Các quốc gia Địa Trung Hải từ bán đảo Iberia qua Pháp và Ý đến Balkan và Hy Lạp đang phải chịu đựng một đợt nắng nóng trong vài ngày qua, khiến các cảnh báo sức khỏe và cảnh báo về nguy cơ cháy rừng gia tăng.
Bồ Đào Nha sau 2 ngày báo động đỏ ở một số khu vực, bao gồm cả Lisbon, đã hạ xuống báo động màu cam ở tất cả trừ 8 khu vực trong đất liền.
Tuy nhiên, nhiệt độ vẫn dự kiến sẽ lên tới 40°C ở thành phố trung tâm Castel Branco, Beja và Evora ở phía nam, và 34°C ở thủ đô trong những ngày tới.
Trong khi đó, cảnh báo đỏ đã được ban hành cho 18 thành phố của Ý trong những ngày tới, bao gồm Rome, Milan, Verona, Perugia và Palermo, cũng như trên khu vực Adriatic gần Croatia và Montenegro.
Ý cũng trải qua một loại hiện tượng thời tiết cực đoan khác vào ngày 30/6 khi một trận lũ quét ở khu vực phía bắc Piedmont gây ra bởi mưa lớn khiến một người đàn ông 70 tuổi tử vong.
Biển Địa Trung Hải đã ghi nhận mức cao mới trong tháng 6 là 26,01°C vào ngày 29/6, theo dữ liệu từ Cơ quan quan sát trái đất Copernicus của EU.
Nguy cơ cháy rừng vẫn cao ở một số khu vực của Bồ Đào Nha. Vào tối 30/6, khoảng 250 lính cứu hỏa phải giải quyết một đám cháy ở khu vực phía nam Aljustrel.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng cứu hộ đã sơ tán hơn 50.000 người bị đe dọa bởi một loạt các vụ cháy rừng, hầu hết từ tỉnh phía tây Izmir, nơi gió với vận tốc 120km/h đã thổi bùng ngọn lửa gây ra cháy rừng.
Hy Lạp cũng đang phải vật lộn để dập tắt các đám cháy rừng.
WHO nhấn mạnh rằng biến đổi khí hậu do đốt nhiên liệu hóa thạch tiếp tục làm các đợt nắng nóng diễn ra thường xuyên hơn, cường độ lớn hơn và nguy hiểm hơn. Dữ liệu WHO cho thấy, trung bình sóng nhiệt đã cướp đi khoảng 175.000 sinh mạng mỗi năm trên toàn khu vực châu Âu - kéo dài từ Iceland đến Nga.
WHO cho biết, trong năm 2026 sẽ ban hành hướng dẫn mới cho các chính phủ, trong đó khuyến nghị các giải pháp làm mát bền vững, tập trung vào yếu tố con người và áp dụng ở cấp thành phố, nhằm bảo vệ cộng đồng trước nguy cơ nhiệt độ cực đoan trở thành thực tế thường trực.
Các nhà khoa học cho biết biến đổi khí hậu do con người gây ra đang làm cho các sự kiện sóng nhiệt như vậy trở nên dữ dội, thường xuyên và lan rộng hơn. Nếu không giảm mạnh lượng khí nhà kính gây biến đổi khí hậu, thế giới sẽ chứng kiến các đợt sóng nhiệt, cháy rừng, lũ lụt và hạn hán ngày càng tồi tệ hơn trong tương lai.