Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Báo cáo nhanh công tác trực ban PCTT ngày 08/10/2021



I. TÌNH HÌNH THIÊN TAI

1. Tin bão trên Biển Đông (cơn bão số 7):

Hồi 07 giờ ngày 09/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, trên khu vực đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km và đi vào Vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới: phía Bắc vĩ tuyến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 111,5 độ Kinh Đông.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, 15-20km/giờ, Đến 19 giờ ngày 10/10, vị trí bão ở khoảng 19,8 độ Vĩ Bắc; 105,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 9. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24-48 giờ tiếp theo: phía Bắc vĩ tuyến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 109,5 độ Kinh Đông.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. 

2. Tình hình mưa:

- Mưa ngày (19h/07/10-19h/08/10): Các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Nam có mưa vừa, mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 100-150mm, một số trạm có lượng mưa lớn như: Thượng Lộ (Thừa Thiên Huế) 247mm; hồ chứa nước Thủy Yên (Thừa Thiên Huế) 216 mm; Nam Đông (Thừa Thiên Huế) 205 mm; Ka Dăng (Quảng Nam) 190mm; TT Khe Tre (Thừa Thiên Huế) 189 mm; Phước Năng (Quảng Nam) 154 mm. 

- Mưa đêm 19h/08/10-5h/09/10: Các tỉnh/TP Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và khu vực Tây Nguyên rải rác có mưa, lượng mưa phổ biến từ 10 - 30mm, một số trạm có lượng mưa lớn như: Đập TT Chư Prông (Gia Lai) 68 mm; HC nước Ia Giai 58 mm; TĐ Sê San 4A (Gia Lai) 54 mm; Chư Prông (Gia Lai) 50 mm.

- Mưa đợt (19h/04/10-19h/08/10): Khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 250-350mm, tập trung chủ yếu vào các ngày từ 6/10 đến sáng 8/10, một số trạm mưa lớn như: A Vao (Quảng Trị) 586 mm; Nam Đông (Thừa Thiên Huế) 574 mm; Khe Tre (Thừa Thiên Huế) 542 mm; Bình Tân (Quảng Ngãi) 498 mm; Thủy điện sông Tranh 2 (Quảng Nam) 659mm; Thủy điện sông Tranh 3 (Quảng Nam) 521mm; A Bung (Quảng Trị) 491 mm; Bình Tân (Quảng Ngãi) 498 mm.

Dự báo:

Từ ngày 09-12/10, do ảnh hưởng của bão số 7 ở khu vực Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có khả năng xảy ra mưa to đến rất to:

- Từ chiều 09/10 đến ngày 11/10, ở phía Đông Bắc Bộ có mưa to đến  rất to, tổng lượng mưa phổ biến 150-250mm, có nơi trên 300mm;

- Từ ngày 10-11/10, ở phía Tây Bắc Bộ có mưa to, tổng lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm;

- Từ ngày 10-12/10, ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến 150-350mm, có nơi trên 350mm.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn: Cấp 1-2.

3. Dự báo lũ ở Bắc Trung Bộ:

- Tỉnh Thanh Hóa: Từ ngày 09/10 đến 13/10 trên các sông suối có khả năng xảy ra một đợt lũ với biên độ lũ lên phổ biến từ 2 - 5m, riêng hạ lưu từ 1 - 3m. Trong đợt lũ này đỉnh lũ ở hạ lưu các sông chính còn dưới mức BĐ1, thượng lưu các sông chính có nơi trên mức BĐ1; các sông nhỏ có khả năng ở mức BĐ1 - BĐ2, có nơi trên BĐ2.

- Tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh: từ ngày 09/10 đến ngày 13/10, trên các sông suối ở có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 2-7m hạ lưu các từ 1-4m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ các sông nhỏ, thượng lưu ở mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2; hạ lưu ở mức BĐ1 và trên BĐ1.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên các sông suối nhỏ vùng núi, sườn dốc và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng thấp.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.

II. TÌNH HÌNH TÀU THUYỀN VÀ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

1. Về tàu cá:

- Đến 6h sáng 9/10, đã kiểm đếm, hướng dẫn: 33.387 tàu/113.156 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, trong đó: hoạt động ở khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình 2.996 tàu/9.677 LĐ; neo đậu tại bến: 30.391 tàu/103.479 LĐ.

- Tình hình khu neo đậu: Các tỉnh đã thành lập Tổ phối hợp liên ngành để hướng dẫn, xử lý công tác neo đậu tại bến và phòng chống dịch bệnh COVID-19.

2. Về tàu vận tải:

Tính đến 6h30 ngày 09/10/2021, có 611 tàu thuyền đang trong khu vực quản lý của các Cảng vụ hàng hải từ Quảng Ninh đến Đà Nẵng, trong đó có 326 tàu biển và 285 phương tiện thủy nội địa (PTTNĐ).

3. Tình hình cấm biển: tỉnh Thái Bình đã có lệnh cấm biển từ 9h/9/10; các tỉnh/tp khác tiếp tục theo dõi diễn biến của bão để xác định thời gian cấm biển phù hợp.

4. Tình hình nuôi trồng thủy sản từ Quảng Ninh đến Quảng Bình:

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản:

- Diện tích NTTS trên biển và ven biển: 133.961ha (các tỉnh có diện tích lớn: Quảng Ninh 21.564 ha; Thanh Hóa: 18.843ha, Nghệ An: 21.500ha).

- Số lồng bè: 20.617 lồng, bè (các tỉnh có số lượng lớn: Quảng Ninh: 11.600;  Thanh Hóa: 3.384, Nghệ An: 2.100).

- Số chòi canh: 3.905 chòi (các tỉnh có số lượng lớn: Thái Bình: 1.024; Nam Định 1.570).

Các tỉnh đã tổ chức chằng chống, gia cố lồng bè nuôi trồng thủy sản.

III. TÌNH HÌNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt đến 18h/08/10, các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình đã thu hoạch 407.000/624.912 ha lúa; còn lại là 217.912 ha, trong đó khoảng 65.000 ha đã đến thời kỳ thu hoạch. Hiện các tỉnh tiếp tục chỉ đạo thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

IV. TÌNH HÌNH ĐÊ ĐIỀU

Khu vực Quảng Ninh đến Quảng Bình có 44 vị trí đê điều, xung yếu; 07 công trình đê, kè biển, cửa sông đang thi công dở dang. Các vị trí trực diện biển cần quan tâm, đặc biệt là đê biển Bình Minh 4 (Ninh Bình).

V. TÌNH HÌNH HỒ CHỨA

1. Hồ thủy điện: Tính đến 6h00 ngày 09/10/2021: các hồ thủy điện khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên đạt khoảng 20-90% dung tích thiết kế; hiện có 47 hồ trên các lưu vực hiện nay đang xả tràn. Các hồ trước khi xả lũ đều có thông báo việc xả lũ theo đúng quy trình. Một số hồ thủy điện có dung tích lớn như: Chi Khê: 100%; A Lưới 99,9%; An Khê: 99%; Sê San 4A 100%; Đồng Nai 2: 99%; Srok Phu Miêng: 98%.

2. Hồ chứa thủy lợi (đến 18h00/08/10)

Khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ:

- Tích nước: Bắc Bộ 40% đến 100% dung tích thiết kế; Bắc Trung Bộ 39% đến 82% dung tích thiết kế, một số hồ chứa đang tích ở mức cao: Suối Chiếu 102%, (Sơn La); Ngòi Vần 103%, Lửa Việt 122% (Phú Thọ); Yên Quang 1 100%, Yên Quang 4 100%, Yên Thắng 1 103%, Yên Thắng 2 100%, Thác La 145%, Thường Xung 100% (Ninh Bình)...

 - Vận hành xả tràn: 02 hồ, cụ thể: Vực Mấu 45m3/s (Nghệ An), Tả Trạch 530,78m3/s (Thừa Thiên Huế).

- Đang thi công: 196 hồ, cụ thể: Hà Giang 14, Tuyên Quang 13, Yên Bái 7, Điện Biên 1, Bắc Cạn 5, Thái Nguyên 13, Lạng Sơn 13, Bắc Giang 10, Sơn La 2, Phú Thọ 3, Hòa Bình 22, Quảng Ninh 7, Ninh Bình 3, Thanh Hóa 17, Nghệ An 29, Hà Tĩnh 14, Quảng Bình 10, Quảng Trị 13.

(Các tỉnh tiếp tục tổng hợp thông tin về an toàn hồ chứa)

VI. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI BAN ĐẦU

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh Quảng Nam và Quảng Trị, thiệt hại ban đầu do lũ gây ra như sau:

- Tỉnh Quảng Nam: 01 người mất tích do bị lũ cuốn trôi (bà Hồ Thị Chín, sinh năm 1956 ở xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), hiện chính quyền địa phương đang tích cực tổ chức tìm kiếm nạn nhân; 25ha hoa màu bị ngập úng, 07 gia súc bị lũ cuốn trôi.

- Tỉnh Quảng Trị: tuyến đường ĐT 588a, đoạn Km 5+690 qua địa bàn xã Triệu Nguyên bị sạt lở khối lượng khoảng 200m3; một số tuyến đường liên xã, kênh mương, cống nội đồng bị hư hỏng.

VII. KẾ HOẠCH SƠ TÁN DÂN

Các khu dân cư ven biển, khu vực trũng thấp, cửa sông, ngoài bãi các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình đã sẵn sàng phương án, dự kiến sơ tán 70.440 hộ/260.722 người dân khu vực ven biển (Quảng Ninh 1946 hộ/6.048 người; Hải Phòng 3.054 hộ/10.716 người; Thái Bình 11.501 hộ/25.567 người; Nam Định 16.686 hộ/50.176 người; Ninh Bình 954 hộ/1.576 người; Thanh Hóa 6.516 hộ/29.316; Nghệ An 18.200 dân, Hà Tĩnh 658 hộ/9.823 dân; Quảng Bình 29.125 hộ/ 109.300 dân). Đã rà soát các đối tượng trong diện F0, F1 để có phương án cách ly, sơ tán riêng cũng như biện pháp y tế phù hợp để an toàn dịch bệnh (Hiện có 4.619 đối tượng F0, F1/04 tỉnh).

VIII. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ

1. Trung ương:

a) Văn bản chỉ đạo:

- Chiều ngày 08/10, Phó Trưởng ban Trần Quang Hoài đã chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo trực tuyến với các tỉnh/TP ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình để ứng phó với ATNĐ, mưa lũ.

- Ngày 08/10/2021, Văn phòng Thường trực đã có Công văn số 453/VPTT về việc điều chỉnh công tác ứng phó với bão số 7 và mưa lũ.

b) Tăng cường công tác trực ban theo dõi, giám sát diễn biến và tham mưu chỉ đạo:

- Tăng cường lực lượng trực ban phòng, chống bão, mưa lũ.

- Thường xuyên đôn đốc các địa phương, nắm bắt tình hình ứng phó như: kêu gọi, kiểm đếm tàu thuyền; rà soát, cập nhật phương án ứng phó, đặc biệt là phương án sơ tán dân tại các địa phương đang có dịch bệnh (số lượng, hình thức tập trung, tại chỗ, đảm bảo xử lý các F0, F1 đảm bảo y tế,...).

c) Các Bộ ngành:

- Bộ Tài nguyên và Môi trường thường xuyên cung cấp các bản tin dự báo bão, mưa lũ phục vụ công tác chỉ đạo.

- Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn tàu thuyền, nuôi trồng thủy sản, đê điều, hồ chứa và thu hoạch lúa đã đến thời kỳ thu hoạch.

- Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Công điện số 22/CĐ-BGTVT ngày 08/10 chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng ứng phó với diễn biến của bão, mưa lũ trong bối cảnh dịch bệnh Covid; tổ chức kiểm đếm, cảnh báo tàu thuyền vận tải; phương án đảm bảo an toàn đường bộ, đường thủy, đường hàng không.

- Bộ Công Thương đã ban hành Công điện số 6239/CĐ-BCT ngày 08/10/2021 về việc chủ động ứng phó với bão và mưa lũ.

- Bộ Công An chỉ đạo một số đơn vị chuyên trách và công an các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình sẵn sàng gần 60.000 cán bộ, chiến sỹ; gần 5.000 phương tiện thủy; hơn 1.000 phương tiện bộ; 830 máy phát điện, gần 30.000 phao các loại phục vụ công tác ứng phó với bão số 7.

- Bộ đội Biên phòng kêu gọi, kiểm đếm tàu thuyền; tối ngày 08/10/2021 đã tổ chức bắn pháo hiệu tại 19 điểm từ Quảng Ninh đến Quảng Bình.

- Đài truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thời lượng đưa tin về diễn biến bão, mưa lũ và công tác chỉ đạo ứng phó.

2. Địa phương:

- Các tỉnh/thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ; đôn đốc, kiểm tra, phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ huy; kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền; bảo đảm an toàn công trình đang thi công; chuẩn bị sẵn sàng phương án di dân trong bối cảnh dịch Covid-19.

- 7 tỉnh/thành phố ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đã ban hành Công điện chỉ đạo ứng phó với bão, mưa lũ.

IX. CÁC CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO

1. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Công điện số 1311/CĐ-TTg ngày 6/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của lãnh đạo Ban Chỉ đạo tại cuộc họp chiều ngày 08/10/2021.

2. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa, lũ kịp thời thông báo đến người dân trong khu vực chịu ảnh hưởng để chủ động các biện pháp phòng tránh.

3. Tổ chức kiểm đếm, thông tin, hướng dẫn tàu thuyền không di chuyển vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền tại nơi neo đậu, tạo điều kiện cho các tàu thuyền vào tránh trú bão, đảm bảo an toàn trong điều kiện dịch bệnh COVID-19.

4. Di dời lồng bè nuôi trồng thuỷ sản đến nơi an toàn, kiên quyết không để người dân trên các lồng bè, chòi canh khi bão đổ bộ.

5. Khẩn trương thu hoạch diện tích lúa đã chín theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, sẵn sàng phương án tiêu nước đệm giảm thiểu thiệt hại do ngập úng.

6. Kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng thấp, trũng ven biển, sẵn sàng triển khai phương án di dời dân cư đảm bảo an toàn về người, tài sản, đồng thời đảm bảo phòng chống dịch COVID-19.

7. Kiểm tra, rà soát, chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn các hầm lò khai thác khoáng sản, hệ thống đê điều, hồ chứa nhất là tại các trọng điểm xung yếu, các hồ chứa đã đầy nước, các công trường đang thi công.

8. Sẵn sàng triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông nhất là các khu vực ngầm tràn, khu vực có nguy cơ ngập sâu. Bố trí sẵn lực lượng, phương tiện tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đảm bảo an toàn giao thông.

9. Sẵn sàng các đoàn công tác chỉ đạo hiện trường, duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng xử lý khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban 24/24h, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Quốc Gia về Phòng chống thiên tai và Uỷ ban Quốc gia ƯPSKTT&TKCN./.

Tải file đính kèm