Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tỉnh Đắk Nông tăng cường giải pháp chống sạt lở bờ sông Krông Nô

Tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô đã diễn ra nhiều năm nay, các cấp chính quyền địa phương hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk cũng đã vào cuộc quyết liệt, tổ chức ký kết quy chế phối hợp kiểm soát chống sạt lở, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường vào cuộc đánh giá tác động, xác định nguyên nhân… nhưng đến nay tình trạng này vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.


Tình trạng sạt lỡ bờ sông Krông Nô đã diễn ra liên tục nhiều năm nay khiến hàng trăm ha đất đai, cây trồng, công trình thủy lợi, giao thông bị thiệt hại nhưng các cấp chính quyền địa phương vẫn chưa có giải pháp hiệu quả để ngăn chặn sạt lở.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông, hiện nay trên sông Krông Nô có 19 điểm sạt lở bờ sông với tổng chiều dài là 9.080m đã được Khoanh định vào khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tại Quyết định số 1067/QĐ-TTg ngày 12/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, do tình hình thời tiết diễn biến bất thường mưa nhiều trong những năm gần đây dẫn đến phát sinh một số điểm sạt lở cục bộ với chiều dài khoảng vài chục mét.

Tại hội thảo đánh giá thực trạng và giải pháp chống sạt lở bờ sông Krông Nô do Ủy ban nhân tỉnh Đắk Nông và Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đồng chủ trì, với sự tham gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các nhà khoa học đã xác định nguyên nhân sạt lở bờ Sông Krông Nô là do tổ hợp của 6 yếu tố tác động đồng thời như: hoạt động xả nước của các nhà máy thủy điện; hoạt động khai thác cát; quy luật vận động của dòng chảy tự nhiên; kết cấu địa chất dọc hai bên bờ sông chủ yếu là đất pha cát; do tình trạng biến đổi khí hậu và do hoạt động nhân sinh trên hai bên bờ sông Krông Nô.

Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành nhiều văn bản yêu cầu các doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác cát trên sông Krông Nô thực hiện nghiêm các quy định của Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng bờ bãi sông đối với hoạt động khai thác cát tại Công văn số 2706/UBND-KTN ngày 3/6/2020 và Công văn số 1529/UBND-KTN ngày 1/4/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông.

Ngoài ra, để tăng cường công tác quản lý giám sát hoạt động khai thác cát trên sông Krông Nô, Ủy ban nhân dân hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông đã ký Quy chế phối hợp số 5745/QCPH-UBND ngày 24/9/2024 giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông và Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk về việc phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông.

Mục đích của việc phối hợp là để thiết lập cơ chế đồng bộ, hiệu quả về chuyên môn và thông tin để tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông nhằm ngăn chặn và xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, hạn chế tối đa việc khai thác và sử dụng phương tiện khai thác cát, tập kết cát tại khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh. Giải quyết các khó khăn, vướng mắc có liên quan trong công tác quản lý việc khai thác cát, sỏi tại khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh. Phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản và nhân dân trong việc thực hiện quy định của pháp luật về khoáng sản và công tác bảo vệ khoáng sản tại khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh.

Trong quá trình phối hợp không gây cản trở đến công tác quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước và hoạt động khai thác cát, sỏi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân ở khu vực giáp ranh được Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông và Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk cấp giấy phép hoạt động. Công tác phối hợp được thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và các văn bản quy định khác có liên quan; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định. Bảo đảm đồng bộ, hiệu quả trong việc trao đổi, cung cấp thông tin và phối hợp kiểm tra hoạt động khai thác cát, sỏi tại các khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh.

Chủ động trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; xử lý những vấn đề phát sinh theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của các cơ quan đối với các hoạt động khai thác cát, sỏi tại khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh. Phối hợp, hỗ trợ giữa các cơ quan của hai tỉnh trong xử lý các tình huống khi được đề nghị phối hợp bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các Sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan của hai tỉnh trong việc chủ động thông tin, phối hợp quản lý hoạt động khoáng sản tại các khu vực giáp ranh, bảo đảm kịp thời, hiệu quả…

Đối với Đắk Nông, để triển khai quy chế phối hợp nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Công văn số 2761/STNMT-KSTNN ngày 16/10/2024 về việc triển khai Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Theo đó, đề nghị Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, ủy ban nhân dân huyện Krông Nô và ủy ban nhân dân huyện Đắk Glong căn cứ các nhiệm vụ được giao tại Quy chế Phối hợp số 5745/QCPH-UBND ngày 24/9/2024 giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông và Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk về việc Phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản khu vực giáp ranh giữa hai để triển khai thực hiện theo quy định và báo cáo kết quả về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30 tháng 12 hàng năm để đánh hiệu quả, tổng hợp tham mưu ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông có cơ sở đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk điều chỉnh kịp thời quy chế nhằm đạt hiệu quả cao trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh. Yêu cầu Công ty Thủy điện Buôn Kuốp thường xuyên phối hợp khảo sát, đánh giá toàn diện mức độ ảnh hưởng hoạt động xả nước phát điện của Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah liên quan đến sạt lở bờ sông Krông Nô để có phương án khắc phục, xử lý.

Công ty TNHH MTV Xây lắp điện Hưng Phúc trong quá trình vận hành nhà máy thủy điện Chư Pông Krông nếu làm sạt lở đất của tổ chức, cá nhân trong khu vực lòng hồ thì phải có trách nhiệm thực hiện việc đền bù thiệt hại cho tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng do hoạt động vận hành của nhà máy thủy điện Chư Pông Krông. Các đơn vị khai thác cát trên sông Krông Nô phải thực hiện nghiêm các nội dung quy định trong Giấy phép khai thác khoáng sản…

Về thực trạng sạt lở bờ sông Krông Nô, đến nay vẫn chưa có kết quả đánh giá quan trắc, giám sát diễn biến dòng chảy, bồi lắng, sạt lở bờ sông Krông Nô để đề xuất các giải pháp phòng chống sạt lở cho phù hợp. Trong khi đó, sông Krông Nô là sông liên tỉnh trách nhiệm đánh giá quan trắc, giám sát diễn biến dòng chảy, bồi lắng, sạt lở bờ sông thuộc về Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy tại khoản 4, Điều 23, Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ.

Để sớm có giải pháp đồng bộ khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông có Công văn số 714/UBND-NNTNMT ngày 01/02/2024 để kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm đánh giá quan trắc, giám sát diễn biến dòng chảy, bồi lắng, sạt lở bờ sông Krông Nô để đề xuất các giải pháp phòng chống sạt lở cho phù hợp và hỗ trợ địa phương thực hiện công tác phòng chống, sạt lở bờ sông Krông Nô.

Ngoài ra, để tăng cường quản lý giám sát hoạt động khai thác cát của các doanh nghiệp được được hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông cấp giấy phép khai thác cát trên sông Krông Nô, ngoài việc tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông và ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk ký quy chế phối hợp công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản khu vực giáp ranh, Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông còn tham mưu ban hành văn bản nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ cụ thể của các đơn vị, địa phương liên quan trong thực hiện nhiệm vụ theo quy chế phối hợp để tăng cường bảo vệ, kịp thời phối hợp xử lý nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng sạt lở bờ sông như hiện nay.