Vợ chồng bà Danh Thị Ngọc Sươn (ở ấp 12, xã Khánh Thuận, huyện U Minh) đang nuôi 2 đứa cháu nhỏ. Cao điểm mùa khô này, gia đình bà phải bơm nước dưới ao đìa về, dùng phèn chua quậy để lóng nước, dùng sinh hoạt. Còn nước uống thì phải đi xa lấy về uống mà cũng không đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Bà Sươn cho biết: “Xài nước đìa dưới rừng, phải lóng phèn cho nó trong lại mới dùng được. Vậy mà giặt đồ cũng còn đỏ lòm, nước nó rít lắm, tắm thấy rõ luôn. Tắm cho mấy đứa con nít thì phải dùng nước mưa xối lại, còn người lớn thì cố chịu".
Ông Nguyễn Văn Dũng, chồng bà Sươn chia sẻ thêm: “Nước uống thì mình phải đi xa xuống ấp 15 lấy về uống. Mình không có tiền mua nước bình uống. Mình cũng xin nước khoan cây nước của người ta về để dành uống, nước dưới đó ngọt. Đi từ đây xuống đó cũng cỡ 4 - 5km, rồi trở về uống”.
Tuyến kênh Bảy Kinh của xã Khánh Thuận có đông hộ dân sống dọc theo. Xuất chiều dài khoảng 6km kéo dài từ ấp 12, 13, 16 và 17 có nhiều hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Có những hộ cũng khoan giếng, lấy nước ngầm lên dùng nhưng nước bị nhiễm phèn mặn. Người dân không chỉ lo lắng về chất lượng nước mà còn gặp nhiều bất tiện trong cuộc sống.
Bà Lý Thị Xuyên người dân địa phương cho biết: “Tôi có khoan cây nước mà nước không ngọt, bơm lên bị nhiễm phèn, phải lóng lại. Nước mặn mặn, chua chua đó, không có nấu ăn được. Nấu phải nấu nước mưa, cũng có khi thiếu bởi mình không có dụng cụ để đựng cho nó đủ đó. Giặt đồ thì phải lấy nước mưa quậy xà bông mới ra chứ không nó không có bọt. Giặt xong nước đầu thì lấy nước giếng khoan lóng sẵn xả lại, xong xả lại bằng nước mưa cái nữa. Hao nước mưa là hao chỗ đó. Rửa chén cũng vậy, tắm cũng vậy, xong thì dội lại nước mưa”.
Theo UBND xã Khánh Thuận, cùng sự chung tay của các cấp ngành, các nhà hảo tâm, thời gian qua người dân trên địa bàn được hỗ trợ nhiều dụng cụ trữ nước. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền để người dân chủ động trữ nước mưa dùng trong mùa khô đã được quan tâm. Tuy nhiên, cao điểm mùa khô hằng năm, các ấp trong lâm phần rừng đều xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt cụ bộ. Có khu vực không khoan được nước giếng khoan, có khu vực khoan được nhưng nước bị nhiễm phèn mặn.
Ông Trần Công Mười, Chủ tịch UBND xã Khánh Thuận cho biết về hướng khắc phục: “Xã đã chủ động rà lại các hệ thống cấp nước trước đây được các nhà hảo tâm hỗ trợ ở địa phương. Thứ hai, cũng kêu gọi sự chung tay của các nhà hảo tâm để tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để cấp dụng cụ trữ nước cho bà con. Chúng tôi cũng đề xuất với cấp có thẩm quyền, xem xét đầu tư hệ thống dẫn nước nối mạng để phục vụ cho bà con sinh hoạt”.
Toàn xã Khánh Thuận có khoảng 300 hộ dân thiếu nước trong mùa khô này. Mong muốn lớn nhất của người dân hiện nay là có được nguồn nước sạch để dùng ổn định.