Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam là bước đi đúng hướng

Đánh giá của Đoàn công tác đến từ Ngân hàng Thế giới cho thấy, chương trình xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam là một bước đi đúng hướng để nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.


Chiều 16/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ Công tác giúp việc Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT) đã chủ trì buổi họp nghe Đoàn hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới báo cáo về kết quả chuyến công tác liên quan xây dựng CPĐT tại Việt Nam.

Buổi làm việc có sự tham gia của Đoàn công tác là các chuyên gia đến từ Ngân hàng thế giới (WB); Đại sứ quán Australia tại Việt Nam; Cơ quan phát triển Pháp (AFD); Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Tổ Công tác giúp việc Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về CPĐT.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng thay mặt VPCP cảm ơn các chuyên gia đã dành nhiều công sức khảo sát để giúp VPCP trong xây dựng CPĐT. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, đối với việc xây dựng CPĐT, trước đó Việt Nam đã xây dựng được một số cơ sở dữ liệu như bảo hiểm, quản lý doanh nghiệp; các Bộ, ngành địa phương xây dựng được cơ sở dữ liệu thuộc Bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu còn thiếu kết nối, chia sẻ; bên cạnh đó thể chế pháp lý chưa đầy đủ, hoặc chưa có căn cứ pháp lý để thực hiện.

Nhấn mạnh đến phương châm của Thủ tướng Chính phủ trong xây dựng CPĐT là làm nhanh nhưng phải căn bản, làm nhanh nhưng phải chắc chắn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết, khi xây dựng CPĐT, Việt Nam đặc biệt quan tâm đến an toàn hệ thống, an toàn dữ liệu. Việt Nam đặt vấn đề tiến tới nền kinh tế số phải ưu tiên dịch vụ công đầu tiên, trong đó ưu tiên dịch vụ liên quan người dân, doanh nghiệp phải thực hiện trước.

Theo đó, với Chính phủ sẽ ưu tiên thực hiện Đề án e-Cabinet (Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ) để làm gương. Cụ thể là cắt giảm hội họp, giảm thời gian các phiên họp Chính phủ, đồng thời giảm tối đa việc sử dụng văn bản giấy trong các cuộc họp.

Chính vì vậy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết, VPCP mong muốn nghe các ý kiến thẳng thắn của các chuyên gia về xây dựng CPĐT tại Việt Nam.

Nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh

Tại buổi làm việc, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione cho biết, các chuyên gia của Đoàn công tác sẽ đưa ra một số gợi ý thực tế để thấy được lộ trình, kế hoạch và hỗ trợ kỹ thuật từ các bên nhằm xác định khung thời gian cụ thể triển khai trong thời gian tới. Ông Ousmane Dione cũng cho rằng, các sáng kiến ưu tiên bao gồm nội các điện tử, dịch vụ điện tử, trục tích hợp dữ liệu... cần triển khai sớm bởi điều này sẽ mang đến cái nhìn chi tiết về Kiến trúc tổng thể về CPĐT.

Theo đại diện Đoàn công tác đến từ WB, Đoàn công tác đã tập trung vào 4 mục tiêu cụ thể, đó là rà soát lại Khung Kiến trúc tổng thể và định hướng xây dựng Khung kiến trúc CPĐT trong thời gian tới. Thứ hai là góp ý cho các hoạt động về CPĐT đang được triển khai, cụ thể là Hệ thống e-Cabinet, dịch vụ công trực tuyến (e-Services), Hệ thống tham vấn chính sách trực tuyến (e-Consultations), dự thảo Nghị định về chia sẻ dữ liệu, Nghị định về định danh xác thực điện tử. Thứ ba là tìm hiểu phương án huy động vốn cho CPĐT và thứ tư là xây dựng Khung theo dõi và đánh giá về CPĐT.

Đánh giá của Đoàn công tác cho thấy, chương trình CPĐT tại Việt Nam là một bước đi đúng hướng để nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước; nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh kinh tế. Bên cạnh đó, xây dựng CPĐT cũng hỗ trợ quá trình phát triển kinh tế - xã hội, và tạo nền tảng cho Chính phủ số và nâng cao thứ hạng của Việt Nam về Chỉ số CPĐT của Liên Hợp Quốc.

Ưu điểm được các chuyên gia nêu lên là việc xây dựng CPĐT tại Việt Nam có chiến lược tốt được hậu thuẫn bởi cơ cấu tổ chức vững chắc. Việt Nam cũng đã hình thành được các thành tố của CPĐT; chú trọng nội dung Kiến trúc Tổng thể, đặc biệt là tập trung vào định danh điện tử (eID), khả năng liên thông và hạ tầng dùng chung; có năng lực về cơ sở hạ tầng và nhiều dịch vụ ở các cấp.

Tuy nhiên, nhiều tồn tại cũng được các chuyên gia nêu lên, cụ thể như cơ sở dữ liệu còn phân tán, chưa đủ mức độ chia sẻ, tận dụng giá trị của những tài sản công nghệ số đã có trong khi các cơ sở dữ liệu chính như dân cư, đất đai vẫn chưa hoàn chỉnh. Bên cạnh đó chưa có kế hoạch triển khai thực hiện chi tiết và về phương án tài chính chưa xác định được mức độ chi tiêu cho CPĐT ở các cấp và phương án huy động vốn trong những năm tới…

Từ những nhận định về xây dựng CPĐT tại Việt Nam, các chuyên gia đã nêu lên giá trị chiến lược của Kiến trúc Tổng thể. Đó là Kiến trúc tổng thể nhằm chuyển hóa tầm nhìn trong Nghị quyết về CPĐT thành hành động; tạo thuận lợi cho việc lồng ghép nhiệm vụ phức hợp về triển khai CPĐT. Bên cạnh đó là ưu thế trong hoạt động như giảm chi phí, giảm thời gian xử lý quy trình, tăng năng suất. Các chuyên gia WB cũng nêu phương án huy động vốn cho CPĐT; làm rõ chi tiết chiến lược tạo nguồn vốn để thực hiện Định hướng về CPĐT và triển khai cơ chế rà soát chi tiêu cho CPĐT.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết, trên cơ sở báo cáo của Đoàn công tác sẽ xây dựng báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ tiếp tục giao Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn chỉnh Khung kiến trúc tổng thể về CPĐT và Khung kiến trúc của các bộ, ngành, địa phương. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị chuyên gia tiếp tục tham vấn các nội dung về xây dựng CPĐT, đặc biệt là về đề án e-Cabinet nhằm hiện thực hóa Chính phủ phi giấy tờ, giảm họp hành, liên thông, chia sẻ dữ liệu trên nền điện tử.

Theo Chinhphu.vn