Skip Ribbon Commands
Skip to main content

KHUYẾN NGHỊ LIÊN QUAN ĐẾN KHAI THÁC CÁT Ở VIỆT NAM (PHẦN 1)


Khuyến nghị về khai thác quá mức cát sông ở ĐBSCL

Đánh giá lại ngân hàng trầm tích ở ĐBSCL là cần thiết để đưa ra một chế độ cấp phép phù hợp trong phạm vi trữ lượng cho phép, nhằm cung cấp một cái nhìn toàn diện hơn và góp phần thúc đẩy các lựa chọn nguồn cung vật liệu thay thế cát sông.

Khuyến nghị đối với luật và quy định về khai thác và môi trường Việt Nam

Các chuyên gia tư vấn đề xuất rằng Luật Khoáng sản Quốc gia năm 2010 có thể đưa các chi tiết cụ thể như sau:

  • Thu quyền sở hữu khoáng sản cát sông (hoặc ít nhất là quyền cấp phép) đối với các cốt liệu trên sông của nhà nước về cấp trung ương (nếu chưa thực hiện) và tước bỏ mọi quyền khai thác đã được cấp phép đối với cát sông.
  • Đưa vào một quy trình dành riêng cho toàn vùng ĐBSCL trong đó cơ quan cấp phép trung ương xác định các khối cát đã được quy định rõ ràng (theo các yêu cầu và thông số kỹ thuật không gian 3-D như thời gian; phương pháp khai thác, khôi phục; hệ thống quản lý, báo cáo, v.v.). Mỗi khối được đấu giá thông qua một quy trình minh bạch và chỉ “đơn vị khai thác có trách nhiệm” đạt chứng nhận mới được tham gia. Các đơn vị này sẽ được chứng nhận sau khi trải qua một quy trình sơ tuyển nghiêm ngặt, nộp hồ sơ đấu thầu và bảo đảm dự thầu (được hoàn lại nếu không thắng thầu hoặc sau khi hoàn thành khai thác và phục hồi khối cát sông). Chương trình chứng nhận có thể được khởi tạo và điều hành với sự hỗ trợ của một hiệp hội về cốt liệu chuyên nghiệp.
  • Giả định mọi hoạt động khai thác cát sông phải có sự cho phép của cơ quan cấp phép trung ương hoặc bộ, cấp phép phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về khối lượng cát được phép khai thác theo từng khu vực cụ thể, và không được vượt quá một tỉ lệ nhất định so với trữ lượng cát bồi đắp hàng năm, và phải chịu mức thuế tài nguyên cao hơn trên toàn vùng ĐBSCL.
  • Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền quyết định cho phép khai thác các khối cát sông cụ thể, chỉ những “đơn vị khai thác có trách nhiệm” được chứng nhận mới được phép tham gia đấu giá trong một cuộc đấu giá trực tuyến minh bạch nhà thầu tham gia được yêu cầu phải nộp khoản tiền bảo đảm dự thầu không hoàn lại và cam kết đặt cọc một khoản bảo đảm phục hồi nếu thắng thầu.
  • Chế tài xử phạt hình sự cần được củng cố và thi hành nghiêm ngặt đối với hoạt động khai thác bất hợp pháp với các mức phạt tiền cao hơn rất nhiều; cần tịch thu thiết bị và phạt tù đối với người vi phạm hoặc có hành vi báo cáo thiếu khối lượng đã khai thác cũng như trốn thuế tài nguyên và các loại thuế khác.
  • Giới thiệu chương trình chứng nhận “Đơn vị Khai thác Có Trách nhiệm” cho các công ty để họ có thể tham gia đấu giá giấy phép khai thác cát sông. Chỉ đơn vị khai thác có trách nhiệm mới được phép tiến hành các hoạt động khai thác với thiết bị khai thác đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
  • Thi hành báo cáo chính xác khối lượng khai thác và thanh toán tiền thuế tài nguyên tiêu chuẩn do trung ương quy định cho mỗi tấn khai thác được (miễn đối với cát nhân tạo, cốt liệu tái chế và chất thải được sử dụng để nâng nền đất), bảo đảm nguyên tắc nội hóa ngoại tác, tức là hưởng lợi nhờ chủ động chấp nhận các chi phí không thông qua giao dịch thị trường, (thể hiện ở việc miễn thuế tài nguyên cho các sản phẩm cát nhân tạo, cốt liệu tái chế, và các vật liệu thải dùng để san nền).
  • Giới thiệu chương trình chứng nhận Nguồn cung có trách nhiệm cho cốt liệu xây dựng và vật liệu nâng nền. Chứng nhận này phải đi kèm với bất kỳ nguồn cung cấp vật liệu nào thuộc loại trên; nhà phát triển dự án xây dựng nào không thể xuất trình chứng nhận cho vật liệu được sử dụng sẽ bị phạt tiền.
  • Tiền thuế tài nguyên, tiền phạt và tiền thu từ các cuộc đấu giá có thể nộp cho cơ quan quản lý để nội hóa ngoại tác các hoạt động khai thác cát và được sử dụng cho các hoạt động bảo vệ Hạ lưu ĐBSCL (bao gồm: (1) chi phí nhân sự và vận hành của cơ quan này, (2) các hoạt động giám sát và thực thi, (3) chi phí cho người lãnh đạo, dự án quản lý cát hạ lưu sông Mê Công cũng như (4) các ưu đãi tài chính cho cá nhân tích cực chống khai thác bất hợp pháp - có thể là một số hình thức tài trợ giám sát mỗi km cho cộng đồng ở mỗi vùng ven sông). Điều quan trọng là, chi phí bổ sung này cũng đóng góp vào chủ đích làm tăng giá cát sông (qua đó làm cho các lựa chọn vật liệu thay thế trở nên hấp dẫn hơn do có lợi về mặt kinh tế).
  • Cần thảo luận thêm về mức chi phí bổ sung mong muốn nhằm nâng giá cát sông cho các công trường xây dựng ở ĐBSCL ít nhất phải bằng giá cát nhân tạo tính cả phí vận chuyển (có thể theo đường biển và đường sông) đến các công trường này từ các mỏ đá được cấp phép và giám sát khai thác nghiêm ngặt ở miền Trung và miền Bắc.

Điều 82 của Luật Khoáng sản năm 2010 xác định Bộ Tài nguyên & Môi trường là cơ quan có thẩm quyền chung, nhưng ủy ban nhân dân cấp tỉnh hiện có thể cấp giấy phép thăm dò khoáng sản và giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Các chuyên gia tư vấn đề xuất rằng chỉ nên có một cơ quan quản lý và cấp phép duy nhất. Trong cơ cấu phân quyền, cơ quan này phải có thẩm quyền ở cấp cao hơn cấp tỉnh. Điều đó đồng nghĩa cơ quan ấy có thể là Bộ TNMT hoặc Bộ NN&PTNT. Cơ quan mới về quản lý lưu vực sông cần có quyền kiểm soát đối với các hoạt động khác như nuôi trồng thủy sản, xây dựng đập, du lịch, phát triển vùng ven bờ sông, v.v. Mô hình giám sát – điều hành này hy vọng đủ thẩm quyền điều phối các hoạt động của các bộ và các tổ chức chính phủ liên quan, nhằm đạt mục tiêu ngăn chặn hiệu quả các hoạt động né tránh lách luật cũng như các tác động ngoài ý muốn khác khi dòng sông chảy qua địa giới nhiều tỉnh.

Trên cơ sở đồng ý với Nghị quyết 120 năm 2017 của Chính phủ, các chuyên gia tư vấn đề nghị xem xét một số vấn đề từ kinh nghiệm các lưu vực sông khác. Thứ nhất, nên hợp nhất mọi hoạt động liên quan đến khai thác cát sông và đặt chúng vào một đầu mối. Có thể đặt đầu mối tại một cơ quan cấp khu vực hoặc cấp quốc gia chẳng hạn. Bước đầu tiên của giải pháp, được biết, đã thực hiện thông qua thành lập Hội đồng Điều phối sông Mê Công(20) để quản lý các hoạt động điều tiết khai thác cát. Thứ hai, với mô hình thống nhất đầu mối tổ chức như trên, nên bổ nhiệm một quản lý dự án cấp cao phụ trách đầu mối. Quan chức này cần có khả năng và thẩm quyền tổ chức xây dựng, thu thập, xử lý, và liên kết các mạng lưới thông tin một cách hiệu quả cả về chuyên môn lẫn phong cách quan hệ với đại diện các mạng lưới. Quan chức ấy cũng cần có năng lực và thẩm quyền tham gia giải quyết các trở ngại ở cấp cao hơn. Các yêu cầu không thể thiếu khác của người lãnh đạo đầu mối còn là thành thạo kỹ năng nắm bắt các thay đổi về luật pháp, quy định, quy chuẩn và tiêu chuẩn; kỹ năng điều phối các chiến lược truyền thông hiệu quả hướng đến thúc đẩy sử dụng các vật liệu thay thế cát sông. Cuối cùng và không kém quan trọng là năng lực của người phụ trách đầu mối trong tương tác với các quốc gia khác ở thượng nguồn sông Mekong-Lancang (Mê Công – Lan Thương) mà hoạt động của họ ảnh hưởng đến Vùng ĐBSCL.

Đối với Nghị định 36/2020 của Chính phủ, các chuyên gia tư vấn nhận thấy các hình thức xử phạt được quy định trong pháp luật là một bước đi khả quan. Tuy nhiên, mức phạt và hình thức xử phạt dường như còn khiêm tốn (đặc biệt là kẽ hở trong việc khai thác tràn lan khối lượng dưới 30m3). Hơn nữa, hình phạt chưa thể hiện rõ sự nghiêm minh đối với hành vi thiếu trách nhiệm hoặc bất hợp pháp. Ví dụ, mức phạt tối đa cho một tổ chức được quy định là 72.800 EUR. Nói chung, đây là một khoản tiền tương đối nhỏ và có thể được các đơn vị khai thác thiếu trách nhiệm coi là “chi phí kinh doanh”. Các chuyên gia đề xuất các biện pháp hà khắc hơn sẽ mang lại hiệu quả răn đe thực sự và có ý nghĩa trong việc ngăn chặn hành vi bất hợp pháp và/hoặc vô trách nhiệm. Các biện pháp này có thể bao gồm:

  • Ngừng ngay lập tức và hủy bỏ quyền (đối với địa điểm và đơn vị khai thác vi phạm
  • Thu hồi (hoặc đình chỉ) chứng nhận người khai thác có trách nhiệm.
  • Tịch thu các thiết bị khai thác, xử lý và vận chuyển của đơn vị khai thác.
  • Tiền phạt có cả số tiền tuyệt đối tối thiểu và tối đa (nhưng ở mức cao hơn nhiều, tối thiểu là 10 tỷ đồng và tối đa là 100 tỷ đồng).

Hoạt động khai thác hợp pháp, có trách nhiệm, tuân thủ các điều kiện cấp phép có thể đạt được bằng việc cấp chứng nhận cấp trung ương cho Đơn vị Khai thác có trách nhiệm bằng cách sử dụng các tiêu chí cụ thể và có thể đo lường năng lực đơn vị khai thác. Chỉ khi có chứng nhận này, đơn vị khai thác mới được phép đấu thầu khai thác khối cát. Chứng nhận đơn vị khai thác có trách nhiệm sẽ cho phép đơn vị sở hữu tiếp cận với các hoạt động khai thác sông có lợi nhuận nhưng được quản lý và kiểm soát chặt chẽ. Thu hồi chứng nhận này sẽ có ảnh hưởng lớn về mặt thương mại và tài chính đối với một công ty.

Khuyến nghị sẽ tiếp tục cập nhật các văn bản có liên quan đến luật và quy định về khai thác và môi trường tại Việt Nam nhằm giúp các cơ quan ra quyết định có những chính sách và hướng đi phù hợp với thời gian và luật hiện hành.

Tạ Ngọc Tân