Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Sẽ ứng dụng công nghệ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất đến tận thôn bản

Diễn biến thiên tai gần đây cho thấy xu hướng gia tăng rõ rệt, đòi hỏi phải có hành động quyết liệt và đồng bộ trong công tác phòng, chống lũ quét, sạt lở đất, ứng dụng công nghệ để cảnh báo đến tận thôn bản.


Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất đến thôn bản còn nhiều khó khăn

Sáng 25/4, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp Quỹ Cộng đồng Phòng tránh thiên tai tổ chức Tọa đàm 'Giải pháp, công nghệ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại cộng đồng'.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành nhấn mạnh, diễn biến thiên tai gần đây cho thấy xu hướng gia tăng rõ rệt, đòi hỏi phải có hành động quyết liệt và đồng bộ trong công tác phòng, chống lũ quét, sạt lở đất.

Cảnh báo sớm và hành động sớm tại cộng đồng chính là yếu tố then chốt nhằm giảm thiểu tổn thất do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, ông cũng chỉ rõ, mặc dù công nghệ dự báo đã có nhiều tiến bộ, việc cảnh báo chi tiết đến cấp xã, thôn, bản và cụm dân cư vẫn còn là một thách thức lớn. Điều này đặc biệt đúng ở các khu vực vùng sâu, vùng xa - nơi người dân còn ít được tiếp cận thông tin, thiếu hệ thống cảnh báo trực tiếp, và còn nhiều hạn chế trong công tác chuẩn bị ứng phó.

TS. Cao Đức Phát, Chủ tịch Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai.

TS Cao Đức Phát Chủ tịch Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai đánh giá Quyết định 1262 đã tạo chuyển biến tích cực trong cảnh báo sạt lở, lũ quét ở miền núi, trung du nhờ hỗ trợ lắp đặt trạm đo mưa, tháp cảnh báo và đội xung kích. Tuy nhiên, hệ thống vẫn chưa đồng bộ.

Theo đó, ông Phát đề xuất ưu tiên xác định công nghệ giám sát hiệu quả, tích hợp bản đồ rủi ro vào hệ thống trực tuyến địa phương và xây dựng lực lượng ứng phó tại chỗ, nhấn mạnh giá trị của AI và công nghệ nằm ở khả năng xử lý nhanh và hành động kịp thời.

Ông Nguyễn Xuân Tùng Phó trưởng phòng Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai nhận định công tác dự báo, cảnh báo đã tiến bộ với bản tin cảnh báo mưa lớn và hệ thống trực tuyến đến cấp xã. Các địa phương đã lắp đặt khoảng 1.500 trạm đo mưa tự động, xây dựng kế hoạch phòng chống và di dời dân.

Tuy nhiên, địa hình phức tạp, mưa lớn cục bộ và địa chất yếu gây khó khăn cho dự báo chính xác. Hệ thống công trình còn thiếu, việc di dời dân chưa kịp thời, dự báo còn hạn chế về độ chi tiết và tin cậy, hệ thống quan trắc chưa phủ rộng và bản đồ nguy cơ chưa chi tiết đến cấp thôn, bản.

Đầu tư công nghệ nâng cao hiệu quả cảnh báo

Theo ông Nguyễn Xuân Tùng, nhận thức và kỹ năng ứng phó của cộng đồng, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, còn hạn chế. Người dân thiếu kỹ năng sơ tán, ứng cứu khẩn cấp, lực lượng xung kích cấp xã thiếu nhân lực, thiết bị và đào tạo chuyên môn. Biến đổi khí hậu làm thay đổi quy luật mưa - lũ, gây bất định cho các mô hình dự báo truyền thống. Phát triển kinh tế - xã hội thiếu bền vững cũng làm gia tăng nguy cơ thiên tai, nhất là tình trạng phá rừng, khai thác khoáng sản, xây dựng trái phép trên sườn núi, ven sông... Trong khi đó, việc di dời dân cư vẫn gặp khó khăn do thiếu quỹ đất, kinh phí và bảo đảm sinh kế lâu dài, đặc biệt tại miền núi phía Bắc.

Trước thực trạng trên, đại diện Cục đề xuất một loạt giải pháp.

Về thể chế, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường đầu tư vào công trình phòng, chống và hệ thống cảnh báo; đồng thời kiểm soát quy hoạch xây dựng, bố trí lại dân cư gắn với sinh kế.

Về công nghệ, cần nâng cao năng lực dự báo mưa lớn ngắn hạn, xây dựng bản đồ rủi ro đến cấp thôn, bản, triển khai hệ thống cảm biến đo mưa, thiết bị cảnh báo kết hợp công nghệ số và AI.

Về cộng đồng, cần tổ chức truyền thông dễ hiểu, tập huấn ứng phó cho người dân, đặc biệt nhóm dễ bị tổn thương, đồng thời nâng cao năng lực và trang bị phương tiện cho lực lượng xung kích tại chỗ.

Cuối cùng, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, khuyến khích doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ phù hợp và huy động hiệu quả các nguồn lực tài chính như ngân sách nhà nước, quỹ thiên tai và các chương trình mục tiêu quốc gia.

Thứ trưởng Lê Công Thành đánh giá cao nỗ lực của Quỹ Cộng đồng phòng, tránh thiên tai trong việc kết nối Nhà nước, giới khoa học và cộng đồng, góp phần xã hội hóa công tác này một cách hiệu quả và bền vững. Ông Thành nhấn mạnh cần tiếp tục khuyến khích mô hình này để huy động thêm nguồn lực.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đề nghị làm rõ ngưỡng cảnh báo thiên tai dễ hiểu để người dân chủ động ứng phó, đồng thời yêu cầu thông tin phải chính xác, kịp thời và phù hợp với khả năng của họ.

Ngoài ra, Thứ trưởng đề xuất phát triển cơ chế chia sẻ dữ liệu cảnh báo giữa các cấp, xây dựng quy trình sơ tán và hỗ trợ tại chỗ dựa trên kinh nghiệm địa phương. Ông Thành cũng khuyến khích ứng dụng công nghệ hiện đại để cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở đất và xã hội hóa việc lắp đặt các trạm cảnh báo tự động ở khu vực nguy cơ cao.