Skip Ribbon Commands
Skip to main content

THỰC TRẠNG KHUNG PHÁP LÝ VÀ TRIỂN KHAI VỀ VẤN ĐỀ KHAI THÁC CÁT TẠI VIỆT NAM (PHẦN 4)


Các bài học chính từ luật pháp và quy định

Nhận xét

  • Chiến lược Tài nguyên khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đặt ra các mục tiêu đúng đắn về sức khỏe và sự an toàn của những người tham gia hoạt động khai thác cát, đồng thời cấm khai thác gây xâm phạm cảnh quan.
  • Nghị quyết 120 của Chính phủ năm 2017 được đánh giá là có tham vọng ngăn chặn tình trạng khai thác quá mức tài nguyên ở ĐBSCL, đặc biệt là ngăn chặn sạt lở bờ sông và rủi ro cho tài sản ven sông. Tiếc là tình trạng khai thác quá mức vẫn chưa được cải thiện.
  • Chiến lược Phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 ra đời trong bối cảnh yêu cầu khai thác cát phải được thực hiện bằng công nghệ mới nhất và đáp ứng các tiêu chuẩn cao về bảo vệ môi trường. Để giảm khai thác cát quá mức ở ĐBSCL, quyết định này đã đặt ra các mục tiêu đáng chú ý về việc thay thế cát tự nhiên bằng cát nhân tạo và vật liệu tái chế.
  • Nghị định 23/2020 của Chính phủ hướng đến thiết lập một hệ thống đấu giá quyền khai thác. Nghị định đưa ra các trường hợp miễn trừ có thể làm ảnh hưởng đến mục đích của hệ thống đấu giá; nhưng nó cũng có ý nghĩa thiết lập một quy trình liên lạc giữa các cơ quan chính quyền địa phương nơi quyền/giấy phép cho hoạt động khai thác vượt quá ranh giới của địa phương.
  • Nghị định 36/2020 của Chính phủ thiết lập một hệ thống chế tài và xử phạt vi phạm không tuân thủ theo giấy phép đã được ban hành và thực thi. Tuy nhiên, lượng cát khai thác trái phép dưới 30m3 chỉ bị phạt hành chính nhẹ có thể tiềm ẩn nguy cơ các đơn vị khai thác lách luật.
  • Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng Điều phối Vùng ĐBSCL cho giai đoạn 2020-2025, nhưng vẫn tồn tại câu hỏi là liệu các thành viên này có đủ quyền hạn để đảm bảo hoạt động có hiệu quả.
  • Luật Môi trường năm 2014 và Luật Môi trường sửa đổi năm 2020 là các khung pháp lý tích cực hỗ trợ giải quyết các thách thức về môi trường. Có điều các thách thức được luật đề cập chủ yếu ở phạm vi quốc gia chứ chưa thấy đưa ra giải pháp hữu hiệu giải quyết các vấn đề cụ thể của các vùng địa – kinh tế, cụ thể là Vùng ĐBSCL.

Các mặt cần cải thiện

  • Trao quyền cấp phép, theo dõi và giám sát cho chính quyền địa phương vẫn chưa rõ ràng; các tỉnh lân cận có thể đặt ra các điều kiện cấp phép và thuế tài nguyên đôi khi không thống nhất. Đây có thể là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khai thác quá mức ở Vùng ĐBSCL hiện nay. Bên cạnh đó, Hội đồng Điều phối Vùng ĐBSCL mới hoạt động thế nào so với mục tiêu đề ra thực sự là vấn đề còn để ngỏ.
  • Xác định khối lượng khai thác được cho là gần như không khả thi khi các cơ quan chức năng chỉ dựa vào khối lượng sản phẩm khai thác do các doanh nghiệp tự kê khai hoặc chỉ dựa theo hóa đơn. Lượng cát khai thác được sử dụng để tính mức thuế tài nguyên phải nộp cho tỉnh, nên cũng khó tránh khỏi tình trạng các doanh nghiệp có thể vì lợi nhuận mà khai báo thiếu và bán vật liệu lấy tiền mặt mà không có hóa đơn truy xuất nguồn gốc. Các lỗ hổng như vậy chưa thấy có văn bản chỉ đạo giám sát và xử phạt.
  • Theo báo cáo, hiệu quả kiểm soát chất lượng thiết bị khai thác và vận chuyển, cũng như năng lực của người khai thác, khá mờ nhạt.
  • Do không có dữ liệu về ngân hàng cát hiện tại, nên tại thời điểm này, chúng tôi không thể xác định nhu cầu cát đang vượt quá cung bao nhiêu dù, được biết, một nghiên cứu để phát triển một ngân hàng cát đang được thực hiện bởi WWF-Việt Nam.
  • Cần xem xét để cung cấp các hướng dẫn kỹ thuật chi tiết và chính xác hơn về các thực hành tốt trong khai thác cát sông, dựa trên các bài học có thể rút ra từ các nghiên cứu điển hình được trích dẫn trong báo cáo này.
  • Hiệp hội hoặc cơ quan cốt liệu quốc gia cần đóng vai trò đại diện cho ngành khai thác (cả từ sông, mỏ khô và mỏ đá cứng) có trách nhiệm nâng cao quy trình kỹ thuật, chất lượng sản phẩm và tiêu chuẩn vận hành môi trường trong toàn ngành, học hỏi từ hiệp hội ở các quốc gia khác. Vai trò này có thể được thực hiện bởi Hiệp hội Vật liệu Xây dựng hiện tại.
  • Các hình phạt được đề xuất đối với các vi phạm có thể chưa đủ răn đe các đơn vị khai thác lớn khiến họ phải từ bỏ ý định tiếp tục khai thác bất hợp pháp.
  • Không có cam kết đầy đủ về các biện pháp giám sát và giải quyết các hành vi vi phạm (chẳng hạn như theo dõi GPS, giám sát video, sử dụng máy bay không người lái, v.v.), cũng như trong việc thu hút hoặc trao quyền cho “người tố giác” bí mật từ cộng đồng địa phương.
  • Quy định về môi trường có thể trao thêm quyền cho cộng đồng để khắc phục ô nhiễm sông, thiệt hại tài sản hoặc mất thu nhập từ đánh bắt cá hoặc trồng lúa.
  • Các hạn chế nêu trên có thể khiến các đơn vị khai thác không được chứng nhận/không đủ điều kiện với công nghệ lạc hậu, trả công thấp, ít quan tâm đến khai thác có trách nhiệm cũng như ít quan tâm đến sức khỏe, an toàn lao động cho công nhân khai thác. Hơn nữa các hành vi khai thác phạm luật cũng ít khi chịu các hình phạt và tiền phạt. Tình trạng thuế tài nguyên thấp, trốn thuế, khiến chi phí khai thác hiện tại cực thấp, và cũng khiến người mua cốt liệu có ít động lực lựa chọn vật liệu thay thế bền vững và đáng tin cậy hơn.
  • Tóm lại, chúng tôi khuyến nghị pháp luật phải được thực hiện sao cho nội hóa được các ngoại tác do hoạt động khai thác cát sông và từ đó dẫn đến tăng tính chuyên nghiệp và chi phí trong hoạt động khai thác cát sông. Mục tiêu 2030/2050 thay thế cát tự nhiên bằng cát nhân tạo và vật liệu tái chế có thể đạt mức tham vọng hơn về thời gian và số lượng dựa trên thành tựu trong các nghiên cứu điển hình ở các quốc gia khác.

Như một bản tóm tắt tổng thể về tình hình Việt Nam, trong một bài báo năm 2019, Nguyễn Nhị Bá và cộng sự (15) đã báo cáo về cách vận hành chính sách về khoáng sản và khai thác khoáng sản quốc gia ở cấp địa phương. “Các kết quả cho thấy, trong thập kỷ qua, Chính phủ Việt Nam đã khởi xướng những cải cách đáng kể đối với khuôn khổ pháp lý quản lý hoạt động khai khoáng, với mục tiêu trọng tâm là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, rõ ràng là những cải cách này có nhiều khiếm khuyết và sơ hở dẫn đến một loạt các hậu quả không lường trước được về kinh tế, xã hội và môi trường. Để đối phó với những thách thức như trục lợi tài nguyên, năng lực và khả năng hạn chế của cán bộ nhà nước, sự thất bại của các thể chế và sự thờ ơ của cộng đồng địa phương, các nhà hoạch định chính sách sẽ cần phải suy nghĩ khác biệt và có chiến lược về ngành khai thác và cách thi hành các quy định. Chỉ trên cơ sở giải quyết những điểm yếu này, về cơ bản, thì mới có thể hi vọng mở ra con đường cho sự tăng trưởng bền vững của ngành khai khoáng Việt Nam trong tương lai.”

Phạm Thị Thùy Linh