Tại phiên thảo luận hội trường,đại biểu Nguyễn Công Văn (huyện Nghi Lộc) lo lắng trước tình trạng sạt lở, lũ ống, lũ quét mỗi khi mùa mưa đến. Trong khi đó, việc ứng xử đang theo kiểu "mất bò mới lo làm chuồng", giải quyết hậu quả chưa thực sự chủ động...Đại biểu Văn đề nghị chính quyền các cấp cần xây dựng đề án đánh giá tác động ảnh hưởng biến đổi khí hậu và môi trường, đặc biệt là phòng chống sạt lở, lũ ống, lũ quét để có tính chủ động trong phòng ngừa. Đề án này phải đánh giá được từng mức độ đến từng ngọn đồi, từng sườn đồi có ngư dân sinh sống để có phương án phòng tránh. Huy động lực lượng từ già làng, trưởng bản đến các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn để đánh giá tác động ảnh hưởng biến đổi khí hậu và môi trường.
Giải đáp sự lo lắng cùng kiến nghị của đại biểu Văn, ông Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, tình trạng sạt lở ven sông, ven biển, núi là vấn đề lớn, mang tính thời sự được cả hệ thống chính trị quan tâm. Đối với Nghệ An, diễn biến thời tiết hết sức cực đoan, có 21/22 loại hình thiên tai theo Luật Phòng chống thiên tai. Sở NN&PTNT đã chủ động đánh giá các điểm nguy cơ sạt lở. Theo tổng hợp hiện có 449 điểm có nguy cơ sạt lở. Tuy nhiên, đây là con số mới chỉ là đánh giá bằng mắt thường; để đánh giá căn cơ lâu dài, cần phải có sự đánh giá bằng chuyên môn. "Ngày 8-11-2024, Sở NN&PTNT tham mưu cho UBND tỉnh ban hành đề cương đánh giá lại nguy cơ sạt lở trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đánh giá về chất lượng công trình chống sạt lở, diễn biến sạt lở, kiểm soát phân tích đánh giá nguyên nhân, hệ thống cảnh báo, giám sát sạt lở. Với tổng 449 điểm có nguy cơ sạt lở này, theo thứ tự ưu tiên phải đầu tư khoảng 3.200 tỷ đồng để xây dựng các công trình ở những điểm ách yếu" - Giám đốc Sở NN&PTNT nói.
Cũng theo ông Vinh, trong những năm qua, tỉnh Nghệ An hết sức quan tâm đến phòng chống thiên tai. Theo đó, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 09/2024 ngày 7-6-2024 quy định chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình bố trí ổn định dân cư trên địa bàn giai đoạn 2024 - 2030. Trên cơ sở đánh giá khu dân cư, hộ dân cư xen ghép có nguy cơ ảnh hưởng bởi sạt lở. Trong 2 năm 2024 - 2025, tỉnh đã bố trí 42,3 tỷ đồng để thực hiện bố trí và xen ghép các khu dân cư có nguy cơ sạt lở. Đề nghị các huyện trên cơ sở nghị quyết, đánh giá, tổng hợp nhu cầu, xây dựng dự án theo kế hoạch đầu tư công để triển khai sớm, khắc phục sạt lở.