Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Báo cáo nhanh công tác trực ban ngày 04/9/2019



BÁO CÁO

Công tác trực ban phòng chống thiên tai ngày 04/9/2019

 I. TÌNH HÌNH THỜI TIẾT (Theo bản tin của TT DBKTTV QG)

  1. Tin áp thấp và gió mạnh, sóng lớn vùng biển phía Nam:

- Chiều ngày 04/9, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành vùng áp thấp. Hồi 01h/05/9, vị trí tâm áp thấp ở vào khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị-Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6.

-  Do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam có cường độ mạnh, trên các vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, Vịnh Thái Lan, khu vực Giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông rải rác. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh. Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 9, sóng biển cao 2.5-3.5m. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

  1. Tình hình mưa:

2.1. Mưa ngày:

Từ 19h ngày 03/9 đến 19h ngày 04/9, các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 100-300mm, một số trạm mưa lớn như: Vinh (Nghệ An): 247 mm; La Khê (Hà Tĩnh): 356mm; Chu Lễ (Hà Tĩnh): 245mm; Trường Sơn (Quảng Bình): 237mm; Khe Sanh (Quảng Trị): 393mm; Đakrông (Quảng Trị): 362mm; A Dơi (Quảng Trị): 302mm; Phong Bình (Huế): 248mm.

2.2. Mưa đêm:

Từ 19h ngày 03/9 đến 07h ngày 04/9, các tỉnh Nghệ An và TT.Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến 20-30mm. Một số trạm có lượng mưa lớn hơn như:  Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) 98mm; Kỳ Anh (Hà Tĩnh) 123mm; Mai Hóa (Quảng Bình) 109mm; Kiến Giang (Quảng Bình) 95mm; Minh Hóa (Quảng Bình) 93mm.

2.3. Mưa đợt:

Từ 19h ngày 01/9 đến 19h ngày 04/9, các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 250-450mm, một số trạm mưa lớn như: Vinh (Nghệ An): 680mm; La Khê (Hà Tĩnh): 901mm; Hương Khê (Hà Tĩnh): 725mm; Trường Sơn (Quảng Bình): 767mm; Khe Sanh (Quảng Trị): 913mm; Đakrông (Quảng Trị): 887mm

2.4. Dự báo mưa:

Ngày 05/9, các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to (lượng mưa phổ biến 30-60mm/24 giờ); riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa to đến rất to (80-150mm/24 giờ, có nơi trên 150mm/24h). Ở Tây Nguyên có mưa vừa, có nơi mưa to (20-50mm/24h, có nơi trên 50mm/24h). Từ đêm 05/9 mưa lớn giảm dần ở Trung Bộ. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

  1. Tình hình lũ các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị:

Hiện nay, lũ trên thượng lưu các sông ở Quảng Bình đã đạt đỉnh và đang xuống, hạ lưu các sông ở Quảng Bình đang dao động ở mức cao; các sông ở Hà Tĩnh đang lên; các sông ở Quảng Trị đang xuống. Mực nước lúc 04h/05/9 trên các sông như sau:

- Sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ 14,39m, trên BĐ3 0,89m; tại Hòa Duyệt 9,52m, dưới BĐ3 0,98m;

- Sông Gianh tại Đồng Tâm 12,81m, trên BĐ2 0,81m; tại Mai Hóa 6,78m, trên BĐ3 0,28m;

- Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy 2,56m, dưới BĐ3 0,14m;

- Sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn 3,90m, dưới BĐ2 0,10m.

Dự báo: Lũ trên các sông ở Hà Tĩnh tiếp tục lên, các sông ở Quảng Bình dao động ở mức cao; các sông ở Quảng Trị tiếp tục xuống. Đến chiều 05/9, mực nước trên các sông khả năng như sau:

- Sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ lên mức 14,7m, trên BĐ3 1,2m; tại Hòa Duyệt lên mức 10,5m, ở mức BĐ3;

- Sông Gianh tại Mai Hóa dao động ở mức 6,5m, ở mức BĐ3;

- Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy dao động ở mức 2,4m, trên BĐ2: 0,2m;

- Sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn xuống mức 3,2m, trên BĐ1 0,7m.

  1. TÌNH HÌNH ĐÊ ĐIỀU VÀ HỒ CHỨA
  2. Tình hình hồ chứa:
  3. a) Hồ chứa thủy điện:

- Khu vực Bắc Bộ có 08/82 hồ đang vận hành xả qua tràn; khu vực Bắc Trung Bộ 05/22 hồ đang vận hành xả qua tràn; khu vực Tây Nguyên 17/67 hồ đang vận hành xả qua tràn; thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) đang xả với lưu lượng 732m3/s (thời điểm xả lớn nhất là 1.460m3/s vào 8h/03/9).

- Các hồ chứa thủy điện cắt lũ trên lưu vực sông Hồng ở mức thấp, lúc 07h00 ngày 05/9: Hòa Bình: Htl 99,22m/110m; Sơn La: Htl 193,41m/209m; Tuyên Quang: Htl 108,66m/115m; Thác Bà: 51,83m/57m; Bản Vẽ: Htl 187,62m/200.

  1. b) Hồ chứa thủy lợi

Hiện có 05 hồ đang vận hành xả tràn là Vực Mấu (Nghệ An): 17 m3/s; Ia Mơr (Gia Lai): 52 m3/s; Hoàng Ân (Gia Lai): 5 m3/s; Buôn Yông (Đắk Lắk): 5 m3/s; Ea Soup Thượng (Đắk Lắk): 70 m3/s.

  1. Tình hình đê điều: Không thay đổi so với báo cáo nhanh ngày 03/9.

III. TÌNH HÌNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

- Các tỉnh Bắc Trung Bộ:

+ Lúa hè thu: Đã thu hoạch được khoảng 146.000/165.000 ha, đạt 89%; còn lại 19.000 ha các địa phương đang tập trung thu hoạch.

+ Lúa mùa: Đã thu hoạch 13.000 ha/158.000 ha (Thanh Hóa); còn lại 145.000 ha đang ở giai đoạn chín sắp thu hoạch.

- Các tỉnh Nam Trung Bộ:

+ Lúa hè thu: Đã thu hoạch được khoảng 113.000/176.000 ha, đạt 64%; còn lại 63.000 ha dự kiến đến 10/9 sẽ thu hoạch xong.

+ Lúa mùa: Đã gieo cấy được khoảng 57.000/136.000 ha. Diện tích đã thu hoạch đạt 21.000/57.000 ha, còn lại 36.000 ha dự kiến đến 10/9 sẽ thu hoạch xong.

  1. TÌNH HÌNH NGẬP ÚNG VÀ THIỆT HẠI BAN ĐẦU
  2. Ngập lụt:

- Hà Tĩnh: Huyện Hương Khê, hồ Hố Hô đang xả lũ, hiện một số khu vực thấp trũng bị ngập (các xã Hương Lâm, Hương Vĩnh, Hương Liên). Từ chiều 03/9, mưa đã giảm;

- Quảng Bình: 04 xã Trọng Hóa, Dân Hóa, Thượng Hóa, Hóa Sơn (huyện Minh Hóa), xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch), xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh), xã Lâm (huyện Lệ Thủy) ngập lụt, chia cắt các khu vực trũng thấp;

- Quảng Trị: 04 xã huyện Đắkrông (A Ngo, Tà Long, Ba Năng, A Vao), 03 xã huyện Hướng Hóa (Thuận, Ba Tầng, A Xinh) bị ngập lụt chia cắt nhiều điểm.

  1. Thiệt hại:

Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị có báo cáo bước đầu thiệt hại do mưa lũ như sau:

- Về người: 03 người (Thừa Thiên Huế: ông Phan Khoái - 1946, trượt chân ngã khi chằng chống nhà; Quảng Bình: cháu Trần Tiến Duy - 2017, trượt chân bị nước cuốn trôi; Hà Tĩnh: ông Lê Văn Bân -1964, đuối nước tại hồ Bình Sơn);

- Về nhà: 2.811 nhà bị ngập nước (Quảng Bình: 1.275 nhà; Quảng Trị: 1.456 nhà; Nghệ An: 50 nhà);

- Về nông lâm nghiệp: 11.560ha lúa, hoa màu bị ngập (Nghệ An: 3.041ha; Hà Tĩnh: 3.125ha; Quảng Bình: 566ha; Quảng Trị: 4.824ha)

- Về giao thông:

+ Hà Tĩnh: 25 xã giao thông chia cắt;

+ Quảng Bình QL12A, QL15, QL 9B ngập 06 điểm sâu 0,2 đến 1,0m, 13 điểm sạt lở và tuyến đường tỉnh 559, 559B, 562 và tuyến đường huyện bị ngập, gây chia cắt;

+ Quảng Trị: nhiều tuyến đường thuộc các huyện Hướng Hóa, Đắkrông bị ngập gây chia cắt 14 xã và nhánh Tây đường Hồ Chí Minh sạt lở tại Km 265, 287.

- Về tàu thuyền: Tàu QNa91928TS (1075CV)/44 người bị chìm ngày 02/9 ở khu vực quần đảo Trường Sa, đã cứu vớt được 41 thuyền viên; hiện còn 3 người mất tích; các lực lượng đã huy động 09 tàu Quảng Nam và tàu KN420 tiếp tục tổ chức tìm kiếm.

  1. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH, ỨNG PHÓ THIÊN TAI
  2. Trung ương:

- Sáng 04/9, Ban Chỉ đạo TWPCTT đã tổ chức đoàn do đồng chí Trần Quang Hoài - Phó Trưởng ban làm trưởng đoàn kiểm tra, chỉ đạo ứng phó lũ, ngập lụt tại Quảng Bình.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công điện số 926/CĐ-BGDĐT ngày 02/9/2019 chỉ đạo UBND các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi tùy theo diễn biến mưa lũ tại địa phương chủ động lùi ngày khai giảng để đảm bảo an toàn cho học sinh.

- Ngày 03-04/9, Tổng cục Thủy lợi đã cử đoàn công tác chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn hồ chứa nước tại tỉnh Thừa Thiên Huế;

- Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo TWPCTT thường xuyên cung cấp thông tin về dự báo, cảnh báo diễn biến ATNĐ trên biển Đông, gió mạnh trên biển, lũ trên các sông và mưa lớn diện rộng đến các địa phương để theo dõi và chủ động các phương án phòng tránh.

- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương tiếp tục thông tin, truyền thông về diễn biến ATNĐ trên Biển Đông, gió mạnh trên biển và mưa lớn phục vụ việc chỉ đạo phòng chống.

  1. Địa phương:

2.1. Hà Tĩnh

- Ngày 04/9/2019, đồng chí Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu đã kiểm tra tình hình mưa lũ tại xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê, động viên người dân nâng cao cảnh giác, đề phòng lũ lên đột ngột và di dời đến nơi an toàn; chỉ đạo chính quyền địa phương và ngành chức năng túc trực 24/24h, theo dõi diễn biến mưa lũ, giám sát hoạt động xả lũ của Thủy điện Hố Hô; sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi tình huống xấu xảy ra. Đối với các vùng thấp trũng xung yếu, tuyên truyền người dân di dời đến nơi cao để đảm bảo an toàn, trường hợp người dân có yêu cầu thì kịp thời hỗ trợ bà con di dời.

- Chỉ đạo cho 173 trường học với tổng số khoảng 32.000 học sinh lùi khai giảng.

- Theo báo cáo của Chánh văn phòng thường trực BCH PCTT&TKCN tỉnh, các địa phương bị ngập lụt do lũ chủ động sơ tán tại chỗ.

2.2. Quảng Bình

- BCH PCTT&TKCN tỉnh phối hợp với đoàn công tác của Ban Chỉ đạo chỉ đạo quyết liệt trong công tác sơ tán dân, vận hành hồ chứa, công trình phân lũ, đảm bảo an toàn cho học sinh trong kỳ khai giảng năm học mới.

- Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình đã lên phương án thường trực 100% quân số, huy động 10 xe ô tô các loại, 3 ca nô công suất lớn, 3 tổ công tác đặc biệt và 30 cán bộ, chiến sĩ có kinh nghiệm sẵn sàng ứng phó ngập lụt trên các địa bàn trọng yếu.

- Huyện Minh Hóa hỗ trợ khẩn cấp 4 tấn gạo được cho các hộ dân có nguy cơ bị chia cắt dài ngày tại vùng ngập .

- BCH PCTT&TKCN tỉnh Quảng Bình với Bộ, ngành, cơ quan chức năng tổ chức di dời 834 hộ;

- Chỉ đạo cho 106 trường trên địa bàn tỉnh hoãn lịch khai giảng.

2.3. Quảng Trị

- Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Quảng Trị và các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương đã có mặt tại các địa điểm bị ngập lụt nặng có nguy cơ mất an toàn cao, để trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó, cứu hộ, cứu nạn. Tại các khu vực, các điểm giao thông bị chia cắt do ngập lụt, sạt lở... chỉ đạo thành lập các tổ hướng dẫn giao thông, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện qua lại ở các khu vực nguy hiểm.

- BCH PCTT&TKCN tỉnh phối hợp với Bộ, ngành, cơ quan chức năng tổ chức di dời 1.182hộ/5.264 người và có kế hoạch sơ tán 11.358 người vùng trũng thấp, ven sông suối có nguy cơ bị lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

- Chỉ đạo các trường học trên địa bàn tỉnh hoãn lịch khai giảng để đảm bảo an toàn cho học sinh.

  1. CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO

Thực hiện nghiêm Công điện số 15/CĐ-TWPCTT ngày 02/9/2019 của Ban chỉ đạo TWPCTT và Thông báo số kết luận của Bộ trưởng – Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo TWPCTT số 427/TB-TWPCTT-VP, trong đó tập trung vào các nội dung:

- Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; chủ động sơ tán dân cư vùng trũng thấp bị ngập sâu, chia cắt;  bố trí lực lượng canh gác tại các khu vực ngầm tràn, đường giao thông bị ngập sâu;

- Tổ chức lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát khu dân cư ven sông suối, hạ lưu hồ đập, vùng trũng thấp, khu vực có nguy lũ quét, sạt lở đất;

- Đảm bảo an toàn hồ đập, đê điều; hạ du hồ chứa nhất là hồ, đập xung yếu, đang thi công và hồ nhỏ; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố./.