Năm 2024, ở nước ta xảy ra rất khốc liệt, cực đoan với nhiều loại hình thiên tai tại khắp các vùng miền trên cả nước, trong đó một số loại hình thiên tai lớn, diện rộng như: 10 trận bão, 01 ATNĐ, 240 trận mưa lớn, ngập úng, lũ, lũ quét, sạt lở đất, 278 trận dông lốc, sét, mưa đá, 409 trận sạt lở và hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long, 472 trận động đất, 04 đợt rét hại, 19 đợt gió mạnh trên biển, 17 đợt nắng nóng,… gây thiệt hại lớn về người và tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân.
Đặc biệt bão số 3 (Yagi) là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền; bão có nhiều đặc điểm chưa từng có tiền lệ, là cơn bão có cường độ mạnh, sức tàn phá rất lớn, thời gian lưu bão trên đất liền kéo dài, phạm vi ảnh hưởng rất rộng; hoàn lưu bão gây mưa lớn diện rộng toàn Bắc Bộ và Thanh Hóa, gây lũ lớn, đặc biệt lớn diện rộng (hầu hết các sông vượt báo động 3), trong đó lũ lịch sử xuất hiện trên 07 tuyến sông; sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại hầu hết các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ, nhất là các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng,…tác động, ảnh hưởng nặng nề đến hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội, thiết chế hạ tầng từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và miền núi. Bão và mưa lũ sau bão đã làm 345 người chết, mất tích, 805 sự cố đê điều; nhiều công trình cơ sở hạ tầng bị hư hỏng; tổng thiệt hại về kinh tế gần 83.746 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12, thiên tai đã làm 519 người chết, mất tích (gấp hơn 3 lần so với năm 2023 và 2,47 lần trung bình 10 năm từ 2014-2023); 2.212 người bị thương; 6.956 nhà sập, đổ; 297.829 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 350.902 ha lúa, hoa màu, 322.119 ha cây trồng khác bị ảnh hưởng, thiệt hại; 57.229 con gia súc, 5.202.051 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 560,12 km đê, kè, kênh mương; 122,88 km bờ sông, bờ biển bị sạt lở, hư hỏng; 259 tàu, thuyền; 90.479 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, thiệt hại; 913,97 km đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng, ách tắc; khối lượng đất, đá bị sạt lở trên 17.619.079 m3. Thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 89.089 tỷ đồng (gấp hơn 9,5 lần so với năm 2023 và 4,2 lần trung bình 10 năm từ 2014-2023).
Trước tình hình thiên tai ngày càng phức tạp, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã triển khai nhiều biện pháp chỉ đạo, điều hành và ứng phó kịp thời nhằm giảm thiểu thiệt hại. Công tác dự báo và cảnh báo sớm được duy trì thường xuyên 24/24 giờ, với hơn 4.948 lượt cán bộ tham gia trực ban. Đồng thời, Bộ cũng ban hành 188 công điện và hàng trăm văn bản chỉ đạo điều hành, đảm bảo vận hành an toàn hệ thống hồ chứa và triển khai các phương án ứng phó thiên tai ngay từ sớm.
Để chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương ứng phó với các đợt thiên tai, đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành ban hành 01 Nghị quyết, 01 Chỉ thị, 33 công điện chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Ban Chỉ đạo, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành 188 công điện, văn bản chỉ đạo ứng phó thiên tai, vận hành hồ chứa và đảm bảo an toàn hạ du khi hồ xả lũ.
Tổ chức kiểm tra thực tế các tuyến đê và công tác chuẩn bị hộ đê, bảo vệ trọng điểm của các địa phương trước lũ, trong lũ và sau khi lũ rút. Tăng cường công tác truyền thông trước mùa mưa lũ. Tổ chức trực ban theo dõi tình hình đê điều để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; tích cực tham gia công tác phòng, chống thiên tai. Kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo các địa phương triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều, ứng phó với lũ, bão; triển khai phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm và thực hiện nghiêm công tác tuần tra canh gác, bảo vệ đê theo quy định. Riêng đợt ứng phó với bão số 3 và mưa lũ sau bão, ban hành tổng số 18 văn bản chỉ đạo công tác hộ đê, đảm bảo an toàn đê điều; đồng thời phối hợp Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 93/CĐ-TTg ngày 11/9/2024 chỉ đạo các địa phương, Bộ, ngành liên quan tập trung ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều. Mặc dù đây là trận lũ lớn nhất kể từ năm 1971 trên toàn bộ lưu vực đồng bằng sông Hồng, sông Thái Bình đã diễn ra đã gây nên 805 sự cố đê điều, trong đó có nhiều sự cố rất nghiêm trọng; tuy nhiên các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt được giữ vững đảm bảo an toàn. Ngay sau đó, Cục đã tổ chức kiểm tra, rà soát, tổng hợp các sự cố, hư hỏng về hệ thống đê điều, hồ chứa thủy lợi do bão số 3, mưa lũ gây ra và nhu cầu kinh phí khắc phục, sửa chữa ngay để đảm bảo an toàn theo các văn bản số 7074/BNN-ĐĐ ngày 20/9/2024 và số 7726/BNN-ĐĐ ngày 14/10/2024 của Bộ NN&PTNT; theo dõi, nắm bắt, đôn đốc các địa phương xử lý cấp bách các sự cố đê điều, nhất là các sự cố do lũ sau bão số 3. Hàng tháng tổng hợp tình hình vi phạm của các địa phương, tham mưu cho Cục ban hành thông báo gửi các địa phương đề nghị xử lý vi phạm; đồng thời, tham mưu Bộ có văn bản gửi UBND một số tỉnh, thành phố để xảy ra các vi phạm nghiêm trọng, số lượng vi phạm phát sinh nhiều. Ngoài các văn bản thông báo tình hình vi phạm hàng tháng, từ đầu năm 2024 đến nay, đã tham mưu ban hành 10 văn bản đề nghị xử lý vi phạm pháp luật về đê điều.
Đôn đốc các tỉnh/TP trực thuộc trung ương triển khai thực hiện Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030; đã hoàn thiện báo cáo kết quả 04 năm thực hiện Đề án và trình Bộ ban hành văn bản số 4341/BNN-ĐĐ ngày 18/6/2024 đôn đốc các địa phương tiếp tục thực hiện Đề án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục rà soát dữ liệu về sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL theo đề nghị của địa phương vùng ĐBSCL và Đông Nam Bộ, Tây Nguyên. Phối hợp với các địa phương vùng ĐBSCL cập nhật cơ sở dữ liệu về sạt lở. Về sạt lở bờ sông, rạch biên giới Việt Nam-Campuchia (sông Hậu, rạch Bình Ghi) tỉnh An Giang: đã báo cáo Bộ tổ chức đàm phán vòng 2 về việc xử lý sạt lở bờ sông Hậu/Bassac và rạch Bình Ghi/Chrey Thom giữa Việt Nam và Campuchia và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả đàm phán; Tham mưu Bộ hướng dẫn tỉnh An Giang đề xuất giải pháp xử lý sạt lở và thực hiện quy trình, thủ tục xây dựng kè chống sạt lở bờ sông, rạch biên giới.
Song song với công tác dự báo, các hoạt động đào tạo và tuyên truyền cũng được đẩy mạnh. Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai tổ chức nhắn tin khẩn cấp đến người dân vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ. Đã triển khai 65,1 triệu lượt tin nhắn SMS và 115,3 triệu lượt tin nhắn Zalo nhằm cung cấp thông tin diễn biến cơn bão số 3, các nội dung cảnh báo mưa, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và các khuyến cáo kỹ năng ứng phó, đảm bảo an toàn cho người dân. Trong năm, đã tổ chức 25 lớp tập huấn với sự tham gia của 2.525 cán bộ từ trung ương đến địa phương, đồng thời triển khai 8 lớp nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống thiên tai. Hoạt động truyền thông được tăng cường qua hơn 80.000 tin bài trên báo chí và mạng xã hội, 10 tập phim hoạt hình giáo dục về thiên tai phát sóng trên truyền hình, cùng hàng loạt cuộc thi sáng tạo cho học sinh, giúp lan tỏa ý thức phòng chống thiên tai đến cộng đồng.
Công tác hỗ trợ và khắc phục hậu quả thiên tai cũng được triển khai kịp thời. Việt Nam đã huy động hơn 22 triệu USD viện trợ từ các tổ chức quốc tế, đồng thời tiếp nhận 220 tấn hàng cứu trợ từ các nước như Úc, Thụy Sỹ, Nga, Singapore.... Các nguồn hỗ trợ này được phân bổ ngay đến các tỉnh chịu thiệt hại nặng như Yên Bái, Lào Cai và Cao Bằng, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống và phục hồi sản xuất.
Về hợp tác quốc tế, Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò tích cực trong các diễn đàn khu vực và toàn cầu về giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Năm 2024, Việt Nam đã đăng cai tổ chức Hội nghị Châu Á về giảm nhẹ rủi ro thiên tai với sự tham dự của 130 đại biểu quốc tế. Các hoạt động hợp tác với Nhật Bản, APEC và ASEAN cũng được thúc đẩy mạnh mẽ nhằm chia sẻ kinh nghiệm và huy động nguồn lực cho công tác ứng phó thiên tai.
Năm 2024 là một năm nhiều thách thức nhưng cũng là bước ngoặt quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai tại Việt Nam. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế đã giúp giảm thiểu thiệt hại và đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả sau thiên tai. Bước sang năm mới, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường năng lực phòng chống, chủ động ứng phó trước mọi biến động khó lường của thiên nhiên, hướng tới mục tiêu bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nhìn về năm 2025, nhiệm vụ trọng tâm sẽ tập trung vào việc nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm và phòng ngừa rủi ro thiên tai. Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống quan trắc hiện đại, hoàn thiện quy trình vận hành liên hồ chứa, đảm bảo an toàn đê điều và nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu khoa học sẽ được đẩy mạnh để xây dựng các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời đẩy nhanh tiến độ tái thiết cơ sở hạ tầng và khôi phục sinh kế cho người dân vùng bị ảnh hưởng.