Skip Ribbon Commands
Skip to main content

NGÂN HÀNG CÁT CHO TOÀN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG


Ngân hàng Cát quy mô toàn đồng bằng sông Cửu Long được xây dựng trong khuôn khổ dự án “Giảm thiểu tác động của BĐKH và phòng chống thiên tai thông qua sự tham gia của khối công và tư trong khai thác cát bền vững ở ĐBSCL” do WWF và Liên doanh tư vấn Deltares thực hiện.

Hoạt động này nhằm cung cấp những số liệu về trữ lượng cát hiện có ở đáy sông, tốc độ bồi hoàn tự nhiên của dòng sông, ước tính khối lượng cát khai thác trên dòng chính (sông Tiền và sông Hậu) và khối lượng cát đổ ra biển qua các cửa sông cho các nhà hoạch định chính sách ra quyết định ở các cấp trung ương và địa phương. Hướng tiếp cận của nghiên cứu là kết hợp giữa các dữ liệu hiện có và dữ liệu khảo sát, đo đạc mới, mô hình toán và tham vấn với các bên liên quan ở cấp quốc gia và các tỉnh ĐBSCL. Các phân tích bao gồm ước tính khối lượng cát vận chuyển về ĐBSCL từ thượng nguồn, ước tính khối lượng cát khai thác trong đồng bằng, sự phân bổ và vận chuyển của cát giữa các dòng chính và ước tính trữ lượng cát hiện có ở đáy sông cho toàn đồng bằng trong năm 2022 và dự báo đến 2030, 2040. Các kết quả từ dự án có thể sử dụng làm cơ sở để phát triển một kế hoạch giảm thiểu rủi ro và tình trạng dễ tổn thương của ĐBSCL trước BĐKH cũng như các ảnh hưởng do con người gây ra.

Để có được một ngân hàng cát đáng tin cậy, bốn yếu tố mang tính quyết định là 1) lượng cát đổ vào ĐBSCL, 2) lượng cát đổ ra biển, 3) lượng cát khai thác trong đồng bằng và 4) trữ lượng cát hiện có ở đáy sông.


Hướng dẫn đo đạc tại hiện trường

Dựa trên những số liệu này, xét đến nguồn cung hạn chế từ thượng nguồn và nếu tốc độ khai thác vẫn tăng nhanh, thì lượng cát hiện có dưới đáy sông, vốn rất quan trọng đối với khả năng duy trì sự ổn định của đồng bằng sẽ là vấn đề đáng quan tâm. Theo số liệu từ các nghiên cứu khoa học đã được công bố trong nước và quốc tế, việc khai thác nguồn cát sẽ tác động lên khả năng chống chịu của con người, đa dạng sinh học và nền kinh tế của ĐBSCL, ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, quản lý khai thác và các quyết định đưa ra cần dựa trên Ngân hàng Cát, tránh ảnh hưởng đến trữ lượng cát hiện có ở đáy sông. Nếu trữ lượng cát ở đáy sông tiếp tục bị thâm hụt thêm, đồng nghĩa với sự bền vững của đồng bằng cũng đang bị ảnh hưởng./.

 

Vũ Thùy Dương