BÁO CÁO NHANH
Công tác phòng, chống thiên tai ngày 02/12/2021
I. TÌNH HÌNH THIÊN TAI
1. Tình hình mưa
- Mưa ngày (từ 19h/01/12-19h/02/12): Khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và Kon Tum có mưa, lượng mưa phổ biến dưới 30mm.
- Mưa đêm (từ 19h/02/11-07h/03/12): Các khu vực trên cả nước không mưa.
- Mưa 3 ngày (từ 19h/29/11-19h/02/12): Khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên và Tây Nguyên có tổng lượng mưa phổ biến 100-250mm, tập trung chủ yếu ngày 30/11, một số trạm có tổng lượng mưa lớn hơn như: Làng Cát (Bình Định) 384mm; Ea Bar (Phú Yên) 436mm; Ea Ly (Phú Yên) 428mm; UBND xã Sông Hinh (Phú Yên) 398mm; Cư Prao (Đắk Lắk) 427mm; Ea M’Đoal (Đắk Lắk) 360mm.
2. Tình hình lũ
Diễn biến lũ:
Mực nước các sông ở mức dưới BĐ1 và đang tiếp tục xuống. Riêng một số sông ở mức trên BĐ1, BĐ2 như:
- Sông Kôn ở Bình Định tại trạm Thạnh Hòa: 01h/03/12 là 6,84m <BĐ2 1,16m.
- Sông Ba ở Phú Yên tại trạm Củng Sơn: 01h/03/12 là 30,09m >BĐ1 0,59m.
- Sông Krông Ana ở Đắk Lắk tại trạm Giang Sơn: 01h/03/12 là 423,4 <BĐ3 0,6m.
- Sông Srêpốk ở Đắk Lắk tại trạm Bản Đôn: 01h/03/12 là 171,96m<BĐ1 0,96m.
3. Tin thời tiết nguy hiểm trên biển
Ngày và đêm 03/12, vùng biển Quảng Trị - Quảng Ngãi gió Đông Bắc mạnh cấp 5-6, giật cấp 7; vùng biển Bắc Biển Đông (gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7; vùng biển từ Bình Định - Cà Mau, vùng biển giữa Biển Đông và vùng biển phía Tây của Nam Biển Đông (gồm cả vùng biển phía Tây của quần đảo Trường Sa) gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8. Vùng biển Nam Biển Đông (gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông rải rác. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh. Cấp độ RRTT cấp 2.
II. TÌNH HÌNH NGẬP LỤT
Hiện còn 350 nhà ở Phú Yên bị ngập 30-50cm. Hiện nước tiếp tục rút nhanh, dự kiến trong ngày 03/12 sẽ hết ngập, các hộ dân đã trở về nhà vệ sinh môi trường, ổn định đời sống.
III. TÌNH HÌNH HỒ CHỨA
1. Hồ thủy điện:
- Hầu hết các hồ chứa lưu lượng về và lưu lượng xả điều tiết đã giảm, cụ thể tại một số hồ ở Phú Yên, lưu vực sông Ba như sau:
- Hồ Sông Ba Hạ: Lúc 6h/03/12 là 1.600m3/s (cao nhất 9.400/6.950 m3/s lúc 15h/30/11).
- Hồ Sông Hinh: Lúc 06h/03/12 là 206m3/s (cao nhất 2.154/2.154 m3/s lúc 09h/30/11).
- Hồ sông Krông H’Năng: lúc 06h/03/12 là 167m3/s (cao nhất 2.933/2.689 m3/s lúc 15h/30/11).
Trước khi vận hành điều tiết lũ đều có thông báo hạ du theo đúng quy trình.
2. Hồ chứa thủy lợi:
- Khu vực Nam Trung Bộ (Đà Nẵng - Bình Thuận): 321/517 hồ đầy nước (Đà Nẵng 14/19 hồ, Quảng Nam 59/73 hồ, Quảng Ngãi 112/118 hồ, Bình Định 91/162 hồ, Phú Yên 40/50 hồ, Khánh Hòa 5/28 hồ); 28 hồ đang thi công.
- Khu vực Tây Nguyên: 999/1.246 hồ đầy nước (Kon Tum 70/80 hồ, Gia Lai 24/114 hồ, Đắk Lắk 485/596 hồ, Đắk Nông 230/236 hồ, Lâm Đồng 190/220); 48 hồ đang thi công.
Các đơn vị quản lý vận hành hồ chứa có cửa van theo quy trình.
IV. TÌNH HÌNH THIỆT HẠI
1. Thiệt hại do mưa lũ: Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Đắk Lắk, Gia Lai thiệt hại do mưa lũ như sau:
- Về người: 16 người chết (Bình Định 03, Phú Yên 09, Khánh Hòa 01, Kon Tum 01, Đắk Lắk 02) và 01 người mất tích tại Khánh Hòa.
- Về nông nghiệp: 946 ha lúa bị thiệt hại (Bình Định 269, Phú Yên 533, Đắk Lăk 10, Gia Lai 134); 951 ha hoa màu bị thiệt hại (Quảng Nam 228, Quảng Ngãi 26,5, Bình Định 208, Phú Yên 288, Gia Lai 200,5); 1.149 con gia súc (Bình Định 408, Phú Yên 741), 56.580 con gia cầm bị chết, cuốn trôi (Bình Định 12.486, Phú Yên 44.094).
- Về Thủy lợi: 3.122km kè (Bình Định) và 75.454m kênh mương hư hỏng (Bình Định 30.801m, Phú Yên 38.391m, Gia Lai: 6.262m), 11.970m bờ sông, bờ suối bị sạt lở (Bình Định 8.070m, Quảng Ngãi 3.900m) và 26 cái đập tạm bị sạt lở, hư hỏng tại Bình Định. Hiện địa phương tiếp tục kiểm tra các công trình, thống kê thiệt hại để đề xuất biện pháp xử lý.
- Về Giao thông: 12.298m đường giao thông bị sạt lở, khối lượng 133.212m3 đất đá (Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên); hư hỏng 9 cống, 01 cầu giao thông (Bình Định). Đến nay, cơ bản các tuyến đường đã thông xe.
- Thủy sản: 03 tàu cá bị chìm (Bình Định 1; Phú Yên 1, Khánh Hoà 1); 02 sà lan (Khánh Hòa) đang thi công đập ngăn mặn sông Cái bị nước lũ cuốn trôi.
2. Thiệt hại do triều cường tại Trà Vinh, Cà Mau: Ngày 02/12, triều cường làm sạt lở 70m bờ bao (Trà Vinh) và 20m bờ vuông tôm (Cà Mau).
V. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ
1. Trung ương:
- Ngày 01-02/12, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo QG về PCTT do đồng chí Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban làm trưởng đoàn chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại tỉnh Phú Yên, Bình Định.
- EVN chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương khắc phục sự cố, khôi phục hệ thống lưới điện cung cấp cho khách hàng sau khi lũ rút.
- Đài truyền hình, phát thanh, cơ quan thông tấn, báo chí đưa tin về diễn biến mưa, lũ và công tác chỉ đạo, ứng phó của chính quyền địa phương và người dân.
2. Địa phương:
- Các tỉnh tiếp tục tổ chức triển khai các Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo QG về PCTT.
- Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai chủ động ban hành công văn chỉ đạo; tổ chức đoàn kiểm tra, chỉ đạo tại cơ sở; hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do ngập lụt.
VI. CÁC CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO
1. Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk tiếp tục triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 1659/CĐ-TTg ngày 30/11/2021 và Công điện số 24/CĐ-QG ngày 30/11 của Ban Chỉ đạo QG về PCTT về việc chủ động triển khai biện pháp ứng phó mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân và công trình cơ sở hạ tầng.
2. Tổ chức thăm hỏi, động viên hỗ trợ gia đình bị thiệt hại, nhất là các gia đình có người bị chết, mất tích; huy động lực lượng giúp nhân dân vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất, ổn định đời sống người dân ngay sau khi lũ rút.
3. Tổ chức rà soát, thống kê đánh giá thiệt hại và kịp thời đề xuất nhu cầu hỗ trợ khi vượt quá khả năng khắc phục của địa phương.
4. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Gia Lai, Phú Yên, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Công thương, EVN tiếp tục theo dõi sát diễn biến dòng chảy đến hồ và ngập lụt phía hạ du để chỉ đạo vận hành hồ chứa theo quy định.
5. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.
Tải file tại đây