Skip Ribbon Commands
Skip to main content

THỰC TRẠNG VÀ XÂY DỰNG KHUNG QUẢN TRỊ TRONG KHAI THÁC CÁT SÔNG Ở TRUNG QUỐC

Theo Hiệp hội Cốt liệu Trung Quốc (CAA), sản lượng cốt liệu ở Trung Quốc hiện nay chủ yếu đến từ đá nghiền, cung cấp 20 tỷ tấn/năm, chiếm hơn 70% tổng nhu cầu quốc gia; toàn bộ cát sông, cát biển, và vật liệu xây dựng tái chế chiếm dưới 30% tổng nhu cầu còn lại. Tuy nhiên, khai thác sông vẫn là một nguồn cung cấp cát và cốt liệu rất quan trọng ở Trung Quốc


THỰC TRẠNG VÀ XÂY DỰNG KHUNG QUẢN TRỊ TRONG KHAI THÁC CÁT SÔNG Ở TRUNG QUỐC

  1. Bối cảnh và tình trạng khai thác cát sông

Theo Hiệp hội Cốt liệu Trung Quốc (CAA), sản lượng cốt liệu ở Trung Quốc hiện nay chủ yếu đến từ đá nghiền, cung cấp 20 tỷ tấn/năm, chiếm hơn 70% tổng nhu cầu quốc gia; toàn bộ cát sông, cát biển, và vật liệu xây dựng tái chế chiếm dưới 30% tổng nhu cầu còn lại. Tuy nhiên, khai thác sông vẫn là một nguồn cung cấp cát và cốt liệu rất quan trọng ở Trung Quốc. 

 

 

 Hình 1: Bản đồ dòng sông các tỉnh phía Đông Trung Quốc

  1. Xây dựng khung quản trị

Ở Trung Quốc, cấp phép khai thác cát sông dựa trên Quy định Quản lý Khai thác Cát sông 2019. Giấy phép phải được Bộ Tài nguyên Nước phê duyệt. Các điều kiện để được cấp phép nạo vét sông ở Trung Quốc hiện nay khá nghiêm ngặt, bao gồm các yêu cầu về thời gian, diện tích, khối lượng, độ sâu khai thác, phương pháp khai thác, thiết bị khai thác, trình độ của nhân viên kỹ thuật và các khía cạnh khác. Đối với mỗi lưu vực sông, một trưởng sông được chỉ định chịu trách nhiệm tổ chức và lãnh đạo quản lý và bảo vệ các sông và hồ tương ứng.

Năm 2019, khi xem xét lại các quy định này, Bộ Tài nguyên nước đã lấy ý kiến CAA. Các quy định được sửa đổi và có hiệu lực thi hành sau khi được Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc thông qua. Sau khi được phê duyệt, hoạt động quản lý, kiểm tra, giám sát cấp phép được tăng cường hằng ngày; cùng với đó là các đợt trấn áp tình trạng khai thác cát sông trái phép. Tin tức và phương tiện truyền thông đóng vai trò quan trọng để thông báo cho dư luận và thiết lập hệ thống báo cáo về các hoạt động khai thác cát trái phép trong lòng sông

  1. Ví dụ về thủ tục cấp phép

Năm 2020, Bộ Tài nguyên Nước đã phê duyệt Kế hoạch Quản lý Khai thác  Cát ở các Khu vực Trọng yếu của Lưu vực  Sông Hoàng Hà (2020-2025). Kế hoạch  khai thác cát ở lưu vực Sông Hoàng Hà  đầu tiên chính thức được ban hành  và triển khai này kỳ vọng khai thác cát  trên sông được thực hiện trật tự, hợp  pháp và được quản lý khoa học, và  đảm bảo hệ sinh thái dòng sông được  bảo tồn hiệu quả. 

Cũng trong năm 2020, Luật Bảo vệ Sông Dương Tử được ban hành và có hiệu lực vào tháng 3 năm 2021. Tại khu vực này, một hệ thống cấp phép khai thác cát cho lưu vực Sông Dương  Tử đã được thiết lập cùng với các quy  định rõ ràng về quản lý khai thác cát  trên sông. Bộ luật này được kỳ vọng có tác động mạnh mẽ đến xây dựng và vận hành các bến tập kết cát sỏi trên lưu vực sông Dương Tử, cũng như khai thác và vận chuyển cát sỏi.

Hình 2: Hệ thống giám sát video, GPS và định vị vô tuyến được sử dụng

4. Các điều khoản liên quan đến thực hành khai thác

Trong khuôn khổ sáng kiến được ban hành tháng 10 năm 2016, Ban Bảo tồn Nước Tỉnh Hà Bắc đã làm việc với cán bộ kỹ thuật liên quan để điều tra hiện trạng khai thác cát sông tại tỉnh. Trên cơ sở thu thập dữ liệu sâu rộng từ Trung Quốc và các nước trên thế giới, họ xem xét thực tế quản lý khai thác cát sông ở tỉnh, tiến hành nhiều cuộc điều tra và tham vấn để hoàn thành bản mô tả kỹ thuật khai thác sông an toàn. 

Tháng 9 năm 2017, Cục Giám sát Chất lượng và Kỹ thuật Tỉnh Hà Bắc và Sở Tài nguyên Nước Tỉnh Hà Bắc cùng ban hành Quy chuẩn Kỹ thuật Đảm bảo An toàn Sản xuất trong Khai thác Cát sông (DB13/T 2549-2017). Đây là tiêu chuẩn cấp tỉnh đầu tiên về sản xuất an toàn khai thác cát sông ở Trung Quốc.

Trên cơ sở quy định và hướng dẫn an toàn trong sản xuất khai thác cát sông, quy chuẩn này giúp củng cố và tăng cường bảo vệ nhân dân, ứng phó hiệu quả hơn với lũ lụt trên sông, đảm bảo an toàn cho các công trình và khu dân cư, bảo vệ môi trường sinh thái. 

Quy chuẩn quy định các yêu cầu cơ bản giảm tác động của hoạt động khai thác cát trên các  sông, bằng cách đảm bảo an toàn cho các công trình dự án bảo tồn nước và các công trình/ kiến trúc xuyên sông, qua sông và gần sông, duy trì ổn định của sông, bảo vệ môi trường  sinh thái nước và đảm bảo an toàn cho công nhân và thiết bị khai thác cát. Các quy định  chính của nó gồm:

  • Hoạt động khai thác cát sông không gây ảnh hưởng đến kiểm soát lũ, đến ổn định hình thái dòng sông, an toàn của các công trình trên sông và gần sông, cũng như đảm bảo an toàn cho nguồn nước, bảo vệ môi trường.
  • Trên cơ sở quan điểm tài nguyên cát, sỏi lòng sông thuộc sở hữu của nhà nước, mọi hoạt động khai thác phải thông qua các thủ tục do nhà nước quy định. Đơn vị khai thác phải có giấy phép khai thác cát trước khi bắt đầu khai thác.
  • Trước khi bắt đầu hoạt động khai thác, tuyến khảo sát phải được đo đạc phù hợp với phạm vi và độ sâu được phê duyệt trong giấy phép khai thác cát sông, mặt cắt và cao  trình khai thác cát phải đáp ứng các yêu cầu của báo cáo khả thi kèm theo hồ sơ khai thác.
  • Không được khai thác khi có giông bão, sương mù và gió lớn. Các công trình kiểm soát lũ sông, công trình khắc phục hậu quả sông, công trình thoát nước, đầu mối hồ chứa, công trình quan trắc thủy văn và cống được liệt kê vào khu vực cấm khai thác. Đường sắt,  đường cao tốc, cầu, nhà ga, đường thủy, đường ống dẫn khí đốt, cáp thông tin, đường dây  tải điện và các công trình phụ trợ của chúng cũng được chỉ định là khu vực cấm khai thác. 
  • Khu vực có thể khai thác sẽ được xác định dựa trên hiện trạng của sông bao gồm, nguồn cung trầm tích, trạng thái vận hành bình thường của sông, tình hình kiểm soát lũ, cấp nước, giao thông thủy, sinh thái và môi trường, thực trạng các công trình xây dựng liên  quan đến sông. Tổng lượng cát khai thác hằng năm của một đoạn sông sẽ được xác định dựa trên các yếu tố như lượng trầm tích bồi lắng thêm và trữ lượng cát sông, cũng như  nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng chính xung quanh đoạn sông đó. 
  • Sử dụng thiết bị khai thác đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, nghiêm cấm xả dầu từ thiết bị khai thác cát và nước thải sinh hoạt của đơn vị khai thác trực tiếp ra sông. Khai thác bờ trái và bờ phải của sông nên được thực hiện đồng thời để tránh các tác động chênh lệch do nạo vét không đồng bộ.
  • Độ dốc mặt cắt ngang không được lớn hơn 1:3, đánh dật cấp kiểu bậc thang trong các khu vực khai thác dốc. Chiều sâu khai thác không được vượt quá 8m và được xác định theo cấu trúc đường ngang của sông ở thượng lưu, kích thước sông và khối lượng cát khai thác.
  • Đối với khai thác khô trên đất liền, phải khảo sát các công trình ngầm trước khi khai thác, bao gồm cả quy hoạch tổng thể về kỹ thuật và cơ sở vật chất. Khai thác phải dừng lại nếu phát hiện các công trình ngầm chưa được biết đến. Khi phát hiện di tích, di tích văn hóa, hóa thạch và công trình kiên cố, phải thực hiện các biện pháp bảo vệ thích hợp và báo cáo kịp thời cho các phòng ban liên quan để điều tra.
  • Trước khi bắt đầu khai thác dưới nước, thiết bị khai thác cát và phương pháp khai thác phải được xác định dựa trên chất lượng đất của lòng sông, kích thước hạt của vật liệu khai thác, độ rời của vật liệu, độ sâu của nước, độ sâu khai thác, tốc độ của dòng nước và hiệu suất của sà lan chở cát.
  • Vật liệu cát sỏi được khai thác không được chất thành đống trên sông và phải chuyển dọn ra khỏi khu vực quản lý sông. Vật liệu thải bỏ có thể được tạm thời chất thành đống tại bãi đã được nêu trong báo cáo khả thi khai thác cát và không được mở rộng diện tích chất đống khi chưa được phép.
  • Khi thi công đường giao thông đi qua bờ kè, nghiêm cấm đào xuyên qua bờ kè. Đường này chỉ phù hợp với xe chuyên dụng vận chuyển cát sỏi. Nghiêm cấm các phương tiện chở quá tải trọng. Các phương tiện vận chuyển phải che chắn đầy đủ cho các vật liệu được chở trên xe và phải phun nước cho bãi cát đá để tránh bụi.
  • Một quản lý phụ trách an toàn lao động được chỉ đinh làm việc toàn thời gian tại công trường phù hợp với các quy định có liên quan của nhà nước. Người này phải chịu trách nhiệm giám sát và kiểm tra tại chỗ các quy trình an toàn liên quan đến khai thác cát, đảm bảo kịp thời phát hiện hiểm họa, phát hiện các tình huống khẩn cấp gây nguy hiểm trực tiếp cho người lao động, từ đó, có thể quyết định dừng ngay hoạt động khai thác.
  • Tàu khai thác phải được kiểm định theo quy định và được cấp chứng chỉ kiểm định. Người lao động phải qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật, có chứng chỉ năng lực và có chứng chỉ hiện hành khi làm việc. Các máy nghiền và sàng lọc, máy cấp liệu và băng tải phải đáp ứng các yêu cầu chi tiết về an toàn.

  Vũ Đức Tùng