Báo cáo tại cuộc họp trực tuyến ứng phó bão số 5 do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang chủ trì, ông Phan Nguyễn Hải Hà, Trưởng phòng An toàn - An ninh hàng hải (Cục Hàng hải Việt Nam) cho biết, theo thống kê của các cảng vụ hàng hải, tính đến hết ngày 9/9, có hơn 1.200 tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực hàng hải do cảng vụ hàng hải từ Quảng Ninh đến Bình Thuận quản lý. Trong đó có 439 tàu biển và hơn 760 phương tiện thủy nội địa.
Cục Hàng hải Việt Nam đã có công điện đề nghị các cảng vụ hàng hải, đơn vị bảo đảm hàng hải và một số đơn vị liên quan sẵn sàng các kịch bản ứng phó với diễn biến của bão.
Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử hàng hải đã phát thông tin cảnh báo cho các phương tiện hoạt động trên biển về diễn biến của bão để có phương án điều động tàu phù hợp. Các cảng vụ hàng hải cũng thường xuyên cập nhật tình hình bão để kịp thời hướng dẫn tàu thuyền trong khu vực quản lý vào nơi tránh trú hoặc ra khỏi vùng nguy hiểm của bão. Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn đã điều động phương tiện chuyên dụng ứng trực, sẵn sàng cứu nạn khi được yêu cầu.
Tàu, bè neo đậu tránh bão. Ảnh minh họaTàu, bè neo đậu tránh bão. Ảnh minh họa
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam báo cáo, Cục đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc tại khu vực được dự báo bão sẽ đổ bộ ứng trực. Theo đó, 42 phương tiện làm công tác bảo trì tham gia ứng trực, phòng chống bão lũ; 38 xuồng cao tốc và các vật tư, sẵn sàng bảo đảm giao thông khi có ùn tắc trên luồng, tham gia ứng cứu khi cần thiết.
Đối với các Sở GTVT ủy thác, Cục Đường thủy nội địa đã yêu cầu đôn đốc, kiểm tra các đơn vị, chuẩn bị phương án phòng, chống thiên tai, điều tiết, hướng dẫn giao thông, chống phao trôi, bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, công trình; phối hợp với các cấp chức năng địa phương kiểm tra quy định bảo đảm điều kiện hoạt động của phương tiện, đặc biệt tại các bến khách ngang sông. Các đơn vị phải có phương án thu hồi, bảo quản các báo hiệu, kiểm tra rà soát phao neo, trụ neo, khu vực neo cho tàu, thuyền tránh, trú bão trên đường thủy nội địa thuộc phạm vi quản lý. Đồng thời, phối hợp các đơn vị yêu cầu phương tiện neo đậu gần các cầu vượt sông để di dời đến vị trí an toàn.
Về đường bộ, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, các Cục quản lý khu vực, Sở GTVT các địa phương trong vùng ảnh hưởng liên tục cập nhật diễn biến, hướng đi của bão, khi xuất hiện sự cố, sẵn sàng huy động tổng lực, tập trung khắc phục để giao thông thông suốt trong thời gian nhanh nhất. Hiện tại, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang quản lý 56 kho vật tư, thiết bị, sẵn sàng cung ứng để phục vụ công tác khắc phục sự cố do sạt lở, lũ quét từ ảnh hưởng của bão.
Cục Đường sắt cho biết, hiện công tác bảo đảm an toàn cho kết cấu hạ tầng, các điểm xung yếu trên các tuyến đường sắt đã được kiểm tra để bảo đảm an toàn và có phương án ứng phó khi bão đổ bộ.
Cục Y tế GTVT cũng đã sẵn sàng lực lượng y, bác sĩ, vật tư, thuốc men phục vụ cấp cứu, phương án phân luồng, cách ly để phối hợp ứng phó bão trong bối cảnh dịch bệnh, đặc biệt là tại một số bệnh viện nằm trong vùng bão dự kiến đổ bộ như: Hải Phòng, Nha Trang, Vinh, Đà Nẵng, Huế.
Nhận định cơn bão số 5 có diễn biến rất phức tạp trong bối cảnh nhiều địa phương đang căng mình chống dịch, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang yêu cầu các đơn vị tính toán phương án phòng, chống bão kỹ lưỡng, cẩn trọng hơn, đưa ra giải pháp kịp thời, hiệu quả và sát với tình hình thực tế. Đồng thời, các đơn vị cần chú trọng công tác báo cáo, bảo đảm thông tin thông suốt trong suốt quá trình phòng, chống bão, bảo đảm hiệu quả trong công tác chỉ đạo của Bộ GTVT và công tác phối hợp giữa các đơn vị.
Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các cục quản lý chuyên ngành phải tăng cường phối hợp công tác phối hợp với Cục Y tế (Bộ GTVT) và phối hợp với CDC địa phương để dự liệu các tình huống, đưa ra kịch bản để vừa ứng phó bão, lũ hiệu quả, vừa không để dịch bệnh lây lan.
Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cân nhắc, quyết định thời điểm không cấp phép cho tàu SB-VR rời cảng hoặc yêu cầu các tàu SB rời các cảng không có chỗ trú cho tàu, nhanh chóng điều động tàu SB đang hành trình trên biển vào nơi neo đậu an toàn.