Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Báo cáo nhanh công tác trực ban PCTT ngày 06/10/2021



 


Trên cơ sở báo cáo của các bộ phận trực , Văn phòng thường trực báo cáo công tác trực ban ngày 06/10 như sau:
I. TÌNH HÌNH THIÊN TAI
1. Tin áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông:
Hồi 01 giờ ngày 07/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 111,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Nam 330km về phía Đông. Gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Dự báo trong 24h tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 5-10km/h và có khả năng mạnh thêm. Đến 01h/08/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 16,4 độ Vĩ Bắc; 109,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi; gió cấp 7, giật cấp 9.
Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới: từ vĩ tuyến 14,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 108,0 đến 113,5 độ Kinh Đông.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, ATNĐ di chuyển hướng Tây Bắc, tốc độ 5km/h và khả năng mạnh lên thành bão. Đến 01 giờ ngày 09/10, vị trí tâm bão ở khoảng 17,1 độ Vĩ Bắc; 108,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Vùng nguy hiểm trong 24-48 giờ tiếp theo: từ vĩ tuyến 15,0 đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 111,5 độ Kinh Đông.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
2. Tình hình mưa:
- Mưa ngày (19h/05/10-19h/06/10): Khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên trên có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 100-150mm, một số trạm có lượng mưa lớn như: Hòn Ngư (Nghệ An) 217mm; Tà Lương (Thừa Thiên Huế) 191mm; Tiên Hà (Quảng Nam) 169mm; EahDing (Đắk Lắk) 184mm; Phú Quý (Bình Thuận) 225mm.
- Mưa đêm (19h/06/10-07h/07/10): Khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên trên có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến dưới 100mm, một số trạm có lượng mưa lớn như: A Dơi (Quảng Trị) 153mm; Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) 199mm; Bình Tân (Quảng Ngãi) 124mm; Hồ Mỹ Xuyên (Thừa Thiên Huế) 112mm.
- Mưa đợt (19h/04/10-19h/06/10): Khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 150-200mm, một số trạm mưa lớn như: Hòn Ngư (Nghệ An) 280mm; Đậu Liêu (Hà Tĩnh) 312mm; Hồ Mỹ Xuyên (Thừa Thiên Huế) 256mm; Tam Trà (Quảng Nam) 207mm; Phú Quý (Bình Thuận) 335mm.
Cảnh báo mưa lớn:
Từ ngày 07 - 08/10, khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên và Bắc Tây Nguyên có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa tại khu vực:
- Từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và Kon Tum phổ biến 150-300mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt,
- Từ Hà Tĩnh, Bình Định, Gia Lai phổ biến từ 70-100mm/đợt, có nơi trên 150mm/đợt.
Từ ngày 09-12/10, mưa lớn mở rộng ra các tỉnh Bắc Trung Bộ và Đồng Bằng Bắc Bộ. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn: Cấp 2.
3. Cảnh báo lũ
Từ 07-09/10, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông ở Quảng Bình đến Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai lên mức báo động BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3; thượng lưu các sông ở Hà Tĩnh, hạ lưu các sông chính ở Bình Định, Phú Yên lên mức BĐ1- BĐ2 và trên BĐ2.
Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn trên thượng lưu các sông, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ vùng trũng thấp, ven sông và khu đô thị tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên, Kon Tum và Gia Lai.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 2.
II. TÌNH HÌNH TÀU THUYỀN VÀ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN
1. Về tàu cá: Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 06h00 ngày 07/10/2021, đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 61.468 phương tiện/278.639 LĐ, hiện còn 60 tàu/ 480 LĐ (giảm 164 tàu/1.827 LĐ so với báo cáo 16h30 ngày 06/10) hoạt động trong khu vực giữa biển Đông và quần đảo Hoàng Sa. Các tàu đang di chuyển thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
2. Về tàu vận tải:
Tính đến 17h00 ngày 06/10/2021, có 529 tàu thuyền đang trong khu vực quản lý của các Cảng vụ hàng hải từ Thanh Hóa đến Bình Định, trong đó có 210 tàu biển và 319 phương tiện thủy nội địa (PTTNĐ).
3. Tình hình cấm biển:
TP Đà Nẵng cấm biển 14h00 ngày 05/10, Quảng Nam cấm biển 12h00 ngày 06/10; Thừa Thiên Huế cấm biển từ 14h00 ngày 06/10; Quảng Trị cấm biển từ 18h00 ngày 06/10.
4. Tình hình nuôi trồng thủy sản từ Thanh Hóa đến Bình Định:
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản:
- Diện tích NTTS trên biển và ven biển: 72.963ha (các tỉnh có diện tích lớn: Thanh Hóa: 18.843ha, Nghệ An: 21.500ha).
- Số lồng bè: 12.666 lồng, bè (các tỉnh có số lượng lớn: Thanh Hóa: 3.384, Nghệ An: 2.100, Bình Định: 2.880).
Các tỉnh tổ chức chằng chống, gia cố; không để người trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản.
III. TÌNH HÌNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, sản xuất lúa tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên diện tích lúa chưa thu hoạch còn 25.307ha (Thanh Hóa; 5.300ha; Nghệ An: 1.000ha; Hà Tĩnh: 491ha; Quảng Bình: 490ha; Quảng Trị: 1.000ha; Thừa Thiên Huế: 390ha; Quảng Nam: 5.178ha; Bình Định: 6.240; Phú Yên: 5.218).
Tổ chức thu hoạch những diện tích lúa, hoa màu đã đến kỳ thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” hoặc có phương án bảo vệ đối với những diện tích chưa đến kỳ thu hoạch.
IV. TÌNH HÌNH HỒ CHỨA
1. Hồ thủy điện: Tính đến 6h00 ngày 07/10/2021, các hồ thủy điện khu vực miền Trung và Tây Nguyên Trung Bộ dung tích các hồ đạt khoảng 20-90% dung tích thiết kế; hiện có 29 hồ trên các lưu vực hiện nay đang xả tràn . Các hồ trước khi xả lũ đều có thông báo việc xả lũ theo đúng quy trình. Một số hồ thủy điện có dung tích lớn hơn như: Chi Kê: 100%; A Lưới 99,9%; An Khê: 99,3%; Sê San 4A 100%; Đồng Nai 2: 99,17%.
2. Hồ chứa thủy lợi:
Khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên và Tây Nguyên có tổng số 3.569 hồ (03 hồ quan trọng đặc biệt, 349 hồ chứa lớn, 3.217 hồ chứa vừa và nhỏ), trong đó có 1.834 hồ vừa và nhỏ đầy nước (Thanh Hóa 353/610; Nghệ An 1.029/1.061; Quảng Bình 110/153; Quảng Nam 4/17; Quảng Ngãi: 3/124; Kon Tum: 55/80; Gia Lai: 19/114). Ngoài ra, trong khu vực có 108 hồ đang thi công, trong đó:
- Dự án WB8: 100 hồ (Thanh Hóa 5, Nghệ An 17, Hà Tĩnh 7, Quảng Bình 4, Quảng Trị 6, Huế 3, Quảng Nam 14, Quảng Ngãi 8, Bình Định 2, Phú Yên 6, Kon Tum 2, Gia Lai 7, Đắk Lắk 10, Lâm Đồng 9).
- Dự án do Bộ NN và PTNT quản lý: 8 hồ (Nghệ An 01, Bình Định 01, Phú Yên 01, Kon Tum 01, Đăk Lăk 02, Đăk Nông 01, Lâm Đồng 01).
Các hồ hiện đã có phương án phòng chống lụt bão trong thi công.

V. TÌNH HÌNH ĐÊ ĐIỀU
Khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có 41 vị trí đê điều xung yếu, trực diện biển và 20 công trình đê, kè đang thi công dở dang (Thanh Hóa: 02, Nghệ An: 02; Quảng Trị: 06; TT.Huế: 03, Đà Nẵng: 01, Quảng Nam: 01, Quảng Ngãi: 02; Phú Yên: 03), trong đó cần quan tâm đến các công trình thi công dở dang trực diện biển như: đê biển Vĩnh Thái, tỉnh Quảng Trị; kè biển Phú Thuận, tỉnh Thừa Thiên Huế; kè biển Xuân Hải, tỉnh Phú Yên,…
VI. KẾ HOẠCH SƠ TÁN DÂN
Các khu dân cư ven biển, khu vực trũng thấp, cửa sông, ngoài bãi các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi đã sẵn sàng phương án sơ tán dân trong tình huống dịch Covid-19, dự kiến:
- Phương án sơ tán 71.559 hộ/284.054 dân khu vực ven biển (Thanh Hóa 6.516 hộ/29.316 dân, Nghệ An 18.200 dân, Hà Tĩnh 658 hộ/9.823 dân; Quảng Bình 29.125 hộ/ 109.300 dân, Quảng Trị 17.384 hộ/61.210 dân, Huế 7.192 hộ/ 20.148 dân, Đà Nẵng 693 hộ/ 2.499 dân, Quảng Nam 2.957/ 9.116, Quãng Ngãi 7.034/ 24.442 dân).
- Đã rà soát các đối tượng trong diện F0, F1 để có phương án cách ly, sơ tán riêng cũng như biện pháp y tế phù hợp để an toàn dịch bệnh (Hiện có 7.690 ca F0/09 tỉnh, thành phố ).
- Các khu vực cách ly đã có phương án sơ tán dân đảm bảo an toàn tại chỗ.
VII. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ
1. Trung ương:
a) Văn bản chỉ đạo:
- Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện số 1311/CĐ-TTg ngày 6/10/2021 chỉ đạo các Bộ ngành và các địa phương từ Thanh Hóa đến Phú Yên, khu vực Tây Nguyên để chủ động ứng phó với bão, mưa lũ.
- Chiều ngày 06/10, Phó Trưởng ban Trần Quang Hoài đã chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo trực tuyến với 11 tỉnh/TP ven biển từ Thanh Hóa đến Phú Yên để ứng phó với ATNĐ, mưa lũ.
- Ngay từ khi hình thành vùng áp thấp VPTT BCĐ QG PCTT đã có các văn bản chỉ đạo số 438/VPTT ngày 01/10/2021, số 442/VPTT ngày 04/10/2021; văn bản số 449/VPTT ngày 6/10/2021 gửi Đài truyền hình Việt Nam tăng cường thông tin tuyên truyền ứng phó với thiên tai.
- Ngày 05/10/2021 VPTT Ban Chỉ đạo QGPCTT đã có công điện (số 13/CĐ-TW ngày 05/10/2021) và các văn bản chỉ đạo ứng phó với ATNĐ và mưa lũ.
b) Tăng cường công tác trực ban theo dõi, giám sát diễn biến và tham mưu chỉ đạo:
- Tăng cường lực lượng trực ban phòng, chống bão, mưa lũ.
- Thường xuyên đôn đốc các địa phương, nắm bắt tình hình ứng phó như: kêu gọi, kiểm đếm tàu thuyền; rà soát, cập nhật phương án ứng phó, đặc biệt là phương án sơ tán dân tại các địa phương đang có dịch bệnh (số lượng, hình thức tập trung, tại chỗ, đảm bảo xử lý các F0, F1 đảm bảo y tế,...).
c) Các Bộ ngành:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường thường xuyên cung cấp các bản tin dự báo bão, mưa lũ phục vụ công tác chỉ đạo.
- Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn tàu thuyền, nuôi trồng thủy sản, đê điều, hồ chứa và thu hoạch lúa đã đến thời kỳ thu hoạch.
- Bộ Giao thông vận tải tổ chức kiểm đếm, cảnh báo tàu thuyền vận tải; phương án đảm bảo an toàn đường bộ, đường thủy, đường hàng không.
- Bộ đội Biên phòng kêu gọi, kiểm đếm tàu thuyền; tối ngày 06/10/2021 đã tổ chức bắn pháo hiệu tại 24 điểm từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa.
- Đài truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thời lượng đưa tin về diễn biến ATNĐ, bão, mưa lũ và công tác chỉ đạo ứng phó.
2. Địa phương:
- Các tỉnh/thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến ATNĐ, mưa lũ; đôn đốc, kiểm tra, phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ huy; kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền; bảo đảm an toàn công trình đang thi công; chuẩn bị sẵn sàng phương án di dân trong bối cảnh dịch Covid-19.
- 11 tỉnh/thành phố đã ban hành Công điện chỉ đạo ứng phó với ATNĐ, bão, mưa lũ.
VIII. CÁC CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO
1. Thực hiện nghiêm túc Công điện số 1311/CĐ-TTg ngày 6/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thông báo kịp thời đến người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh.
3. Tổ chức kiểm đếm, thông tin, hướng dẫn di chuyển không để tàu thuyền trong khu vực nguy hiểm.
4. Hướng dẫn, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền tại nơi neo đậu; tạo điều kiện cho các tàu thuyền vào trú tránh có phương án đảm bảo an toàn dịch bệnh Covid-19. Tiếp tục tổ chức bắn pháo hiệu thông báo cho ngư dân chủ động phòng tránh ATNĐ.
5. Di chuyển người, lồng bè vào bờ đảm bảo an toàn; khẩn trương thu hoạch lúa, rau màu; có phương án đảm bảo an toàn cho các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tại các khu vực ngập sâu.
6. Theo dõi chặt chẽ lượng lưu lượng đến các hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa xung yếu, các hồ chứa đã đầy nước để chủ động vận hành điều tiết và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn công trình và hạ du.
7. Rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng thấp trũng, vị trí gây tắc nghẽn dòng chảy. Sẵn sàng triển khai phương án di dời dân đảm bảo an toàn về người và tài sản, đồng thời đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19.
8. Sẵn sàng triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm tràn, khu vực nguy cơ ngập sâu, khu vực có nguy cơ sạt lở; tổ chức lực lượng tuần tra canh gác đê điều và hồ chứa.
9. Rà soát, kiên quyết tạm dừng các công trường đang thi công, nhất là vùng ven biển, trên cao, ven sông suối trong thời gian ảnh hưởng của ATNĐ, bão, mưa lũ.
10. Sẵn sàng các đoàn công tác chỉ đạo hiện trường trong tình huống bão, mưa lũ diễn biến phức tạp.
11. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí đưa tin kịp thời diễn biến của ATNĐ, bão, mưa lũ và công tác chỉ đạo ứng phó để người dân biết, chủ động phòng, tránh.
12. Duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu, xử lý khi có yêu cầu. Tăng cường lực lượng, tổ chức trực ban PCTT 24/24h, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo QGPCTT và Ủy ban Quốc gia ƯPSCTT và TKCN khi có tình huống xảy ra./.