Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bảo đảm an toàn đê điều mùa mưa, lũ tại tỉnh Thanh Hóa

Nhằm bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, hàng năm trước mùa mưa bão ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương có các tuyến đê tổ chức rà soát các điểm xung yếu và thực hiện các biện pháp bảo vệ hành lang đê để phục vụ công tác tuần tra canh gác, xử lý sự cố trong mùa mưa, lũ và đảm bảo an toàn công trình đê điều.


Trong những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành ở Trung ương cùng với nguồn ngân sách địa phương, tỉnh Thanh Hóa đã tu bổ, nâng cấp nhiều tuyến đê trên địa bàn tỉnh, nhưng về cơ bản vẫn chưa đáp ứng được so với yêu cầu thực tế. Hiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều đoạn đê được đắp trên nền đất yếu sình lầy, thân đê được đắp bằng nhiều loại đất không đồng chất, địa chất thân và nền đê yếu. Nhiều tuyến đê có những đoạn thân đê cao trên 5m dễ xảy ra sạt trượt khi có mưa lũ, trong thân đê cũng ẩn chứa nhiều ẩn họa như tổ mối, hang chuột...

Theo thống kê đánh giá hiện trạng công trình đê điều trước lũ của ngành nông nghiệp, hiện nay trên các tuyến đê từ cấp I đến cấp III ở các địa phương trong tỉnh còn 131,5km đê thiếu cao trình so với cao trình thiết kế; 56,6km mặt đê còn nhỏ, hẹp, chưa đảm bảo mặt cắt theo thiết kế; 15,72km đê rải cấp phối và đê đất. Đối với đê dưới cấp III còn 228,36km đê có cao trình đê thấp, chiều rộng mặt đê nhỏ từ 3 - 3,5m, mái dốc; 29 đoạn đê sát sông chưa có kè bảo vệ; 16 đoạn kè đang có diễn biến hư hỏng cần theo dõi.

Trước thực trạng trên, ngay từ đầu năm, ngành nông nghiệp đã tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực tổ chức, triển khai thực hiện nghiêm túc công tác chuẩn bị sẵn sàng hộ đê theo phương châm “4 tại chỗ”. Cùng với đó, ngành nông nghiệp phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đê điều trước lũ, xác định các vị trí xung yếu để xây dựng, phê duyệt phương án bảo vệ trọng điểm, phương án hộ đê toàn tuyến, phương án ứng phó với trường hợp lũ vượt tần suất thiết kế và triển khai công tác chuẩn bị. Theo đó, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được 34 phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu về đê điều, gồm: 14 trọng điểm trên các tuyến đê từ cấp III đến cấp I; 20 trọng điểm trên các tuyến đê cấp IV, V, đê biển.

Trưởng Phòng Quản lý đê điều Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa Đỗ Minh Chính cho biết: “Hàng năm, trước mùa mưa bão đơn vị tổ chức thực hiện tổng kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đê điều trên địa bàn để xác định các trọng điểm xung yếu và xây dựng phương án hộ đê, phương án bảo vệ trọng điểm trong mùa mưa bão. Từ đó dự tính khả năng có thể xảy ra sự cố từng vị trí xung yếu khi có lũ, bão và nhận định mức độ nguy hiểm về đê, kè, cống dưới đê. Trên cơ sở đó, xây dựng phương án hộ đê, cứu hộ đê toàn tuyến và phương án ứng phó với trường hợp lũ lớn vượt tần suất thiết kế”.

Đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án kè chống sạt lở bờ tả, hữu sông Chu khu vực cầu Vạn Hà (Thiệu Hóa).

Để phát hiện và xử lý ngay từ giờ đầu các sự cố đê điều, trước mùa mưa lũ các địa phương đã ra quân đồng loạt phát quang cây cối, rào dậu trên mái đê và thanh thải các bãi tập kết rác thải trong phạm vi bảo vệ đê điều. Đồng thời, các địa phương có đê đã chuẩn bị vật tư dự phòng trên các tuyến đê từ cấp III đến cấp I với khối lượng gần 703.130m3 đất, đá; trên các tuyến đê dưới cấp III đạt gần 1.087.167m3; xây dựng kế hoạch và tổ chức diễn tập phương án hộ đê, kiểm tra việc chuẩn bị vật tư, lực lượng, phương tiện, kỹ thuật, chỉ huy; tập huấn nghiệp vụ cho các lực lượng tham gia hộ đê, đặc biệt là lực lượng canh đê, xung kích hộ đê. Đối với các công trình đê điều đang thi công dở dang, ngành nông nghiệp tích cực kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, chỉ đạo nhà thầu thi công tập trung nguồn lực khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công. Các dự án liên quan đến đê điều đang thi công do Ban Quản lý Trung ương các dự án thủy lợi và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa làm chủ đầu tư, tiến hành đôn đốc nhà thầu thi công tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công, đặc biệt là các hạng mục yêu cầu chống lũ, đảm bảo chất lượng, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật để kịp thời đưa vào phục vụ công tác phòng chống lụt, bão. Đồng thời, các dự án xây dựng, phê duyệt và triển khai phương án đảm bảo an toàn cho công trình; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra trong mùa mưa, lũ.