Skip Ribbon Commands
Skip to main content

THỰC TRẠNG KHUNG PHÁP LÝ VÀ TRIỂN KHAI VỀ VẤN ĐỀ KHAI THÁC CÁT TẠI VIỆT NAM (PHẦN 2)


Luật khai thác và các quy định cụ thể đối với khai thác cát sông

Nghị quyết 120 năm 2017 của Chính phủ

Nghị quyết 120 của Chính phủ ngày 11 tháng 11 năm 2017(39) đưa ra chiến lược chi tiết về Phát triển bền vững và ứng phó với khí hậu của Đồng bằng sông Cửu long việt nam, trong đó thừa nhận tiềm năng vượt trội về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo có tính đến mức độ biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan và mực nước biển dâng.

Ngoài ra, các nguy cơ do việc khai thác quá mức trầm tích, xây dựng nhà cửa và kết cấu hạ tầng dọc theo các bờ sông cũng được xác định, chẳng hạn, có thể làm tăng nguy cơ mất ổn định đất đai. Công nghệ tiên tiến và tri thức, kinh nghiệm truyền thống sẽ được áp dụng nhằm đảm bảo sinh kế của nhân dân, theo đó, nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, định hướng. Quá trình chuyển đổi đòi hỏi một tầm nhìn dài hạn, ưu tiên thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển nền kinh tế xanh với lượng các-bon phát thải thấp và bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên.

Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên & Môi trường và các cơ quan liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ chương trình tổng thể về phát triển nông nghiệp bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu của ĐBSCL.

Cụ thể, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm triển khai có hiệu quả quy hoạch xây dựng vùng, bảo vệ nhà cửa ven sông để giảm thiểu nguy cơ sạt lở, với yêu cầu nghiên cứu vật liệu thay thế mới dùng trong san lấp mặt bằng và xây dựng.

Các văn kiện pháp lý khác

Những năm gần đây, chính phủ đã ban hành một số văn kiện pháp lý mới nêu rõ các chế tài cụ thể liên quan đến khai thác cát ở các tuyến đường thủy (16,17,18). Các động thái này rất được hoan nghênh dù có thể làm tăng chi phí khai thác cát; tuy nhiên chúng có thể chưa đủ để tạo ra những thay đổi căn bản và bền vững.

Quyết định 2427/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” ngày 22 tháng 12 năm 2011 (41) quy định các yêu cầu chung về khai thác và chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phải gắn liền với an toàn lao động, bảo vệ cảnh quan và môi trường; cấm khai thác vật liệu xây dựng dưới chân đồi, núi, ven quốc lộ để bảo vệ cảnh quan.

Nghị định 23/2020/NĐ-CP (16) của Chính phủ: “Quản lý Cát, sỏi Lòng sông và Bảo vệ Lòng sông, Bờ sông và Bãi sông” bao gồm các yêu cầu về:

  • “Việc cấp phép được thực hiện thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, trừ trường hợp thuộc khu vực không đấu giá quyền khai thác được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Khoáng sản.
  • Trường hợp khu vực đề nghị cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông nằm giáp ranh từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên, trước khi cấp phép, ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép phải lấy ý kiến bằng văn bản của ủy ban nhân dân tỉnh giáp ranh.
  • Trước khi cấp phép, ủy ban nhân dân cấp tỉnh lấy ý kiến chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về đường thủy nội địa, phòng chống thiên tai, thủy lợi và đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 15 của nghị định này.
  • Thời gian được phép hoạt động khai thác trong ngày, từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, không được khai thác ban đêm; quy định về thời gian khai thác trong năm.”

Điều 15 của luật đưa ra các yêu cầu cụ thể đối với khai thác cát và sỏi lòng sông như:

  1. Ranh giới khu vực khai thác phải cách mép bờ một khoảng cách an toàn tối thiểu phù hợp với chiều rộng tự nhiên của lòng sông, đặc điểm địa hình, địa chất và mức độ ổn định của bờ sông do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 21;
  2. Độ dốc đáy của tuyến khai thác tương đương độ dốc tự nhiên của đáy đoạn sông khai thác và đảm bảo không làm thay đổi đột ngột độ dốc của toàn tuyến sông; độ sâu khai thác phải phù hợp với đặc điểm địa hình, địa chất của đoạn sông, bảo đảm không được hình thành các hố xoáy hoặc gia tăng nguy cơ gây mất ổn định bờ sông do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 21 của nghị định này;
  3. Trường hợp đoạn sông ở khu vực trung du, miền núi bị bồi, lắng theo mùa, căn cứ diễn biến của tình hình bồi, lắng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 21 của Nghị định yêu cầu cụ thể đối với hoạt động khai thác cát, sỏi, bảo đảm phòng ngừa, hạn chế nguy cơ sạt, lở bờ, bãi sông.”

Ngoài ra, Khoản 2, Điều 21 của luật yêu cầu:

  1. Cơ quan có thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc xem xét xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường của dự án phải đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông có trách nhiệm thẩm định nội dung đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông, cụ thể như sau:

Cụ thể:

  1. Bộ Tài nguyên & Môi trường chấp thuận phương án thực hiện đối với các dự án thuộc thẩm quyền thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên & Môi trường.
  2. Đối với dự án phải đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông thuộc các trường hợp sau đây trên các sông liên tỉnh, Bộ Tài nguyên & Môi trường có trách nhiệm thẩm định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và chấp thuận phương án thực hiện, trừ các trường hợp quy định tại Khoản 3 của Điều 21:
  • Khai thác cát, sỏi, nạo vét, khơi thông luồng trên đoạn sông liên tỉnh là ranh giới giữa hai tỉnh trở lên hoặc trên các đoạn sông liên tỉnh khác có phạm vi không quá 5 km kể từ ranh giới giữa hai tỉnh về phía thượng lưu, hạ lưu;
  • Kè bờ, lấn sông trên các đoạn sông liên tỉnh là ranh giới giữa hai tỉnh; kè bờ, lấn sông trên các đoạn sông liên tỉnh khác có chiều dài dự kiến lấn sông trên 1 km hoặc làm thu hẹp chiều rộng lòng sông quá 5%.
  1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận phương án thực hiện đối với các dự án trên địa bàn thuộc thẩm quyền thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của mình, trừ các trường hợp quy định tại điểm a khoản này;
  2. Cơ quan có thẩm quyền xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường thì cơ quan đó có thẩm quyền chấp thuận phương án thực hiện đối với các dự án đó, trừ các trường hợp quy định tại điểm a, điểm b khoản này.

Nghị định 36/2020/NĐ-CP (17) (thay thế Nghị định 33/2017/NĐ-CP), quy định về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, bao gồm các tuyên bố về:

  • “Hình thức xử phạt chính: tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây: a) cảnh cáo, b) phạt tiền hoặc c) tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ 1 tháng đến 12 tháng.
  • Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước là 250 triệu đồng đối với cá nhân và 500 triệu đồng đối với tổ chức. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản là 1 tỷ đồng (36.400 EUR) đối với cá nhân và là 2 tỷ đồng (72.800 EUR) đối với tổ chức;
  • Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau:
  • Tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ 1 tháng đến 24 tháng;
  • Đình chỉ hoạt động lập, thực hiện đề án, dự án về tài nguyên nước; đình chỉ hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên nước, thăm dò, khai thác khoáng sản từ 1 tháng đến 12 tháng;
  • Tịch thu tang vật, mẫu vật là khoáng sản, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
  • Các hình phạt bổ sung sẽ chỉ được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính.”

Phạm Thị Thùy Linh