Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Báo cáo nhanh công trực ban ngày 28/10/2020



I. TÌNH HÌNH THIÊN TAI

1. Tin cuối cùng về cơn bão số 9

Sau khi đổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định vào lúc 12h00 ngày 28/10 với sức gió mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 13-14, thời gian duy trì gió mạnh khoảng 06h. Sau đó, bão suy yếu thành ATNĐ, tiếp tục đi sâu vào đất liền, suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào với sức gió mạnh nhất giảm xuống dưới cấp 6 và tan dần.

2. Tin lũ khẩn cấp trên các sông từ Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đắkbla (Kon Tum); lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và Gia Lai

Lũ trên sông Vu Gia (Quảng Nam), các sông ở Quảng Ngãi, Kon Tum và Gia Lai đã đạt đỉnh và đang xuống; trên các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị và sông Thu Bồn (Quảng Nam) đang lên; các sông ở Thừa Thiên Huế dao động ở mức BĐ1-BĐ2.

Dự báo: Trong 3-6 giờ tới, lũ trên sông Thạch Hãn có khả năng đạt đỉnh ở mức 6,4m, trên BĐ3: 0,4m, sau đó xuống; trên các sông ở Quảng Bình và sông Thu Bồn tiếp tục lên; các sông khác từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, Kon Tum và Gia Lai tiếp tục xuống. Đến chiều ngày 29/10, mực nước trên các sông có khả năng như sau:

- Trên sông Kiến Giang tại Lệ Thủy lên mức 2,7m, ở mức BĐ3;

- Trên sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn xuống mức 5,0m, trên BĐ2: 0,5m;

- Trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa xuống mức 7,5m, dưới BĐ2: 0,5m;

- Trên sông Trà Khúc tại Trà Khúc xuống mức 4,8m, dưới BĐ2: 0,2m;

- Trên sông Thu Bồn tại Câu Lâu lên mức 3,8m, dưới BĐ3: 0,2m.

Đến sáng ngày 30/10, mực nước trên sông Thu Bồn tại Câu Lâu có khả năng xuống mức 2,6m, dưới BĐ2: 0,4m; trên các sông ở Thừa Thiên Huế dao động ở mức BĐ1-BĐ2; sông Đắkbla tại Kon Tum, sông Ba tại Ayunpa xuống dưới mức BĐ1.

Nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, Kon Tum.

Cảnh báo: Từ ngày 29/10, lũ trên các sông sẽ mở rộng ra các tỉnh ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ thượng lưu sông Cả (Nghệ An), thượng lưu các sông ở Hà Tĩnh và Quảng Bình lên mức BĐ2-BĐ3, có sông trên BĐ3; hạ lưu sông Cả, sông La (Hà Tĩnh) lên mức BĐ1-BĐ2. Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông và các khu đô thị tại các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi và khu vực Tây Nguyên.

3. Tình hình mưa: Từ 19h00 ngày 27/10 đến 5h00 ngày 29/10, các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định và khu vực Bắc Tây Nguyên có mưa rất to với lượng mưa từ 250-450mm. Một số trạm mưa lớn như: A Bung (Quảng Trị) 345mm, Thừa Thiên Huế 508mm, Phước Công (Quảng Nam) 456mm, Trà Giáp (Quảng Nam) 417mm, Trà Hiệp (Quảng Ngãi) 562mm, Sơn Kỳ (Quảng Ngãi) 470mm, Pờ Ê (Kon Tum) 317mm.

Dự báo: Từ ngày 29-31/10 ở khu vực từ Nghệ An đến Quảng Bình có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; riêng Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có nơi trên 500mm; Ở Thanh Hóa có mưa vừa, có nơi mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 50-150mm/đợt.

II. TÌNH HÌNH HỒ CHỨA, ĐÊ ĐIỀU

1. Tình hình hồ chứa

a) Lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn.

Theo tin lũ khẩn cấp trên sông Vu Gia của Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ (số 81-TL/ĐKVTTB-DB) dự báo lũ kèm kịch bản xả lũ thủy điện Đăk Mi 4 xả tràn: 11.400 m3/s, mực nước trên sông Vu Gia tại trạm Ái Nghĩa có khả năng lên mức 10,3m, trên BĐ3: 1,3m (dưới mức lũ lịch sử năm 2009 là 0,47m). Ban chỉ đạo TW về PCTT đã tổ chức tính toán, phối hợp, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam vận hành hệ thống liên hồ chứa và đã tham gia cắt lũ, giảm ngập cho vùng hạ du.

* Thực tế vận hành

- Tổng dung tích cắt lũ: 250 triệu m3: A Vương: 31 triệu m3; Đak Mi4: 66 triệu m3; Sông Bung 4: 66 triệu m3; Sông Tranh 2: 86 triệu m3.

- Lưu lượng đỉnh lũ về các hồ: Hồ Đăk Mi 4: Qđếnmax= 13.398 m3/s (lúc 16h ngày 28/10) và Qxả max= 7.074 m3/s (17h ngày 28/10)/ 11.400 m3/s (kịch bản).

- Thông số vận hành các hồ A Vương, Sông Bung 4, Sông Tranh 2 (cập nhật 03h, tiếp tục tham gia cắt lũ cho hạ du), cụ thể:

+ Hồ A Vương: Htl= 373.87 m/MNDBT=380 m; Qđến= 466 m3/s; Qxả =102 m3/s;

+ Hồ Sông Bung 4: Htl= 220.61m/MNDBT=222.5 m;Qđến=737 m3/s; Qxả =217 m3/s;

+ Hồ Sông Tranh 2: Htl=172.42m/MNDBT=175m; Qđến= 1073 m3/s; Qxả =391 m3/s;

Riêng Hồ Đắk Mi 4: Htl= 258 m= MNDBT=258 m; Qđến= Q xả =  564 m3/s;

* Mực nước tại trạm hạ du

Lũ trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa đã đạt đỉnh 9,44m; trên BĐ3: 0,44m; lúc 0h ngày 29/10; Dưới mực nước dự báo 0,86m.

b) Lưu vực sông Trà Khúc (số liệu 21h28/10)

- Đakđrinh: Htl= 406 m/MNDBT=410 m;  Q đến= 512 m3/s; Q xả =60 m3/s;

- Nước Trong: Htl= MNDBT=129,5 m;  Q đến= Q xả = 1.333 m3/s;

Hiện nay nước trên các sông đang xuống ở mức dưới BĐ3.

  1. Tình hình đê điều

Hệ thống đê các tỉnh từ Nghệ An đến Khánh Hòa có tổng chiều dài 1.796 km, gồm 939 km đê biển, đê cửa sông và 707 km đê sông. Trên các tuyến đê biển, đê cửa sông: Có 52 vị trí xung yếu với tổng chiều dài 129,7km (Nghệ An: 03 vị trí; Hà Tĩnh: 05 vị trí; Quảng Bình: 04 vị trí; Quảng Trị: 15 vị trí; Thừa Thiên Huế: 20 vị trí; Quảng Ngãi: 04 vị trí; Bình Định: 01 vị trí). Trên các tuyến đê sông từ cấp III trở lên: Có 09 vị trí xung yếu (Nghệ An: 05 vị trí, Hà Tĩnh: 04 vị trí). Trên các tuyến đê từ Nghệ An đến Khánh Hòa hiện có 33 công trình đê, kè đang thi công dở dang với tổng chiều dài 43,8.

3. Tình hình ngập lụt

- Quảng Ngãi: Ngập lụt 1-2m tại các khu vực trũng, thấp thuộc 29 phường, xã ở ven các sông Trà Khúc, Vệ, Trà Câu thuộc các huyện và TP Quảng Ngãi; tỉnh đã sơ tán 6.081 nhà/16.829 người khu vực ngập sâu đến nơi an toàn.

- Kon Tum: Ngập lụt gây chia cắt 02 thôn/259 hộ/1.225 người tại xã Ngọk Réo, huyện Đắk Hà và một số khu vực trũng thấp.

Hiện tại mức độ ngập lụt tại Quảng Ngãi, Kon Tum đang giảm.

III. CÔNG TÁC ỨNG PHÓ VỚI BÃO SỐ 9 VÀ MƯA LŨ SAU BÃO

1. Trung ương

- Thủ Tướng Chính phủ đã có Công điện về việc cứu hộ, cứu nạn những người bị vù lấp tại thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam; Ban Chỉ đạo tiền phương đã họp với BCH PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam và các cơ quan liên quan vào 22h ngày 28/10 để triển khai các phương án cứu hộ, cứu nạn;

- Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có công điện số 32/CĐ-TW ngày 28/10/2020 gửi các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum và các bộ, ngành liên quan về việc triển khai ứng phó với mưa, lũ sau bão; có công văn số 165/TWPCTT ngày 28/10/2020 gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị chỉ đạo các công ty dịch vụ viễn thông tổ chức nhắn tin đến các thuê bao trong khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng của lũ.

- Ban Chỉ đạo tiền phương đã kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 9 tại Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

- Bộ Quốc phòng đã huy động 45.849 cán bộ, chiến sỹ và 4.258 phương tiện, thiết bị tham gia ứng phó với bão số 9.

- Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các nhà mạng nhắn 42.860.247 tin cảnh báo, hướng dẫn phòng tránh tới các thuê bao trong khu vực bị ảnh hưởng bởi bão số 9.

- Đài Truyền hình Việt Nam, đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương liên tục cập nhật các cảnh báo, hướng dẫn người dân ứng phó với bão.

2. Địa phương

- Các địa phương chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với ngành giao thông tổ chức phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông; các địa phương cấm các phương tiện lưu thông từ tối 27/10; các công sở, nhà máy, xí nghiệp cho người lao động nghỉ việc ngày 28/10, trừ các lực lượng thực thi nhiệm vụ phòng chống thiên tai.

- Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định quyết định cho học sinh nghỉ học từ ngày 27/10/2020; tỉnh Kon Tum cho học sinh nghỉ học 02 ngày 28-29/10; tỉnh Gia Lai cho học sinh nghỉ học ngày 28/10;

- Tổ chức rà soát, thống kê thiệt hại và triển khai khắc phục hậu quả.

IV. THIỆT HẠI BAN ĐẦU

Theo báo cáo của các địa phương, thiệt hại ban đầu do bão số 9 và mưa lũ tính đến 22h00 ngày 28/10/2020 như sau:

1. Về người:

- Người chết: 02 người chết

+ Gia Lai: 01 người (theo thông tin ban đầu: ông Tuin Tyan sinh năm 1988, phường Chi Lăng, thành phố Pleiku bị chết do trú mưa ở lán bị sập);

+ Quảng Nam: 01 người (theo thông tin  ban đầu nguyên nhân do sạt lở đất, địa phương đang tiếp tục cập nhật và có báo cáo sau).

- Người mất tích: 55 người do sạt lở đất (theo thông tin ban đầu: Quảng Nam: 53 người Nam Trà My; 02 người Phước Sơn).

- Người bị thương: 28 người (T.T.Huế 4, Đà Nẵng 1, Quảng Nam 5, Quảng Ngãi 13, Bình Định 5).

2. Về nhà:

  • Nhà sập: 227 nhà (Quảng Nam: 13; Quảng Ngãi: 165, Bình Định: 45; Phú Yên: 01; Gia Lai: 03).
  • Nhà tốc mái, hư hỏng: 591 nhà (T.T.Huế: 34, Đà Nẵng 91; Quảng Nam 30; Q.Ngãi: 84.499 (BCH tỉnh đang phân loại cụ thể mức độ thiệt hại); Bình Định: 2.820; Phú Yên: 44;  Gia Lai 181; Kon Tum: 32, Lâm Đồng 2).

3. Về trụ sở cơ quan và cơ sở giáo dục

  • Trụ sở cơ quan bị tốc mái, hư hỏng: 31 (Quảng Ngãi).
  • Giáo dục: 49 điểm trường bị tốc mái, hư hỏng (Đà Nẵng: 09; Quảng Nam: 04; Quảng Ngãi: 29; Gia Lai: 03, Kon Tum: 04).

4. Giao thông

  • 01 cầu treo tại Kon Tum và 02 cầu tại tỉnh Bình Định bị cuốn trôi.
  • Sạt lở gây ách tắc giao thông: Quốc lộ 49 (T.T.Huế): 07 điểm; đường Hồ Chí Minh nhánh tây: 06 điểm (Quảng Trị); 07 điểm (T.T.Huế); 01 điểm tại Km1353+5 thuộc địa phận huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam  bị sạt lở, chia cắt hoàn toàn.

5. Về điện lực:

- Đến 7h00 ngày 29/10/2020 còn 718 xã bị mất điện (nhiều nhất tại các tỉnh Quảng Trị: 90; Quảng Nam: 233; Quảng Ngãi: 168);

- 106 cột điện bị gãy đổ (Đà Nẵng: 03; Quảng Nam: 88; Phú Yên: 12; Gia Lai: 03).

6. Cây xanh bị gãy đổ: 6.617 cây (Đà Nẵng: 1.267; Quảng Nam: 5.000; Bình Định: 350).

7. Về tàu thuyền: 13 chiếc tàu cá bị chìm (Quảng Nam: 04; Bình Định: 06; Phú Yên: 02; Bình Thuận: 01). Trong đó 02/06 tàu của Bình Định (BĐ 96388 TS/12 LĐ và BĐ 97469 TS/ 14 LĐ) bị chìm trên biển ngày 27/10, Bộ Quốc phòng đã điều 03 tàu và 01 thủy phi cơ tham gia tìm kiếm cứu nạn.

V. CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO:

(1) Tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, công điện số 32/CĐ-TW của Ban Chỉ đạo Trung ương và Phòng, chống thiên tai;

(2) Khẩn trương tìm kiếm người mất tích tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam; tìm kiếm cứu nạn thuyền viên trên 2 tàu cá Bình Định; sẵn sàng lực lượng cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu;

(3) Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, sơ tán dân khu vực ngập sâu, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn;

(4) Vận hành hồ chứa phù hợp, giảm lũ cho hạ du và đảm bảo an toàn công trình, đặc biệt trên sông Vu Gia – Thu Bồn;

(5) Khẩn trương khắc phục hậu quả giao thông để thông tuyến, đặc biệt tại huyện Nam Trà My và đường Hồ Chí Minh thuộc tỉnh Quảng Nam;

(6) Tổng hợp thiệt hại và triển khai khắc phục hậu quả (đặc biệt là Quảng Ngãi và Quảng Nam);

(7) Các tỉnh căn cứ tình hình thực tế chủ động tổ chức đưa người dân tại các khu vực sơ tán, di dời về nhà đảm bảo an toàn; huy động các lực lượng vệ sinh môi trường, đặc biệt trung tâm y tế, trường học.

(8) Tăng cường lực lượng trực ban, chia sẻ thông tin kịp thời về công tác chỉ đạo điều hành ứng phó khắc phục hậu quả./.

Tải file đính kèm