BÁO CÁO NHANH
Công tác phòng, chống thiên tai ngày 10/6/2024
I. TÌNH HÌNH THỜI TIẾT, THIÊN TAI
1. Tin mưa dông, cảnh báo mưa lớn cục bộ, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ
Chiều và tối ngày 11/6, ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa 10-20mm, có nơi trên 50mm.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp. Đề phòng mưa với cường suất lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá: cấp 1.
2. Tin dự báo nắng nóng ở khu vực phía đông Bắc Bộ và Trung Bộ
Ngày 11/6, khu vực từ Nghệ An đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; Ngày 12/6, khu vực phía Đông Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-38 độ, có nơi trên 38 độ.
3. Tình hình mưa
- Mưa ngày (19h/09/6-19h/10/6): Khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 70-100mm, mưa tập trung tại Hà Giang và Lào Cai, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Lào Cai (Lào Cai) 172mm, Bát Xát (Lào Cai) 139mm, Hà Giang (Hà Giang) 149mm, Đạo Đức (Hà Giang) 148mm.
- Mưa đêm (19h/10/6-07h/11/6): Khu vực Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, lượng mưa phổ biến từ 20-50mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Phổ Yên (Thái Nguyên) 185mm, Sông Công (Thái Nguyên) 183mm, Đồng Hỷ (Thái Nguyên) 66mm, Cổ Phúc (Yên Bái) 71mm.
- Mưa 3 ngày (19h/07/6-19h/10/6): Khu vực Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-150mm; riêng các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng có mưa rất to với tổng lượng mưa từ 200-250mm, một số trạm có tổng lượng mưa lớn hơn như: Phình Hồ (Quảng Ninh) 393mm; Tiên Yên (Quảng Ninh) 365mm; Quất Đông (Quảng Ninh) 349mm; Đồ Nghi (Hải Phòng) 322mm; Cửa Cấm (Hải Phòng) 276mm.
II. TÌNH HÌNH THỦY VĂN
1. Các sông khu vực Bắc Bộ:
- Mực nước sông Hồng tại trạm Hà Nội và mực nước sông Thái Bình tại trạm Phả Lại biến đổi chậm theo xu thế lên và chịu ảnh hưởng của thuỷ triều. Mực nước lúc 07h00 ngày 11/6 trên sông Hồng tại trạm Hà Nội là 3,12m; trên sông Thái Bình tại trạm Phả Lại là 2,28m.
Dự báo: Đến 07h00 ngày 12/6, mực nước tại trạm Hà Nội có khả năng ở mức 4,10m; trong 36h tới mực nước tại trạm Phả Lại cao nhất có khả năng ở mức 2,80m.
Ngày 11/6, mực nước hạ lưu sông Lô tại Tuyên Quang sẽ lên nhanh. Trong 24 giờ tới, diễn biến lũ, ngập lụt và rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt hạ du thủy điện Tuyên Quang sẽ phụ thuộc vào diễn biến lũ thượng lưu sông Lô và chế độ vận hành điều tiết của thủy điện Tuyên Quang.
Lúc 07h/11/6, mực nước tại các vị trí như sau:
Trạm thủy văn Bắc Quang (sông Lô): 69,49m, trên BĐ1 0,49m; Trạm thủy văn Bắc Mê (sông Gâm): 122,17m, trên BĐ1 1,17m.
2. Các sông khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên: Mực nước các sông biến đổi chậm, mực nước hạ lưu các sông dao động theo điều tiết hồ chứa và thủy triều.
3. Các sông Nam Bộ: Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi chậm theo triều. Đến ngày 14/6, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 1,17m, tại Châu Đốc ở mức 1,37m.
III. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI
Theo BCN của VPTT BCH PCTT và TKCN các tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh và Hải Phòng, mưa lớn, ngập úng, lũ, sạt lở đất xảy ra từ ngày 09-10/6/2024 đã gây thiệt hại như sau :
+ Về người: 03 người chết tại Hà Giang (02 người chết do lũ cuốn trôi tại thôn Tân Thượng, xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì; 01 người chết sạt lở đất tại thôn Pao Mã Phìn xã Tả Ván).
+ Về nhà: 2.407 nhà bị ngập nước, thiệt hại (Lào Cai 02; Điện Biên 04; Hà Giang 1.238; Yên Bái 01; Cao Bằng 42; Thái Nguyên 01; Quảng Ninh 1.119).
+ Về nông nghiệp, chăn nuôi, thuỷ sản: 2.424 ha lúa và hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 157 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại; 513 con gia súc, 230 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.
+ Về giao thông: nhiều điểm bị sạt lở, ngập lụt với tổng khối lượng trên 21.400 m3 đất, đá, bê tông.
Sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương đã thăm hỏi gia đình người bị nạn, huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại; tiếp tục tổ chức rà soát, thống kê, đánh giá thiệt hại.
IV. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ
1. Trung ương
- Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 57/CĐ-TTg ngày 10/6/2024 về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ và chủ động ứng phó với thiên tai tại các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ.
- Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai ban hành Công điện số 03/CĐ-QG hồi 13h30 ngày 10/6/2024 về việc chủ động ứng phó với lũ trên sông Gâm tại Hà Giang;
- Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai ban hành các công văn số 226/VPTT ngày 10/6/2024 ứng phó với lũ trên sông Lô, tỉnh Hà Giang; công văn số 224/VPTT ngày 09/6/2024 gửi các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ đề nghị chủ động ứng phó với mưa lớn kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; công văn số 215/VPTT ngày 08/6/2024 ứng phó với lũ trên sông Gâm, tỉnh Cao Bằng.
- Các Bộ: Công an, Quốc phòng, Công Thương, Giao thông vận tải đã có công điện chỉ đạo ứng phó với diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.
- Ngày 11/6/2024, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai tổ chức đoàn công tác đi kiểm tra ứng phó, khắc phục hậu quả với mưa, lũ tại Hà Giang, Tuyên Quang.
- Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai; chuyển bản tin cảnh báo thiên tai đến các địa phương.
2. Địa phương
- Các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với thiên tai và khắc phục hậu quả do mưa lũ theo công điện của Thủ tướng Chính phủ.
- Các địa phương tổ chức trực ban, theo dõi diễn biến thời tiết, thông tin dự báo để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
V. CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO
1. Các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ chủ động triển khai theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Công điện, công văn của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai; theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với thiên tai.
2. Các tỉnh, thành phố đông Bắc Bộ, Trung Bộ chủ động ứng phó với nắng nóng.
3. Tổ chức trực ban, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.
tải file tại đây