BÁO CÁO NHANH
Công tác phòng, chống thiên tai ngày 08/11/2021
I. TÌNH HÌNH THIÊN TAI
1. Tình hình mưa
- Mưa ngày (từ 19h/07/11-19h/08/11): Khu vực Trung Bộ có mưa to, đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Một số trạm có lượng mưa lớn như: Hồ Khe Ngang (T.T.Huế) 219mm; Hồ Hòa Mỹ (T.T.Huế) 206mm; Trà Kót (Quảng Nam) 277mm; Trà Giáp (Quảng Nam) 257mm; Ba Điền (Quảng Ngãi) 348mm; Ba Vinh (Quảng Ngãi) 289mm.
- Mưa đêm (từ 19h/08/11-05h/09/11): Khu vực Trung Bộ có mưa, lượng mưa phổ biến từ 40-100mm, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định; một số trạm mưa lớn như: Thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) 148mm; Trà Giáp (Quảng Nam) 134mm; Ba Lế (Quảng Ngãi) 129mm; Sơn Kỳ (Quảng Ngãi) 116mm; Xã An Nghĩa (Bình Định) 157mm.
- Mưa 3 ngày (từ 19h/05/11-19h/08/11): Khu vực miền núi Bắc Bộ và Trung Bộ có mưa, lượng mưa phổ biến từ 100-120mm; một số trạm mưa lớn như: Bắc Quang (Hà Giang) 243mm, Mường Vi (Lào Cai) 170mm, Hồ Khe Ngang (T.T.Huế) 219mm; Trà Kót (Quảng Nam) 277mm; Trà Giáp (Quảng Nam) 257mm; Ba Điền (Quảng Ngãi) 348mm; Ba Vinh (Quảng Ngãi) 289mm.
Dự báo: Từ 09-14/11, các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, phía Bắc Quảng Nam và Khánh Hòa mưa phổ biến 200-350mm, có nơi trên 400mm; khu vực từ phía Nam Quảng Nam đến Phú Yên mưa phổ biến 350-650mm, có nơi trên 800mm.
Cảnh báo: Từ 15/11, mưa lớn ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa còn diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn:
- Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa: Cấp 1.
- Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên: Cấp 2.
2. Tình hình lũ
Mực nước lúc 5h ngày 09/11/2021, mực nước một số sông từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định đã đạt mức BĐ1, trên BĐ1. Riêng sông Vệ đạt mức trên BĐ3.
Cảnh báo lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa
Từ 09/11 đến ngày 15/11, trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa có khả năng xuất hiện một đợt lũ; đỉnh lũ trên các sông ở Thừa Thiên Huế lên mức BĐ1-BĐ2, có sông trên BĐ2; các sông từ Quảng Nam đến Khánh Hòa lên mức BĐ2-BĐ3, có sông trên BĐ3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa.
II. CÔNG TRÌNH PCTT VÀ SẢN XUẤT KHU VỰC NGUY CƠ ẢNH HƯỞNG
1. Hồ chứa
a) Hồ thủy điện:
- Có 17 hồ thủy điện đang điều tiết qua tràn.
- Một số hồ điều tiết lưu lượng lớn (Qxả/Qvề; m3/s) như: Đăk Mi 4a: 407/356, Sông Bung 6: 214/483, Sông Tranh 2: 1237/1650.
b) Hồ chứa thủy lợi khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa
- Hồ đã đầy nước 296/504 hồ (T.T.Huế 46/56 hồ, Đà Nẵng 14/19 hồ, Quảng Nam 59/73 hồ, Quảng Ngãi 112/118 hồ, Bình Định 22/160 hồ, Phú Yên 40/50 hồ, Khánh Hòa 3/28 hồ).
- Vận hành xả tràn: 08 hồ; lưu lượng xả nhỏ hơn 10m3/s. Riêng hồ Nước Trong (Quảng Ngãi) Qxả = 139 m3/s; Định Bình (Bình Định) Qxả = 75 m3/s.
- Đang thi công: 28 hồ (Quảng Nam 14, Quảng Ngãi 04, Bình Định 02, Khánh Hòa 08).
2. Tình hình đê, kè:
- Trọng điểm cần quan tâm như: 37 trọng điểm (Thừa Thiên Huế: 03; Đà Nẵng: 02; Quảng Nam 03; Quảng Ngãi: 16; Bình Định: 02; Phú Yên: 01; Khánh Hòa: 10).
- Công trình đang thi công: 34 công trình (Thừa Thiên Huế 15; Đà Nẵng 05; Quảng Nam 02; Bình Định 07; Phú Yên 02; Khánh Hòa 03).
3. Sản xuất nông nghiệp:
- Chăn nuôi: Từ Thừa Thiên Huế - Khánh Hòa có 1,2 triệu con gia súc; 1,76 triệu con lợn; 33,265 triệu con gia cầm.
- Trồng trọt: Các tỉnh từ Đà Nẵng – Khánh Hòa còn 14.912ha lúa mùa chưa thu hoạch trong đó có 7.856 ha lúa đã chín (Quảng Nam 1.068ha; Bình Định 3.500ha; Phú Yên 1.142ha; Khánh Hòa 2.146ha). Lúa vụ 3 tại Bình Định chưa thu hoạch: 346 ha.
III. KẾ HOẠCH SƠ TÁN DÂN
- Kế hoạch sơ tán dân khi lũ trên BĐ3 là 65.729 hộ/258.444 khẩu (Quảng Nam: 28.952/115.806; Quảng Ngãi: 2.445/9.464; Bình Định: 7.031/25.642; Phú Yên: 11.609/40.727; Khánh Hòa: 1.794/7.320).
- Kế hoạch sơ tán dân vùng nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất là 26.743 hộ/110.560 khẩu (T.T.Huế: 11.079/41.425; Đà Nẵng: 1.942/6.329; Quảng Nam: 3.376/13.504; Quảng Ngãi: 4.230/15.380; Bình Định: 519/2.076; Phú Yên: 989/3.553; Khánh Hòa: 1.344/5.070).
Các tỉnh tiếp tục rà soát số cả F0, F1 để có phương án cách ly, sơ tán riêng cũng như biện pháp y tế phù hợp để an toàn dịch bệnh. Tuy theo diễn biến thực tế tình hình mưa, lũ sẽ tiến hành sơ tán cho phù hợp tình huống dịch Covid-19.
IV. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ
1. Trung ương
a) Triển khai văn bản chỉ đạo:
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo QGPCTT đã có công điện số 21/CĐ-VPTT ngày 08/11/2021 và văn bản 512/VPTT ngày 07/11/2021 gửi Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, TP từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa chỉ đạo ứng phó với diễn biến của mưa, lũ.
b) Tăng cường công tác trực ban, theo dõi diễn biến mưa, lũ. Thường xuyên đôn đốc các địa phương, nắm bắt tình hình mưa, lũ để tham mưu chỉ đạo, ứng phó.
c) Các Bộ, ngành:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường thường xuyên cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo mưa, lũ phục vụ công tác chỉ đạo.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm bắt thông tin, chỉ đạo vận hành hồ chứa thủy lợi, an toàn đê điều, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản.
- Bộ Công thương nắm bắt thông tin, chỉ đạo vận hành hồ chứa thủy điện.
- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin về mưa, lũ và công tác chỉ đạo ứng phó.
2. Địa phương
- Ban Chỉ huy PCTT&TKCN và Văn phòng thường trực các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đã ban hành văn bản chủ động ứng phó mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất.
- Các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định tổ chức họp Ban chỉ huy vào sáng ngày 09/11; tỉnh Quảng Nam có văn bản chỉ đạo hạ dần mực nước các hồ chứa Sông Tranh 2, Đăk Mi 4, Sông Bung, Sông Bung 4, A Vương để đón lũ và đảm bảo an toàn hạ du.
- Rà soát phương án ứng phó với mưa, lũ nhất là kế hoạch sơ tán dân khu vực trũng thấp, ven sông, suối.
V. CÁC CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO
Các tỉnh, thành phố, các Bộ ngành triển khai nghiêm túc Công điện số 21/CĐ-VPTT ngày 08/11/2021 của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai.
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân chủ động phòng tránh.
- Triển khai lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai kiểm tra khu dân cư hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, ven sông, suối, khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn; rà soát công tác chuẩn bị lương thực, thực phẩm theo phương châm 4 tại chỗ đề phòng ngập lụt, chia cắt.
- Tổ chức lực lượng để canh gác tại các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập lụt, chia cắt khi có lũ; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục đảm bảo giao thông.
- Thu hoạch lúa đã chín tại Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa; đảm bảo an toàn cho vật nuôi, lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhất là tại các trang trại lớn.
- Kiểm tra và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, nhất là các công trình xung yếu, đang thi công, các hồ chứa đã đầy nước; Chủ động vận hành liên hồ chứa, hồ chứa dành dung tích đón lũ đảm bảo an toàn công trình và hạ du.
- Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
- Tăng cường công tác thông tin, truyền thông qua đài truyền hình, phát thanh, hệ thống truyền thanh cơ sở.
- Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Uỷ ban Quốc gia ứng phó Sự cố, Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.
tải file đính kèm!