đông Bắc và tình hình mưa lũ nhất là tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa.
- Kiểm đếm, kêu gọi, hướng dẫn các phương tiện, tàu thuyền di chuyển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, tùy theo diễn biến của bão hoặc vào nơi tránh trú, nhất là các tàu đang ở tại khu vực Bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa.
- Kiên quyết không để người trên tàu thuyền, chòi canh, lồng bè nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ, đặc biệt là các khu vực trên đảo.
- Kiểm tra, sẵn sàng mọi tình huống ứng phó đảm bảo an toàn về người và công trình giàn khoan trên biển.
- Sẵn sàng triển khai phương án di dời, sơ tán dân đặc biệt là tại các nhà ở có nguy cơ cao xảy ra mất an toàn, phương án đảm bảo an toàn hồ chứa nước.
- Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ; sẵn sàng lực lượng./.
Tải file ở đây