Skip Ribbon Commands
Skip to main content

KHUYẾN NGHỊ LIÊN QUAN ĐẾN KHAI THÁC CÁT Ở VIỆT NAM (PHẦN 2)


Bài học thực hành tốt về khai thác sông từ các nước trên thế giới

Một tồn tại trong các nghiên cứu điển hình (như đã trình bày trên đây) là cần đạt được nhất quán trong cấp phép và thực thi bằng cách chỉ nên có một cơ quan có trách nhiệm duy nhất hoạt động với thẩm quyền và quy trình cấp phép cho một lưu vực sông; cơ quan duy nhất này phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thẩm quyền khác dọc theo chiều dài sông. Điều này sẽ rất lý tưởng khi đi kèm với chứng nhận các đơn vị khai thác có trách nhiệm, có tiềm lực tài chính vững chắc và lý lịch chuyên môn xuất sắc. Đây sẽ là tổ chức duy nhất được phép khai thác cát sông với sự kiểm soát chặt chẽ đối với hoạt động khai thác của họ và có các hình phạt rõ ràng, có ý nghĩa răn đe đối với các hành vi vi phạm giấy phép.

Trong trường hợp thực tế tại khu vực ĐBSCL, chính quyền cấp tỉnh (đôi khi bao gồm cả tỉnh có ranh giới dọc theo các kênh sông) chịu trách nhiệm cấp phép và thực thi. Từ các nghiên cứu trường hợp điển hình và xuất phát từ tình hình cấp bách ở ĐBSCL, chúng tôi cho rằng quyền sở hữu, cấp phép, giám sát/đưa ra chính sách và thực thi khoáng sản nên được nâng lên cấp quốc gia. Với mô hình này, Chính phủ Việt Nam giao quyền cấp phép, giám sát và thực thi cho một cơ quan quản lý sông Mê Công duy nhất với ban giám đốc bao gồm các công chức có năng lực và có quan điểm chính trị rõ ràng.

Một số quốc gia (bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Colombia, New Zealand và Vương quốc Anh) đã xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật chi tiết về khai thác sông có thể khá phù hợp để áp dụng cho vùng ĐBSCL. Một số hướng dẫn kỹ thuật trong số này xác định một cách khá chi tiết thời gian và địa điểm khai thác, và các quy định cấm khai thác gần các loại kết cấu hạ tầng tiện ích khác nhau, các ràng buộc về vị trí của các kho bãi vật liệu, loại thiết bị khai thác được sử dụng, bao gồm cả yếu tố an toàn. Các hướng dẫn kỹ thuật cơ bản nêu trong Nghị định 23/2020 nên được cơ quan cấp phép vùng mở rộng thành một bản chi tiết quy tắc thực hành tốt và được xây dựng có tham vấn các đơn vị khai thác ở ĐBSCL.

Các nghiên cứu điển hình hiệu quả nhất trong việc loại bỏ khai thác sông bất hợp pháp (cụ thể là Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia và Colombia) đều đạt được nhờ công tác phát hiện các hoạt động khai thác bất hợp pháp (bằng cách giám sát GPS, sử dụng máy bay không người lái, v.v.), kết hợp với một loạt biện pháp trừng phạt và các hình phạt bao gồm tiền phạt tăng dần, tịch thu cát khai thác được hoặc xe vận chuyển và thậm chí bỏ tù những người tái phạm nhiều lần.

Kinh nghiệm từ thành viên GAIN cũng cho thấy, để thành công, các cơ quan hữu quan cần có hành động mạnh mẽ, không chỉ về mặt quy định mà còn cả việc thực hiện và giám sát. Kinh nghiệm của GAIN từ các lĩnh vực pháp lý khác cho thấy rằng không những cần cho phép các khu vực và khối lượng khai thác sông/đồng bằng cụ thể, mà còn phải áp dụng theo dõi bằng GPS các tàu khai thác và tất cả các xe vận chuyển cát để đảm bảo sự tuân thủ. Các nhà cung cấp cho ngành công nghiệp bê tông và các nhà thầu xây dựng cũng cần hợp tác với nhau bằng việc mua các cốt liệu được chứng nhận là nguồn cung có trách nhiệm.

Đối với việc giám sát tuân thủ, thực thi giấy phép và luật pháp ở vùng ĐBSCL trên diện tích 40.500 km2 là một nhiệm vụ lớn, nhưng có thể đạt được nếu trao quyền cho một cơ quan cấp vùng được trang bị đủ nguồn lực kiểm soát. Cần tranh thủ sự tham gia của cộng đồng địa phương qua các đường dây nóng, mạng xã hội, v.v. để báo cáo các hành vi vi phạm và sẽ cần được tăng cường bằng hình ảnh vệ tinh và giám sát máy bay không người lái. Các hình phạt chính được điều chỉnh bao gồm tăng mức tiền phạt lên rất cao, tịch thu tang vật hoặc thậm chí bỏ tù nếu vi phạm nghiêm trọng và nhiều lần; các hình phạt khác có thể là thu hồi (hoặc đình chỉ) chứng chỉ đơn vị khai thác có trách nhiệm. Bằng cách đó sẽ loại đơn vị khai thác vi phạm khỏi cơ hội thu lợi nhuận từ ngành.

Bổ nhiệm một trưởng dự án hoặc người đứng đầu tầm cỡ, có uy tín để thúc đẩy và thực thi sự thay đổi, phối hợp hành động giữa các bộ khác nhau và cơ quan có thẩm quyền cấp phép và truyền thông mạnh mẽ về các giải pháp thay thế có lợi về kinh tế cho cát sông ở cả địa phương và với các nước vùng thượng nguồn.

Tại Việt Nam, với rất nhiều bên có khả năng tham gia vào việc lập quy định, cấp phép, giám sát và thực thi, có thể mất nhiều thời gian trong việc đạt được sự liên kết và thực hiện các chiến lược và quy định mong muốn. Để khắc phục điều này, Việt Nam có thể xem xét cách tiếp cận (như đã triển khai ở Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia và Colombia), trong đó, một cá nhân có năng lực và uy tín được chỉ định làm trưởng dự án cho vùng ĐBSCL theo nhiệm kỳ chẳng hạn như ba năm và ngắn hạn. Điều này sẽ đảm bảo thực hiện các mục tiêu tổng thể của Chính phủ trong việc giảm/loại bỏ khai thác cát sông và cho phép can thiệp trực tiếp để giải quyết các tắc nghẽn quan liêu, nhằm thúc đẩy thông qua nhanh chóng các luật, quy định, hướng dẫn mới, các quy chuẩn và tiêu chuẩn và cũng như chủ trì tương tác với các quốc gia vùng thượng nguồn.

Việc tạo ra một hiệp hội cốt liệu chuyên nghiệp và/hoặc một hiệp hội ngành xây dựng là rất cần thiết để xây dựng nên một bên đối thoại hiệu quả cho các cơ quan quản lý, cũng như hỗ trợ cơ quan cấp phép trong việc chứng nhận các đơn vị khai thác có trách nhiệm và tập trung vào cải tiến công nghiệp liên tục cũng như chỉ đạo về nhãn xanh (ví dụ như yêu cầu chứng chỉ nguồn cung cấp cát và cốt liệu và xử phạt việc sử dụng cát sông), điều chỉnh các định mức về cát, cốt liệu áp dụng cho cả cát và cốt liệu nhân tạo và tái chế. Bộ Xây dựng có thể là cơ quan phù hợp để thành lập một hiệp hội như vậy.

Phạm Doãn Khánh