BÁO CÁO NHANH
Công tác phòng, chống thiên tai ngày 03/10/2022
I. TÌNH HÌNH THIÊN TAI
1. Tin mưa dông và cảnh báo mưa lớn cục bộ, lốc, sét, gió giật mạnh ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ
Ngày và đêm 04/10, khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 70mm (thời gian mưa tập trung vào chiều và tối).
Cảnh báo: mưa dông ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng còn kéo dài trong nhiều ngày tới.
Cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét: Cấp 1.
2. Tin động đất
Theo tin từ Viện Vật lý địa cầu, vào hồi 13h35’ ngày 03/10 đã xảy ra 01 trận động đất có độ lớn 3,1 tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La (vị trí có tọa độ 20,854 độ vĩ Bắc, 104,755 độ kinh Đông); độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km.
3. Tình hình mưa
- Mưa ngày (19h/02/10-19h/03/10): Khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ rải rác có mưa, mưa vừa, lượng mưa phổ biến từ 30-50mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Kiến An (Hải Phòng) 92mm; Thái Bình (Thái Bình) 84mm; Xuân Lẹ (Thanh Hóa) 88mm; Đức Long (Hà Tĩnh) 102mm.
- Mưa đêm (19h/03/10-07h/04/10): Khu vực Trung Bộ rải rác có mưa, lượng mưa phổ biến 10-30mm, một số trạm có tổng lượng mưa lớn như: Hạnh Lâm (Nghệ An) 52mm; hồ Liệt Sơn (Quảng Ngãi) 40mm; Bồng Sơn (Bình Định) 39mm; hồ Suối Dầu (Khánh Hòa) 37mm.
- Mưa 3 ngày (19h/30/9-19h/03/10): Khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 100-150mm, một số trạm có tổng lượng mưa lớn như: Quất Đông (Quảng Ninh) 304mm; Kiến An (Hải Phòng) 200mm, Mường Xén (Nghệ An) 232mm, hồ Đá Đen (Khánh Hòa) 197mm.
4. Tình hình lũ
Hiện nay, lũ hạ lưu sông Cả (Nghệ An) đang xuống chậm. Mực nước lúc 04h/04/10, trên Sông Cả tại Dừa 21,74m, dưới BĐ2 0,76m; tại Yến Thượng 8,3m, trên BĐ2 0,3m; tại Nam Đàn 6,71m, dưới BĐ2 0,19m.
Dự báo: Lũ trên sông Cả tiếp tục xuống chậm.
Tình trạng ngập lụt tại các huyện Quỳnh Lưu, Đô Lương, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Nam Đàn (Nghệ An) giảm dần.
Nguy cơ xảy ra sạt lở đất ở trung du, vùng núi, ven sông tại tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, đặc biệt tại các huyện: Quan Sơn, Như Thanh, Như Xuân, Thường Xuân, Thạch Thành (Thanh Hóa); Quỳ Châu, Quế Phong, Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Thanh Chương (Nghệ An).
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ: Cấp 1.
II. TÌNH HÌNH HỒ CHỨA, ĐÊ ĐIỀU
1. Tình hình hồ chứa
a) Hồ chứa thủy lợi: Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, tình hình hồ chứa thủy lợi ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ như sau:
- Khu vực Bắc Bộ: 2.543 hồ đạt khoảng từ 64% - 100% dung tích thiết kế, trong đó có 329 hồ hư hỏng xuống cấp, 141 hồ đang thi công.
- Khu vực Bắc Trung Bộ: 2.323 hồ đạt trung bình từ 48% - 101% dung tích thiết kế, trong đó có 311 hồ hư hỏng xuống cấp, 74 hồ đang thi công.
b) Hồ chứa thủy điện: Khu vực Bắc Trung Bộ có 09 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn, lưu lượng xả/lưu lượng về hồ (m3/s): A Lưới 15/59; Bản Ang 301/393; Chi Khê 911/1334; Hủa Na 261/525; Khe Bố 527/1015; Nậm Mô 280/280; Nậm Pông 97/119; Nhạc Hạc 109/142, Xỏong Con 46/61.
2. Tình hình đê điều
Trong ngày không ghi nhận thông tin sự cố đê điều.
III. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO
1. Trung ương
- Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 875/CĐ-CP ngày 30/9/2022 về tập trung khắc phục hậu quả bão số 4 và chủ động ứng phó thiên tai trong thời gian tới.
- Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT đã ban hành công điện số 30/CĐ-QG hồi 14h00 ngày 29/9/2022 gửi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh về việc chủ động ứng phó với mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.
- Ngày 02/10, đoàn công tác của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT do ông Phạm Đức Luận - Phó Tổng cục trưởng TCPCTT, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo làm trưởng đoàn đến trực tiếp hiện trường để kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả lũ quét tại Kỳ Sơn, Nghệ An.
- Văn phòng thường trực tăng cường trực ban, theo dõi sát tình hình, diễn biến của mưa, lũ; thường xuyên cung cấp thông tin và gửi các bản tin cảnh báo, dự báo đến các địa phương để chủ động chỉ đạo, ứng phó.
2. Địa phương
- Thực hiện nghiêm công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về PCTT.
- Tổ chức các đoàn công tác do Lãnh đạo Ban chỉ huy PCTT&TKCN của Tỉnh để chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả lũ mưa, lũ.
- Thống kê, tổng hợp tình hình thiệt hại do mưa lũ và triển khai công tác khắc phục hậu quả.
IV. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI
1. Thiệt hại do mưa lũ tại các tỉnh Bắc Trung Bộ
Theo Báo cáo của VPTT Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh tình hình thiệt hại do mưa lũ từ ngày 30/9 đến 17h/03/10 như sau:
- Về người: 08 người chết (Nghệ An), không thay đổi so với báo cáo ngày 03/10.
- Về nhà: 85 nhà sập đổ; 303 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 747 hộ phải di dời.
Hiện còn 6.819 nhà bị ngập (Nghệ An 6.174, Hà Tĩnh 446, Thanh Hóa 199), nước đang rút chậm và 08 xã bị cô lập (huyện Kỳ Sơn, Con Cuông, Anh Sơn, tỉnh Nghệ An).
- Về nông nghiệp: 4.668 ha lúa; 11.563 ha hoa màu; 6.093 ha cây trồng khác bị thiệt hại; 1.984 con gia súc, 266.645 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.
- Về thủy lợi: 13.504m đê, kè, kênh mương, 50 đập loại nhỏ bị hư hỏng; 64 cầu tràn, cống bị hư hỏng; 4.249m bờ sông bị sạt lở.
- Về giao thông: Sạt lở 97.743m3 đất đá; 135 cầu, cống bị hư hỏng.
2. Thiệt hại do mưa lớn tại Hòa Bình, Thái Bình
Theo Báo cáo của VPTT Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hòa Bình và Thái Bình, mưa lớn từ ngày 28/9 - 03/10 đã gây thiệt hại như sau:
- Về nhà: 11 nhà bị thiệt hại (Hòa Bình).
- Về nông nghiệp: 500 ha lúa và 1.000 ha rau màu bị ngập úng (Thái Bình).
- Về giao thông: 40 điểm đường bị sạt lở (Hòa Bình).
V. NHỮNG CÔNG VIỆC CẦN TIẾP TỤC TRIỂN KHAI
1. Thực hiện nghiêm túc các công điện số 875/CĐ-CP ngày 30/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ, số 30/CĐ-QG ngày 29/9/2022 của Văn phòng thường trực BCĐ.
2. Các tỉnh tiếp tục thống kê, tổng hợp, báo cáo tình hình thiệt hại; huy động lực lượng khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, khắc phục các điểm sạt lở, vùi lấp để kịp thời thông các tuyến giao thông bị ách tắc; khôi phục hệ thống điện, thông tin, nước sạch sinh hoạt, dọn dẹp vệ sinh môi trường, đường phố để nhanh chóng khôi phục hoạt động bảo đảm đời sống, sinh hoạt cho người dân.
3. Hỗ trợ người dân, nhất là những hộ khó khăn sửa chữa lại nhà cửa bị ngập, sập đổ, tốc mái, hư hỏng; các công trình công cộng (trường học, trạm y tế...).
4. Khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do bão, mưa lũ để bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, ổn định đời sống người dân thời gian tới.
5. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ mưa lũ, tổ chức lực lượng kiểm tra, rà soát các khu dân cư khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, lũ quét để chủ động di dời, sơ tán dân cư, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
6. Bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu./.
Tải file đính kèm