Skip Ribbon Commands
Skip to main content

THỰC TRẠNG KHUNG PHÁP LÝ VÀ TRIỂN KHAI VỀ VẤN ĐỀ KHAI THÁC CÁT TẠI VIỆT NAM (PHẦN 3)


Pháp luật và quy định về môi trường

Ở các nền kinh tế phát triển, khai thác cát sông thường bị hạn chế nhiều hơn do sự kết hợp chặt chẽ giữa luật môi trường và luật khai thác. Việt Nam cũng nên xem xét khía cạnh này.

Kể từ năm 2014 Luật Bảo vệ môi trường, Số 55/2014/QH13 (43) là khung pháp lý chính. Nội dung khá chi tiết và dài nhưng dường như hiệu quả bảo vệ môi trường của luật này không cao. Điều 7 của luật này cấm khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách bất hợp pháp và Điều 35 yêu cầu bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác tài nguyên; cả hai điều khoản này không đề cập cụ thể đến khai thác cát. Điều 163 quy định về bồi thường trong trường hợp hủy hoại môi trường, về việc thực hiện thuộc về nhà nước nói chung mà không có cơ quan bảo vệ môi trường riêng như thường thấy ở nhiều nước. Thời gian đã cho thấy luật này không hiệu quả chủ yếu trong việc giải quyết các thách thức về môi trường ngày càng gia tăng do gánh nặng phát triển kinh tế nhanh.

Tháng 11 năm 2020, Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi (44), có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2022. Luật tập trung vào việc làm sạch nước thải và tái chế chất thải, như vậy, có thể khuyến khích sử dụng cốt liệu tái chế. Luật sửa đổi do MNRE thực hiện kỳ vọng đề cao hơn vai trò của cộng đồng trong bảo tồn thiên nhiên, giúp cải thiện sinh kế cho cộng đồng, cụ thể là các cộng đồng tại ĐBSCL. Tuy nhiên, các nhà phê bình lo ngại rằng các cơ chế giám sát và thực thi có thể sẽ vẫn không hiệu quả. Tại nhiều nền kinh tế phát triển (như trong các nghiên cứu điển hình), quy định về môi trường thường mạnh hơn quy định về khai thác, thể hiện ở việc áp đặt các tiêu chuẩn vận hành cao đối với việc khai thác các nguồn lợi trên sông và liên quan đến sông.

Về biến đổi khí hậu, bản cập nhật báo cáo Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (INDC) của Việt Nam theo Thỏa thuận Paris, dự đoán lượng phát thải khí nhà kính tại Việt Nam tăng gấp đôi vào năm 2030 và gấp ba vào năm 2050 do gia tăng dân số và tăng trưởng kinh tế. Ngược lại, Việt Nam được coi là một trong những quốc gia chịu nhiều rủi ro thiên tai nhất thế giới. Dân số nghèo của Việt Nam hiện tập trung chủ yếu ở các khu vực nông thôn với nhà ở và kết cấu hạ tầng xã hội kém, đường xá trũng thấp rất dễ bị ngập lụt. Bên cạnh đó, sinh kế của họ phụ thuộc nhiều vào khí hậu như đánh bắt cá và nông nghiệp sử dụng nước mưa. Các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ ngày càng phát triển đã làm giảm tỷ trọng đóng góp tương đối của nông nghiệp, lâm nghiệp và đánh bắt cá vào tổng sản phẩm quốc nội, nhưng các lĩnh vực này vẫn đóng góp lượng đáng kể vào tổng sản phẩm quốc nội và sử dụng gần một nửa lực lượng lao động của cả nước. Ngành năng lượng chịu trách nhiệm cho hơn một nửa lượng phát thải khí nhà kính. Theo sau là nông nghiệp, công nghiệp, chất thải, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp. Các dự báo về tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam bao gồm tăng nhiệt độ, tăng cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan và mực nước biển dâng, gây hậu quả nghiêm trọng cho vùng ĐBSCL. Về mặt tích cực, điều này có thể mang lại cho Việt Nam cơ hội tìm kiếm nguồn tài trợ quốc tế cho các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, một số khoản trong các nguồn tài trợ đó có thể được chi một cách chính đáng để giải quyết các thách thức đối với ĐBSCL được nêu trong báo cáo này.

Các quyết định hành chính khác gần đây liên quan đến ĐBSCL

Thủ tướng Chính phủ vừa thành lập Hội đồng Điều phối Vùng ĐBSCL giai đoạn 2020-2025 do Phó Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch hội đồng, bao gồm Bộ Kế hoạch & Đầu tư (Phó chủ tịch thường trực), Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y Tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, và Bộ Giao thông Vận tải, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, 13 tỉnh và thành phố khu vực ĐBSCL, Đại học Cần thơ và Công ty Lương thực miền nam. Hội đồng này sẽ đưa ra các cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, dự án, chương trình, nhiệm vụ cho toàn vùng theo hướng bảo đảm phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu của ĐBSCL.

Vũ Đức Tùng