Nếu không có tác động từ bên ngoài vào thị trường cát, chi phí cát sông để xây dựng và san lấp mặt bằng sẽ bằng chi phí khai thác (có thể thường dưới 1 đô la Mỹ/tấn) cộng với chi phí xử lý và vận chuyển đến địa điểm của người mua, cộng với tỷ suất lợi nhuận của đơn vị khai thác. Các rào cản gia nhập vốn cũng rất thấp, đôi khi được báo cáo là sử dụng thiết bị “sản xuất trong nước” chất lượng thấp. Kết quả là một đơn vị khai thác thiếu trách nhiệm có thể nhanh chóng khai thác một khu vực và thu lợi đáng kể bất chấp các yếu tố bên ngoài liên quan đến việc khai thác cát sông không kiểm soát.
Can thiệp của nhà nước có thể thay đổi điều này bằng cách ban hành và thực thi pháp luật nhằm nội hóa ngoại tác đối với các yếu tố bên ngoài nêu trên và sử dụng các đòn bẩy kinh tế để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững hơn với việc sử dụng các vật liệu thay thế cát sông có thể chấp nhận được về mặt kỹ thuật.
Nội hóa chi phí có thể đạt được bằng một loạt lựa chọn chính sách như sau:
- Hạn chế nguồn cung: cấm khai thác cát sông ở các vùng của Ấn Độ khiến giá cát tăng vọt lên tới 38 đô la Mỹ/tấn (xem ở trên). Đổi lại, điều này dẫn đến đầu tư nhanh chóng vào các mỏ đá cứng và chuyển đổi các lĩnh vực xây dựng địa phương sang dùng cát nhân tạo.
- Thuế tài nguyên cát sông hoặc thuế cốt liệu: khi quyền sở hữu khoáng sản dưới bề mặt như cát sông thuộc về các bang thuộc Ấn Độ, họ có thể áp thuế tài nguyên đối với cát sông. Ở Ấn Độ, thuế tài nguyên thông thường được áp dụng rất khác nhau, tối đa lên đến 1 đô la Mỹ/tấn. Thay vào đó, mỗi bang có thể chọn tính thuế cốt liệu như được áp dụng ở Vương quốc Anh, nơi mức thuế hiện tại là 2,77 đô la Mỹ/tấn. Phương pháp này mang lại hiệu quả khi lựa chọn vật liệu thay thế cho cát sông sẽ không phải chịu thuế tài nguyên hoặc thuế cốt liệu, do đó chênh lệch chi phí cuối cùng sẽ có lợi cho người sử dụng các vật liệu thay thế cát sông.
- Đấu giá các khối cát sông: với cơ quan cấp phép cấp trung ương, chỉ những khối cát được xác định bởi cơ quan đó mới có thể được khai thác và các quyền khai thác có thể được đảm bảo bởi các đơn vị khai thác có trách nhiệm đã được chứng nhận sau khi thắng đấu giá minh bạch.
- Các khoản bảo đảm đấu thầu và bảo đảm khai thác: các chi phí khác có thể được áp dụng bằng cách yêu cầu các đơn vị khai thác phải trả các khoản bảo đảm đấu thầu và bảo đảm khai thác. Điều này mang đến lợi ích là đảm bảo các đơn vị khai thác tiềm năng có đầy đủ năng lực tài chính thực hiện việc khai thác và có khả năng phục hồi cải tạo cát sông một cách chuyên nghiệp.
- Thuế chôn lấp: các ưu đãi tài chính cũng có thể được tăng cường bằng cách tăng chi phí chôn lấp thông qua cả tăng thuế chôn lấp và các yêu cầu kỹ thuật chi tiết đối với các bãi chôn lấp. Điều này sẽ có tác dụng thứ cấp là khuyến khích tái chế chất thải từ Xây dựng và Phá dỡ làm cốt liệu và vật liệu san lấp. Thuế chôn lấp ở Châu Âu có thể cao hơn mức 100 Euro/tấn.
- Định mức và nhãn xanh: điều chỉnh các định mức để ưu tiên lựa chọn các vật liệu thay thế và hạn chế việc sử dụng kỹ thuật cát sông có thể làm cho M-sand và cốt liệu tái chế được ưa chuộng hơn về thương mại. Tương tự, các nhãn xanh như chứng nhận LEED® đang ngày càng được áp dụng rộng rãi trên toàn cầu. Khi các chủ dự án xây dựng có thể đưa ra quy định về nhãn xanh, các nhà thầu xây dựng phải đạt được một mức điểm nhất định thông qua sử dụng các nguồn vật liệu xây dựng bền vững.
Bên cạnh đó, ngày càng phổ biến hiện tượng chuyển dịch từ sử dụng cát tự nhiên sang cát nhân tạo trong ngành xây dựng. Điều này có thể đòi hỏi thay đổi cả định hướng trong truyền thông, quảng cáo, và PR về các nghiên cứu điển hình thành công (ví dụ: về chi phí tổng thể cho mỗi mét khối bê tông từ việc sử dụng cát nhân tạo M-sand so với sử dụng cát sông). Cùng với đó, cũng nên có các chính sách ưu đãi tài chính theo chuỗi giá trị xây dựng để quy định/sử dụng cát từ nguồn cung có trách nhiệm.
Các hành động hướng tới khai thác có trách nhiệm được thực tiễn chứng minh mang lại lợi ích cho hầu hết các bên liên quan cũng như cho toàn xã hội. Cùng với đó, một chứng chỉ “nguồn cung có trách nhiệm” cho cát và cốt liệu được khai thác hợp pháp có thể được đưa ra như một yêu cầu kiểm toán đối với các nhà phát triển dự án. Nếu không chứng minh được rằng cát và cốt liệu từ nguồn cung có trách nhiệm, nhà khai thác và kinh doanh có thể phải chịu các hình phạt và tiền phạt.
Do đó, một khuyến nghị chính của nghiên cứu này là hiện thực hóa các chính sách ưu đãi tài chính một cách thích hợp với từng hoàn cảnh và thời điểm để tài trợ cho thay đổi cũng như giám sát và thực thi có trách nhiệm. Cho đến nay, điều còn thiếu là đòn bẩy kinh tế để gắn kết các lợi ích theo chuỗi giá trị xây dựng, để các bên liên quan đều có thể hưởng lợi từ việc không sử dụng cát sông, bao gồm các cộng đồng sống dọc sông.
Luật có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đấu giá, mở ra một lộ trình tiềm năng tăng chi phí khai thác cũng như cấp vốn tài trợ cho quản lý, cấp phép, giám sát và thực thi.
Các cải tiến đối với các cuộc đấu giá có thể bao gồm một số hoặc tất cả những điều sau đây:
- Sử dụng các khoản bảo đảm để đảm bảo rằng các nhà thầu có nguồn lực tài chính và kỹ thuật để thực hiện một cách thỏa đáng và có trách nhiệm.
- Các khoản bảo đảm có thể bao gồm:
- Khoản bảo đảm dự thầu nộp trước các cuộc đấu giá (được hoàn lại trong trường hợp không thắng thầu); Mức bảo đảm này có thể ở mức 1-2 EUR/m3 và sẽ được cơ quan cấp phép giữ lại trong trường hợp thắng thầu;
- Khoản bảo đảm vận hành kỹ thuật (hoặc phục hồi) do người thắng thầu nộp để khôi phục địa điểm khi hoàn thành; khoản này có thể được trả lại khi được chứng nhận hoàn thành khối cát khai thác.
- Đấu thầu ngoài khoản bảo đảm dự thầu phải có giá khởi điểm (hoặc thuế tài nguyên) tối thiểu cho mỗi m3, để tăng chi phí khai thác và tài trợ cho chi phí của cơ quan quản lý.
Vũ Đức Tùng