Skip Ribbon Commands
Skip to main content

THỰC TRẠNG KHUNG PHÁP LÝ VÀ TRIỂN KHAI VỀ VẤN ĐỀ KHAI THÁC CÁT TẠI VIỆT NAM (PHẦN 1)


Luật Khoáng sản năm 2010

Khai thác khoáng sản ở Việt Nam được quy định theo Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 của Quốc hội ban hành năm 2010(6,37). Luật này định nghĩa khoáng sản đơn giản là khoáng vật và các chất khoáng được khai thác dưới lòng đất hoặc trên mặt đất, trong đó nêu rõ ràng bao gồm cát và cốt liệu nói chung.

Điều 13 của luật có yêu cầu chung là phải lập các kế hoạch tổng thể có xem xét đến hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường trước khi đưa ra các quyết định đầu tư; có áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến phù hợp với quy mô, đặc điểm của từng mỏ, từng loại khoáng sản để tận thu tối đa khoáng sản được khai thác.

Điều 64 của luật nêu rõ các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Xếp đầu tiên trong số này là cát các loại (trừ cát trắng silic); ngoài ra, có đá trầm tích, đá vôi và đá dolomit. Tuy nhiên, các tổ chức và cá nhân khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không phải xin giấy phép khai thác khi việc khai thác khoáng sản diễn ra trong khu đất của dự án đầu tư đã được phê duyệt hoặc được cấp phép để xây dựng công trình và chỉ sử dụng sản phẩm đã khai thác để xây dựng công trình đó. Nếu chiếu theo Điều 65, cần đệ trình trước kế hoạch khai thác cho cơ quan cấp tỉnh và trả phí khoáng sản.

Chiến lược Phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050

Tháng 8 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ công bố quyết định số 1266/QĐ-TTg (24): Phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050. Quá trình tổ chức thực hiện do Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Công Thương, và Bộ Tài chính cùng các bộ khác chủ trì. Đáng chú ý, chiến lược này cũng ủng hộ phát triển của các hiệp hội nghề nghiệp cho các lĩnh vực khác nhau và dường như sẵn sàng chào đón đầu tư tư nhân vào lĩnh vực vật liệu xây dựng.

Quyết định cũng đưa ra các yêu cầu về hiệu quả của quy trình thực hiện quyết định đối với các phần chính trong các phụ lục. Một số phụ lục nêu rất chi tiết, chẳng hạn như đối với xi măng và vôi. Phụ lục X nêu rõ các yêu cầu chung sau đây đối với việc sản xuất cát:

  • Phát triển các cơ sở khai thác và chế biến cát tự nhiên, sử dụng công nghệ khai thác tiên tiến; cát tự nhiên thích hợp cho bê tông thì không được sử dụng để san lấp mặt bằng, cũng như không được xuất khẩu; cơ sở sản xuất cát xây dựng phải đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường bao gồm cải tạo và phục hồi môi trường.
  • Tăng cường phát triển các sản phẩm cát nhân tạo để đáp ứng nhu cầu; phấn đấu đến năm 2030 đạt mục tiêu sử dụng cát nghiền, cát tái chế từ phế thải công nghiệp và xây dựng nhằm thay thế tối thiểu 40% lượng cát tự nhiên trong xây dựng.
  • Giai đoạn 2031-2050, giảm thiểu sử dụng cát tự nhiên trong xây dựng; nâng tỷ lệ sử dụng cát nghiền, cát tái chế từ phế thải công nghiệp và xây dựng đạt tối thiểu 60% tổng lượng cát sử dụng trong xây dựng.

Vũ Đức Tùng