BÁO CÁO NHANH
Công tác phòng, chống thiên tai ngày 07/4/2024
I. TÌNH HÌNH THỜI TIẾT, THIÊN TAI
1. Tin dự báo nắng nóng ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ
Ngày 08-09/4, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; khu vực Tây Bắc Bắc Bộ và Trung Trung Bộ có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất có nơi trên 35 độ.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: Cấp 1.
2. Tình hình xâm nhập mặn khu vực đồng bằng sông Cửu Long
Xu thế xâm nhập mặn từ ngày 07-10/4/2024 với chiều sâu ranh mặn 4‰ tại các cửa sông chính như sau: sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây: 75-90km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại: 50-62km; sông Hàm Luông: 60-65km; sông Cổ Chiên: 45-55km; sông Hậu: 40-55km; sông Cái Lớn: 45-50km. Các đợt xâm nhập mặn có xu thế tăng dần. Độ mặn cao nhất tại các trạm phổ biến ở mức cao hơn độ mặn cao nhất tháng 04/2023.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở ĐBSCL: Cấp 2.
3. Tình hình mưa
- Mưa ngày (19h/06/4-19h/07/4): Khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ rải rác có mưa, lượng mưa phổ biến dưới 20mm, riêng trạm Xã Keng Đu (Nghệ An) 53mm.
- Mưa đêm (19h/07/4-07h/08/4): Các khu vực trên cả nước rải rác có mưa nhỏ hoặc không mưa.
- Mưa 3 ngày (19h/03/4-19h/06/4): Các khu vực trên cả nước có mưa nhỏ hoặc không mưa, tổng lượng mưa phổ biến dưới 50mm, riêng trạm Xã Keng Đu (Nghệ An) 78mm.
II. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI
Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bắc Ninh, khoảng 02h00 sáng ngày 07/4/2024 tại khu vực K49+750-K49+815 đê hữu Cầu, thành phố Bắc Ninh đã xảy ra sự cố sạt lở bờ sông làm 5 công trình nhà ở, công trình phụ bị lún, đổ nghiêng, đổ sập xuống sông. Các công trình nhà ở lân cận xuất hiện các vết nứt tường và nền nhà. Trước đó, trong tháng 3/2024 tại khu vực này đã xảy ra sự cố sạt lở bờ sông và chính quyền địa phương đã tổ chức di dời hết người dân ra khỏi khu vực sạt lở.
Ngay sau khi xảy ra sạt lở, địa phương đã chỉ đạo xử lý trước mắt sự cố theo phương châm 4 tại chỗ; tiếp tục rà soát khu vực nguy hiểm để di dời người dân, tài sản đến nơi an toàn; thường xuyên kiểm tra, theo dõi sát diễn biến khu vực sự cố; chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện để sẵn sàng xử lý sự cố.
III. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ
1. Trung ương
- Ngày 01/4/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg yêu cầu tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
- Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai; chuyển bản tin cảnh báo thiên tai đến các địa phương.
2. Địa phương
Các địa phương tổ chức trực ban, theo dõi diễn biến thời tiết, thông tin dự báo để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
IV. CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO
Theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp.
Các tỉnh, thành phố khu vực Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 01/4/2024 về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; tỉnh Bắc Ninh khẩn trương rà soát, tiếp tục di dời người dân ra khỏi khu vực xảy ra sự cố sạt lở bờ sông đê Hữu Cầu, thường xuyên kiểm tra, theo dõi khu vực sạt lở để kịp thời xử lý khi xảy ra diễn biến nguy hiểm.
Tổ chức trực ban, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.
Tải file tại đây